Tôi Học Đại Học Chương 24

Chương 24
Chiếc cửa sổ mới

Năm học 1967-1968, lớp bố trí Vũ Dũng cùng quê Nam Hà đến ở chung phòng để giúp tôi chuyện sinh hoạt hằng ngày thay cho Bảo Hưng. Lớp E1 đổi tên thành E2.

Mồ côi mẹ từ nhỏ, Dũng lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha và các anh. Dũng có dáng cao. Mắt một mí, hơi sụp. Học ngoại ngữ Trung văn. ít nói. Thâm trầm. Cương trực. Nói gì, viết gì cũng ngắn gọn nhưng khúc chiết sâu sắc.

ít ai nhìn thấy nơi anh nụ cười và sự cởi mở hồn nhiên. Song trong những ngày anh tình nguyện đến ở chung phòng để giúp tôi, nhiều lần tôi xúc động không cầm nổi nước mắt vì sự nhiệt tâm, chu đáo hết mình mà anh lặng lẽ dành cho.

Cứ thấy quàn áo tôi hơi có vết bẩn, anh lại bắt lột ra giặt cho bằng được. Để đỡ phiền anh, nhiều lần nhân lúc bình minh khi mọi người chưa dậy, hoặc tranh thủ buổi trưa khi mọi người lên giường ngủ, tôi bí mật mang quần áo ra cầu bến ông Kiểm tự giặt. Có lần Dũng tình cờ bắt gặp, anh giằng lấy giặt luôn. Vừa làm anh vừa nghiêm giọng báo tôi: "Cậu làm vậy là xúc phạm Dũng đấy!

Những ngày lạnh quá, anh lặng lẽ đun nước lá ba chạc chờ đêm xuống tắm cho tôi. Tuân tuân đã thành lệ, cứ đến chủ nhật anh lại "bắt" tôi cùng đi tắm ở Vai Xay với Cao và Long.

Để bữa ăn không bị nhạt miệng lại để phòng được bệnh sốt rét rừng, trong phòng tôi luôn có hai lọ giấm ớt do anh tự tìm và tự chế. Một đêm, đang ngủ say, tôi giật thót mình kêu ré lên khi bỗng dưng một ngón tay bị nhói đau đột ngột như có vết kim đâm. Dũng vùng dậy bật đèn và nhận ra tay tôi bị chuột cắn khá sâu, máu tứa ra. Anh vội vàng dùng dầu hỏa rửa sạch, bôi thuốc đỏ rồi dùng giấy băng cẩn thận.

Anh soi xét chỗ giường tôi nằm và nơi ngón tay bị thương rồi vui vẻ kết luận: "Đúng rồi! Cậu bị chuột cắn với hai lý do. Một: cậu dặt màn không kỹ. Hai: cậu không làm chủ được đôi tay nên khi ngủ say, một bàn tay vô tình thò ra khỏi màn. Khi leo qua thành giường chuột ta bắt gặp, lại đang đói, tưởng mồi ngon thế là... đớp luôn!".

Từ đó đêm đêm, bao giờ trước khi ngủ anh cũng sang dặt lại màn thật cẩn thận cho tôi. Tỉnh dậy lúc nào là anh bật diêm xem xét xếp lại bàn tay cho tôi ở vị trí an toàn - không để chạm màn hoặc thò ra ngoài màn như bữa đó nữa.

Mùa đông lại về miền sơn cươc. Cái lạnh tái tê lại đến hành hạ lũ sinh viên nghèo chúng tỏi. Ngoài chiếc áo bông xanh bợt cũ rích, tôi và Dũng chẳấng có đồ mặc gì đáng giá để chóng rét. Dũng nghĩ ra sáng kiến: cắt, dán từ giấy báo, giấy bao xi măng cho mỗi đứa một chiếc áo dạng như áo trấn thủ. Rét quá, chỉ cần mặc đệm nó vào giữa hai lần áo thường, khoác áo bông ở ngoài vậy là cũng đỡ lạnh nhiều lắm, lại chẳng hề ai hay biết.

Thấy chỗ tôi ngồi học trong phòng bị tối, dù có cửa sổ nhưng không dám mở vì đối diện với hướng gió lạnh. Dũng băn khoăn bàn với tôi tìm cách khắc phục.

Sau khi tính toán, Dũng báo tôi nên trổ một chiếc cửa sổ mới nhỏ gọn ngay chỗ góc bàn tôi. Để ngăn gió lạnh lại vần đảm bảo đủ ánh sáng chúng tôi quyết định dùng ni lông trong bịt lại chứ không làm cánh như cứa sổ bình thường. Để đảm bảo tính thẩm mỹ, chúng tôi bàn nhau làm chiếc cửa sổ mới hình quả trám (ê-lip).

Để thi công được dễ dàng, Dũng dùng 2 thanh nứa nạo mỏng uốn thành hai hình quả trám to nhỏ ôm khít nhau. Dùng tấm ni lông bưng trọn quả trám nhỏ rồi đặt quả trám to ôm bên ngoài như cách phái đẹp vẫn căng khăn mặt để thêu.

Công việc cuối cùng chỉ là ém chúng vào chỗ phần vách vừa trổ, dùng dây buộc định vị vào mấy vị trí cần thiết nơi song vách. Phiền nhất là việc nhào bùn với chút rơm giữa ngày lạnh giá đế tít viền xung quanh. Dũng hoàn thành tất cả nhanh chóng không chút ngại ngần.

Vậy là nhờ Dũng tôi đã có chiếc cửa sổ mới nho nhỏ, xinh xinh, rất dễ thương, giúp tôi ngồi đọc sách, viết lách thật tiện ích; vừa ngăn được gió lạnh mưa lùa, vừa sáng sủa, an toàn ngay cả những ngày trời u ám, giông mưa, lại vừa không bận tâm việc dùng chân mở đóng như các cửa sổ bình thưởng.

Những lần như vậy, tôi muốn bày tỏ sự tri ân của mình với Dũng bằng vài lời ơn nghĩa thì anh xua tay phủ định:

"Thôi, thôi, ông đừng cho tôi đi tàu bay giấy. Tôi chúa ghét những lời tán dương".

Quả thật, khi mới gặp, ít ai có cảm tình với anh. Nhưng rồi càng gần anh, sống bên anh, sẽ càng thấy quý yêu anh; quý yêu sự nồng ấm chân tình đặc biệt nơi trái tim tràn đầy yêu thương và nồng nàn lý tưởng sống cao đẹp.

Anh luôn hăng hái đi đầu trong việc hằng tuần leo núi vào rừng đón củi về đóng góp cho nhà bếp như mọi người dù anh có tiêu chuẩn được lớp miễn trừ lao động vì ở chung phòng với tôi. Không chút băn khoăn tính toán, anh là người đầu tiên trong lớp tình nguyện ghi tên nhập ngũ khi có yêu cầu giữa lúc sắp tới ngày bảo vệ luận văn tốt nghiệp.

Ngày tiễn anh cùng 3 bạn khác lên đường, ai cũng bùi ngùi xúc động. Trong giây phút chia xa đầy lưu luyến ấy, Lê Thành Nghị đã có bài thơ tặng các anh trào dâng cảm xúc. Ngừng ngạt mãi, Nghị mới cất nên lời trong nỗi nghẹn ngào đẫm nước mắt:

Chúng mày đi nhé!... Đi đi...

Là xa lắm đấy... có khi... lâu về...

Mấy ngày mưa gió dầm dề...

Thương chúng mầy... tiễn chúng mày đi... vội vàng...!

Không chỉ lâu về mà mãi mãi Dũng không bao giờ về nữa. Vâng! Anh đã anh dũng hy sinh tại chiến trường tây nam tỉnh Quảng Trị (huyện Gio Linh) trong trận chiến đấu trực tiếp với không lực Mỹ tại trận địa pháo.

Dũng là pháo thủ số 2 của một khẩu đội cao xạ 6 người. Anh chuyên làm nhiệm vụ điều chỉnh độ cao thấp khi chiến đấu. Sau nhềẻu lần chống trả quyết liệt, toàn bộ khẩu đội của anh đã khiến những đợt lao xuống thả bom của máy bay Mỹ không sao hạ thấp được độ cao nên những mục tiêu bắn phá luôn bị chệch hướng. Cay cú, chúng đã dùng rốc két trực tiếp bắn thẳng vào khẩu đội anh.

Đúng 1 giờ chiều ngày 23-4-1972, toàn bộ khẩu đội anh bị trúng đạn. Cả pháo và 6 chiến sĩ đều bị tung cao, nát làm nhiều mảánh, bay tứ tung khắp mọi phía. Có nơi xa cả chục mét.

Các chiến sĩ của các khẩu đội bạn chia nhau đi lượm từng mảnh thi thể anh và đồng đội. Nhiều mảnh còn vương trên cành cây xung quanh giữa hoàng hôn rực đỏ nơi khu rừng tan hoang xơ xác có chỗ còn ngùn ngụt cháy vì lửa bom trong nghẹn ngào nước mắt tiếc thương và căm thù cháy bỏng. (Tư liệu do anh Phạm Như cấm - đồng đội cùng đơn vị với Dũng ngày đó nay là thạc sĩ - bác sĩ chủ nhiệm khoa Phối - Bệnh viện 175 kể lại ngày 18-4-2007).

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/t48282-toi-hoc-dai-hoc-chuong-24.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận