Tôi Học Đại Học Chương 4

Chương 4
Tấm lòng thầy hiệu phó

Ngày 7-9-1966

9   giờ 30 sáng

Theo yêu cầu của thầy Diệp Tư - phó hiệu trưởng nhà trường, một cán bộ đến dẫn mình từ khu ở của bộ phận Văn phòng sang gặp thầy tại nơi ở và làm việc cách đó chừng vài trăm mét.

Đó là căn nhà xinh xinh, gọn nhỏ với chừng vài chục mét vuông, mái tranh đơn sơ còn tươi vàng màu nữa, nằm ven sườn một ngọn đồi thấp, cách mặt đường lò nhỏ sỏi đá chừng mươi bậc thềm. Thầy Diệp Tư niềm nở bước xuống tận đường đón mình. Dáng thầy cao gầy, khuôn mặt xương xương; đôi mắt sâu, sáng quắc sau đôi kính dày cộp. Thầy mặc bộ quần áo màu cỏ úa, đóng thùng gọn ghẽ. Mái tóc lưa thưa muối tiêu quá nửa được hớt cao, vuốt ngược về phía sau để lộ vầng trán rộng. Trông thầy nghiêm nghị, tinh anh, từng trải như vị tướng dạn dày trận mạc.

Ngồi ở bộ bàn ghế tre được làm khá kỳ công (nghe nói do sinh viên khoa toán tự chế và biếu thầy), thầy hỏi mình đủ chuyện. Xúc động nhất là khi thầy đưa hai tay, nhẹ đỡ hai bàn tay nhỏ xíu, mềm nhũn của mình lên nhìn rồi chép miệng thở dài:

-  Vậy là bàn tay này đâu có giúp được Ký việc gì. Từ học hành đến mọi sinh hoạt, em phải dùng chân cả? Hồ sơ đăng ký xin vào trường vừa qua em cũng tự viết chứ?

-  Dạ, thưa thầy vâng ạ! - Mình lễ phép trả lời.

-   Ờ, chữ em viết bằng chân mà rõ ràng sáng sủa lắm. Song dẫu sao vẫn vất vả khó khăn hơn dùng tay nhiều. Nay lại phải xa nhà học đại học ở nơi sơ tán thiếu thốn thế này chắc càng khó cho Ký đấy. Em xem cần nhà trường giúp gì thì cứ mạnh dạn đề đạt, thầy sẽ tính.

Xúc động quá, mình chỉ biết ngồi lặng. Chẳng nghĩ được gì. Cũng chẳng sao mở miệng ra được. Biết mình lúng túng, thầy gợi ý:

-  Thế khi ngồi ghi bài chắc em phải có một chiếc bàn riêng chứ?

-  Dạ, thưa thầy vâng ạ! - Mình lí nhí.

-  Vậy hình thù chiếc bàn thế nào Ký có thế vẽ sơ nét mô hình để thảy yêu cầu xưởng mộc thực hiện ngay cho kịp ngày khai giảng?

Nói rồi thầy mở cặp đưa luôn giấy và bút đặt lên bàn. Không thể chần chừ, mình đành miễn cưỡng xin phép thầy cho ngồi lên chiếc giường cá nhân sát cửa sổ, dùng chân vẽ nhanh sơ đồ chiếc bàn. Thầy cầm bản vẽ lên xem rồi hỏi mình vài chi tiết nhỏ. Mình vui vẻ giải thích. Thầy khẽ gật gật đầu, cười mỉm rồi mở cặp bỏ tờ giấy vô.

-   Được rồi! Khi nào xong chiếc bàn, thầy sẽ nhắc khoa Văn cử người lên mang v ề. Chắc chỉ cuối tuần sau là Ký có bàn để dùng thôi.

Thầy ân cần chuyển sang hỏi mình về tình hình sữc khỏe.

-   Hiện nay, ngoài đôi tay bị tật, Ký có còn bệnh gì khác không?

-   Dạ, thưa thầy em cũng chẳng biết. Nhưng hễ ngồi học lâu, khi đứng dậy là thấy như có đàn đom đóm đang nhảy múa trước mắt, đầu ong ong, choang choáng.

-   Ồ, thế là em bị thiếu máu rồi! Thảo nào người gầy quá. Có lẽ phải tích cực bồi dưỡng mới đủ sức học 4 năm ở đây em ạ!

Vừa lúc có cán bộ văn thư đưa công văn tới, thầy kéo ghế, rót nước mời anh ta ngồi và bảo đợi có việc nhờ một chút. Vừa nói thầy vừa mở cặp lấy giấy bút ghi luôn hai bức thư ngắn. Xong xuôi, thầy trao thư cho anh ta cùng tờ giấy mình vừa vẽ sơ đồ chiếc bàn, dặn:

-   Cậu đưa ngay tới xưởng mộc và bệnh xá. Yêu cầu thực hiện càng sớm càng tốt.

Thầy tiễn chúng tôi xuống đường và bảo anh cán bộ văn thư:

-    Cậu dẫn Ký về hộ nhé! Nhớ nhắc phòng Tổ chức là thầy Tư yêu cầu thông báo với khoa Ngữ văn chỉều nay hoặc chậm nhất sáng mai phải cử người lên đón Ký về lớp!

Chia tay thầy, anh cán bộ văn thư vừa đi vừa vui vẻ bắt chuyện với mình. Thấy anh có vẻ thân thiện dễ tính, mình mạnh dạn gạ hỏi:

-  Trong hai bức thư thầy Tư vừa nhờ anh chuyển có gì liên quan tới Ký không anh?

-  Ồ, tất cả đều là chuyện về Ký đấy! Mình đã đọc thoáng rồi. Một là yêu cầu xưởng mộc đóng gấp chiếc bàn cho cậu theo sơ đồ vẽ. Còn một gửi phòng y tế trường, yêu cầu mỗi tháng cấp cho Ký một cân đường, hai hộp sữa và ba hộp Philatop để Ký bồi dưỡng sức khỏe. Nhất cậu đấy! Xưa nay cả trường chưa ai được quan tâm đặc biệt như vậy đâu.

Dừng giây lát, anh tiếp tục dòng cảm xúc:

-    Ký biết không, thầy Diệp Tư vốn là sĩ quan cao cấp trong quân đội, được phái sang làm hiệu phó kiêm bí thư Đảng bộ trường. Thầy nổi tiếng nghiêm khắc và khó tính. Vậy mà cậu mới ngày đầu tiên lên trường đã được thầy mời sang gặp và tỏ rõ sự gần gũi, thân tình, quan tâm chu đáo đến vậy thật là một diễm phúc. Người khác mơ cũng khó được đấy!

Mình chưa kịp hỏi tên anh thì đoạn đường đi cùng nhau đã kết thúc. Anh tạm biệt bằng lời hứa thật tình cảm:

-  Ký yên chí! Chiều nay nếu khoa Ngữ văn chưa có người lên đón, anh sẽ đưa em về. Làng Tràng Dương, xã Vạn Thọ - nơi lớp em sơ tán thơ mộng lắm! Anh rất mê. Từ đây tới đó chừng 3-4 cây số thôi, không phải vượt núi, nhưng phải lội qua một con suối. Đường vòng vèo, có chỗ phải men theo các bờ ruộng bậc thang nên đi hơi khó. Chắc là em đi được chứ?

Dạ, em đi được mà! Cám ơn anh nhiều quá!

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/t43524-toi-hoc-dai-hoc-chuong-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận