Hình học của các mảng có luôn luôn ổn định không?
Không. Vị trí và kích thước của các mảng đã không ngừng thay đổi cho tới khi tạo dáng cho bộ mặt của Trái đất hiện nay. Chẳng hạn, người ta biết rằng, cách đây khoảng 300 triệu năm, tất cả các miền đất là một khối liền gọi là Pangée, trong đó thông vào một nhánh biển (biển Téthys). Tới - 200 triệu năm, Pangée bị tách thành hai: ở phía bắc là Laurasie (Âu-Á, Na Uy - Thụy Điển, Greenland và Bắc Mỹ) và phía nam là Gondwana (Nam Mỹ, châu Phi, Australia, Ấn Độ, Madagascar và Nam Cực). Đến lượt chúng, hai khối này bị giải tán, biển Téthys bị khép lại, còn Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương mở ra. Rồi các mảng lại va vào nhau một lần nữa. Sức đẩy của châu Phi vào Á-Âu đã tạo ra rặng núi Alpes, trong khi Ấn Độ va vào châu Á đã nâng rặng Himalaya lên. Thế còn trước Pangée? Các lục địa khổng lồ đã từng được hình thành nhiều lần. Chẳng hạn, cách đây khoảng một tỷ năm, Rodinia xuất hiện và bị giải tán sau đó 300 triệu năm. Thật ra, có thể các khối lục địa được hợp lại thành một lục địa khổng lồ theo chu kỳ khoảng 500 triệu năm một lần, với nhịp độ mở và đóng các đại dương và những va chạm. Các ''chu kỳ Wilson'' này có thể giải thích tính chu kỳ của các giai đoạn tạo núi. Người ta thấy rằng, khi kéo dài chuyển động hiện nay của các mảng, Địa Trung Hải sẽ khép lại và châu Đại Dương sẽ va vào Đông Dương. Như vậy, toàn bộ một khối lục địa khổng lồ bao gồm Âu-Á, Ấn Độ, châu Phi và châu Đại Dương có thể được hình thành trong một tương lai rất xa, từ nay đến khoảng 30 - 50 triệu năm nữa.