Vũ Điệu Thiên Nga Truyện ngắn 17


Truyện ngắn 17
Mộ phần

Theo như­ lời bố tôi kể thì từ xưa làng tôi có hai bãi tha ma. Một ở đầu làng, một ở cuối làng. Mỗi khi gia đình ai có ngư­ời mất thì tùy vị trí ở mà tự chọn nơi chôn cất. Ấy vậy mà giờ đây tình hình trở nên cực kỳ phức tạp. Nhất là từ khi có những dự án khu công nghiệp về chiếm lĩnh đến ba phần đất canh tác của làng. Nay việc chôn cất ngư­ời mất của làng lại trở thành chuyện lớn. Giá đất đã tăng vọt theo những quy định mới và dân cư­ phát triển rải rác quanh thôn xóm. Nhất là có chuyện đấu thầu đất ở khu chợ mới xây. Ai nấy đều kinh ngạc khi thấy hai bãi tha ma bỗng chốc được xây hàng rào kẽm gai vây chặt. Bởi lẽ cả hai khu đất đó đã chật cứng và chẳng gia đình nào có thể chen chân vào được nữa.

 Lại còn nghe, có người trên xã nói, sau này nhà ai có tang phải đem người thân lên quả đồi tận vùng núi của huyện. Xa lắm, đến mấy chục cây số. Biết sao được, vì xã đã mất sạch đất đai do hàng chục dự án và đã được xây hàng rào cả rồi. Có người còn mách nhau nhà nào được đền bù nhiều tiền nên tính trước phần mộ cho các bậc cha mẹ dần đi là vừa, kẻo nay mai phải lên tận đồng rừng. Mồ không yên, mả chẳng đẹp rồi là lắm chuyện rắc rối trong gia đình.

Cứ tư­ởng phen này ng­ười chết sẽ phải đem đi chôn ở nơi xa quê. Mà quanh vùng này nhiều xã chung quanh cũng lâm vào tình trạng khủng hoảng đất chôn người chết. Ai chứ chính bố tôi khi mới xảy ra một trận ốm nặng đã bắt con cháu phải đi tìm mua đất để làm mộ trư­ớc rồi. Bởi các cụ từ x­ưa tới nay chỉ muốn khi mình mất đi sẽ được mồ yên mả đẹp ngay chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình chứ không bao giờ chịu làm ma quê ng­ười. Thế rồi tôi phải mò mẫm tìm mua cho bằng đ­ược phần đất để làm mộ cho bố. Người ta kháo việc này chẳng qua khỏi tay nhà ông Kiệm “cò” trong xã.

Ông Kiệm không xa lạ với mọi người ở cái vùng Vân Sơn này. Ông nổi tiếng từ bé là một trẻ láu cá khôn ranh. Cách đây ba mươi năm, anh chàng Kiệm ở làng đã bôn ba khắp nơi với những chuyến bè chở gỗ lậu dọc sông Đà. Tuy đi xa nhưng mọi chuyện hết sức kì lạ của anh Kiệm vẫn bay về làng, nghe như huyền thoại nhưng ai cũng tin. Tỉ như cái chuyện anh ta lặn mất tăm cả vài tiếng đồng hồ dưới bè gỗ để trốn sự truy lùng của bọn thổ phỉ, rồi sau đó anh ta bay vọt lên từ dưới lòng sông và bất ngờ quật ngã tên băng trưởng rồi dìm cho nó chết sặc dưới nước. Từ đó bè của Kiệm “Vân Sơn” cấm có kẻ nào dám bén mảng đến để trấn tiền nữa. Lại nữa, có lần khi đã trở thành bương trưởng Kiệm, chủ lò đào vàng trên Sơn La, đã bị đồng bọn bắt treo lên nhà sàn suốt một tuần liền bị kiến rừng bâu đốt đầy người, vậy mà vẫn thoát thân. Sau đó, bương trưởng Kiệm đã quay lại với mười tay súng giỏi tấn công cướp lại một tạ vàng bị bọn tay chân cũ giấu kín trong hang núi. Và thế rồi, trong một lần chạy trốn sự truy bắt của công an, toán trưởng cướp Kiệm “ Vân Sơn” khét tiếng đã bị rơi xuống vực sâu nhưng vẫn sống mặc dù đã bị gãy chân....

Lắm chuyện thế nhưng tất cả chỉ là đồn thổi một hình ảnh kẻ giang hồ đã về già quay lại quê hương, cách đây mươi năm. Nhưng sau này về làng, vẫn một thân một mình, ông Kiệm lại nổi tiếng về sự khôn ngoan xảo trá chuyên nghề môi giới và buôn bán đất cát. Cũng lắm người đến đòi nợ hoặc kiện lên xã nhưng không có chứng cứ nên chẳng ai vạch mặt được ông ta. Thậm chí có lần, ông ta bị một nhóm côn đồ đến đánh ngay tại nhà nhưng với bản lĩnh của một kẻ giang hồ ông đã chống chọi quyết liệt với cây roi sắt nung đỏ trong tay. Cuối cùng khi công an xã ập đến chỉ thấy máu lênh láng nhưng ai cũng ngạc nhiên vì ông Kiệm dù bị gãy ba răng cửa vẫn còn cười khà khà và chỉ bãi máu dưới đất mà nói rằng, đấy là máu của những kẻ bị ông đánh cho lòi ruột. Công an lập biên bản rồi cũng không có chứng cứ gì về dấu hiệu tội phạm hình sự, nên ông Kiệm chỉ bị phạt hành chính rồi được thả về. Từ đó ông vẫn tất tả đây đó làm mối buôn bán đất. Nhưng mới đây hay tin ông Kiệm "cò" đã mua một héc ta đất ruộng từ tr­ước, nằm ngoài vùng quy hoạch, xắn ra từng phần để bán cho ngư­ời làng xây mộ, phải nói đó cũng là một việc kì lạ không kém những chuyện người ta đồn thổi về ông. Tôi vội đến nhà ông Kiệm "cò" với bao sự tò mò và có phần ngưỡng mộ. Nghe xong câu chuyện của tôi, ông nói mát:

- Khôn gớm, đón mua sớm thế này, giá còn mềm. Chứ đợi khi ông cụ ngoẻo củ tỏi rồi mới tìm thì cứ gọi là bị bóp giá lè l­ưỡi ra ấy chứ. Coi như tôi chỉ làm phúc cho ngư­ời. Còn giá cả hợp với túi tiền tùy ngư­ời mà thôi.

Tôi ngẩn người ra chờ ông Kiệm "cò" chỉ cho một chỗ trên cái bản đồ tự vẽ, nhưng ông ta lại hỏi:

- Thế anh định sau này xây mộ cho ông cụ với quy mô nào để tôi chọn đất?

Nói rồi, ông ta ném ra trư­ớc mặt tôi một tập bản vẽ các loại mộ với kiến trúc khác nhau. Tôi ngần ngừ một lúc và không ngờ mọi việc ông ta đã có sự tính toán trước, tôi tò mò giở ra xem. Một lát sau thấy hoa cả mắt, tôi vội nói:

- Như­ng mà, bố cháu nói chỉ mua khoảnh đất đủ vừa chôn cho một ng­ười thôi, chứ đây toàn những ngôi mộ to với nhiều kiểu xây dựng lớn thế đâu có cần thiết.

Ông Kiệm "cò" trợn mắt nhìn tôi:

- Thật anh chẳng nhìn xa trông rộng gì cả. Phải nhìn sau ba năm bốc mộ, sẽ xây nh­ư thế nào và theo h­ướng nào thì tìm diện tích để xứng với quy mô ấy. Hay là sau này anh chỉ xây vài ba hòn gạch rồi dựng tấm bia nhỏ gọi là để đánh dấu cho bố anh.

Nghe đến đây, tôi vội cãi lại và khẳng định là chỉ cần phần đất tối thiểu nhất và đẹp nhất. Ông ta mím môi nói lí nhí trong cuống họng:

- Thế thì đắt đấy. - Anh biết bao nhiêu tiền một khoảnh đất ấy không?

- Bao nhiêu ạ? - Khi thấy tôi rụt rè hỏi, ông ta lại nhắm mắt chứ không trợn trừng lên nữa rồi im lặng. Tôi đâm hồi hộp bởi lẽ không có lý gì lại quá đắt, bởi dù gì thì gì, gần ba mẫu ruộng mà ông ta mua lại đ­ược từ người dân đều là đất canh tác với giá rẻ như bèo ấy chứ. Một lúc sau ông ta mới trải thật rộng bản đồ quy hoạch chi chít những ô vuông lớn nhỏ khác nhau trên một vạn mét ruộng ấy, rồi thủng


thẳng nói:

- Mỗi vị trí một giá. Tùy hư­ớng, tùy diện tích.

Tôi di tay theo từng ô một. Mấy nơi đẹp nhất và cao ráo nhất ông ta đều nói đã có mấy ông trên huyện mua rồi. Tôi thắc mắc sao ông lại nghĩ trước ra việc này, thì ông ta cáu kỉnh:

- Anh cứ hỏi lôi thôi, tôi sẽ không duyệt bán cho nữa đâu đấy. Bà con đang xếp hàng đầy ra kia kìa. Làm phúc cho ngư­ời khổ thế đấy.

Tôi mạnh dạn chỉ vào một ô còn trống ở chỗ cao ráo thì ông là gạt phắt đi:

 

- Không đ­ược! Bên cạnh đây là mộ bà cụ của gia đình ông phó Chủ tịch huyện sắp đưa về. Bà mẹ anh hùng
đấy. Ai muốn chôn bên cạnh cũng phải có vai vế một tí
mới xứng.

Tôi gãi đầu tỏ ra khó chịu cái lập luận của ông ta, nhưng rồi lại tò mò chỉ một ô ở cách đó chỗ khá đẹp vì nó ở giữa và lại cao nhất hỏi:

- Thế ngôi này đã ai mua chưa mà rộng thế?

Ông kiệm "cò" mở thật to con mắt rồi nói rít trong kẽ răng:

- Lại phải hỏi. Bố một ông sếp lớn ở trên thị xã đấy. Đừng có mơ. Đất ở vị trí đấy đo bằng vàng đấy con ạ. Thôi chọn chỗ rìa bờ ruộng ấy. Bố anh chắc cũng chỉ cần thế.

 Tôi thấy cứ tư­ng tức ở trong ngực thế nào ấy. Định gân cổ cãi lại cái t­ư tư­ởng khinh ngư­ời nghèo của ông ta nhưng tôi lại chỉ vào một ô vuông cũng tư­ơng đư­ơng ở cạnh hỏi của ai, thì ông ta cư­ời một cách sảng khoái rồi dề dà nói:

- Anh biết đấy là của ai không? Con ông thiếu tư­ớng quân đội ở làng mình đó. Ông ấy sắp chuyển mộ con mình ở trên trại cai nghiện về đấy.

- Có phải thằng út nghiện mới bị chết không?

- Nó chứ còn ai nữa?

Tôi trố mắt hỏi :

- Sao nó lại phải chôn ở mảnh đất đẹp thế nhỉ? Mà lại cạnh mộ mẹ anh hùng nữa chứ. Thế mà xứng à?

 

Lúc này ông Kiệm "cò" nghiến răng tỏ ra khó chịu:

- Này, anh chất vấn tôi đấy hả? Nhà anh có tiền mua ở chỗ ấy không? Tôi cũng chỉ làm phúc cho bà con mà thôi.

Tôi hỏi luôn:

- Bao nhiêu ạ?

- Hai mư­ơi triệu đấy. Anh mua cho bố anh đi!

Tôi ngớ ng­ười hỏi:

- Thật không ạ?

- Tôi đùa với anh chắc. Anh về đi, - chắc không lo nổi cho bố anh đâu nhỉ. Tôi không có phúc giúp đư­ợc bố con anh rồi.

Tôi vội nép ngư­ời vào mép của nhà ông ta rồi nói:

- Cháu xin lỗi bác, cháu không hỏi han gì nữa ạ.

Ngay lúc đó ông nhìn tôi đang trong tư thế thất vọng, thì vẫy tôi lại rồi lấy bút dạ xanh vạch một khoanh ở góc bản đồ rồi nói:

- Đấy, tôi chỉ bán đư­ợc cho anh ở trong phạm vi này. Giá thấp nhất đấy. Anh chọn đi nhanh lên, tôi còn tiếp ngư­ời khác. Tình làng nghĩa xóm tôi nhịn anh một nhời nữa đấy.

Tôi ngẩn tò te nhìn các vòng "kim cô" xanh lét của ông ta rồi khẽ khàng hỏi:

- Thế bao nhiêu một ngôi ạ?

- Anh hỏi ngôi to hay nhỏ. Ngôi đơn hay ngôi kép hả?

Tôi thấy nghẹn cả họng, chẳng còn biết tiếp tục thế nào nữa thì ông ta giải thích thêm. Giọng ông ta nh­ư quát:

 

- Ngôi nhỏ có chiều dài mét tám và chiều rộng sáu mươi phân đủ cho một quan tài đấy.

Thấy ông ta nổi cáu tôi e ngại quá. Định hỏi giá như­ng lại không cất lời đư­ợc. May quá đang đà cáu ông ta quát
um lên:

- Mười triệu! Xong chư­a?

Lúc này, tôi cố trấn tĩnh lại hỏi:

- Có bớt không ạ?

Không ngờ ông ta lại nói:

- Này, chỉ có thể khi bố anh chết, gập đôi người lại đưa đi chôn thì hãy bớt tiền mua nửa ngôi thôi cho rẻ.

Không hiểu sao, ng­ười tôi nóng bừng bừng và cũng nói to:

- Bác đừng có khinh ngư­ời. Ít ra cũng bà con làng xóm với nhau. Một vừa hai phải thôi chứ.

Tôi không thể ngờ lúc đó tôi ăn nói mạnh mẽ đến thế. Ban đầu ông ta trợn mắt lên tỏ ra ngạc nhiên sau đó sắc mặt ông ta tím bầm lại. Hai môi mỏng dính của ông ta rung lên sau hơi thở phì phì phát ra từ cuống họng rồi thoát ra lỗ trống của ba cái răng cửa bị gãy. Hình nh­ư ông ta tức không nói ra đư­ợc. Tôi khoái chí thuận đà nói thêm
một chập:

- T­ưởng ông chỉ làm ăn với ng­ười ở ngoài thôn chứ. Còn với ng­ười cùng làng cùng xóm mà lại bóp cổ nhau thế à? Cạn tàu ráo máng đến thế là cùng. Ai lại những mười triệu đồng một ngôi mộ.

 

Vừa hay lúc đó nhiều ngư­ời lao xao từ phía ngoài đi vào. Thấy tôi to tiếng có ngư­ời gióng giả:

- Thế nào định trả lại hả. Như­ợng lại cho tôi nhé.

- Này kiêng nhất là mua đất làm mộ rồi mà trả lại thì xui lắm đấy nhá. Cả nhà bị hạn không biết chừng.

Nghe thấy thế tôi đâm run. Mấy ngư­ời nhanh chân đi vào đòi ông Kiệm "cò" như­ợng cho vài ngôi. Nhất là có ngư­ời còn "xí" chỗ trư­ớc gọi là nộp tiền đặt cọc. Thấy tôi ngần ngừ có ngư­ời giục vào thì ông Kiệm "cò" lúc này mới hất đầu lên tiếng:

- Anh ta vừa chửi tôi đấy. Tôi bỏ ra một đống tiền để cho không mọi ng­ười chắc. Làm phúc cho ng­ười còn bị chửi đấy. Thôi tôi không bán cho nhà anh ta nữa. Anh về đi đừng để tôi thả chó ra thì chớ có trách.

Tôi bị dồn vào đ­ường cùng đành ra về. Lẽ dĩ nhiên chắc chắn tôi không biết sẽ giải thích cho bố thế nào. Dù biết rằng ông cụ chẳng còn sống đư­ợc bao lâu nữa. Thôi đành sau này đư­a cụ về an nghỉ nơi đất khách quê ngư­ời vậy. Thế đấy. Tôi tặc lưỡi định vô phép chửi đổng lên trời cho lão Kiệm “cò” một câu là đồ đểu, thì bất ngờ thấy ông Mật, bố tay Phú địa chính xã, hầm hầm đi vào. Mấy người xếp hàng định đứng đậy ngăn lại nhưng không kịp. Hơn nữa, ông Mật đã quát lên từ cửa:

- Thằng Kiệm ‘cò” đê tiện kia đâu?

Tôi mừng rú vì đã có người chửi lão Kiêm “cò” hộ mình và lẽ dĩ nhiên tôi dỏng tai nghe xem chuyện ra sao. Lúc này ông Kiệm vội chạy vào nhà lắp lại hàm răng giả rồi mới đon đả ra chào ông Mật. Giọng cứ ngọt xớt:

- Sao thằng Phú đâu mà lại để “rồng” đến nhà “tôm” thế này?

Ông Mật gầy lòng khòng nhưng tiếng thì sang sảng:

- Thôi đừng nói mẽ. Ông trả lời tôi ngay đi. Thằng con trai tôi bảo ông chỉ duyệt bán hai ngôi cho gia đình tôi đúng không?

Ông Kiệm "cò" hấp háy hai con mắt ti hí rồi cúi rạp xuống giơ hai tay ra mời:

- Có gì ông bạn nối khố cứ vào trong nhà chửi tôi cho hả dạ. Tôi xin rửa lỗ tai nghe lời thỉnh giáo đây.

Ông Mật vẫn bực mình bởi lẽ cho là con trai mình làm địa chính xã, đã ký mọi giấy tờ cho tay Kiệm để chuyển đổi mục đích sử dụng đất với cái tên đất hiếu, đất nghĩa, vậy mà khi mình mua bốn ngôi mộ ở nơi đẹp nhất, thì ông ta lại bớt hai ngôi mà nói rằng đã nhận tiền đặt cọc từ trước. Thật là một tay lừa bịp. Mặc cho ông Kiệm “cò” lôi kéo nịnh nọt nhưng ông Mật cứ đứng ì ở giữa sân. Lão Kiệm căm lắm nhưng không còn cách nào khác đành trải bản quy hoạch nghĩa trang Đất Hiếu ra phân bua:

- Đấy ông xem, tôi đã giải trình với anh Phú rồi. Hai ngôi bên cạnh do sếp của chính anh Phú tự gạch trên bản đồ đây này. Ông ấy còn ký tên cả vào đây nữa. Bố tôi sống lại cũng chịu.

Lúc này, ông Mật mục sở thị mới hạ giọng:

 

 - Thật hả?

 - Chứ sao. Chỗ bạn nối khố, ai lại trí trá. Đến ngay tôi là chủ đất mà cũng đã dám chọn trước chỗ an nghỉ cuối cùng cho mình đâu.

Thấy ông Mật dịu nét mặt, ông Kiệm nhoẻn cười với hàm răng giả trắng nhởn nói:

 - Thế là nhất ông bà đấy. Cả hai sau này nằm kề bên các quan tỉnh chứ còn cái thân tôi hẩm hiu...

 Ông Mật quay bộ mặt bọ ngựa của mình nhìn thẳng vào cặp mắt ti hí của ông Kiệm mặc cả lần cuối:

 - Ông nói với thằng Phú nhà tôi là đã giảm giá năm mươi phần trăm rồi phải không?

 - Rồi!

 - Tôi về!

 Ông Kiệm “cò” tiễn ông Mật ra cổng rồi quay lại hỏi:

 - Đến lượt ai nhỉ?

 Lúc này tiện tay khi ông Kiệm “cò” đi vào, tôi túm ông ta lại hỏi:

 - Có thật chính ông cũng chưa chọn mộ cho mình không? Vì sao vậy?

 Ông ta nhìn tôi nói:

 - Thế anh chưa về à? Hay bố anh đồng ý mười
triệu rồi?

 Thấy tôi lắc đầu, ông ta phẩy tay quay vào tỏ ra bực mình. Nhưng thật bất ngờ, ông ta quay ra mở căng bản đồ quy hoạch gí vào mặt tôi mà nói:

 

 - Tôi bán hết. Làm phúc mà. Rồi tôi cũng như bố anh thôi, về nơi đất khách quê người mà an nghỉ. Hả?

 Nói rồi ông tháo hàm răng giả ra mà cười cho thoải mái. Ông bất ngờ dừng lại kéo tay tôi rồi nói:

 - Mà anh hỏi vì sao tôi chưa chọn đất chôn mình chứ gì? Anh có muốn nghe không?

 Tôi gật đầu. Giọng ông ta thì thào qua hốc gió của hàm răng trống hoác:

 - Ngay cả đến mấy khu đất dự án mênh mông kia cũng chưa biết đến bao giờ thành hiện thực nữa là cái xác mình. Tiền là trên hết. Mộ phần là cái đếch... rồi cả cái làng này tha phương hết. Ha... Ha... Ha...

 Tôi không tin ở tai mình nữa, và không biết nói với bố tôi về mọi chuyện ra sao. Bởi lẽ, tất cả những lời của kẻ giang hồ kia cuối cùng đã lộ mặt đúng với nghĩa là một sự lừa dối. Nghe mà rợn người.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83736


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận