Ngày 27-12-1966
Bấy lâu nay mình rất khổ sở với chuyện thiếu dầu hỏa để thắp đèn. Mỗi tháng mỗi sinh viên được cấp 1/4 lít. Ai học khuya, sẻn so lắm cũng chỉ được năm ngày. 25 ngày còn lại buộc phải dùng dầu giá cao ngoài "chợ đen".
Nếu không có tiền mua dầu, chỉ còn cách tối tối rủ nhau đi chơi trăng. Không trăng, trời lạnh quá thì rủ nhau tới phòng ai đó chụm củi lại rồi "nổi lửa lên em" nướng sắn, nướng khoai; vừa ăn vừa vỗ tay ca hát trong ánh lửa bập bùng. Nhiều buổi vui quá, đêm lửa trại ngẫu hứng ấy có khi tới quá nửa đêm, bị ban cán sự lớp đến nhắc nhở, mọi người mới chịu ai về phòng nấy, lên giường ngủ.
Với mình, một phút trôi qua trong lãng phí là một phút nuối tiếc xót xa. Mình mới đọc được câu châm ngôn thật tâm đắc ở một cuốn sách nào đó "Ai tranh thủ dược thòi gian người đó tranh thủ được tưong lai". Còn mình thì luôn tự cảnh báo "Ai giết thời gian sẽ tự giết chính mình". Không thể vì điều kiện khách quan, vì thiếu dầu mà để hoài phí những phút giây vàng ngọc được. Thời gian với mọi nguời đã quý. Với mình càng ngàn lần quý hơn. Mình không có điều kiện sức khỏe như các bạn. Chắc cũng không thông minh như nhiều bạn. Nếu không tranh thủ lấy cần cù bù khả năng, lấy thời gian khóa lấp những khiếm khuyết, chắc mình sẽ khó vượt lên chính mình.
Hơn nữa, lâu nay mình không những tâm niệm phải học tốt để không thua các bạn mình còn thực hiện ước mơ hoàn nốt cuốn tự truyện ngay trong 2 năm đầu trên ghế giảng đường. Làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm. Vì thế, đêm là khoảng thời gian vô giá để mình thực thi công việc hiệu quả. Muốn vậy, mình phải tìm cách tạo ra chiếc đèn đủ sáng lại tiết kiệm dầu. Chỉ có vậy mình mới mong vừa học tốt vừa có thời gian viết được tác phẩm.
Thật may sao, sáng nay, có bạn gái tên Ngoan từ khoa Lý cùng bạn đến chơi, mang tặng mình 2 chiếc ống nghiệm nói là để làm bóng đèn cải tiến. Như được trời trao của quý, mình mừng rỡ cảm ơn Ngoan hết lời. Ngoan cười vui giới thiệu người bạn trai cùng đi.
- Đây là anh Chí, người quê Bác đấy! Anh làm lớp trưởng BI của mình (biệt danh năm thứ nhất khoa Lý). Nghe nói mình là bạn của Ký, thế là anh săn đón mong được gặp bạn. Chủ nhật trước Ký hẹn đến chơi, anh và mình chờ hoài. Khi bạn của Ký đến thông báo Ký bận không đến được, mình cứ lo lo không biết lý do gì.
Anh Chí tiếp luôn lời Ngoan:
- Thế này bạn Ký ạ, mình là dân xứ Nghệ. Ngoan đây là phó của lớp mình. Cùng trong ban cán sự lớp, chúng mình quý nhau rồi thân nhau từ lúc nào chẳng biết.
Ngoan chen vào giới thiệu luôn:
- Anh Chí đây cũn g là con liệt sĩ đấy Ký ạ!
- Ô! Thế là hai bạn đều có hoàn cảnh như nhau. Thảo nào dễ thông cảm với nhau là phải.
Anh Chí cầm lấy tay mình, mắt chớp chớp:
- Sáng nay mình theo Ngoan đến với Ký có hai lý do. Một là bước đầu chúng ta làm quen với nhau. Hai là đặt vấn đề mời Ký sang giao lưu với lớp mình. Biết Ký là bạn của Ngoan nên cả lớp ai cũng háo hức muốn được gặp bạn lắm! Nếu bố trí được chủ nhật tới bọn mình sẽ sang đón. Và buổi giao lưu sẽ diễn ra vào lúc 6 giờ 30 tối.
- Thôi được! Vì Ngoan, vì anh Chí, mình xin nhận lời. Song các bạn không phái đưa đón gì đâu. Từ đây đến làng Cạn chẳng xa xôi gì lắm. Anh Chí cứ yên tâm! Chiều đó mình sẽ rủ một bạn cùng lớp đến chỗ Ngoan chơi rồi Ngoan sẽ đưa mình tới địa chỉ giao lưu là được rồi!
Anh Chí không chịu, một mực khăng khăng sẽ cử người đến đón mình vào chủ nhật tới.
Trưa ấy, trong căn phòng tuềnh toàng nơi khu tập thể đầy thiếu thốn với tường vách đất, mái tranh nứa đơn sơ mà xiết bao ấm cúng ân tình, ba chúng mình cùng vui bữa cơm tự lo khá thịnh soạn. Có cơm trắng hẳn hoi chứ không phải như mọi bữa chỉ toàn bo bo, ngô răng ngựa, hay mì nắm cứng như cục sỏi, nhai đến mỏi răng mà bụng vẫn đói như chưa ăn. Có rau cải xào chứ không phải toàn sắn nấu. Đặc biệt, có cả thịt gà luộc chấm muối.
Thật bất ngờ và khó tin khi những thứ đó hoàn toàn không do chủ nhà sắm mà tất cả đều do khách chủ động mang tới và chủ động chế biến. Chắc vì biết mình hoàn cảnh vậy, hai bạn đã bàn nhau chủ động chuẩn bị từ nhà. Mình không ngờ Ngoan và Chí lại chu đáo đến vậy. Bữa ăn diễn ra thật vui vẻ, cảm động. Ngoan luôn tay hết gắp bỏ thức ăn cho mình lại cho Chí trong tiếng cười và những câu chuyện giòn tan.
Chiều, anh chí giúp mình thiết kế cách dùng ống nghiệm thay cho bóng đèn Hoa Kỳ. Bây giờ mình mới để ý đến dáng vóc choắt nhỏ khác thường của anh. Anh hơn Ngoan chừng gần chục tuổi. Nếu Ngoan được mệnh danh là "cây tre Việt" cao nghêu tới hơn mét sáu thì anh Chí chỉ là một người lùn Pygmy ở châu Phi cao chưa đầy mét hai. Đứng cạnh nhau, hai người đúng là "đôi đũa lệch" đến khó chấp nhận. Ấy vậy mà họ vẫn có cách "so" để thành đôi, thành lứa với nhau. Thế mới biết tình yêu thật kỳ lạ!
Hai mảnh tâm hồn khi đã đến với nhau bằng sự cảm phục, bằng sự trong trẻo vô tư của những giá trị tinh thần, tình cảm vô giá, sẵn sàng bỏ qua mọi sự khập khiễng hình thức bề ngoài, mọi dị nghị của dư luận. (Sau khi ra trường, hai ngnời thành vợ chồng. Khi đứa con gái vừa 10 tuổi thì Ngoan chia tay Chí về cõi vĩnh hằng vì căn bệnh hiểm nghèo).
Quả thật, chiếc đèn Hoa Kỳ khi được thay bóng quả nhót bằng chiếc bóng ống nghiệm hình trụ với chất liệu thủy tinh trong suốt, ánh sáng không còn màu vàng nhợt nữa mà hóa màu trắng rất sáng. o-xy được cháy hết nên không có muội như khi lắp bóng đèn bình thường.
Lúc bóng chiều gần khuất núi, màn sương trắng nhờ đùng đục bắt đầu lãng đãng giăng giăng nơi thung xa, anh
Chí và Ngoan chia tay mình trong niềm vui khi đã giúp mình có được chiếc bóng đèn mới như ao ước.
♦♦♦
Ngày 28-12-1966
Tối nay, mình say sưa đọc tài liệu giáo trình về văn học Hy - La thời cổ đại do thầy Nguyễn Khỏa mới giảng. Giáo trình in trên giấy rơm đen, lại theo kiểu thủ công quay ronéo nên chữ nhòe nhoẹt, chỗ rõ, chỗ mờ. May mà có chiếc đèn được trang bị bóng mới khá sáng nên mắt cũng đỡ mỏi.
Bỗng tiếng máy bay Mỹ vọng tới, đèn tất cả các phòng nhanh chóng phụt tắt. Ai nấy đều chạy túa ra sân, lao xuống giữa giao thông hào đứng quan sát. Một tốp máy bay Thần Sấm, Con Ma từ sân bay Cò Rạp của Thái Lan vượt qua Lào, qua dãy Trường Sơn, và giờ đang vượt qua dãy Tam Đảo lao về phía khu gang thép Thái Nguyên.
Ỷ thế vào màn đêm, mình cùng mấy bạn bỏ giao thông hào bí mật chạy lên phía lưng đồi cao đứng nhìn. Thật là khung cảnh bi hùng ngoạn mục! Hệ thống phòng không của ta đủ các chủng loại tới tấp thi nhau tung lửa lên trời như những chùm hoa sao thăng thiên khóng ngớt. Rực rỡ chói ngời nhất là những quả tên lửa tới tấp xé màn đêm, lao lên trời cao như những con rồng lửa tìm hướng vít cổ lũ giặc trời tàn bạo. Tiếng bom dội, tiếng rốc két thét gào; tiếng súng trường, cao xạ, tên lửa, gầm vang một góc trời.
Chừng 30 phút sau, tiếng kẻng báo yên vang lên. Mình vội vào phòng tìm diêm thắp lại đèn. Mò mẫm, luống cuống thế nào, chân vô tình làm vỡ luôn chiếc bóng đèn Ngoan mới cho. May còn chiếc bóng thứ hai thay thế, chứ không thì… Thật tiếc đến đứt ruột. Tại sao không tìm ra cách để không cần phải tắt đèn mà vẫn giữ được an toàn phòng không nhỉ? ừ, có lẽ mai mình sẽ làm một cái hộp hình trụ không nắp, đặt đèn vào; chỉ để một ô cửa nhỏ có cánh khép mở theo hướng giương lên khi cần ánh sáng và hạ xuống khi có lệnh báo động máy bay giặc. Hay lắm! Mai mình phải thực hiện ngay!
♦♦♦
Ngày 5-1-1967
Mấy hôm nay minh đã dùng bìa cứng làm cái hộp đèn như ý định. Chiếc đèn được đặt vào rất tiện. Ánh sáng chỉ được chiếu ra từ khung cửa nhỏ vừa đủ soi rõ trang sách. Mắt không lóa sáng nên đọc, viết khá thuận lợi.
Cách này vài tối, anh Đặng Ngọc (lưu học sinh của Lào tên là Buakeo Chaleunlangsi) cùng anh Sỹ đến chơi. Thấy chiếc hộp đèn là lạ, liền cầm lên quan sát. Bỗng Đặng Ngọc nảy ra một ý tưởng mới, liền nhỏ nhẹ nói luôn:
- Này Ký ơi! Nếu trong lòng chiếc hộp đèn này Ký dùng giấy bạc dán lại thì chắc ánh sáng sẽ càng sáng hơn này nhiều đấy!
- ừ hay đấy! Đặng Ngọc có giấy bạc, thực hành luôn xem sao! - Anh Sỹ hối Ngọc.
Ngọc liền bỏ bao thuốc lá trong túi ra, rút luôn mảnh giấy bạc dán vào lòng chiếc hộp. Chiếc đèn sáng lên trông thấy. Mọi người cùng tán thưởng trong tràng vỗ tay vui vẻ.
Ngày 8-1-1967
Chiều nay, Nguyễn Cao Cấp và Lê Huy Hòa, cả hai đều quê Thanh Hóa đến rủ mình đi Lục Ba cắt tóc. Từ lâu mình đã biết hai bạn thân nhau như hình với bóng. Cấp hơn Hòa 2 tuổi. Hòa mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải ở với anh chị, ngày ngày vừa giúp anh chị bế cháu vừa cắt cỏ, chăn trâu vừa đi học; ấy vậy mà Hòa vẫn đạt giải 3 học sinh giỏi văn toàn quốc lớp 10 vừa qua.
Cấp thương và quý Hòa lắm, luôn coi Hòa như đứa em ruột cần cưu mang. Một tấm áo, vài thếp giấy, một chút tiền tiêu vặt, hay có bất cứ món gì gia đình gửi cho là Cấp lại san sẻ cho Hòa, thậm chí nhiều khi nhường cho Hòa tất cả.
Cùng nhóm học chung môn ngoại ngữ tiếng Nga với nhau nên mình càng hiểu càng quý mến và càng thân với hai bạn từ lúc nào không hay. Thấy mình còn lưỡng lự, Cấp bước tới lật chiếc mũ lưỡi trai ra khỏi đầu mình, vừa dùng tay xía ngược mái tóc mình lên vừa nói:
- Còn chần chừ gì nữa? Tóc cậu trùm mang tai rồi này. Trời ơi, lắm gàu quá! Cắt rồi bọn tao gội đầu cho. Chứ để vậy ngứa lắm, mày gãi sao được?
Hòa tiếp luôn:
- Thôi đi thôi! Nếu thiếu tiền Cao Cấp sẽ bao cấp luôn!
- Chứ sao nữa! Tao đã dự trù rồi. Đi luôn không muộn mất! - Cấp nói và tức thì cầm tay mình cùng Hòa xăm xăm đi tất qua chiếc cầu "Ông Kiểm" thẳng hướng Lục Ba bước vội.
Hiệu cắt tóc đơn sơ chỉ là chiếc lán nhỏ nằm ven con đường đá tỉnh lộ. Có điều làm mình phải lưu tâm là hiệu cắt tóc bố trí tới hai gương. Một treo trước mặt. Một treo sau lưng. Khi ngồi cắt, mình để ý thấy lạ là bóng của mình không chỉ thấy 1 mà tới 2, rồi tới 4 cứ thế hiện lên soi qua, soi lại vào nhau thật kỳ thú trong hai tấm gương. Mình chợt nghĩ đến chuyện cái đèn cải tiến. Một ý tưởng mới lóe lên: ồ, nếu ta dùng hai chiếc gương gắn vào hai bên vách chiếc hộp đèn thay cho giấy bạc thì chắc một ngọn đèn sẽ hoa thành mấy ngọn đèn? Ánh sáng sẽ càng sáng nữa..
Ý tưởng đó cứ thế bám riết lấy đầu óc mình. Tóc cả ba vừa cắt xong, mình quyết định trao đổi ngay với Hòa, Cấp và rủ luôn hai bạn đi lùng mua bằng được những tấm gương như ý.
Không chịu để mình trả tiền Cấp lại rút tiền ra trả vui vé như mua cho chính mình. Điều cảm động là không chỉ mua 2 chiếc như ý mình mà Cấp còn quyết định mua tới 3 chiếc với thiện ý: "Mua thế để dự phòng, nhỡ vỡ còn có cái thay. Đường ra đây đâu có gần. Việc đi lại của Ký lại khó khăn mà!".
Về tới nhà, vội cơm nước xong, mình lao vào thực thi luôn công việc. Cấp và Hòa cũng hăm hở ở lại cùng Bảo Hưng hỗ trợ mình. Để tiện lợi cho việc gắn gương, mình quyết định làm chiếc hộp đèn theo mô hình mới: thay hình trụ bằng hình chóp cụt tứ diện, ngoài mặt đáy còn ba mặt bên. Mặt phía trước cắt một khoảng trống nhỏ làm cửa sổ giương lên, cúp xuống để ánh sáng chiếu ra, khi không cần thì khép lại. Hai mặt bên chéo nhau tạo thành góc 60 độ, gắn luôn hai tấm gương vào đó. Thiếu bìa cứng, Cấp và Hòa phải chạy đi tìm kiếm mãi mới được. Thiếu hồ dán, Cấp lại chạy vào làng xin ít gạo nếp về nấu lên, nghiền nát ra cho dẻo.
Với sự giúp đỡ đắc lực hết lòng của ba bạn, mình loay hoay, hì hục chừng hơn 1 giờ sau mới xong "công trình" cải
tiến chiếc hộp đèn lần thứ ba. Khi chiếc đèn được bỏ vào và thắp lên, mọi người ngỡ ngàng nhận ra một chiếc đèn đã hóa thành rất nhiều chiếc đèn nhờ phản chiếu qua lại giữa hai tấm gương. Và dĩ nhiên ánh đèn đã được sáng thêm nhiều lần. Mừng quá, Cấp và Hòa ôm lấy mình cười vui. Bấy giờ, Cấp mới nhớ tới túi bánh rán Lục Ba mua từ chiều. Tất cả cùng chia nhau liên hoan cười vui trong ánh đèn rực sáng khác thường.
Ngày 10-1-1967
Chiếc đèn cải tiến của mình sau 3 lần nâng cấp đã đáp ứng về cơ bản điều mong chơ. Độ sang thì khỏi nói. Vấn ềẻ an toàn phòng không cũng lý tưởng. Song xem ra lượng dầu hỏa chưa thật tiết kiệm. Mình có cách nào làm ngọn đèn nhỏ đi một chút mà ánh sáng không giảm nhỉ? Câu hỏi này khiến mình trăn trở mấy hôm nay.
Sáng nay, khi bê ống Philatop mà bệnh xá cấp cho để uống, mình bỗng nảy ra ý tưởng: hay dùng luôn chiếc vỏ ống thuốc này mài đầu đi rồi nhồi bông vào đặt vô bầu đầu làm chiếc đèn mới nhỉ? Vừa đỡ việc thay bấc vì hay bị thổi, ngọn đèn lại đạt mục đích nhỏ đi nhiều, lượng dầu chắc sẽ giảm.
Nghĩ vậy, chiều nay, cơm nước xong, mình lặng lẽ tiến hành ngay. Ra chỗ cầu "Ông Kiểm" mình kê dép ngồi, buông chân xuống lòng suối mò tìm viên sỏi nào ráp nhất để lấy lên bắt đầu mài đầu chiếc vỏ ống thuốc vào đó. Việc mài cho thủng đầu chiếc vỏ ống thuốc tưởng đơn giản nhưng thực tế lại khá kỳ công.
Vì bằng thủy tinh mỏng nên nếu mài mạnh một chút là vỡ luôn. Có khi mài tưởng đã hoàn tất, vết thủng đã xuất hiện, song bị méo, buộc phải mài lại cho tròn lỗỏ đúng phương thẳng đứng. Thế là vết thủng bị toác ra. Đành vứt đi, mài ống khác. Phải chật vật đến lần thứ 5 mình mới có được chiếc vỏ ống thuốc được mài tạm thành công.
Lấy bông nhồi vào làm bấc, bỏ vào bầu dầu, châm lửa. Nhưng rồi châm đi châm lại đèn vẫn không cháy được. Mình nhận ra có lẽ vết thủng ở đầu ống thủy tinh quá nhỏ. Thế là mình đành bỏ bỏng ra, lấy ống thủy tinh đi mài lại. Khi lắp vào, châm lửa, ngọn lửa bùng lên ngay. Song xem ra ngọn lửa lại quá lớn. Như thế này chắc càng tốn nhiều dầu hơn. Không bằng lòng, lại bỏ đi tìm vỏ ống thuốc khác mài lại. Quả thật lần này khi châm lửa, mọi "thông số kỹ thuật" đã cơ bản như ý. Mình mừng vui như nở từng khúc ruột.
Ngồi đọc dưới ngọn đèn mới, một lúc lâu lâu, có tiếng máy bay, rồi tiếng kéng báo động vang lên. Mình nhẹ nhàng tháo chiếc móc đỡ, thế là chiếc cánh cửa "phòng không" kịp thời sập xuống thật nhanh chóng, thuận lợi, an toàn.
Trong bóng tối, mình nằm miên man suy nghĩ về những điều vừa đọc. Rồi lại nghĩ về cây đèn. ừ mình đã gắn hai chiếc gương vào hai bên rồi, xem ra ánh sáng đã tốt hẳn. Một ngọn đèn đã hóa nhiều ngọn đèn. Sao mình không gắn luôn tấm gương thứ 3 vào phía cái cánh cửa sổ nhỉ? Nếu vậy chắc số ngọn đèn trong tấm gương thứ 3 này sẽ càng tăng lên nhiều lắm. Vừa lúc kẻng báo yên vang lên, nhớ đến tấm gương còn lại mà Cấp mua cho vẫn cất trong "kho", mình hối hả thực hiện ngay.
Mình sung sướng ngây ngất khi ngọn đèn thêm nhiều lần được phản chiếu qua lại. Độ sáng đến khó ngờ! Vậy là chiếc "đèn thần" trong mơ đã thành hiện thực.
Mặc nhiên, niềm vui nào dù lớn hay nhỏ đều phải đổi bằng sự kiên nhẫn không mệt mỏi như vậy đấy!
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!