Nói xong cả ba người cùng đi ra khỏi miếu. Du Thản Chi nghĩ thầm: "Cái Bang muốn kiếm Kiều Phong mà kiếm không ra, bọn họ có biết đâu gã đó đang ở nước Liêu làm Nam Viện Đại Vương, ta phải nói cho họ biết mới được. Cái Bang người nhiều thế mạnh, lại ước định thêm anh hùng hảo hán Trung Nguyên may ra có thể giết được tên ác tặc đó. Ta sẽ theo bọn họ đi giết Kiều Phong." Y nghĩ đến quay lại Nam Kinh sẽ gặp A Tử, trong ngực lập tức nóng bừng bừng.
Du Thản Chi rón rén từ trong miếu đi ra, thấy ba tên đệ tử Cái Bang đi đường núi về hướng tây, liền lẳng lặng theo sau. Lúc này trời đã tối mịt, hoang sơn không một bóng người, đi được vài dặm đến một thung lũng, nhìn xa xa nơi sơn cốc có một đống lửa. Du Thản Chi nghĩ thầm: "Cái đầu sắt của mình thật quái đản, bọn họ trông thấy thể nào cũng hô hoán rầm rĩ lên, chi bằng trốn trong bụi cỏ nghe ngóng rồi hãy tính."
Y chui vào trong đám cỏ dày, bò dần đến gần đống lửa. Bò được mấy trượng, ngừng lại một chút, lại bò tiếp, nghe thấy tiếng người xôn xao, xem ra người tụ tập chung quanh đám lửa không phải là ít. Du Thản Chi lâu nay từng chịu biết bao nhiêu hành hạ dày vò nên không dám sơ sẩy chút nào, bò càng gần càng chậm lại, tới sau một tảng đá cách chừng vài trượng thì không dám tiến xa hơn nữa nên nằm phục tại đó lắng tai nghe.
Những người chung quanh đống lửa ai nấy đều đứng nói chuyện, Du Thản Chi nghe một hồi mới biết ra đây là người của Đại Trí phân đà tụ hội thương nghị về việc đại hội Cái Bang sắp tới sẽ suy cử ai lên làm bang chủ. Có người chủ trương đề cử Tống trưởng lão, có người lại muốn Ngô trưởng lão. Một người nói:
- Nói đến trí dũng song toàn thì phải bầu cho Toàn đà chủ của bản bang, tiếc rằng Toàn đà chủ hôm trước đã bị tên Kiều Phong giả công vi tư đuổi ra khỏi bang rồi, việc quay trở lại bang chưa ổn thỏa.
Lại một người khác nói:
- Gian mưu của Kiều Phong chính là do Toàn đà chủ đứng ra vạch trần, Toàn đà chủ lập được đại công cho bản bang, việc trở lại thật dễ dàng. Một khi đại hội khai mạc, chúng ta trước hết lo việc Toàn đà chủ qui bang, sau đó mới nói đến công lao khi trước, rồi bầu ông ta lên làm bang chủ.
Một giọng sang sảng cất lên:
- Việc bản nhân trở lại bang cũng là chuyện thuận lý. Thế nhưng việc các huynh đệ bầu mỗ lên làm bang chủ thì chưa nên đề cập đến vội, nếu không người khác lại tưởng huynh đệ vạch trần gian mưu của Kiều Phong là có ý đồ riêng tư.
Một người khác lớn tiếng nói:
- Toàn đà chủ, nếu gặp việc thì "đương nhân bất nhượng."(29.3) Ta xem trong mấy vị trưởng lão của bản bang, võ công tuy cao cường thật nhưng kể về mưu trí thì không ai bì kịp với ông được. Chúng ta đối phó với tên gian tặc Kiều Phong, là việc đấu trí chứ không phải đấu sức, Toàn đà chủ…
Gã Toàn đà chủ kia ngắt lời:
- Thi huynh đệ, ta chưa chính thức trở lại bang, ba chữ "Toàn đà chủ" xin đừng gọi thế vội.
Hơn hai trăm người ăn mày đang đứng quanh đống lửa nhao nhao lên:
- Tống trưởng lão đã có dặn rằng nhờ ông tạm thời giữ chức đà chủ bản đà, ba chữ "Toàn đà chủ" kia có gì mà không được?
- Tương lai ông lên làm bang chủ, thì chẳng còn hơn chức đà chủ hay sao?
- Toàn đà chủ nếu chưa đảm đương bang chủ thì ít nhất cũng phải lên chức trưởng lão, nhưng khi đó cũng phải kiêm lãnh cả bản đà.
- Đúng lắm, dẫu Toàn đà chủ có làm bang chủ vẫn có thể kiêm luôn cả chức đà chủ Đại Trí phân đà.
Còn đang bàn luận xôn xao, một bang chúng từ cửa sơn cốc chạy vào, lớn tiếng báo:
- Khải bẩm đà chủ, Đoàn vương tử nước Đại Lý xin bái phỏng.
Toàn đà chủ Toàn Quan Thanh lập tức đứng bật dậy hỏi:
- Đoàn vương tử nước Đại Lý ư? Bản bang trước nay có giao thiệp gì với nước Đại Lý đâu?
Y liền lớn tiếng nói:
- Các vị huynh đệ, Đoàn gia nước Đại Lý là thế gia trứ danh trong võ lâm, Đoàn vương tử tự mình đến đây, tất cả cùng đứng lên nghênh tiếp.
Nói xong tất lãnh mọi người cùng đi ra ngoài sơn khẩu đón khách. Chỉ thấy một thanh niên công tử mặt mày tươi tỉnh đứng ngay tại đó, đằng sau có bảy tám người tùy tòng. Thanh niên đó chính là Đoàn Dự, hai người chắp tay chào, hóa ra biết nhau rồi, đã từng gặp ở trong rừng hạnh ngoài thành Vô Tích. Toàn Quan Thanh lúc đó chưa biết lai lịch, thân phận Đoàn Dự, nghĩ lại khi đó mình bị Kiều Phong đuổi ra khỏi bang Đoàn Dự đều biết cả, không khỏi ngượng ngùng, nhưng lập tức trấn tĩnh ngay, ôm quyền nói:
- Không biết Đoàn vương tử tới thăm nên không ra xa nghinh tiếp, xin lượng thứ cho.
Đoàn Dự cười đáp:
- Không dám! Không dám! Vãn sinh phụng mệnh gia phụ, có một việc muốn phụng cáo quí bang cho nên mới đến làm phiền.
Hai người nói mấy câu khách sáo, Đoàn Dự giới thiệu đi cùng là Cổ Đốc Thành, Phó Tư Qui, Chu Đan Thần ba người. Toàn Quan Thanh mời Đoàn Dự đến ngồi tại một phiến đá trước đống lửa, sau đó bang chúng đem rượu ra mời. Đoàn Dự tiếp lấy uống cạn rồi nói:
- Mấy tháng trước,(29.4) gia phụ ở tại Trung Châu có đến phủ của cố Mã phó bang chủ quí bang, gặp một kỳ sự, chính mắt trông thấy cái chết của Bạch Thế Kính Bạch trưởng lão. Việc này có liên can trọng đại đến quí bang, lại cả đến anh hùng võ lâm Trung Nguyên nữa nên muốn trình cho các nhân vật thủ não của quí vị. Có điều gia phụ thụ thương, dưỡng bệnh đến nay mới đỡ mà các trưởng lão trong bang hành tung vô định, không sao gặp được, khiến cho phong thư gia phụ viết vẫn chưa có cách nào trình lên. Mấy bữa trước gia phụ nghe tin quí đà tụ hội nơi đây nên mới sai vãn sinh đưa tới.
Nói xong chàng lấy trong tay áo ra một phong thư, đứng lên đưa ra. Toàn Quan Thanh cũng vội vàng đứng dậy, hai tay nhận lấy nói:
- Phải phiền đến Đoàn công tử đích thân đưa thư, cái tấm lòng thương yêu của Đoàn vương gia khiến cho tất cả tệ bang từ trên xuống dưới ai ai cũng cảm đại đức.
Y nhìn thấy phong thư đó gắn rất kỹ, trên phong bì viết tám chữ lớn:
- Cái Bang chư vị trưởng lão thân khải.(29.5)
Y nghĩ thầm tự mình không tiện mở ra xem bèn nói:
- Tệ bang không lâu nữa sẽ khai đại hội, các trưởng lão sẽ đều đến cả, tại hạ sẽ đem thư của Đoàn vương gia trình lên cho chư vị thủ lãnh.
Đoàn Dự nói:
- Như thế xin phiền vậy, vãn sinh cáo biệt.
Toàn Quan Thanh luôn mồm cảm ơn, tiễn khách ra rồi mới nói:
- Bạch trưởng lão và Mã phu nhân của tệ bang bất hạnh bị gian tặc Kiều Phong hạ độc thủ, hôm đó chính mắt Đoàn vương gia trông thấy hay sao?
Đoàn Dự lắc đầu:
- Bạch trưởng lão và Mã phu nhân không phải do Kiều đại ca giết hại đâu, sát hại Mã phó bang chủ cũng là người khác. Trong phong thư này của gia phụ có nói rất rõ ràng, sau này Toàn đà chủ đọc thư sẽ biết rõ mọi chuyện.
Chàng trong bụng nghĩ thầm: "Việc này nói ra dài dòng, nhà ngươi đâu phải là người tốt, không nên nói nhiều làm chi. Ta đoán chừng ngươi không dám dấu lá thư của cha ta đâu." Đoàn Dự quay sang ôm quyền chào Toàn Quan Thanh nói:
- Sau này gặp lại, không dám phiền chư vị tiễn ra xa.
Chàng quay mình đi ra sơn cốc, vừa trở đầu đã thấy hai tên bang chúng Cái Bang dẫn hai hán tử tiến vào. Hai người đó đưa mắt cho nhau, đi lên mấy bước khom lưng hành lễ với Đoàn Dự, trình lên một tờ danh thiếp màu đỏ chói. Đoàn Dự cầm lấy xem qua, thấy trên tờ thiếp viết bốn hàng chữ:
"Tô Tinh Hà cung kính mời những vị tinh thông kỳ nghệ(29.6) trong thiên hạ, đến ngày mồng tám tháng hai giá lâm hang Thiên Lung Địa Á, núi Lôi Cổ, tỉnh Hà Nam để gặp gỡ một phen."
Đoàn Dự vốn thích đánh cờ thấy bốn hàng chữ đó, tinh thần phấn chấn vui vẻ nói:
- Thế thì hay lắm, nếu vãn sinh không có chuyện tục vụ gì vướng bận, thể nào cũng đến. Thế nhưng xin hỏi tại sao hai vị lại biết vãn sinh thích đánh cờ?
Hai hán tử lộ vẻ vui mừng, mồm ú ớ, giơ tay múa chân, hóa ra hai người đó bị câm. Đoàn Dự không hiểu hai người đó chỉ trỏ ra hiệu những gì, mỉm cười hỏi Chu Đan Thần:
- Núi Lôi Cổ có xa lắm không?
Nói xong chàng giao tờ thiếp lại cho ông ta. Chu Đan Thần cầm lấy xem qua, trước hết vòng tay hành lễ với hai người kia nói:
- Trấn Nam Vương thế tử Đoàn công tử nước Đại Lý, xin gửi lời chào đến Thông Biện tiên sinh, trước hết tạ ơn bao giờ đến kỳ sẽ đến bái phỏng.
Ông ta chỉ vào Đoàn Dự, chỉ trỏ mấy cái biểu thị sẽ đến phó hội. Hai hán từ khom lưng hành lễ với Đoàn Dự, sau đó lại lấy ra một tờ thiếp nữa đưa cho Toàn Quan Thanh. Toàn Quan Thanh cầm lấy xem qua, cung kính trả lại xua tay nói:
- Người tạm lãnh chức Phân Đà Chủ Đại Trí phân đà của Cái Bang là Toàn Quan Thanh, xin kính chào Thông Biện tiên sinh núi Lôi Cổ, Toàn mỗ kỳ nghệ kém cỏi, chẳng bõ làm trò cười, không dám phó hội, xin Thông Biện tiên sinh tha lỗi cho.
Hai hán tử khom lưng hành lễ, sau đó quay qua chào Đoàn Dự, chuyển thân đi ra. Chu Đan Thần lúc đó mới trả lời Đoàn Dự:
- Lôi Cổ Sơn ở phía nam Tung Huyện, đông bắc Khuất Nguyên Cương, đến đó cũng không xa lắm.
Đoàn Dự từ biệt Toàn Quan Thanh rồi, ra khỏi thung lũng lúc đó mới hỏi Chu Đan Thần:
- Thông Biện tiên sinh Tô Tinh Hà là người thế nào? Là quốc thủ về đánh cờ ở Trung Nguyên hay sao?
Chu Đan Thần đáp:
- Thông Biện tiên sinh chính là Lung Á tiên sinh.(29.7) Bạn đang xem truyện được sao chép tại: t.r.u.y.e.n.y.y chấm c.o.m
Đoàn Dự ồ lên một tiếng, cái tên Lung Á tiên sinh chàng ở Đại Lý đã từng nghe bá phụ và phụ thân nhắc tới, biết đó là một cao thủ kỳ túc của võ lâm Trung Nguyên, vừa điếc vừa câm nhưng nghe nói võ công lại rất cao cường, khi đề cập đến ông ta giọng của bác chàng xem chừng kính trọng. Chu Đan Thần lại tiếp:
- Lung Á tiên sinh tuy tàn tật nhưng nhất định tự xưng mình là Thông Biện tiên sinh, cho rằng mình "tâm thông", "bút biện" còn hơn xa người thường "nhĩ thông", "thiệt biện."(29.8)
Đoàn Dự gật đầu nói:
- Kể cũng có lý.
Chàng đi thêm mấy bước bỗng cất tiếng thở dài. Đoàn Dự nghe Chu Đan Thần nói Lung Á tiên sinh tâm thông, bút biện hơn cả người thường nhĩ thông, thiệt biện không khỏi chạnh lòng nhớ tới Vương Ngữ Yên "đánh võ miệng" còn giỏi hơn người ta "đánh võ tay chân binh khí."
Chàng ở thành Vô Tích cùng A Châu cứu được bọn người Cái Bang rồi, chẳng bao lâu Bao Bất Đồng, Phong Ba Ác hai người đến tụ hội với Vương Ngữ Yên. Năm người đó muốn lên miền bắc đi kiếm Mộ Dung công tử, Đoàn Dự dĩ nhiên cũng muốn đi theo, Phong Ba Ác nhớ ơn chàng đã dùng mồm hút nọc độc con bò cạp nên rất hoan nghênh, có điều Bao Bất Đồng ăn nói cực kỳ sỗ sàng, trách cứ Đoàn Dự giả trang làm Mộ Dung công tử làm bại hoại tiếng tăm y đi. Đến sau y tỏ ý "ngươi không cút đi, ta sẽ đập cho một trận", trong khi Vương Ngữ Yên chỉ lo bàn với Phong Ba Ác cách nào kiếm được biểu ca, coi tình cảnh quẫn bách của Đoàn Dự như không biết đến.
Đoàn Dự chẳng còn biết sao hơn đành phải chia tay cùng Vương Ngữ Yên nhưng cũng đi lên miền bắc nghĩ bụng: "Các ngươi muốn đi Hà Nam tìm Mộ Dung Phục, ta cũng đang định đi Hà Nam. Hà Nam là đất trung châu chứ có phải của riêng nhà Mộ Dung các ngươi đâu, Mộ Dung Phục và Bao Bất Đồng đến được, chẳng lẽ Đoàn Dự không đến được? Nếu như trên đường chạm trán họ thì cũng là ý trời, Bao tam tiên sinh kia làm sao trách mình được?"
Thế nhưng trời già nào có cho Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên giải cấu tương phùng, suốt thời gian đó, Đoàn Dự ở Hà Nam lang thang đi khắp mọi nơi, tiếng là du sơn ngoạn thủy, nhưng thực ra đến đâu mắt cũng dáo dác, chỉ mong sao được nhìn thấy mớ tóc dài óng ả, một chéo áo của Vương Ngữ Yên, còn núi non sông nước chàng nào có để mắt đến.
Một hôm, Đoàn Dự đang ở chùa Bạch Mã thành Lạc Dương đàm luận với phương trượng về kinh A Hàm, nghiên thảo việc đức Phật giảng về truyện "chuyển luân thánh vương có bảy bảo vật." Đoàn Dự nghe nói bảo vật ngọc nữ "không dài không vắn, không trắng không đen, mùa đông thân thể ấm áp, mùa hạ thân thể mát mẻ" cực kỳ hứng thú nhưng phương trượng lắc đầu quầy quậy nói:
- Đoàn cư sĩ, đó chẳng qua là thí dụ của nhà Phật đấy thôi, huống chi Phật dạy thất bảo cũng đều là vô thường…
Vừa nói tới đây, bỗng có ba người vào chùa, chính là Phó Tư Qui, Cổ Đốc Thành và Chu Đan Thần. Thì ra sau khi Đoàn Chính Thuần rời nhà họ Mã ở phủ Tín Dương, gặp lại Nguyễn Tinh Trúc, mới đi tìm chỗ dưỡng thương, nghĩ đến việc Tiêu Phong bị Cái Bang đổ tiếng oan giết Mã Đại Nguyên không thể không biện bạch giùm cho ông ta nên mới viết một phong thư, sai bọn Phó Tư Qui ba người đem tới đưa cho Cái Bang.