Thời Niên Thiếu Không Thể Quay Lại Ấy Chương 2

Chương 2
Gặp cậu ấy

Có lẽ do ý thức được tầm quan trọng của người thầy trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ, nên văn hóa Trung Quốc truyền thống luôn nhấn mạnh đạo lý tôn sư trọng đạo. Việc tôn trọng thầy cô giáo đã sớm phát triển thành một tiêu chuẩn đạo đức ở Trung Quốc, nhưng lại quên mất rằng, vì thầy cô giáo có tầm quan trọng lớn lao trong cuộc đời của con trẻ, nên thực ra thầy cô giáo cũng cần phải tôn trọng học sinh của mình.

Có sự tôn trọng đối với sinh mệnh của mỗi cá thể, mới có thể có được sự chỉ dẫn chính xác cho cuộc sống của cá thể ấy.

Khi năm học lớp ba sắp kết thúc, vì số học sinh trong trường tăng cao nên có tin là phải chia lại lớp, tôi thầm cầu nguyện, mong sao cô giáo Triệu bị chuyển đi.

Hằng tuần, trường tôi đều tổ chức chào cờ. Sau nghi thức chào cờ, thầy hiệu trưởng sẽ lên biểu dương những học sinh tiên tiến, phê bình những học sinh yếu kém, rồi tặng lá cờ đỏ lưu động cho lớp có biểu hiện tốt nhất trong tuần vừa qua.

Tuần này cũng thế. Thường thì mọi lần chỉ làm cho có lệ, tôi vẫn cúi đầu không buồn để ý. Dù lá cờ đỏ đó được phát cho lớp nào cũng chẳng liên quan gì tới tôi.

Sau khi phát xong lá cờ đỏ lưu động, thầy hiệu trưởng nghiêm túc nhắc nhở về hành vi trộm cắp vặt trong trường, cái gì mà vi phạm pháp luật, phải vào tù, v.v… nếu đúng vào dịp truy quét cuối năm thì còn có thể bị tử hình.

Một học sinh nam bị thầy hiệu trưởng gọi lên bục. Thầy bắt đầu tuyên bố tội danh của cậu ta: lấy trộm xe đạp, lấy trộm ví của giáo viên, câu kết với học sinh lớp lớn bắt nạt các em học sinh lớp bé, đe dọa, ép buộc các em học sinh lớp bé về nhà lấy trộm tiền của bố mẹ, đánh nhau, dùng khóa xe đạp đánh bị thương một học sinh nam lớp sáu của trường tiểu học Thứ Nhất, viết thư tình cho các chị học khóa trên…

Một đứa trẻ mới chỉ mười một, mười hai tuổi đầu mà đã mắc những tội danh không thể khoan hồng, có thể tống thẳng vào trại giam, tiến hành cải tạo lao động vậy, học sinh toàn trường nghe xong mà mắt tròn mắt dẹt nhìn. Nhưng điều khiến tôi chăm chú theo dõi không phải là danh sách tội lỗi dài dằng dặc ấy mà là tinh thần của cậu ta.

Vóc dáng cậu ta cao hơn các bạn cùng tuổi, vì cao nên trông lại gầy, bộ đồng phục màu xanh lam khoác trên người cậu ta như treo lửng lơ trên móc áo, đầu cắt cua, vì tóc quá cứng nên dựng đứng hết lên, thoáng nhìn trông như một con nhím. Cậu ta đứng đó với điệu bộ uể oải, cúi đầu như biết lỗi, nhưng thỉnh thoảng ngẩng đầu lên, tôi thấy nụ cười trên môi cậu ta.

Lẽ nào cậu ta không nhìn thấy ánh mắt của mọi ng ời đang đổ dồn về phía mình? Lẽ nào cậu ta không cảm thấy xấu hổ sao? Dù gì cũng là đứng trước học sinh toàn trường, tôi không thể nào lý giải nổi.

Hết giờ chào cờ, các bạn nữ xung quanh túm tụm lại bàn tán, tôi đi theo sau họ, nghe hiểu được phần nào lai lịch của cậu học sinh này. Cậu ta học cùng khối với chúng tôi, nhưng vì đúp năm lớp hai, nên nhiều tuổi hơn. Nghe nói cậu ta là con út, hơn bốn mươi tuổi mẹ cậu ta mới mang thai cậu, trên cậu ta là bốn chị gái hơn khá nhiều tuổi, thấy bảo cũng là gia đình giàu có. Giày thể thao hiệu Nike, đồng hồ đeo tay hiệu Swach, đều là những thứ mà anh rể cậu ta mang về từ nước ngoài.

Cuối những năm 80, đầu những năm 90, nước ngoài vẫn còn là một danh từ nghe hết sức xa xôi, đồ gì của hãng nào, ý nghĩa của thương hiệu là gì tôi đều không hiểu. Tôi chỉ nghi hoặc nghĩ rằng, nếu đã nhiều tiền như thế sao phải đi trộm đồ, ăn chặn tiền của người khác?

Hành vi, vẻ mặt của cậu ta, đối với tôi mà nói đều là một câu đố. Trong nỗi băn khoăn khó hiểu đó, tôi đã ghi nhớ tên của cậu học sinh cá biệt này – Trương Tuấn, có điều, tôi tin, ngày hôm đó không chỉ mình tôi nhớ tên cậu ta.

Năm lớp bốn, chia lại lớp thật, và cũng đã xảy ra hai chuyện bất hạnh: Chuyện thứ nhất, giáo viên dạy toán lớp tôi vẫn là cô Triệu; chuyện thứ hai, cô ta không chỉ là giáo viên dạy toán mà còn kiêm luôn giáo viên chủ nhiệm.

Trương Tuấn và tôi được phân vào cùng một lớp, nhưng hai chúng tôi gần như chừa từng nói chuyện với nhau, mặc dù chúng tôi có rất nhiều điểm chung. Ví dụ: Hai chúng tôi lần lượt thay nhau đứng thứ nhất trong lớp đếm ngược từ dưới lên; trong giờ học, chúng tôi đều không nghe giảng, cậu ta luôn ngủ gật, còn tôi thì ngồi thẫn thờ, vì vậy chúng tôi thường xuyên bị cô giáo Triệu ném phấn vào đầu.

Nhưng, có nhiều điểm cậu ta khác với tôi. Mặc dù thành tích học tập của cậu ta kém, nhưng các bạn nam trong lớp đều chơi với cậu ta, thậm chí toàn bộ những học sinh yếu kém trong lớp đều rất nghe lời cậu ta, còn các bạn nữ thì không ghét cậu ta, bởi vì cậu ta thường mời họ ăn kem, uống nước ngọt, những câu chuyện cười cậu ta kể có thể khiến họ cười nghiêng cười ngả. Trong giờ học, cậu ta luôn ngủ gật, nhưng chỉ cần tiếng chuông hết giờ vừa vang lên, cậu ta lại tràn đầy sinh lực, cùng các bạn lao ra sân vận động, đá bóng, chơi bóng rổ, còn tôi luôn tự mình đi tìm một chỗ rồi trốn vào đấy đọc sách, thỉnh thoảng ngẩng đầu lên nhìn đám bạn gái chơi nhảy dây, còn đám bạn trai thì đá bóng.

Sự cô độc trong gia đình, tôi đã quen rồi, dù sao tôi cũng có thể đọc sách, trong sách có rất nhiều điều thú vị. Em gái đành hanh, thích mách lẻo, tôi có thể tránh nó, chuyện gì cũng đều “chị nhường em”. Sự bất mãn của cô giáo Triệu đối với tôi, dù sao cũng chỉ là hai, ba phút giày vò trong giờ toán, tôi đã có thể lạnh lùng chịu đựng.

Nếu những ngày như vậy mãi tiếp diễn, cũng có thể được coi là bình yên. Nhưng, cuộc sống luôn thích đùa cợt với chúng ta. Trong lúc bạn tuyệt vọng, bạn sẽ nhìn thấy một đốm lửa lóe sáng khiến bạn không gục ngã; khi bạn bình tĩnh, thì nó lại lạnh lùng dội cho bạn một gáo nước lạnh khiến mọi việc của bạn không được vừa ý.

Vào một buổi chiều mùa hè, trong một tiếng đồng hồ hoạt động tự do giữa giờ học, những bạn không phải trực nhật đều chạy ra sân vận động chơi. Tôi vì thích khoảng nắng bên ngoài cửa sổ nên ngồi thu lu trên bục cửa sổ đọc sách và nhìn xa xăm.

Thời gian hoạt động tự do kết thúc, học sinh quay lại lớp để bắt đầu giờ tự học. Chu Vân thưa với cô giáo Triệu là mình bị mất bút máy. Cô bạn ấy còn nói với giọng đầy ấm ức rằng, chiếc bút là quà tặng của bố, tiết học trước bạn vẫn còn dùng, giờ đã không thấy nữa. Cô giáo Triệu cho rằng việc rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm túc. Cô bắt đầu tra hỏi từng học sinh trong lớp, giờ ra chơi, có những ai ở lại lớp.

Trương Tuấn là người đáng nghi ngờ nhất thì đã cùng một đám con trai chạy ra khỏi lớp ngay khi tiếng chuông hết giờ vừa reo, suốt thời gian ấy vẫn đá bóng trong sân vận động, rất nhiều người có thể làm chứng. Cậu ta hùng hùng hổ hổ lấy cặp sách ra khỏi ngăn và đặt lên bàn, nói với cô giáo Triệu: “Cô có thể kiểm tra!”.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/t32062-thoi-nien-thieu-khong-the-quay-lai-ay-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận