ARISTOTLE (384 – 322 Tr.CN) – NHÀ TƯ TƯỞNG
VĨ ĐẠI NHẤT CỦA THẾ GIỚI CỔ ĐẠI
PLATO THẬT ĐÁNG QUÝ NHƯNG CHÂN LÝ CÒN ĐÁNG QUÝ HƠN
Trong số học trò của Plato có một người không chịu nhắm mắt nghe theo thầy, thường hay nêu ra những thắc mắc làm cho thầy phải lâm vào thế bí. Cậu đã từng hỏi Plato rất nhiều lần: ''Hình dạng sao lại có thể tồn tại tách rời khỏi vật thể?”.
Người học trò đó chính là Aristotle, sinh vào năm 384 Tr.CN tại Stagira, một thành phố Hy Lạp ở trên bờ Đông Bắc biển Egée. Plato rất mực ca ngợi người học trò tài hoa có dáng người cao gầy, đầu óc thông tuệ, tư duy sắc nhạy và ham tranh luận ấy. Ông gọi Aristotle là ''nous'' của Viện Hàn lâm. Theo tiếng Hy Lạp, ''nous'' có nghĩa là “linh hồn”, ''tinh thần”, “lý trí”, “hạt nhân”... Plato còn cho đề ở cửa phòng Aristotle hàng chữ ''Phòng của con người thiên kinh vạn quyển”. Nhận xét về người học trò lỗi lạc này, Plato đã có lần nói: ''Đối với các trò khác thì cần cái đinh thúc ngựa, còn đối với Aristotle thì phải chắc tay cương!”.
Thật vậy, vốn là con thầy thuốc Nicomachus, đã từng được nhiều lần theo cha đi thăm khám các bệnh nhân, chàng rất khó tin rằng tinh thần có thể tồn tại tách rời thể xác. Nhờ cha, chàng biết được rằng, cái nóng của máu từ tim chảy ra; chính sức nóng này duy trì sự sống, như thế có nghĩa là sức nóng duy trì tinh thần của sinh vật. Chàng không tài nào hiểu được vì sao đá, lửa, không khí lại có thể có tinh thần!
Cây cỏ hoa còn có thể có tinh thần thực vật hạ đẳng, tinh thần này không hiểu biết gì hết, không cảm thấy gì hết nhưng dẫu sao nó cũng đã duy trì sự sống của cây cỏ, đã thúc đẩy cây cỏ phát triển, kích thích hạt giống chín già ở trong quả và từ hạt giống này, những cây mới mọc ra. Nhưng đá thì quyết không sống, nó không hút nhựa đất và không sinh con đẻ cái, đời nọ tiếp nối đời kia, ...
Chàng đã sống nhiều năm trong Viện Hàn lâm. Chàng tôn kính người thầy đã dạy mình biết hỏi và trả lời, qua tranh luận rút ra chân lý, từ vật tiến đến khái niệm. Và thầy cũng yếu quý và khen ngợi hết lời người học trò xuất sắc. Thế nhưng, khi thầy dẫn dắt trò vào thế giới thần thoại, hư ảo có tinh thần mà không có thể xác, có khái niệm về sự vật mà không có bản thân sự vật đó, thì trò khăng khăng phản kháng và cự tuyệt.
Trong tác phẩm Phép siêu hình, Aristotle phê phán: ''Hình dạng liệu có ích gì đối với những cái vĩnh hằng có thể cảm giác được, những cái có sinh và có hủy? Hình dạng vốn đã không phải là nguyên nhân của sự vận động của chúng, mà cũng chẳng phải là nguyên nhân của sự biến đổi của chúng. Hình dạng chẳng giúp gì cho sự nhận thức sự vật cũng như sự tồn tại của sự vật cả”.
Vào Viện Hàn lâm năm mới 17 tuổi, sau 18 năm theo học Plato, giờ đây Aristotle rời Viện Hàn lâm đi theo con đường của mình.
Aristotle hiểu rất rõ ràng, không thể nhắm mắt chỉ dựa vào lý trí để nhận thức thế giới. Muốn nhận thức cần phải nhìn, phải nghe, phải cảm giác. Người không biết cảm giác thì không nhận thức được gì hết, không hiểu biết gì hết. Aristotle đến bên lò của người thợ đúc, đến cạnh bàn chuốt của người thợ gốm, đến sau khung cửi của người thợ dệt...
Rõ ràng, đúc tượng tất phải có đồng, làm cốc chén ắt phải có bạc, nung bình lọ làm sao thiếu được đất sét và than, dệt vải tránh sao khỏi dùng đến đay gai...
Tất cả, tất cả đều do vật chất tạo thành. Không có vật chất không thể nào có các vật được. Vạn vật đều do vật chất sinh ra và sau khi hủy diệt lại biến thành vật khác.
Hầu như toàn bộ Phép siêu hình Aristotle dành để phê phán học thuyết của Plato. Trong chương một, khi phê phán, Aristotle còn dùng đại từ “Chúng tôi”, xem mình như một thành viên trong học phái Plato, nhưng tới chương mười ba thì chuyển sang dùng đại từ “Họ” tức là đã đứng hẳn trên lập trường đối địch với phái Plato.
Aristotle thường hay nhắc đi nhắc lại: ''Đối với ta, Plato thật đáng quý, nhưng chân lý còn đáng quý hơn!''
NGƯỜI THẦY THIÊN NHIÊN CỦA NHÀ HIỀN TRIẾT
Ham hiểu biết - đó là bản tính của con người. Điều đó càng đúng đối với trường hợp Aristotle. Trái ngược với những người trong học phái Plato đặt ý niệm, tinh thần, linh hồn lên hàng đầu, Aristotle đặt vật chất lên hàng đầu. Nhưng ông không dừng lại ở đó ông muốn đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của những sự việc xảy ra. Bởi lẽ, theo ông, khoa học chính là những tri thức về nguyên nhân.
Aristotle - con người tài trí nhờ đào sâu suy nghĩ trong nhiều năm ròng đã ra đồng, vào rừng để nhìn, nghe và cảm giác. Đôi mắt ấy đã nhìn lâu vào sách trở nên thông minh hơn. Đôi mắt ấy bây giờ nhìn thấy những cái trước kia không nhìn thấy.
Aristotle đi đi lại lại trên các luống cày, ông nhìn thấy người nông phu đã gieo hạt giống vào trong đất ẩm như thế nào. Và ông cũng nhìn thấy trong tổ chim, những con chim non, con nọ tiếp con kia, đã mổ thủng vỏ trứng rồi thò cái đầu có cái mỏ há to háu đói ra sao. Thế là ông nghĩ, trong trứng cũng có một sức mạnh tự động nào đó đã sáng tạo ra chú chim non. Muốn có sức mạnh này, chỉ cần chim mẹ lấy tấm thân xù lông ấm áp của mình ấp lên trên trứng là được. Và một lần nữa, lối suy nghĩ quen thuộc lại dẫn đưa ý nghĩ của Aristotle đi từ cái riêng tới cái chung, từ hạt giống tới toàn bộ giới tự nhiên.
Vậy mục đích của giới tự nhiên là gì?
Aristotle quan sát rễ cây và nghĩ rằng, rễ cây cũng tương tự như những cái miệng của động vật. Ông đi trên bờ biển và dừng bước bên những mẻ lưới đầy cá. Cá chẳng hề giống thú rừng chút nào! Nhưng cá cũng thở. Cá có mang thay cho phổi. Xương cá cũng tựa như xương của chúng ta. Cá tuy không có tai nhưng vẫn nghe được. Aristotle thường dùng dao con mổ xẻ cơ thể của bất cứ con vật nào tìm được để nghiên cứu tim, gan, phổi và lá lách của chúng. Ông muốn căn cứ vào ruột gan của động vật để phán đoán về cấu tạo của cơ thể con người, bởi lẽ thời ấy mổ xác người bị xem là tội ác.
Khi so sánh các động vật, ông thấy có thể xếp chúng theo những nấc trên một bậc thang, từ những động vật rất thấp như loài thân mềm, sao biển, hải miên cho tới những con thú bốn chân có lông mao. Cao hơn nữa là loài khỉ. Mặt khỉ giống như mặt người, tay khỉ cũng hệt như tay người. Con người đứng cao hơn hết thảy, cỏ và cây cối thấp hơn tất cả các động vật. Thấp nhất là đá, đất sét và đất.
Aristotle nhìn thấy các nấc thang mà sinh vật tiến triển từ thấp đến cao. Càng lên cao, vật chất càng phức tạp, càng nóng hơn, càng linh hoạt hơn, càng có trí tuệ, càng có ý thức.
Giới tự nhiên sáng tạo ra muôn vật liên tục và không mệt mỏi. Mỗi một sáng tạo mới của tự nhiên lại hoàn chỉnh hơn so với trước. Rồi Aristotle dùng sợi dây xích kiên cố nối liền cái sống với cái chết: đất - cây cỏ động vật - con người.
Và khi muốn đi sâu hơn nữa, ông tại đề ra cho người thầy thiên nhiên của mình một câu hỏi mới: Vậy đất là gì? Nước, không khí và lửa mà ta nhìn thấy xung quanh là gì vậy? Chúng tồn tại riêng rẽ hay có liên hệ với nhau?
Ông suy nghĩ về gió và mây, về mưa và tuyết, về sắt và đá.
Khi dạo chơi trong thành phố, ông dừng bước trước cửa lò rèn mù khói. Ông nhìn thấy lửa đã biến quặng thành kim loại óng ánh, ngân vang như thế nào.
Thế là, ông nghĩ rằng đất đã đẻ ra quặng. Như thế có nghĩa là kim loại cũng do đất mẹ sinh ra. Nhìn người nô lệ tưới nước vào lửa, Aristotle chú ý quan sát từng cuộn, từng cuộn hơi nước trông tựa những đám mây màu trắng bốc lên trời. Ông nhớ lại nước mưa cũng chính những đám mây trắng đó rơi xuống đất.
Và, các vật đã từ vật này biến thành vật khác như thế đấy. Cái mới không phải đơn giản do cái cũ tạo thành, mà do cái cũ đẻ ra. Cái chết của nước chính là sự sinh của hơi nước.
Thế là trước mắt Aristotle hiện ra sợi dây chuyền biến hóa. Từ đất cây cối mọc ra. Từ cây cháy mà có lửa. Từ lửa sản sinh ra khói và hơi nước bay trong không khí. Từ hơi nước lại sản sinh ra nước. Thế rồi từ nước lại sản sinh ra đất biến thành bùn lắng xuống lòng sông.
Dây chuyền đã được nối liền: Đất - lửa - không khí - nước, rồi lại trở về đất. Vũ trụ do bốn nguyên tố tạo thành. Bốn nguyên tố chuyển hóa lẫn nhau. Đó phải chăng là vì tất cả những nguyên tố ấy đều là hiện thân của cùng một nguyên tố ban đầu, một vật chất ban đầu đã tạo nên muôn vật trên thế giới?
Sợi dây chuyền vĩ đại đã khép kín - từ vật đơn chất nhất ban đầu đến con người. Sợi dây chuyền đó bao gồm hết thảy mọi vật trên thế giới, bao gồm cả đất - trời.
Aristotle đã rọi soi tới những nơi sâu kín của cơ thể sinh vật và vật vô sinh. Giờ đây ông lại muốn nhìn thấu suốt vạn vật trong Vũ trụ. Ban đêm ông nhìn ngắm các vì sao. Ông cố hình dung xem Vũ trụ cấu tạo như thế nào. Nhớ lại những lần đi biển và những quan sát khi có nguyệt thực, ông đã phỏng đoán trái đất không phải là một mặt tròn bằng phẳng, mà là một quả cầu khổng lồ.
Ông đi ''du lịch'' trên con đường từ trái đất dẫn tới các vì sao. Ông cho rằng chỉ có một Vũ trụ. Trái đất nằm yên bất động ở trung tâm Vũ trụ. Thiên cầu xoay xung quanh trái đất. Mặt trời, mặt trăng, hành tinh và các vì sao dính chặt vào thiên cầu. Aristotle nghĩ rằng tất phải có một cái gì vĩnh hằng và bất động đã làm cho Trời và vạn vật trên Trái đất chuyển động. Thế là, Aristotle bèn đặt ở ngoài tinh cầu, ở ngoài biên giới của trời một nguồn động lực vĩnh hằng và bất biến, đó chính là Trí tuệ, trú ngụ ở đâu đó “trong thế giới bên kia”.
Ông nghĩ, ở hạ giới chúng ta hết thảy đều thay đổi, nhưng trên tinh cầu thì không có đổi thay. Đó là xứ sở của những sự vật vĩnh hằng.
Đấy, Aristotle có lúc đã tìm được đường đi chính xác có lúc lại lạc đường như thế đấy. Hôm nay ông khẳng định rằng không thể có tinh thần mà không có cơ thể, không thể có hình dạng mà không có vật chất, nhưng ngày mai ông lại nói về ''nguồn động lực ban đầu'' không chứa đựng chút xíu vật chất nào, lại nói về “thế giới bên kia”.
Trong khi cố tìm cách thu về một mối toàn bộ nền học vấn Hy Lạp, ông thường hợp nhất cả những cái không thể hợp nhất được: Plato với Democritus, niềm tin cũ với khoa học mới, chủ nghĩa duy tâm với chủ nghĩa duy vật. Nhưng dù còn có nhiều lầm lẫn, Aristotle vẫn là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thế giới Cổ đại.
HAI CÁCH CHINH PHỤC THẾ GIỚI
Aristotle có rất nhiều học trò. Ông rất thích cùng với họ vừa đi dạo, vừa đàm đạo trên đường rợp bóng cây của Lyceum, một trường học ở Athènes, gần đền thờ Thần Apollo Lykeios. Dân thành Athènes đặt cho Aristotle là các học trò của ông cái tên bóng gió là “những kẻ tiêu dao”.
Họ đi đi lại lại. Học trò cố tìm cách khỏi rớt lại sau thầy để lắng nghe lấy từng lời từng chữ.
Sau cuộc đi dạo hoàn toàn không phải là vô bổ này, các học trò giải tán, người nào làm việc người nấy. Có người thu thập cây cỏ, có người nghiên cứu cơ thể động vật. Có người vẽ những đường tròn và hình tam giác trên cát. Lại có người xếp đầy sách xung quanh mình, trích lục trong sách đoạn này, đoạn khác.
Họ giúp thầy. Chỉ riêng để viết một bài Bàn về Nhà nước Aristotle đã phải nghiên cứu chế độ của một trăm năm mươi tám quốc gia Hy Lạp.
Ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, trong đó có những cuốn nổi tiếng như: Bàn về công cụ, Bàn về linh hồn, Phép siêu hình, Luân lý học, Chính trị học, Thi học, Vật lý học, v.v... Có thể nói, đây là một sự nghiệp vô cùng lớn lao, chỉ có con người khổng lồ như Aristotle mới có thể đảm đương nổi.
Hàng ngày, các học trò tụ tập ở trường Lyceum. Nhưng khi nói chuyện với họ, Aristotle thường buồn rầu nhớ tới người học trò đầu tiên, mà có lẽ là người học trò xuất sắc nhất của mình, người đã đổi vũ khí hòa bình của nhà khoa học lấy lưỡi kiếm sắc của kẻ đi chinh phục.
Khi Aristotle còn trẻ, Quốc vương Macédoine là Philippe II viết thư cho ông: ''Cảm ơn Thần Thánh đã khiến con trẫm Alexandros, sinh cùng thời với khanh. Bởi vì, trẫm hy vọng rằng, được nhà ngươi dạy dỗ, Alexandros sẽ trở thành kẻ nối ngôi xứng đáng của trẫm”.
Philippe là một ông Vua hùng cường. Nhà vua đã thống nhất các thành bang đối địch của Hy Lạp thành một Vương quốc. Ngay cả Athènes yêu tự do cũng phải tuân theo sự chi phối của nhà Vua. Bởi vậy, nhà Vua hy vọng Alexandros sẽ hoàn thành sự nghiệp mà nhà Vua đã mở đường khai lối.
Làm thầy học của Hoàng tử, nhất là lại làm thầy học của vị Hoàng tử ôm mộng trở thành đức Vua của toàn thế giới, không phải là chuyện dễ. Alexandros thông tuệ, dũng mãnh, quyền biến, đầy mưu lược. Vị Vua ấy được xem là thiên tài quân sự hiếm có trong lịch sử loài người.
Alexandros kính trọng Aristotle và kính trọng cả khoa học. Giá như Alexandros không phải là Hoàng đế và biết nghe lời thầy, thì ông ta sẽ cùng với các học trò khác đi dạo trên con đường rợp bóng cây của trường Lyceum, theo con đường của các nhà hiền triết. Thầy không những sẽ đưa ông ta đến nơi cùng trời cuối đất, mà còn đưa Alexandros đến những vì sao xa vời lấp lánh trên bầu trời và tới khoảng không gian thăm thẳm khôn lường.
Nhưng Alexandros ở nơi xa: ở nơi cùng trời cuối đất, Alexandros đang giáp chiến với các kỵ sĩ xuất quỷ nhập thần miền đồng cỏ, ông ta đang chống cự cuộc tiến công dũng mãnh của voi trận Ấn Độ.
Trong số những kẻ cùng đi với Alexandros có cả các nhà khoa học. Họ ước mong nghiên cứu những miền đất mới, ước mong đi đến một xứ sở chưa ai từng biết và đem về nhà những cây cỏ lạ kỳ, những tiêu bản các loài dã thú hiếm có.
Vua Alexandros đem theo cả các nhà khoa học. Nhà Vua thật không hổ là học trò của Aristotle.
Trận mạc nhiều vô kể. Đường hành quân không biết đến đâu là hết. Hàng ngàn cỗ xe chở về phương Tây bạc vàng do quân sĩ cướp được.
Nhưng bản thân quân lính ngày càng giống đoàn hành khất khổng lồ và rối loạn. Binh phục của sĩ tốt rách bươm, kiếm cùn, móng ngựa vẹt mòn vì những cuộc hành quân.
Ước vọng trở thành kẻ bá chủ toàn thế giới của Alexandros thật là hoang tưởng. Giá như Alexandros biết trái đất lớn đến chừng nào, chắc ông ta sẽ hiểu rằng ý định chinh phục trái đất thật quả là ngông cuồng.
Giữa lúc ấy, ở hậu phương, các bộ lạc Trung Á nổi dậy.
Thế là, Alexandros lừng danh vô địch, chỉ có tiến không lùi, lần đầu tiên phải nếm mùi cay đắng của cảnh lui binh.
Ông rẽ qua Ấn Độ. Biết bao người lính già đã bỏ mạng dưới những loạt mưa tên, đã chết bẹp dưới bàn chân nặng của voi trận Ấn Độ, đã chết chìm dưới những dòng nước từ trên trời đổ xuống suốt ngày đêm. Qua mười năm trời trên đường chinh chiến, họ vẫn chưa thấy được điểm tận cùng của thế giới. Phía bên kia Ấn Độ lại hiện ra những miền đất mới bạt ngàn và những dòng sông mới đổ vào những đại dương chưa hề biết.
Binh sĩ nản lòng không muốn tiến thêm. Họ ném đao kiếm và lá chắn. Họ không còn nghe lời chủ tướng. Thế là, trong tiếng tiêu và tiếng sáo, đội quân vô địch hát khúc ca say chếnh choáng trở về. Alexandros không thực hiện nổi cái mộng làm bá chủ thế giới. Mà ngay phần thế giới từ Italia đến Ấn Độ ông ta đã chinh phục được, sau khi chết cũng lại vỡ tan như bèo bọt.
Năm 323 Tr. CN, Alexandros lâm bệnh chết đột ngột ở Chalcis thuộc Đảo Eubéc.
Nghe nói, trước khi tiến quân vào châu Á, có lần Alexandros đến thăm nhà triết học Diogène. Nhà triết học không thể tiếp đãi khách ở nhà mình được, chỉ vì một nguyên nhân đơn giản: ông không có nhà cửa, ông sống như một con chó trong cái thùng gỗ mục nát. Vậy mà nhà hiền triết túng nghèo đó vẫn nói rằng ông hạnh phúc hơn cả nhà Vua.
Hai con người kiêu ngạo gặp nhau: người chủ Vũ trụ Alexanơros và người chủ cái thùng gỗ mục nát Diogène. Nhưng Diogène chỉ yêu cầu đức Vua có một điều: ''Xin bệ hạ hãy lui ra, đừng che lấp ánh nắng Mặt trời của hạ thần!”.
Bằng cát bụi của những cuộc tiến quân và khói mù của những đám cháy, kẻ đi chinh phục đã che lấp ánh Mặt trời của hàng triệu triệu người. Nhưng khói mù rồi cũng tan, cát bụi rồi cũng lắng xuống, những cái cướp đoạt được rồi cũng mất đi... Nhưng, những tư tưởng óng ánh như kim cương do các nhà hiền triết chinh phục vì cả loài người sẽ mãi mãi ngời ngời toả sáng. Aristotle vĩ đại - người đặt nền móng cho nền văn hoá phương Tây là một trong những nhà hiền triết đó, ông mất năm 322 Tr. CN hưởng thọ 62 tuổi.
NNC. THẾ TRƯỜNG