Ý nghĩa về tính tương đối bắt nguồn từ đâu?
Ví dụ sau đây rất quen thuộc. Bạn đang ngồi trên xe lửa và thiu thiu ngủ. Bạn thử nhìn qua cửa sổ xem: con tàu hay quang cảnh bên cạnh di chuyển? Trong con tàu hoặc máy bay (không bị xóc, không có vực không khí hoặc gia tốc), khí chúng ta đi lại hoặc rót nước vào cốc, mọi cái đều diễn ra như thể tàu xe bất động.
Vào đầu thế kỷ XVII, Galilée/Galilei là người đã đưa ra ý nghĩ cho rằng chuyển động là một khái niệm tương đối. Theo ông, nếu ta làm các thí nghiệm cơ học trong tàu thủy đang di chuyển theo đường thẳng thì không thể phát hiện thấy chuyển động của con tàu. Cũng ở thế kỷ XVII, Isaac Newton đã khẳng định rằng, nếu một vật không phải chịu một lực nào, thì nó vẫn bất động hoặc tiếp tục chuyển động của nó theo đường thẳng với tốc độ không đổi. Đó là nguyên lý quán tính. Nguyên lý này không áp dụng cho tất cả các hệ quy chiếu: trên một vòng quay, trong một chiếc xe đang quay hoặc hãm lại, các vật đều bị lệch. Người ta gọi hệ quán tính là mọi hệ quy chiếu trong đó nguyên lý quán tính được xác minh. Trái đất có phải là một hệ quán tính không? Không, vì nó quay. Nhưng vì nó quay quá chậm (một vòng mỗi ngày) nên ta có thể coi nó là một hệ quán tính trong đời sống hằng ngày. Liệu có hệ nào là hoàn toàn quán tính không? Newton cho rằng có. Ông coi sự tồn tại một ''không gian tuyệt đối'', bất động, là một định đề. Các hệ di chuyển theo đường thẳng với tốc độ không đổi so với ông (chuyển động thẳng đều) cũng là quán tính. Các định luật cơ học ở đây được xác minh là đúng. Ông còn cho rằng thời gian là tuyệt đối và trôi đều ở mọi điểm của không gian. Theo Newton, không một thí nghiệm cơ học nào giúp tìm ra một hệ quán tính đang chuyển động hay không so với không gian tuyệt đối. Đó là nguyên lý tương đối Galilei.