Tôi Học Đại Học Chương 17

Chương 17
Chuyện chiếc chăn bông

Ngày 21-12-1966

Sáng nay chủ nhật, trời quang quẻ. Vòm trời thung lũng sáng sủa như rộng hơn, cao hơn. Thời tiết chỉ còn se se lành lạnh chứ không buốt giá. ông mặt trời không phải co ro giấu mình trong chăn mây như mọi ngày. Khuôn mặt ông tươi tỉnh, hồng hào, hiện ra mồn một nơi đỉnh dãy Tràng Dương, gửi tới phòng mình những chùm nắng ban mai rực rỡ thật đẹp và ấm áp qua khung cửa sổ được rộng mở chứ không phải khép chặt kín mít nửa. Mình quyết định dành trọn ngày để "đại tu" chiếc chăn bông mà bố mẹ mới mua gửi cho khi vừa chớm đông.

Chăn không có vỏ bọc, chỉ có ruột, lại là chăn tiết kiệm Dân Sinh, được chê' bằng vải sợi phế thải nghiền ra làm giả bông. Các đường chỉ chăn thưa thớt, cẩu thả. Mình lại sử dụng theo cách khác người nên nó mau hư cũng là điều dễ hiểu. Khi đắp, ai cũng dùng tay giở chăn ra rồi nhẹ nhàng kéo phủ lên người. Còn mình đâu làm được vậy! Mỗi lần sử dụng là mỗi lần phẩi dùng chân luồn vào rồi tung lên, kết hợp dùng miệng giữ lại, có khi tới 4-5 lần mà đắp vẫn chưa được như ý.

Đã vậy, nhiều đêm lạnh quá, chăn được trải ra giường để nằm một nửa và đắp một nửa. Cũng có khi trải ra giường để ngồi viết, ngồi đọc cho ấm và đỡ nhói mông. Các đường chỉ chăn vì vậy liên tục bị co kéo, day dí, đứt từng mảng. Từng mớ bông chỗ đen, chỗ trắng, chỗ vàng, chỗ xanh, chỗ tim trong lớp vải màn mỏng méo xô cộn lại với nhau, có nơi bụ lại thành đống, có nơi lại trống không, rỗng tuếch. Nếu không kịp thời dàn bông ra để chần chỉ lại thì nguy cơ cái chăn bị "báo tử" không còn lâu nữa.

Hiểu ý định của mình, Hưng cầm tấm chăn giơ lên nhìn rồi lắc đầu, ném phịch xuống giường, buông một câu ngán ngẩm:

-   Thôi ông ơi! Không thương được nữa đâu. Cứ để vậy đắp được đêm nào hay đêm ấy. Trước sau ông cũng phải mua chăn mới thôi! ông mới được nhận học bổng loại đặc biệt mà! Hơn nữa, ngồi mà chần lại toàn bộ chiếc chăn này kỳ công lắm. Không có kim chuyên dụng loại to, dùng kim khâu nhỏ bình thường, chăn lại dày, ông dùng chân không làm nổi đâu, nguy hiểm lắm!

Mình lắc đầu đáp lại:

-   Không! Tớ cứ phải làm thôi! cảnh sinh viên thời chiến mà, còn nghèo lắm, phải tiết kiệm ông tướng ơi. Lãng phí là tội ác đấy! Cứ nghĩ cảnh phải chia xa nó mình thấy thương thương tiếc tiếc thế nào. Chẳng gì nó cũng dã ôm ấp chung nằm với mình, đem lại hơi ấm cho mình suốt bao đêm đông giá lạnh. Giờ nó hơi cũ, hơi xạc, hơi bệnh tật ốm yếu một chút, lẽ nào lại bỏ rơi nó? Nó cũng có hồn cả đấy! Không thể đối xử với nó nhẫn tâm thế được. Tớ đã quyết rồi. Dứt kh oát phải cứu nó thôi. Làm một chủ nhật không xong thì hai, ba hoặc lâu hơn nữa cũng chẳng sao. Làm cái gì cũng phải kiên nhẫn mới được.

-  Tớ nói vậy thôi. Còn tùy cậu. Chỉ sợ khi cái chăn được chần lại xong thì chân ông cũng xong luôn việc phải đi bệnh xá cấp cứu vì quá nhiều vết kim châm bị nhiễm trùng là nguy đấy. ông liệu mà tính toán, không khéo lợi bất cập hại đó!

-   ông yên tâm đi! Tớ có cách mà!

-  Thế chủ nhật này ông không sang khoa Lý chơi với bạn như đã hứa sao?

-    ừ, quên mất. Nhưng thôi mình ông chịu khó đi vậy. Sang đó ông nói với bạn ông nhờ đưa tới gặp Ngoan bạn tôi, nói hộ rằng chủ nhật này mình có lý do đặc biệt không đến được. (Ngoan là bạn cùng lớp 1OB với mình ở trường cấp 3 Hải Hậu, Nam Định). Chắc là bạn tôi sẽ thông cảm thôi! Chúc ông một ngày gặp bạn nhiều niềm vui mới. Bây giờ tôi nhờ ông giúp luôn một việc, ông vui lòng dịch chiếc giường của ông kê sát giường tôi. Chắc là ông biết tôi cần mặt phẳng rộng để trải chăn ra. Có thể việc chần chỉ mới dễ dàng được ông ạ!

Hưng không nói gì nữa, lặng lẽ giúp mình ngay.

Hưng đi rồi, mình hăm hở bắt "chân" vào việc. Cái khó đầu tiên là chuyện xâu kim. Xâu kim chỉ một thì không có gì khó. Song việc này nếu dùng chỉ một thì không ổn vì chẳng mấy chốc chỉ lại đứt như trước thì phí công. Việc gấp đôi sợi chỉ lại để xâu qua lỗ kim bằng chân quả thật phức tạp quá.

Phải vo đầu chỉ thế nào thật gọn, thật nhọn. Có khi xuyên được đầu chỉ qua lỗ kim rồi lại không kéo chỉ được. Loay hoay kiên trì mãi, chừng hơn 10 phút mình mới thực hiện được công đoạn này.

Mình quyết định trải toàn diện chăn ra hai chiếc giường cá nhân đã kề liền nhau, dàn bông đều ra mọi vị trí trong vỏ bọc tuy đã xạc nhưng chưa bị rách chỗ nào. Để đường chỉ được thẳng hàng, ngay lối, đều nhau, mình dùng một thanh tre làm thuớc, lấy bút chấm các đường kẻ ngang và dọc tấm chăn theo hình các ô vuông. Tổng cộng có 22 đường ngang và 17 đường dọc. Mỗi đường dọc dài 2 mét. Đường ngang 1,6 mét. Như vậy để hoàn tất "công trình" phải chần 34 mét đường chỉ dọc, 35,2 mét đường chỉ ngang. Tất cả có tới 69,2 mét cả thảy. Chà, thật là một con số quá lớn! Vất vả đấy! Biết bao giờ mới xong nhỉ? Nhưng đã quyết rồi. Cứ phải làm thôi. Kiến tha lâu sẽ đầy tổ.

Hai đường chỉ ngang và dọc ở giữa được mình chọn để "khai kim" đầu tiên. Đúng là "vạn sự khởi đầu nan". Kim ngắn và nhỏ, tấm chăn lại dày và rộng. Sợi chỉ lại buộc phải để dài mới đỡ thực hiện liên tục "công đoạn" xâu kim với chỉ đôi đầy nhọc nhằn, vất vả. Bởi thế nên khi mình dùng chân phải chọc kim từ trên xuống, chân trái luồn dưới chăn đỡ lấy rồi kéo chỉ, mắt không thể nhìn được đầu ra của mũi kim, thành ra lúc đầu chưa quen, ngón chân trái liên tục bị kim xuyên vào, đau điếng. Bực mình nhất là nhiều lúc chỉ bị rối, kéo mãi không được. Thế là đành dứt ra, xâu chỉ mới. Gian nan, trần ai quá!

Đúng là trẻn đời chẳng có gì đơn giản cả. Cái gì cũng phải trả giá. Cái gì cũng phải đi qua thất bại mới tới thành công. Để an ủi tự động viên, mình vừa làm vừa lẩm nhẩm vui vẻ đọc đi đọc lại 2 câu thơ của Tố Hữu trong bài Dậy mà đi: "Thua ván này ta đem bày ván khác/ Có can chi, miền được cuộc sau cùng".

Quả thật "có còng mài sắt có ngày nên kim". Khi anh Kiểm thay Hưng mang cơm trưa đến cho mình thì cũng là lúc 2 đường chỉ đầu tiên vừa hoàn tất. Để anh khỏi biết chuyện, mình vội gấp chăn lại, ngồi ăn bình thường.

Trưa, mọi người đi ngủ, mình cũng ngả lưng một chút cho đỡ mệt. Dù chăn mới được chần có 2 đường chỉ giữa mà đắp nghe chừng đã ấm hẳn. Bông không còn xô cộn nhiều như trước. Nhưng rồi nằm chưa ấm lưng, hình ảnh chiếc chăn đang chần dở như thầm thì bảo mình: "Thôi cố giúp em cho xong đi anh yêu ơi! Anh thấy không, công anh vừa bỏ ra một chút vậy thôi mà em đã đổi dáng, thay hình rồi đấy? Em sốt ruột lắm rồi! Anh cố dậy làm tiếp đi. Gái có công đù chồng chẳng phụ. Đêm nay khả năng đợt gió mùa mới lại về đấy! Em sẽ đền đáp cho anh, không sợ gì rét nữa đâu. Anh dậy đi! Dậy giúp tiếp em đi thôi!".

Sự chần chừ như biến đâu mất. Mình vùng dậy hăm hở thực thi tiếp "công trình" dang dở. Vì đã có kinh nghiệm nên những mũi kim được xuyên nhanh hơn, đường chỉ đều hơn. Để đỡ bị trúng "đòn" từ mũi kim và cầm kim đỡ trơn hơn, dễ kéo chỉ hơn mình đã dùng một miếng vải nhỏ quấn vào hai ngón chân cái. Việc xuyên kim cũng không còn phó thác tất cả cho chân phải nữa mà chia đều cho cả hai chân. Chân phải xuyên kim xuống. Chân trái bắt lấy mũi kim rồi rút chỉ qua, sau đó xuyên kim ngược trở lên và chân phải lại bắt lấy mũi kim, lại kéo chỉ. Cứ như vậy, công việc trở nên nhịp nhàng, tốc độ hơn. Nhưng tới khi chiều gần tắt nắng mình cũng mới chỉ chần thêm được 4 đường chỉ nữa.

Mỏi lưng quá, mình nằm xuống giường, định nghỉ giải lao một chút thì bất ngờ có người đẩy cửa bước vào. Mình vội nhổm dậy, giật mình nhận ra Hạnh Nhu và Thanh Trà. Không kịp thu dọn "chiến trường". Thế là sự việc đã "bại lộ"!

-   Ồ, Ký đang "đại tu" chăn hả? - Trà nhanh nhảu.

-   Trời! Sao không báo bọn mình hộ? - Nhu tiếp luôn:- Việc gì Ký cũng tự làm hết thế này có lẽ bọn mình "thất nghiệp" hết. Thôi, để bọn mình giúp cho!

Trà, Nhu cùng cầm tấm chăn nhìn ngắm những đường chỉ mới chần của mình, tấm tắc rồi bắt tay giúp mình ngay.

-    ừ, Ký khâu bằng chân mà đường chỉ nào trông cũng đều tăm tắp. Bọn mình chần bằng tay chưa chắc đã đẹp bằng cậu. - Nhu vừa nói vừa cười vừa thoăn thoắt xuyên kim. Hai bạn vừa làm vừa nói cười vui vẻ. Chẳng bao lâu chiếc chăn đã được chần kha khá.

Vừa lúc Bính, Hòa, Cấp và Lân từ đâu kéo nhau đến phòng mình chơi. Thấy Nhu và Trà đang giúp mình khâu lại chăn, các bạn định rút lui, mình liền năn nỉ:

-   Thôi, các bạn cùng ở lại chơi đi. Tối nay chủ nhật mà! Tớ có việc này muốn nhờ các bạn đày. Tiện thể hôm nay có Nhu, Trà đến giúp mình, lại m ay được các bạn đến chơi, tớ mới nhận học bổng loại đặc biệt, muốn khao các bạn một chầu cháo sắn. Bây giờ các bạn vui lòng giúp mình nhé?

Sau giây phút chần chừ, các bạn quyết định chiều theo ý mình. Chỉ hơn 1 giờ sau, mọi chuyện đã diễn ra như ý. Để ghi trọn "sự kiện" đáng nhớ này, mình ngẫu hứng xướng luôn mấy câu thơ "con cóc" vui vui:

 

CHÁO SẮN Bính thì chẻ củi giữa sân

 Cấp đi mua sắn còn Lân rửa nồi

 Ký, Hòa nhóm lửa lên rồi

Xong xuôi tất cả cùng ngồi vây quanh

Tưng bừng gõ bát lanh canh

Vừa khi cháo chín mùi hành núc thơm

 Mấy thằng xì xụp khen ngon

Cháo hành Thị Nở chắc còn thua xa.

Tiếng cười vui vang cả khu tập thể. Trang, Xuân, Cao, anh Kiểm ở các phòng bên cùng sang góp vui. Các phòng đã lên đèn. Bảo Hưng đi chơi vừa về tới, vội nhập "hội" ngay. Một tay bê bát cháo, một tay Hưng giở chiếc chăn ra xem. Nhận ra chiếc chăn cơ bản đã được sửa hoàn chỉnh, Hưng ngạc nhiên:

-   Ái chà chà! Sao Ký chần nhanh vậy? Tôi không tin dù đó là sự thật...

Mình thật thà nói luôn:

-   Một cây làm chẳng nên non. Nhờ có Nhu và Trà giúp chứ không thì...

-   Đấy! Đấy! Tôi biết ngay mà. Chứ mình ông có mà đến tết cũng chưa xong. - Hưng buông tấm chăn xuống giường, hai tay bưng bát cháo vừa húp tiếp vừa nhìn Nhu, Trà, buông môt câu thật tếu:

-  Vậy là đêm nay ông Ký tha hồ ấm. Không chỉ có hơi ấm của tấm chăn đã mới hóa mà còn có cả hơi ấm của bà Nhu và bà Trà nữa. Sướng nhé!

Cả hội lại cười rộ trong tiếng vỗ tay vui vẻ rất tiếu lâm.

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/t45809-toi-hoc-dai-hoc-chuong-17.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận