Thiên Long Bát Bộ Hồi 271

Hai gã Hồ tăng rùn người xuống len lén lần tới Tàng Kinh Các, Đoàn Dự lập tức đuổi theo. Đột nhiên có hai nhà sư trung niên ở đâu vọt ra, cùng tằng hắng một tiếng nói:

- Hai vị đến nơi đây có việc gì?

Một người Hồ tăng đáp:

- Sư huynh ta đã ngưỡng mộ Tàng Kinh Các của chùa Thiếu Lâm từ lâu, nên muốn đến ngắm một chút.

Người nói đó chính là Ba La Tinh. Y và sư huynh Triết La Tinh thấy chùa Thiếu Lâm đang lúc hỗn loạn, toan bề nước đục thả câu, định lẻn đến Tàng Kinh Các ăn trộm kinh. Một nhà sư Thiếu Lâm nói:

- Kính xin đại sư lưu bộ, đây là trọng địa tàng kinh của bản tự, người ngoài không thể vào được.

Còn đang nói qua lại thì đã thấy thêm bốn nhà sư cầm thiền trượng, chặn ngay cửa. Triết La Tinh và Ba La Tinh hai người đưa mắt nhìn nhau, biết rằng mưu tính khó mà thành công, đành bỏ cuộc lui ra. Đoàn Dự cũng quay lại, đang định đi kiếm Tiêu Phong bỗng nghe một giọng già cả từ trên lầu cao truyền xuống:

- Ngươi trông thấy y chạy về hướng nào?

Y nhận ra đó chính là giọng của Huyền Tịch. Lại một người khác nói:

- Chúng đệ tử bốn người canh tại đây thì nhà sư áo xám xông vào, ra tay điểm huyệt mê của cả bọn, đến khi sư bá cứu tỉnh thì nhà sư áo xám kia đi đâu không biết.

Lại một giọng già nua khác nói:

- Ở đây cửa sổ bị rách, chắc hẳn y chạy ra hậu sơn.

Huyền Tịch nói:

- Đúng vậy!

Lão tăng kia lại tiếp:

- Nhưng không biết bọn chúng có ăn trộm cuốn kinh thư nào trong các hay không?

Huyền Tịch nói:

- Hai gã này tiềm phục nơi bản tự mấy chục năm rồi thế mà cả chùa từ trên xuống dưới ngu ngơ có ai biết gì đâu, đủ biết mình chẳng tài cán gì cả. Bọn họ muốn ăn trộm kinh, mấy chục năm qua ngày nào chẳng được, việc gì phải đợi đến hôm nay?

Lão tăng kia nói:

- Sư huynh nói phải lắm.

Hai nhà sư cùng buông tiếng thở dài. Đoàn Dự nghĩ chừng hai người đang nói về chuyện mất mặt của chùa Thiếu Lâm, không tiện nghe lóm, có biết đâu các nhà sư nói rất khẽ, chỉ vì chàng nội lực thâm hậu nên mới nghe được mà thôi. Đoàn Dự chầm chậm lẻn ra nghĩ thầm: "Bọn họ nói Tiêu đại ca đi ra sau núi, mình đi xem ra thế nào?"

Sau núi Thiếu Thất địa thế hiểm trở, rừng rậm đường khó đi, Đoàn Dự đi được mấy dặm thì không còn nghe tiếng lao xao từ trong chùa truyền ra nữa, núi rừng tĩnh mịch, chỉ còn tiếng chim ríu rít trên cành cây. Trong rừng sâu giữa núi không có ánh mặt trời, nên hơi lành lạnh. Đoàn Dự nghĩ thầm: "Cha con Tiêu đại ca đã ra đến đây thì thoát thân quá dễ dàng, quần hùng khó mà vây đánh được." Chàng thấy yên tâm hơn nhưng nghĩ đến vẻ mặt oán hờn của Vương Ngữ Yên, trong lòng lại bàng hoàng: "Nếu như đại ca giết được Mộ Dung công tử, thì… thì mình phải làm sao đây?" Sau lưng không khỏi toát mồ hôi lạnh, nghĩ thầm: "Nếu như Mộ Dung công tử chết rồi, Vương cô nương hẳn đau lòng, cả đời uất hận khôn nguôi."

Chàng như tỉnh như mê đi lang thang trong rừng rậm, lúc thì nghĩ đến Mộ Dung Phục, lúc lại nghĩ đến Tiêu đại ca, khi nghĩ đến gia gia, má má và bá phụ nhưng nghĩ đến nhiều hơn cả vẫn là Vương Ngữ Yên, nhất là gương mặt oán hận của nàng nhìn mình.

Không biết chàng suy nghĩ miên man như thế trong bao lâu, bỗng nghe theo gió truyền đến văng vẳng có tiếng niệm Phật tụng kinh:

Tâm kia tức là Phật,

Phật kia cũng là tâm.

Tâm sáng thì thấy Phật,

Phật thấy ắt minh tâm.

Tâm rời không còn Phật,

Rời Phật đâu còn tâm…(43.3)

Thanh âm rõ ràng hồn hậu nhưng trước nay chàng chưa hề nghe bao giờ. Đoàn Dự nghĩ thầm: "Thì ra ở đây lại có một nhà sư, mình thử đến hỏi xem ông ta có gặp Tiêu đại ca không?" rồi lần theo thanh âm đi tới.

Qua khỏi một khu rừng trúc thấy trên một bãi cỏ tụ tập không ít người. Một nhà sư mặc thanh bào đã cũ ngồi trên một tảng đá xoay lưng lại, tiếng niệm kinh chính là do ông ta phát ra, phía trước thật đông người ngồi, trong đó có cả cha con Tiêu Viễn Sơn, Tiêu Phong, Mộ Dung Bác, Mộ Dung Phục, rồi cả hai nhà sư người Hồ là Ba La Tinh, Triết La Tinh chàng mới thấy ở Tàng Kinh Các, những cao tăng từ các chùa khác đến, và vài nhà sư chữ Huyền của chùa Thiếu Lâm, tất cả cùng ngồi dưới đất chắp tay, rủ mi cúi đầu, cung kính nghe thuyết pháp. Bên ngoài xa chừng năm sáu trượng đứng lố nhố có cả quốc sư nước Thổ Phồn Cưu Ma Trí, vẻ mặt khinh khỉnh xem chừng trong lòng bất phục.

Đoàn Dự xuất thân từ nơi Phật quốc, từ bé đã cùng các cao tăng tìm hiểu Phật pháp, nghĩa lý kinh điển thông hiểu khá nhiều, có điều Phật pháp Đại Lý từ phương nam truyền lên, gần với tiểu thừa, không phải Thiền tông như của Thiếu Lâm, sở học có chỗ không giống nhau, nghe nhà sư đọc kệ, tưởng như nông cạn nhưng bao hàm lý lẽ thâm sâu, nghĩ thầm: "Nhìn phục sắc vị cao tăng này thì có vẻ là tăng lữ trong chùa Thiếu Lâm nhưng chức vị thấp kém, chỉ là loại tạp dịch quét nhà pha nước, sao các cao tăng lẫn Tiêu đại ca cũng đều lắng nghe ông ta giảng kinh thuyết pháp là sao?"

Chàng mon men đến, muốn xem thử vị cao tăng này dung mạo ra sao, là hạng người gì. Thế nhưng nếu muốn nhìn tận mặt vị cao tăng kia thì phải đi vòng ra phía sau lưng bọn Tiêu Phong, chàng không dám kinh động mọi người, rón rén đi vòng một quãng xa, đang định rùn người lẻn tới gần bên, đột nhiên thấy Cưu Ma Trí quay người lại mỉm cười. Đoàn Dự cũng cười đáp lại.

Đột nhiên một luồng kình phong cực kỳ lăng lệ xốc tới ngực, Đoàn Dự kêu lên:

- Chao ôi!

Đang muốn dùng Lục Mạch Thần Kiếm để chóng đỡ nhưng không kịp nữa rồi, chỉ thấy ngực nhói lên, trong cơn mơ màng nghe tiếng người niệm "A Di Đà Phật" rồi không còn biết gì nữa.

* * * Text được lấy tại truyenyy[.c]om

Mộ Dung Bác bị Huyền Từ vạch rõ chân tướng là người năm xưa giả truyền tin tức gây ra vụ huyết án Nhạn Môn Quan, biết rằng chẳng những hai cha con họ Tiêu phải bắt được mình mới cam tâm mà cả quần hào Trung Nguyên cũng không tha nên lập tức phi thân chạy về hướng chùa Thiếu Lâm.

Chùa Thiếu Lâm phòng ốc rất nhiều, ông ta quen thuộc địa hình nên dù ẩn náu nơi đâu thì cha con họ Tiêu cũng chưa dễ tìm ra được. Thế nhưng Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong hai người hận ông ta tận xương tủy, như bóng với hình đuổi nà theo. Tiêu Viễn Sơn và ông hai người tuổi tác tương đương, công lực cũng ngang ngửa, Mộ Dung Bác chạy trước một chút, Tiêu Viễn Sơn không dễ gì đuổi kịp. Thế nhưng Tiêu Phong đang lúc tráng niên, võ công tinh lực đến mức tuyệt đỉnh, ra sức đuổi theo nên khi Mộ Dung Bác chạy đến cổng chùa rồi, Tiêu Phong từ xa mấy trượng đánh ra một chưởng, chưởng lực đã đến sau lưng.

Mộ Dung Bác hồi chưởng chống đỡ, toàn thân chấn động, cánh tay ngâm ngẩm đau, không khỏi kinh hãi: "Tên tiểu cẩu Khất Đan này công lực lợi hại thật." Ông ta liền nghiêng người lách vào trong cửa chùa.

Tiêu Phong đâu để ông ta thoát thân, vọt lên chặn lại. Thế nhưng Mộ Dung Bác đã vào trong chùa rồi, chỗ nào cũng có điện đường hành lang, chưởng lực Tiêu Phong tuy mạnh thật nhưng đánh cũng không trúng ông ta được.

Ba người một chạy trước, hai đuổi theo, trong chốc lát đã chạy đến Tàng Kinh Các. Mộ Dung Bác phá cửa sổ nhảy vào, vừa ra tay đã điểm huyệt mê bốn nhà sư canh giữ các, quay người lại cười khẩy nói:

- Tiêu Viễn Sơn, cả hai cha con ngươi cùng tiến lên hay lại vẫn hai lão già đơn đả độc đấu một phen sống chết?

Tiêu Viễn Sơn chặn ngay cửa các nói:

- Hài nhi, con chặn cửa sổ đừng để y chạy thoát.

Tiêu Phong đáp:

- Vâng!

Ông nhảy đến bên cửa sổ, giang tay, hai cha con cùng vây lại, xem chừng Mộ Dung Bác không cách gì thoát thân được. Tiêu Viễn Sơn nói:

- Thâm cừu đại oán của ta với ngươi, không chết thì không cởi được. Đây không còn là tỉ thí võ công xem ai cao ai thấp mà là hai cha con ta cùng xông vào lấy mạng của ngươi.

Mộ Dung Bác cười ha hả, đang định trả lời bổng nghe tiếng chân người ở cầu thang rồi thấy một người đi lên, chính là Cưu Ma Trí. Y quay sang Mộ Dung Bác chắp tay chào nói:

- Mộ Dung tiên sinh, năm xưa từ biệt, đến sau lại nghe tiên sinh tây qui, tiểu tăng đau lòng khôn xiết, thì ra tiên sinh ẩn cư không ra ngoài là có thâm ý, hôm nay được trùng phùng khiến cho tiểu tăng vui mừng khôn tả.

Mộ Dung Bác ôm quyền hoàn lễ cười nói:

- Tại hạ vì chuyện nước chuyện nhà đành phải giả chết, phiền đại sư phải mong nhớ, quả đáng hổ thẹn xiết bao.

Cưu Ma Trí đáp:

- Không dám, không dám! Năm xưa tiểu tăng cùng tiên sinh giải cấu tương phùng, đàm võ luận kiếm, may được tiên sinh chỉ điểm cho mấy ngày, bao nhiêu nghi nghĩa bình sinh đều khai thông cả, lại được tiên sinh tặng cho yếu chỉ bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm, vẫn hằng khắc tạc trong lòng.

Mộ Dung Bác cười đáp:

- Cái chuyện nhỏ nhặt đó có đáng gì mà phải nhắc tới?

Ông ta quay sang cha con họ Tiêu nói:

- Tiêu lão hiệp, Tiêu đại hiệp, đây là Cưu Ma Trí thần tăng, Đại Luân Minh Vương của nước Thổ Phồn, Phật pháp đã cực kỳ uyên thâm mà võ công còn cao hơn tại hạ bội phần, có thể nói trên đời hiếm ai sánh kịp.

Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong hai người nhìn nhau, nghĩ thầm: "Gã phiên tăng này chưa chắc đã hơn Mộ Dung Bác đâu nhưng chắc cũng phải tài giỏi lắm. Y với Mộ Dung Bác uyên nguyên thật sâu xa, thể nào chẳng tương trợ y, cuộc chiến này ai thắng ai thua cũng còn khó nói lắm."

Cưu Ma Trí đáp:

- Mộ Dung tiên sinh quá khen. Đương niên tiểu tăng nghe tiên sinh luận kiếm pháp, nói là Lục Mạch Thần Kiếm của họ Đoàn Đại Lý là thiên hạ đệ nhất, tiếc rằng chưa được xem qua để cho trở thành mối hận bình sinh. Tiểu tăng nghe tin chẳng lành của tiên sinh, nên đã đến chùa Thiên Long Đại Lý, mong xin được kiếm phổ Lục Mạch Thần Kiếm đem về phàn hóa trước mộ tiên sinh, báo tình tri kỷ. Ngờ đâu lão sư già Khô Vinh của chùa Thiên Long giảo hoạt mưu mô, gặp lúc khẩn cấp quan đầu liền dùng nội lực thiêu hủy kiếm phổ. Tiểu tăng tuy vẫn mong được theo gương Quí Trát treo gươm, ngờ đâu không được toại nguyện, quả là mối hận sâu xa.

Mộ Dung Bác nói:

- Đại sư có ý đó tại hạ cũng đã cảm kích lắm rồi. Huống hồ Lục Mạch Thần Kiếm họ Đoàn vẫn còn tồn tại nơi dương thế, mới rồi Đoàn công tử nước Đại Lý cùng khuyển tử giao đấu, kiếm khí tung hoành, quả là danh bất hư truyền cái tiếng thiên hạ đệ nhất kiếm.

Ngay lúc đó một bóng người thấp thoáng, trong Tàng Kinh Các đã có thêm một người, chính là Mộ Dung Phục. Y chậm hơn mấy bước, khi đến chùa thì đã mất dấu phụ thân và cha con Tiêu Phong, khi tìm được Tàng Kinh Các thì Cưu Ma Trí đã đến trước rồi. Y nghe loáng thoáng cha mình nói chuyện mình bị Đoàn Dự dùng Lục Mạch Thần Kiếm đánh thắng không khỏi cực kỳ ngượng ngập.

Mộ Dung Bác lại tiếp:

- Ở đây cha con họ Tiêu nhất định phải giết mỗ mới cam lòng, chẳng hiểu ý của đại sư ra sao?

Cưu Ma Trí đáp:

- Cái tình tri kỷ, lẽ nào lại tụ thủ được sao?

Tiêu Phong thấy Mộ Dung Phục đã đến, biến thành bên địch ba người mà mình chỉ có hai, Mộ Dung Phục tuy kém hơn một chút nhưng cũng không phải là dở, e rằng cái chuyện không thể không giết Mộ Dung Bác lại biến thành hai cha con bỏ mạng nơi gác chứa kinh. Thế nhưng ông can đảm dũng mãnh, chẳng vì chuyện thân lâm nghịch cảnh mà sờn lòng, quát lớn:

- Chuyện hôm nay không kẻ sống người chết thì không xong. Tiếp chiêu đây!

Nghe vù một chưởng, Tiêu Phong đã nhắm Mộ Dung Bác đánh tới. Mộ Dung Bác phất tay trái, ngưng vận công lực, định hóa giải chưởng lực của ông. Lách cách lách cách, một giá sách phía bên trái đã vỡ tan nát thành mấy mảnh, sách vở kinh điển trên kệ rơi ập xuống.

Chưởng của Tiêu Phong kình lực hùng hồn, Mộ Dung Bác tuy đã đẩy giạt ra được nhưng không tiêu giải, chỉ có thể chuyển hướng phương vị đánh vào cái kệ sách.

Mộ Dung Bác mỉm cười nói:

- Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong quả nhiên tiếng đồn không ngoa. Tiêu huynh, ta có một lời, không biết huynh đệ có chịu nghe không?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

- Ngươi đừng có định dùng hoa ngôn xảo ngữ mà bảo ta bỏ qua mối thù giết vợ.

Mộ Dung Bác nói:

- Ngươi định giết ta báo thù, với cục diện hôm nay e rằng chưa chắc gì làm được. Bên ta ba người địch với cha con ngươi hai người, thử hỏi xem bên nào thắng thế hơn?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

- Đương nhiên bên ngươi thắng thế. Đại trượng phu dĩ quả địch chúng, có gì mà phải sợ?

Mộ Dung Bác nói:

- Cha con họ Tiêu anh danh cái thế, trên đời này còn sợ gì nữa? Có điều sợ thì chẳng sợ, hôm nay muốn giết được ta quả khó lắm thay. Ta muốn đánh đổi với ngươi một chuyện, ta để cho ngươi toại nguyện báo thù nhưng cha con ngươi phải bằng lòng làm cho ta một việc.

Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong hai người hết sức ngạc nhiên: "Lão tặc này không biết có ngụy kế gì đây?" Mộ Dung Bác lại tiếp:

- Miễn là cha con ngươi bằng lòng làm cho ta một việc thì lập tức tiến lên giết ta báo thù. Tại hạ bó tay chịu chết, quyết không kháng cự, Cưu Ma sư huynh và Phục nhi cũng không được tiến lên cứu viện.

Y vừa dứt lời, cha con Tiêu Phong ngỡ ngàng mà Cưu Ma Trí và Mộ Dung Phục cũng không hiểu nổi. Mộ Dung Phục kêu lên:

- Gia gia, bên ta đông, bên kia ít…

Cưu Ma Trí cũng nói:

- Mộ Dung tiên sinh sao lại nói thế? Tiểu tăng còn một hơi thở cũng không bao giờ để người ta đụng một ngón tay vào tiên sinh.

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/thien-long-bat-bo/chuong-271/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận