ĐẠO GIA VỚI LÃO TỬ VÀ TRANG TỬ (KHOẢNG 369- 286 TR.CN)
Môn phái Đạo gia hình thành ở thời Xuân Thu - Chiến Quốc (không nên lầm lẫn với Đạo giáo, xuất hiện ở thế kỷ XI, một tôn giáo mang nhiều yếu tố mê tín, dị đoan), đại diện cho tầng lớp quý tộc cũ đã sa sút, bất lực trước sự đổi thay của thời thế, cam chịu sống cuộc đời ẩn dật. Là những người đã trải qua nhiều nỗi nổi chìm, họ đã nhìn rõ được cái mà họ gọi là “thế sự phù hoa hư ảo”, do đó đối với giai cấp thống trị đương thời, họ có nhiều mối ác cảm. Trước nỗi thống khổ của nhân dân, đặc biệt là của đồng tình. Nhưng họ lại ước mơ thay đổi hiện thực đen tối trước mắt bằng cách quay trở lại với đời sống giản dị, thuần phác, gần thiên nhiên, thuận theo tự nhiên như cuộc sống thời Thái cổ, với chế độ công xã nguyên thủy xa xưa.
Những nhân vật xuất sắc nhất của Đạo gia là Lão Tử và Trang Tử.
Lão Tử - người được coi là có công xây dựng cơ sở lý thuyết cho Đạo gia và là tác giả sách Đạo Đức Kinh (còn gọi là sách Lão Tử. Về tên tuổi, năm sinh, năm mất cũng như hoạt động của Lão Tử, hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn còn đang tiếp tục tìm hiểu thêm vì còn có rất nhiều điều chưa rõ ràng do chỗ thiếu cứ liệu xác đáng. Theo ghi chép của Sử Ký (Tư Mã Thiên) thì Lão Tử họ Lý, tên Nhĩ, tự là Đam, người nước Sở (huyện Khổ, nay thuộc tỉnh Hà Nam), từng giữ chức Thủ tàng sử cho triều đình nhà Chu, "Viết sách gồm hai thiên Thượng, Hạ, bàn về Đạo Đức”. Nhưng, cũng chính sách Sử ký lại nói, Lão Tử có thể là Lão Lai Tử người nước Sở, hoặc là Thái sử Đam ở Triều đình nhà Chu. Ý kiến của các học giả gần đây về Lão Tử cũng có nhiều điều không thống nhất, có người cho rằng Lão Tử chính là Lý Nhĩ, có viết sách Lão Tử gồm hai thiên thượng, hạ, nhưng không phải là Lão Đam. Lão Đam chỉ là một nhân vật trong truyền thuyết chứ thực tế không có con người đó. Cũng có người lại cho rằng Lão Tử chính là Lão Đam, là người sáng lập ra học thuyết Đạo gia, nhưng tác giả sách Lão Tử lại là người khác (đó là Hoàn Uyên hoặc Chiêm Hà). Có điều, phần đông các nhà nghiên cứu đều cho rằng, sách Lão Tử được hoàn thành vào thời Chiến Quốc và tác giả của sách là các môn đồ của Lão Tử. Họ đã ghi lại lời lẽ của Lão Tử và có thể đã bổ sung giải thích thêm.
Vấn đề trung tâm trong hệ thống tư tưởng triết học của Lão Tử là Đạo và Đức (chủ yếu là Đạo), vì vậy sách Lão Tử được gọi là Đạo Đức Kinh. Theo Lão Tử: Đạo là nguồn gốc chung của thế giới muôn vật và cũng nghĩa là ''quy luật tự nhiên" hoặc ''quy luật khách quan của thế giới vật chất”. Đức là đặc tính của các sự vật tồn tại cụ thể, và cũng là sự thể hiện của đạo trong các sự vật cụ thể. Lão Tử muốn dùng hai quan niệm đạo và đức để thuyết minh tính thống nhất và tính đa dạng của các hiện tượng tự nhiên, thuyết minh nguyên nhân thúc đẩy chúng hình thành và thay đổi biến hoá. Ông nêu lý luận ''đạo theo tự nhiên'' và ''đạo thường là vô vi”, cho rằng đạo sinh thành vạn vật nhưng không hề có ý chí, có dục vọng, có mục đích; quy luật của bản thân tự nhiên chính là quy luật mà đạo dựa vào để sinh thành muôn vật. Những quan điểm đó đều bao hàm những nhân tố duy vật, đối lập với thế giới quan tôn giáo truyền thống. Phần nổi bật nhất trong tư tưởng triết học của Lão Tử là những nguyên tắc quan trọng của phép biện chứng mà ông đã cảm nhận được một cách khá rõ ràng. Theo ông, mọi sự vật đều bao hàm hai mặt: chính, phản đối lập nhau, nương tựa vào nhau mà tồn tại. Sự vật phát triển đến điểm đỉnh thì chuyển hóa sang mặt tương phản. Đó chính là điều mà ông nhấn mạnh “phản là động của đạo”. Ở lúc đầu, cái thuộc mặt phản còn yếu ớt, nhưng dần dần nó sẽ lớn mạnh lên và cuối cùng nó sẽ chiếm lĩnh được vị trí của cái ở mặt chính. Đó chính là điều mà ông gọi là “yếu ớt là dụng của Đạo" - yếu ớt thắng khỏe mạnh. Toàn bộ học thuyết của Lão Tử đều thấm nhuần tư tưởng biện chứng về chuyển hóa mâu thuẫn. Nhưng, học thuyết Lão Tử phản ánh ý thức tư tưởng của giai cấp quý tộc cũ đang suy tàn. Tuy ông đã thấy được quy luật của sự chuyển hóa mâu thuẫn, nhưng ông không chủ trương phát triển mâu thuẫn, giải quyết mâu thuẫn mà lại chủ trương ngăn cản mẫu thuẫn phát triển, mong muốn các sự vật cứ giữ nguyên hiện trạng. Vận dụng quan điểm này vào sinh hoạt xã hội, ông cho rằng người ta nên ở vào chỗ “yếu ớt thấp kém”, ''giảm bớt dục vọng, ít giữ riêng tư”, có như vậy thì mới mong bảo toàn được sinh mạng, tránh được những điều nguy hại.
Về mặt chính trị, một mặt, Lão Tử vô cùng chán ghét chế độ xã hội đương thời, công kích mạnh mẽ mọi chính sách cai trị của bọn quý tộc và mọi hiện tượng bất công giàu, nghèo chênh lệch trong xã hội; nhưng mặt khác ông lại ảo tưởng, rằng có thể xoá bỏ mọi bất công phi lý bằng chủ trương ''vô vi nhi trị'' và chính sách “ngu dân”.
Tư tưởng “nước nhỏ dân ít” mong muốn quay về thời đại công xã nguyên thủy, rõ ràng là đi ngược lại với trào lưu tiến hóa của lịch sử. Sách Lão Tử (sau được gọi là Đạo Đức Kinh) gồm 81 chương, tổng cộng hơn 5000 chữ. Phần lớn viết bằng văn vần, ý và lời đều khá trau chuốt, tinh tế.
Qua sách, chúng ta thấy được một cách sinh động những tư tưởng và luận điểm chủ yếu của Lão Tử và phái Đạo gia đã được trình bày phân tích ở trên. Do thấy được sự phản kháng quyết liệt của dân chúng, không sợ hy sinh chết chóc trước cuộc sống đen tối không thể chịu đựng nổi ở đương thời, Lão Tử viết: ''Dân không sợ chết, sao lại đem cái chết ra dọa nạt họ?'' (Đạo Đức Kinh, chương 74). ''Dân đói chính là do bề trên thu thuế quá nhiều, vì thế mà dân đói, dân khó cai trị chính là do bề trên đặt ra quá nhiều hình pháp luật lệ hà khắc. Dân coi thường cõi chết, hay liều mạng, chính là do bề trên bòn rút, bóp nặn họ để cung phụng cho đời sống riêng của mình một cách quá đáng'' (Đạo Đức Kinh, chương 75). Và Lão Tử đã kết luận một cách chua chát: “Đạo Trời phải chăng cũng giống như phép dương cung ngắm bắn? Cao thì hạ thấp xuống, thấp thì nâng cao lên; thừa thì giảm bớt đi, thiếu thì bù thêm vào. Đạo Trời thì rút bớt nơi thừa để bù đắp cho nơi thiếu, còn Đạo trong xã hội loài người thì lại không như vậy, lại bòn rút nơi thiếu thốn nghèo khổ để cung phụng chốn thừa thãi giàu sang" (Đạo Đức Kinh, chương 77).
Căm ghét xã hội đương thời đầy khổ ải và bất công, Lão Tử cùng các môn đồ mơ ước quay về với xã hội thôn xóm cổ xưa mà họ cho là rất mực thuần phác thanh bình. Lý tưởng ''nước nhỏ dân ít'' đã được trình bày với những lời lẽ thiết tha, giàu hình ảnh: ''Nước nhỏ dân ít, cho dù có nhiều đồ đạc dụng cụ nhưng cũng chẳng dùng, hãy làm cho người dân coi cái chết là hệ trọng (nên không làm những việc mạo hiểm liều mạng), không di chuyển đổi dời đến những chốn xa xôi, tuy có xe thuyền nhưng cũng không sử dụng đến. Coi cơm mình ăn là ngon, coi áo mình mặc là đẹp, nơi ở của mình là yên ổn, mến yêu, quý trọng phong tục tập quán của mình. Những nước nhỏ như vậy ở liền kề nhau, đứng ở nước này có thể nhìn sang nước kia; gà gáy, chó sủa bên này, bên kia cũng nghe thấy tiếng, nhưng người dân ở từng nước cho tới già chết cũng không qua lại thăm viếng giao dịch với nhau'' (Đạo Đức Kinh, Chương 80).
Ở Trung Quốc, môn phái Đạo gia có ảnh hưởng sâu rộng đối với các đời sau. Nhiều người đã tiếp thu những nhân tố duy vật biện chứng trong học thuyết này và phát triển thêm một bước (như Tuân Tử chẳng hạn). Tuy nhiên, số người phát triển những khía cạnh duy tâm bảo thủ và tinh thần yếm thế trong học thuyết này lại nhiều hơn, nổi bật nhất là học phái Hoàng lão và môn Huyền học thời Ngụy Tấn (thế kỷ III đến thế kỷ V), gãy tác dụng tiêu cực đối với đời sống tư tưởng. Đạo giáo thế kỷ XI, một tôn giáo mà trong cung cách hành Đạo có mang nhiều tính chất phù thủy, cũng tôn Lão Tử làm Thái Thượng Lão Quân.
Sau Lão Tử, nhân vật tiêu biểu của phái Đạo gia là Trang Tử (khoảng 369 - 286 Tr.CN). Ông họ Trang, tên Chu, người đất Mông thuộc nước Tống đương thời (phía Bắc huyện Thượng Khâu. Tỉnh Hà Nam, Trung Quốc hiện nay), từng làm chút Tất viên lại (chức quan nhỏ vườn sơn) của đất Mông trong một thời gian ngắn. Trang Tử, nhìn tổng thể là người đã thần bí hóa học thuyết của phái Đạo gia Cổ đại. Trong học thuyết và ngôn hành của ông, người ta thấy những biểu hiện rõ rệt của tinh thần bi quan yếm thế cực đoan. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Uy Vương nước Sở nghe tiếng Trang Chu là người hiền tài, sai sứ giả mang lễ vật trọng hậu sang, mời ông về Sở để giữ chức Tướng quốc. Trang Chu nói với sứ giả rằng: ''Nghìn vàng, mối lợi ấy thật lớn, Khanh tướng, chức vị ấy thật cao. Nhưng ngài không thấy con bò tế Thần kia hay sao? Chăm sóc vỗ béo mấy năm, đem ra phủ lụa là gấm vóc, rồi đưa vào nhà Thái miếu để hiến tế, lúc ấy, nó muốn được như con lợn sữa mồ côi kia liệu có kịp nữa chăng? Thôi ngài mau mau quay về đi, đừng làm ô uế đến ta. Ta thà vui chơi nơi bùn lầy nước đọng mà lại thảnh thơi chứ không đời nào chịu để cho các Vua chúa ràng buộc ta!”. Thế rồi, Trang Chu suốt đời không ra làm quan nữa, cam chịu sống trong cảnh bần hàn.
Về mặt thế giới quan, Trang Chu kế thừa học thuyết ''Đạo pháp tự nhiên'' (Đạo theo tự nhiên) của Lão Tử, chủ trương "Thiên đạo vô vi nhi tự nhiên”, (Đạo trời vô vi mà tự nhiên), cho rằng sự biến hóa đổi thay của mọi hiện tượng đều là tự nhiên vận động, không mục đích, vô ý thức. Các sự vật đều tự thân và tự nhiên vận động, không mục đích, vô ý thức. Các sự vật đều tự thân và tự nhiên đổi thay biến hóa, không thừa nhận có Thượng đế cai quản điều hành giới tự nhiên. Sự sống chết của con người cũng được ông coi là một quá trình biến hóa của bản thân tự nhiên. Vận dụng học thuyết về ''khí" của Đạo gia Cổ đại, Trang Tử cho rằng “Sự sống của con người là, sự tụ của khí, tụ là sống, tán là chết”, (Trang Tử - Tri bắc du). Đó là những nhân tố duy vật trong tư tưởng Trang Tử. Có điều, dường như ông đã hiểu theo tự nhiên là cứ thuận theo dạng thức vốn có của sự vật, không cần dùng sức người để hiệu chỉnh, cải biến, vận dụng cho thích hợp. Ông nói: “Không nên cố gắng đổi thay mệnh” (Trang Tử - Thu thủy), và từ đó đã đi đến chỗ cho rằng: Trước sự biến hoá đổi thay của mọi sự vật khách quan, con người vốn là bất lực, chỉ đành tuân theo tự nhiên mà thôi. Để theo đuổi sự ''giải thoát'' về mặt tinh thần, Trang Tử đã phóng đại vai trò của tinh thần con người, cho rằng mặc dù hình hài bị các quy luật tự nhiên chi phối nhưng tinh thần vẫn có thể độc lập tự chủ, tiêu dao ngoài vòng cương toả, giữ được trạng thái an tĩnh vĩnh hằng. Và như vậy, Trang Tử đã đẩy học thuyết của mình lún sâu xuống vũng lầy của chủ nghĩa duy tâm, thần bí. Thuyết “tề vật” (san bằng sự khác biệt giữa muôn vật), "tề thị phi” (xóa nhòa ranh giới giữa phải và trái) của ông, xét cho cùng, cũng chỉ là sự phát triển của tư tưởng bi quan, yếm thế, thần bí, ''tiêu cực vô vi, ''phó mặc tự nhiên" mà thôi! Trong các thiên Thu thủy, Tề vật luận (sách Trang Tử) Tề Trang Chu đã trình bày một cách tập trung, sinh động hơn những quan điểm triết học ''tương đối chủ nghĩa" này. Theo ông, hình trạng và tính chất của mọi vật đều chỉ là tương đối. Ông nói: “So với cái nhỏ thì tất cả mọi cái đều có thể được coi là to; so với cái to thì tất cả mọi cái đều có thể được coi là nhỏ” (Thu thủy). Ông cũng lại cho rằng, mọi mối quan hệ giữa thiện và ác, đẹp và xấu, sống và chết, thành và bại cũng đều như vậy cả. Sự sai biệt giữa các sự vật, theo ông đã không có tiêu chuẩn khách quan, vậy thì muôn vật trên thế gian này suy cho cùng đều cũng như nhau. Ông nói: "Trong thiên hạ không gì lớn bằng sợi dây lông tơ mùa Thu, và theo lẽ ấy thì núi Thái Sơn là nhỏ; trên đời này không ai thọ hơn Thương Tử (kẻ chết non), theo lẽ ấy mà suy thì Bành Tổ (người nổi tiếng vì sống lâu) là kẻ chết non'' (Tề vật luận). "Vạn vật như nhau cả; cái gì dài, cái gì ngắn, cái gì hơn, cái gì kém?" (Thu thủy). Theo ông, đó chính là ''Đạo thông vi nhất" (Đạo thông suốt, coi tất cả là một). Thực tế, với những quan điểm này, Trang Chu đã phóng đại tính tương đối của sự vật, qua đó phủ nhận mọi hiện tượng mâu thuẫn và đối lập trên thế giới, đi tới chỗ tuyệt đối hóa cái tương đối. Ông cũng đã vận dụng những quan điểm này vào lĩnh vực tri thức, cho rằng nhận thức và quan điểm của người ta cũng chỉ là tương đối mà thôi, phải trái, đúng sai đều không có tiêu chuẩn nhất định. Từ đó, ông đã đi đến chỗ phủ nhận tri thức, phủ nhận chân lý khách quan, ngày càng đi sâu vào con đường bế tắc của chủ nghĩa hoài nghi. Những quan niệm về nhân sinh xã hội của môn phái Đạo gia nhìn chung không được tiếp nhận rộng rãi lúc đương thời. Lúc đó bọn Vua quan ở các nước chư hầu đều đang hăm hở theo đuổi cái mộng ''tranh Bá đồ Vương" qua con đường chiến tranh thôn tính, do đó đang dồn cả tâm trí vào việc lo sao cho ''nước mạnh binh cường'' để giành chiến thắng, lên ngôi Bá chủ chư hầu. Dân chúng thì càng ngày càng khốn khổ vì sưu cao thuế nặng, vì mạnh địch, lao địch, lo kiếm được miệng ăn đã khó, còn hơi sức đâu chú ý đến những chuyện triết lý xã hội huyễn hoặc ấy. Chính vì lẽ đó, trong một thời gian dài, học thuyết của phái Đạo gia chỉ được một số ''chính nhân quân tử” muốn “thoát tục lánh đời'' tìm hiểu.