PLATO (427 – 347 Tr.CN)
GIẤC MỘNG “CON THIÊN NGA” CỦA SOCRATES
Tương truyền năm 12 tuổi, Ariston thầy dạy trường thể dục Palaestra, thấy cậu có vầng trán rộng, thân thể cường tráng nên đặt cho cái tên Plato, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “cao rộng”, “hùng tráng”. Nào ngờ về sau cái tên ấy lại trở thành chính thức.
Vốn xuất thân từ gia cảnh quý tộc truyền thống Athènes, ngay từ nhỏ, Ptato đã được hưởng một nền giáo dục khá toàn diện. Chàng thiếu niên Plato phong nhã, tài hoa, cậu yêu hội họa, làm thơ, soạn kịch và diễn kịch, chỉ huy đội hợp xướng. Cậu ham thích thể dục, đã từng nhiều lần tham gia thi đấu trong các đại hội điền kinh. Văn tài của Plato đặc biệt xuất chúng. Nhiều áng văn dưới hình thức đối thoại của Plato chẳng những là danh tác triết học, mà còn là những kiệt tác văn chương. Nhiều vần thơ xuất chúng của Plato vẫn được truyền tụng tới ngày nay...
Thế nhưng, cuối cùng Plato không trở thành nhà thơ, mà lại đi theo con đường của các nhà hiền triết.
Số là trong một cuộc thi sáng tác và trình diễn bi kịch, được nghe nhà triết học lừng danh Socrates thuyết giảng, lời nhà triết học lúc hùng biện lúc bi tráng, lúc sâu lắng như thần hiệp cuốn hút tâm trí chàng trai trẻ; Plato thay đổi chủ định, liền đem vở bi kịch đó cùng những thi phẩm khác dâng tặng cho Thần lửa, để bước sang con đường dõi nhìn và kiếm tìm chân lý. Nhìn những tác phẩm của mình cháy bừng trong đống lửa, Plato thốt lên:
Này hỡi Thần lửa Hephaistos!
Plato này xin cầu viện đến ngài.
Ít ngày sau, giữa một ngày Thu nắng đẹp, một người đứng tuổi dẫn một trang anh tuấn đến tư dinh nhà triết học. Đó là chàng trai trẻ Plato vừa hai mươi tuổi và ông chú dượng. Nhìn chàng trai văn nhã, đường chính, mi thanh mục tú, cả sắc diện toát lên một thứ ánh sáng trí tuệ ngời ngời, Socrates khấp khởi mừng thầm, chậm rãi kể với ông chú dượng: ''Đêm qua ta nằm mơ, thấy một con Thiên nga bé bỏng bay tới, đậu trên đầu gối. Con Thiên nga này hãy còn non nớt, lông cánh còn chưa mọc đủ. Nhưng sau khi đậu xuống đầu gối ta, lông mọc rất nhanh, cánh trải dài cứng cáp. Sau đó Thiên nga vỗ cánh tung bay, trời cao lồng lộng, tiếng hát của nó từ tầng mây vọng lại trong vắt du dương... Hôm nay các người tới đây, giấc mơ của ta quả là linh ứng. Con Thiên nga ấy chính là Plato...”
Plato trung thực cắp sách theo thầy suốt 8 năm ròng, hấp thụ tất cả tinh hoa triết học của thầy. Thường thì sau lúc gặp thầy, về nhà, Plato liền lấy một cái que nhọn làm bút và bản sáp. Chàng cố nhớ và ghi lại từng câu, từng chữ cuộc đàm thoại với Socrates.
Nhưng, ngoài những lời đàm đạo ra, chàng còn ghi vào nhiều câu có thể nói thêm và các câu theo ý chàng, có thể làm nổi bật thực chất của cuộc tranh cãi. Bản ghi chép của cậu học trò giờ đây biến thành các cảnh và những cuộc đối thoại sinh động.
Socrates là nhà tư tưởng uyên thâm, triết lý cao siêu là người khai sơn phá thạch trong lịch sử văn hóa, tư tưởng Hy Lạp Cổ đại. Nhưng Socrates chỉ chú tâm tranh biện, không để ý trước tác, không hề lưu lại cho người đời sau một chữ, một dòng! May mắn thay, những suy ngẫm, các cuộc tranh biện, các lời thuyết giảng của thầy được Plato ghi chép tỷ mỷ trên bản sáp, trên giấy da dê. Có thể nói không có Plato sẽ không có Socrates. Chính ''con thiên nga" Plato đã làm cho người thầy Socrates lưu danh thiên cổ.
Các nhà triết học sau này, khi nghiên cứu nền triết học Tây phương Cổ đại, đều thống nhất nhận định: ''Người kế thừa duy nhất Socrates chính là Plato''.
TRONG THẾ GIỚI U LINH
Sau khi thầy học Socrates bị xử uống thuốc độc chết, để tránh liên lụy, Plato trốn khỏi thành phố quê hương Athènes của mình.
Ông chạy đến Megara.
Ở nơi rất xa quê hương, ông lại tiếp tục cầm bản sáp ông cố nhớ lại những ngày cuối cùng của người thầy, nhớ lại buổi nói chuyện của thầy với các môn sinh ở trong ngục thất.
Ông đi đây đi đó, xem xét, nghe ngóng, nói chuyện với mọi người. Thế nhưng tâm trí ông không ở đó cái nhìn u uẩn bên trong, tựa hồ như ông vẫn đang tiếp tục nói chuyện với thầy.
|
| Thầy và trò Plato - Aristotle | |
Plato cảm thấy ông thầy tuy đã chết nhưng thực ra vẫn thư đang sống, sống trong tâm tưởng các môn sinh; còn người sống tất cả đều là ảo ảnh…
Trước mắt Plato, mộng ảo và sự thật cứ luân phiên đổi chỗ cho nhau như thế.
Ông đi chu du hết thành phố này đến thành phố khác, hết nước này đến nước nọ. Ông nói chuyện với các nhà Bác học, ông nghiên cứu chế độ của các nước và đời sống của các dân tộc. Ông đi tìm một quốc gia ở đó mọi người sống theo chính nghĩa.
Từ Hy Lạp, Plato vượt biển sang Ai Cập. Từ Ai Cập ông lại đi Sicilia và Italia. Tới đâu ông cũng rút tỉa từ những điều mắt thấy tai nghe, từ các nhà hiền triết có tư tưởng gần với quan niệm của mình.
Học thuyết cho rằng, thế giới mà mọi người nhìn thấy không phải là thế giới chân thực, mà là thế giới hư ảo, và thế giới chí cao chỉ có thể nhìn thấy được bằng sự quan sát của trí tuệ đã cổ vũ và an ủi ông.
Nhưng làm thế nào vươn đến cái thế giới "lý tưởng'' ấy? Plato nhớ rất rõ những cuộc đàm đạo với người thầy đã chết. Socrates đã nhiều lần giúp ông từ quan sát vật chất tiến đến quan niệm.
Bây giờ trò lại leo lên bậc thang vô hình ấy.
Ông nhìn thấy cây cối xung quanh: cây sồi, cây nguyệt quế, cây ngô đồng... Thế là từ các cây ấy ông tiến đến ý niệm về cây. Các cây ấy không phải là tồn tại vĩnh hằng: bão táp có thể quật đổ chúng, con người có thể đốn gẫy chúng. Ngay đến cây sồi rắn chắc, trong một thời gian nào đó, cũng sẽ chết khô rồi mục nát. Nhưng ý niệm về cây thì không thể nào tồn tại, cũng không thể nào mục nát được.
Hình tam giác vẽ trên cát có thể xóa đi được, nhưng ý niệm về hình tam giác thì vẫn còn. Thời gian không chi phối được ý niệm. Thời gian có thể cuốn theo tất cả những gì chúng ta nhìn thấy xung quanh, nhưng ý niệm thì vẫn còn. Ý niệm ở ngoài không gian và thời gian.
Plato sáng tạo trong trí tưởng tượng của mình một vương quốc ý niệm ảo huyền. Ở đó, không có màu sắc, không có hình tượng, không có bất cứ cái gì có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy được. Ở đấy, tinh thần quan sát một cách thụ động những ý niệm tối cao như chân lý, hạnh phúc và chính nghĩa. Nơi đây là xứ sở của chân lý vĩnh hằng và bất hủ. Còn cái thế giới mà chúng ta nhìn thấy kia chẳng qua chỉ là sự phản ánh lờ mờ cái thế giới không nhìn thấy ấy. Đối với Plato, khái niệm trừu tượng là một thực thể bất hủ, tách rời vật chất, tồn tại trong một thế giới khác. Ông cho rằng, ngoài cây và đá ra, ở một nơi nào đó còn có “cái cây ý niệm” và ''hòn đá ý niệm''...
Và, Plato cứ sống cuộc sống song trùng như thế, cho mộng là hiện thực, cho hiện thực là mộng. Ông chăm chú quan sát tỷ mỷ tâm hồn mình. Ông nhìn thấy khái niệm về vật và khái niệm về khái niệm nảy sinh trong tâm hồn như thế nào. Cả hai thế giới đó cùng với tiếng động, màu sắc, hình dạng của nó phản ánh trong tâm hồn ông. Ông cảm thấy phản ánh đó mới là thế giới chân thực. Ông giống như người nhìn xuống nước liền thốt lên rằng: “Nhìn kìa, cây sồi ở dưới nước kia mới là cây sồi thật. Còn cây sồi mọc trên bờ kia chỉ là phản ánh của cây sồi dưới nước mà thôi”…
Plato không giống các nhà ẩn sĩ, muốn xa lánh cuộc đời. Ông muốn thay đổi theo ý mình, không những trong tưởng tượng mà cả trong thực tế cái thế giới mà chính ông cho là hư ảo.
Ông đến Sicilia, đến Syracuse, đến yết kiến tên bạo chúa Dionysios, hy vọng dựa vào sự giúp đỡ của y để xây dựng một quốc gia, ở đó chính quyền và khoa học thuộc về một số ít người ''ưu tú'' nhất, tức thuộc về các nhà triết học.
Nhưng bạo chúa hoàn toàn không muốn chia sẻ chính quyền với các nhà triết học.
Tai họa giáng xuống đầu Plato. Bạo chúa ra lệnh bán ông sang đảo Egina làm nô lệ.
Thật chẳng ai ngờ, người dòng dõi quý tộc kẻ bảo vệ chế độ nô lệ, tự mình lại trở thành nô lệ. Bạn bè ông tốn biết bao tâm lực và tiền của mới chuộc được ông về...
“KHÔNG HIỂU HÌNH HỌC XIN ĐỪNG VÀO!”
Sau khi thoát khỏi cảnh bị bán làm Nô lệ, Plato trở về quê hương Athènes mở trường giáo dục thanh niên.
Khác với Socrates khi nói chuyện với môn sinh giữa nơi kẻ chợ ồn ào, Plato nói chuyện trong một vườn hoa vắng lặng rợp bóng cây, bên cạnh tượng anh hùng thần thoại Academus. Ngày nay, rất ít người biết Academus nổi tiếng vì những sự tích gì; nhưng danh từ Academy - Viện Hàn lâm - thì không bị lãng quên. Cho mãi tới ngày nay, với chúng ta, danh từ ấy vẫn nhắc đến cái ý nghiên cứu học thuật.
Plato sai khắc ở cửa Viện Hàn lâm hàng chữ “Không hiểu hình học xin đừng vào!”
Toán học chuẩn bị cho học trò quan sát các số, quan sát ý niệm. Quả vậy, quan sát những ý niệm, những khái niệm tách rời sự vật không phải là chuyện dễ. Ngay chính bản thân Plato cũng không thể suy nghĩ tách rời những hình tượng nhìn thấy và sờ thấy được.
Trong Viện Hàn lâm, ngoài Plato còn có bạn hữu và các học trò của ông đứng lên thuyết lý. Học trò phải học bốn khoa học: toán học, thiên văn học, âm nhạc và phép biện chứng. Plato luôn xem các môn sinh là những người kế tục sự nghiệp của mình...
Trong khu rừng vắng lặng của Viện Hàn lâm, dưới bóng cây ngô đồng, các môn sinh vây quanh ông. Ông giảng giải cho họ về Thần sáng tạo đã tạo ra thế giới và chỉ nó có tinh thần. Thế giới sản sinh ra giống như một sinh vật được phú cả tinh thần lẫn trí lực.
Mỗi ngôi sao, mỗi hành tinh đều có tinh thần. Mặt trời, mặt trăng, các Vì sao đều là những vị Thần nhìn thấy được. Chúng chuyển động vì chúng sống, vì chúng có tinh thần. Cây cỏ và động vật cũng có tinh thần.
Đấng sáng tạo là toàn thiện và toàn mỹ, bởi vậy đã tạo ra thế giới tuyệt mỹ.
- Nếu vậy thì tại sao trên thế gian này đầy rẫy những điều tà ác? - Các học trò hỏi lại.
- Bởi vì, - Plato trả lời - cái thế giới mà chúng ta nhìn thấy chỉ là cái bóng của thế giới tinh thần tuyệt mỹ. Nếu các trò ngồi dưới một cái hầm, xoay lưng về phía ánh sáng, lúc ấy trên tường trước mặt các trò chỉ có những cái bóng của vật thể, chứ không phải bản thân vật thể. Các trò chỉ nghe thấy tiếng vọng mà không nghe thấy âm thanh. Bây giờ các trò hãy quay lại nhìn xem, hãy bước ra khỏi hầm theo cái sườn dốc nhỏ hẹp và hiểm trở, các trò sẽ nhìn thấy bầu trời, sẽ nhìn thấy Mặt trời…
Linh hồn những người sống hiền lành, lương thiện sẽ được lên trên trời và sẽ nhận được ở đó những phần thưởng xứng đáng. Chính vì vậy mà mỗi người cần phải cố gắng sống cho mình, miễn là lương thiện. Phần thưởng thật là cao, hy vọng thật là vĩ đại…
Plato đã nói như vậy. Nghe lời thầy, các môn sinh suốt ngày nằm mộng, không còn nhìn thấy cuộc sống thực tế vĩ đại đang diễn ra trước mắt và, giờ đây, cũng giống như thầy, họ suốt ngày đắm chìm trong thế giới linh hồn hư ảo, nhưng lại quả quyết rằng đó mới là Thế giới chân chính.
Thế là, chính cũng từ thời đại Plato, trong triết học bắt đầu cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật. Cuộc đấu tranh này tiếp diễn mãi tới tận ngày nay...
*
* *
Cuộc đời Plato là cuộc đời của một nhà Bác học quên mình. Suốt đời ông nghiên cứu học thuật miệt mài, viết sách và dạy học không biết mệt. Ông để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ. Trong số những tác phẩm ấy có 35 thiên đối thoại, 13 phong thư và một tập “định nghĩa”. Con đường phát triển tư tưởng của Plato hầu như được trình bày tập trung trong các thiên đối thoại. Hầu hết di sản tư tưởng của Plato đều được bảo tồn hoàn chỉnh. Đó là trường hợp hiếm có trong lịch sử văn hóa Cổ Hy Lạp. Nhà triết học nổi tiếng Đức W.F.Hégel gọi ông là “Thầy của nhân loại”. Song cũng có người xem ông là ''Kẻ tử thù của chủ nghĩa duy vật và khoa học”. Nhưng dẫu sao ông vẫn là ''linh hồn của nền văn hóa Cổ Hy Lạp”, là tinh anh của thời đại, là người thầy kiệt xuất của nhà triết học vĩ đại Aristotle…
Ông mất năm 347 Tr. CN hưởng thọ 80 tuổi. Đông đảo môn sinh đã đến viếng và đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong bản ''Di chúc'' của ông có điều mục: “Không được bán hoặc chuyển nhượng trường sở, nhà ở và đất đai của Viện Hàn Lâm”.
Sau này, nhà lịch sử Cổ Hy Lạp Diogenes Laertius đã khắc trên mộ chí Plato những dòng chữ xúc động sau:
''Nếu như Thần Mặt trời không cho Plato sinh ra ở Hy Lạp thì làm sao ông có thể dùng chữ nghĩa cứu chữa tâm linh mọi người? Giống như Thần Y học Ascléppeos, con của Thần Mặt trời, cứu chữa cơ thể con người, Plato cứu chữa linh hồn bất tử của mọi người!”.
Phương thuốc mà Plato dùng để cứu chữa linh hồn không phải cái gì khác ngoài hệ thống tư tưởng duy tâm khách quan, mà trước hết là học thuyết triết học về thế giới ''ý niệm'' của ông.
NNC. THẾ TRƯỜNG