Tôi Học Đại Học Chương 1

Chương 1
Ngày đầu tiên xa nhà và cú nhảy tàu nguy khốn

Ngày 3-9-1966

Sáng nay, đầu thu thật đẹp. Trời trong vắt. Mấy cụm mây tơ lửng lơ tựa làn khói mỏng như trôi mà như đứng giữa từng không. Một đàn chim ngói thong thả bay tít trên cao, in lên nền trời lam thảm một hình chữ V di động. Heo may thoảng nhẹ từng cơn rười rượi. Thảm lúa xanh biếc trải dài trên cánh đồng quê quen thuộc, dập dờn như những đợt sóng xanh hút mắt vồ vào chân trời.

Vẫn dòng sông con trong xanh êm đềm trước ngõ. Vẫn chiếc cầu xây đầu làng uốn cong cong như nửa vằng trăng nho nhỏ. Đã bao lần đi học về, mình dừng lại ngồi trên thành cầu hóng mát, đuổi mắt theo những cánh cò giữa thảm lúa bao la. Vậy mà hôm nay, trong phút sắp chia xa để lên đường nhập học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, mình bỗng thấy tất cả như có gì lạ lắm, mới lắm. Nhìn đâu cũng thấy quyến luyến, bâng khuâng khiến mình không sao rảo bước.

Những người đưa tiễn mình đều đã vượt lên trước. Mẹ dừng lại, gọi lớn:

-  Nhanh nhanh lên con ơi! Không khéo trễ ô tô bây giờ!

Bấy giờ mình mới hoảng hốt bước vội. Vừa ra đến bến đợi ô tô ở Chợ Cầu, mình đã thấy thầy Châu, thầy Chứ, người bạn thân Nghiệp Đen, Vũ Như Cách (bạn cùng xã, học sau mình một lớp, rất thân nhau vì cùng mộng ước văn chương, được trường cấp 3 cử tiễn mình lên Hà Nội nhập trường mới) đứng đợi từ lúc nào.

Thầy Chư đội lên đầu mình chiếc mũ lưỡi trai giả da màu gụ nhạt, dặn dò thật văn chương:

-   Đây là chút kỷ niệm tặng Ký để bảo vệ cơ quan đầu não lúc mưa nắng thất thường. Mong Ký biết giữ cái đầu của mình luôn an toàn, luôn sáng suốt để học hành cho tốt nơi giảng đường nhé!

Thầy Châu dúi vào túi xách mình ba trái cam bự và một quyển số lớn, bảo:

-  Thầy có cuốn sổ tặng Ký. Lúc xa nhà, có gì buồn vui cứ ghi vào đây. Coi như thầy trò ta xa mà vẫn gần. Còn đây là mấy trái cam, Ký và Cách dùng giải khát dọc đường cho đỡ mệt. À quên, còn đây là con dao nhỏ tặng Ký để sử dụng khi cần.

(Tính thầy Châu vẫn cẩn thận thế. Bao năm ở tập thể, sống độc thân dù đã ngoại tứ tuần nên thầy luôn chu đáo đến từng chi tiết nhỏ).

Anh bạn Nghiệp chạy lại ôm lưng mình, giọng có chút nghẹn ngào:

Tớ được giấy gọi vào Thủy lợi. Nghe đâu sơ tán về Hà Bắc còn Ký vào Tổng hợp, sơ tán về Thái Nguyên. Vậy là ước mong được học cùng Ký ở Tổng hợp để giúp bạn trong bốn năm đại học giờ đã không thành. Chúc Ký gặp được nhiều bạn tốt mới. Lên trường những ngày đầu xa lạ giữa núi rừng heo hút chắc sẽ khó khăn lắm với cậu, nhất là cái rét khắc nghiệt của mùa đông xứ Thái. Tớ chẳng có gì t ặng, chỉ có miếng đệm mút nhỏ cậu mang theo để ngồi viết cho đỡ nhói mông.

Trong suốt những tháng ngày hai đứa cùng trọ học tại nhà bà cụ Ổn, Nghiệp rất hiểu mình. Với mình mọi việc đều phải ngồi mới thực hiện được. Và dù có ngồi ghế, mình cũng không thể xõa chán như nguời lành lặn. Hai chân phải dùng làm việc, hai chóp mòng luôn tiếp xúc với ghế nên lúc nào cũng nóng rực, tấy sưng mụn nhọt hết đợt này lại gây đợt khác là điều khó tránh. Thương bạn, Nghiệp đi tìm đâu ra những mụn vải độn làm chiếc đệm nhỏ để mình ngồi viết cho đỡ đau.

Nay biết mình đi hoc xa, sẽ phải ghi chép nhiều ở giảng đường, Nghiệp đã nhờ người chú tìm công phu lắm mới được mảnh mút này. Thế là mang đến tặng luôn mình nhân ngày chia tay. Cảm động quá! Tri kỷ hiểu nhau và thương nhau vậy thật hiếm có!

Đoàn tiễn chân mình có đến hơn mười người, trong đó có cả mấy ông bà láng giềng, mấy thằng bạn bóng đá, mấy đứa cháu loắt choắt cũng lon ton đi cùng... Ai cũng bịn rịn, mừng đấy mà lo đấy cho mình những ngày sắp tới.

Sau hơn tám giờ chờ đợi, chiếc ô tô chở khách mới xuất hiện. Xe chuyển bánh khi trời đã tắt nắng. Mọi người nhìn theo vẫy tay không dứt. Mẹ lặng lẽ đưa vạt áo lên chấm nước mắt. Bố cầm chiếc mũ lá đã xám xịt màu nắng mưa, lưa tưa những vết rách quanh vành, vừa vẫy liên hồi vừa dặn với theo: "Thôi, đi nhé! Đi nhé! Tới trường con nhớ thư về ngay nhe... é... é...".

Mình và Cách nhoài người ra cửa sổ xe nhìn với lại. Cách đưa tay vẫy tạm biệt. Mình bổi hổi nhận ra hai bên má nóng hổi hai hàng nước mắt từ lúc nào. Hình ảnh những người thân yêu mờ dần trong chạng vạng bóng đêm. Vầng trăng như quá bóng bạch kim hiện hữu giữa trời đông bảng lảng. Trước mắt mình giờ đây chỉ còn loang loáng hai hàng phi lao bên đường như đang bịn rịn kiên nhẫn chạy theo.

♦ ♦♦

Xe tới bến phà Lạc Quần (Nam Định) thì trời tối hẳn. Vì thời chiến nên bến phà phải sơ tán xa bến cũ chừng vài trăm mét về phía thượng nguồn. Dòng sông Ninh Cơ sau mấy ngày mưa lớn nay gặp lúc triều ròng nước đã nhanh chóng hạ xuống, để lộ hai bờ những bãi sình lầy loang lổ bùn nước dưới ánh trăng giữa tháng vằng vặc. Tất cả khách phải tăng bo, xuống xe qua đò quá giang rồi sau đó sẽ có xe khác đón. Vì là bến phà dã chiến nên không có cầu bến, muốn lên được đò thì phải lội qua bãi sình lầy đáng sợ đó. Ai cũng ngán việc này. Cách băn khoăn bảo mình:

-  Thôi, Ký để mình cõng. Cậu lội qua nguy hiểm lắm! Nhỡ ngã là nguy to. Không may gặp cái gì đâm hoặc cứa vào đôi chân vàng của cậu thì càng khốn.

-   Nhưng cậu còn tay xách nách mang bao nhiêu đồ vậy sao cõng mình được? Tớ đi ủng mà. Cậu đừng lo.

Thấy mình một mực kiên quyết, cuối cùng Cách đành chấp nhận. Cách đi trước một bước để dò dường. Chỗ nào sâu, khó đi, Cách dìu mình tránh. Lên được đò trước, Cách cúi xuống xách nách mình kéo lên, nhờ thêm hai người phía dưới phụ nâng mình lên vì tay mình không bám được vào thành đò. Vừa vào được lòng thuyền thì mình đã tuột mất đôi ủng từ lúc nào, chắc vì bị bùn nước tràn vào nên ủng nặng hơn, trơn hơn rồi rơi mất. Thế là Cách phải nhảy xuống bãi, sục mò mãi mới lôi được chúng lên trong vẻ khó chịu của nhiều người trên đò vì phải đợi quá lâu.

Đò vừa tách bến thì xa xa phía trời nam có tiếng máy bay Mỹ ì ầm vọng tới. Chủ đò yêu cầu mọi người bình tĩnh. Mái chèo vẫn lặng lẽ khua nước. Dòng sông mênh mông trăng. Những làn sóng kim cương lấp lóa. Chốc chốc lại tung lên mạn thuyền những vạt nước đẫm vàng ánh trăng.

Sau gần 30 phút, đò mới cập bến. Khách lại lếch thếch cuốc bộ chừng hơn cây số mới lên được ô tô mới. Tới bến Đò Quan (cũng thuộc địa phận tỉnh Nam Định), xe dừng. Mình và Cách cùng mọi người qua đò sang thành Nam tiếp tục di bộ chừng 6 cây số để tới ga dã chiến Đặng Xá, chờ tàu đi Hà Nội.

Đêm trôi dần về khuya. Làng xa yên ả, không một ánh đèn. vẫn chỉ có vầng trăng như đóa hoa tròn dát ngọc giữa cao xanh thức cùng khách đợi tàu. Mọi người trải ni lông nằm ngồi ngổn ngang hai bên vệ đường 21A, cận kề những giao thông hào xuyên suốt chạy dọc bên rìa đường bộ. Thỉnh thoáng lại vọng tới tiếng máy bay gầm, tiếng bom nổ xa xa phía Ninh Bình, Thanh Hóa.

-  Chúng nó lại ném bom Hàm Rồng nữa rồi! - Có tiếng một phụ nữ.

-  Có lẽ cả Đò Lèn nữa. Nghe gần lắm! - Tiếng một ông lão phụ họa.

12  giờ khuya, tàu mới hú còi vào ga đón khách. Mọi người bừng tỉnh, nháo nhào chuẩn bị hành lý.

Chuyện lên tàu với những người lành lặn chẳng có gì để nói. Ai cũng bám vào cái tay vịn nơi cửa toa, nhẹ nhàng nhảy phốc lên như một trò chơi. Còn với mình... Chao ôi... Hồi hộp quá! Phức tạp quá!

Để thích nghi thời chiến, tàu không vào ga mà dừng ở đoạn đường gần ga. Không hề có sân ga. Nhìn khoảng cách từ mặt đường tới thềm cửa mỗi toa cao tới hơn một mét, lòng mình sững lại, bối rối. Tay đâu để bám? Mình sẽ lên tàu như thế nào được nhí?

Tàu chỉ dừng 5 phút. Nếu không lên mau sẽ không kịp mất. Cách cũng tỏ ra đang lúng túng không kém. Phát hiện có mấy chiếc cột mốc giao thông chôn bên vệ đường sát chỗ tàu dừng, mình liền báo bạn rằng đã nghĩ ra cách rồi. Không kịp suy nghĩ gì thêm, không còn biết gì đến nguy hiểm, mình vội lao đến chiếc cọc bê tông ngay bên cửa một toa tàu, giơ cao chân phải đặt lên đỉnh cọc rồi lấy đà nhún người bật lên, hòng bước chân trái vào cửa tàu.

Nào ngờ khi vừa tung người lên từ chiếc cột mốc ấy, vì không đủ lực rướn nên người mình chao ngược, đổ ngất về phía sau nơi rãnh đường. Nếu không có Cách và mấy người phía sau đỡ vội thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Sợ hết vía! Đúng là thiếu đôi tay, mình như con thuyền giữa phong ba lại thiếu bánh lái. Sự nguy khốn bất cứ lúc nào cũng có thể hiện hữu như vậy đó.

Ngoài cửa sổ tàu, vầng trâng vẫn tỏa ánh vàng sáng láng giữa bầu trời thu bao la trong vắt. Mình có cảm giác tàu chạy đến đâu, vầng trăng chạy theo đến đó và như thầm thì bên tai mình: "Cậu cứ yên tâm! Tôi luôn theo từng bước chân của cậu đấy! Cậu không bao giờ cô đơn...".

Hết chương 1. Mời các bạn đón đọc chương 2!

Nguồn: truyen8.mobi/t42892-toi-hoc-dai-hoc-chuong-1.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận