Tài liệu: Mạnh Tử (khoảng 372 - 289 Tr.CN)

Tài liệu
Mạnh Tử (khoảng 372 - 289 Tr.CN)

Nội dung

MẠNH TỬ (KHOẢNG 372 - 289 Tr.CN)

 

Người được coi là đã kế thừa và phát triển xuất sắc học thuyết. Nho gia Khổng Tử đề xướng là Mạnh Tử. Ông được tôn làm ''Á Thánh'' (bậc Thánh nhân số hai, sau Khổng Tử).

Mạnh Tử tên là Kha, người đất Trâu (Sơn Đông, Trung Quốc) xuất thân từ một gia đình quý tộc đã sa sút, theo học Đạo Nho qua môn đồ của Tử Tư, cháu Khổng Tử. Ông đã từng đi du thuyết nước Ngụy, nhưng không được Vua nước Ngụy tin dùng. Ông sang Tề, được Vua Tề ban cho tước vị rất cao, nhưng cũng không chịu thực hành học thuyết của ông. Mạnh Tử đành đi du thuyết các nước nhỏ như Đằng, Lỗ v.v,... nhưng các nước này đang lo ''biến pháp canh tân'', tìm cách làm cho nước giàu binh mạnh để thôn tính lẫn nhau. Cái “đức của thời Tam đại” do ông đưa ra không thích hợp với yêu cầu của họ. Ông bèn lui về, cùng các học trò thân tín là Vạn Chương, Công Tôn Sửu v.v. . . trình bày học thuyết của Nho gia, soạn ra sách Mạnh Tử.

Tuy kế thừa tư tưởng của Khổng Tử, nhưng Mạnh Tử đã phát triển và hoàn thiện thêm học thuyết của họ Khổng cho thích ứng với tình hình thực tế đương thời. Những luận điểm quan trọng trong học thuyết của ông là “Vương đạo”, ''Nhân chính'' “Tính thiện”.

Về mặt chính trị, xã hội, Mạnh Tử kế thừa những luận điểm “đức tri”, ''lễ giáo" của Khổng Tử, kêu gọi giai cấp thống trị hãy thi hành nhân chính (chính trị dựa trên đức nhân) để thu phục nhân tâm, thống nhất thiên hạ. Nội dung của nhân chính về đại thể bao gồm: giảm hình phạt, nhẹ thuế khoá, tạo điều kiện để dân được an cư lạc nghiệp, tăng gia sản xuất thóc lúa, dâu gai. Cơ sở kinh tế của nhân chính là chế độ ''tỉnh điền" thời xa xưa. Trên nền tảng dân chúng đã có “của ăn của để” (tức là cái mà ông gọi là hằng sản), nhà Vua sẽ tiến hành việc giáo hoá theo những tiêu chuẩn đạo đức, lý luận của Nho gia để bảo tồn cái mà ông gọi là hằng tâm (tấm lòng thường xuyên hướng thiện). Trong một đoạn đối thoại với Huệ Vương nước Lương (tức nước Ngụy) về vấn đề kinh tế, chính trị và thi hành nhân chính theo con đường Vương đạo, Mạnh Tử nói: "Không có hằng sản mà vẫn có hằng tâm thì riêng chỉ kẻ sỹ là có thể như vậy. Còn dân chúng thì không có hằng sản tất nhiên sẽ không có hằng tâm. Nếu đã không có hằng tâm thì mọi sự phóng đãng buông thả, sai trái, gian tà, càn rỡ không điều gì không làm; đến khi họ mắc vào vòng tội lỗi, lại đem hình phạt ra mà trị họ, như vậy là chăng lưới bẫy để hãm hại dân. Người có đức nhân ở trên ngôi vị, đâu có làm cái việc chăng lưới bẫy hãm hại dân như vậy! Vì thế, bậc minh quân chế định sản nghiệp cho dân tất phải làm cho họ trông lên thì đủ phụng dưỡng cha mẹ, nhìn xuống thì đủ nuôi vợ con; được mùa thì no ấm quanh năm, mất mùa cũng không đến nỗi chết đói, trên cơ sở ấy dắt dẫn dân đi theo con đường thiện, dân sẽ dễ dàng đi theo. Còn các Vua chúa ngày nay thì trong việc chế định tài sản của dân, trông lên không đủ phụng dưỡng cha, mẹ; nhìn xuống không thể nuôi sống vợ con, được mùa vẫn quanh năm khổ, mất mùa không tránh khỏi chết cũng đã không đủ hơi sức, đâu còn rỗi rãi mà thực hành những điều lễ nghĩa!

Nay nếu nhà Vua muốn thực hành Nhân chính thì cần phải quay trở lại cái gốc của Vương đạo. Khu đất ở năm mẫu, khuyên dân trồng dâu (nuôi tằm) thì người năm mươi tuổi sẽ có lụa mặc, việc nuôi gà, lợn, chó không để lỡ lứa thì người già bảy mươi tuổi sẽ có thịt ăn. Khu ruộng trăm mẫu, không để lỡ thời vụ thì nhà tám nhân khẩu sẽ không đói. Trên nền tảng này chú ý chăm lo việc dạy dỗ học hành nơi thôn xóm, giảng giải rộng khắp những điều hiếu lễ thì người tóc hoa râm, tóc bạc không phải làm những việc khiêng vác nặng nhọc trên đường xá. Người già được mặc lụa, ăn thịt, dân chúng không đói không rét, được như vậy mà vương nghiệp không thành thì đó là chuyện chưa từng có bao giờ!'' (Mạnh Tử - Lương Huệ Vương - thượng). Trong khi trình bày những quan niệm về Nhân chính, Vương đạo, nhiều lúc Mạnh Tử đã phê phán nghiêm khắc bọn thống trị đương thời. Ông từng nói với Lương Huệ Vương: "Trong bếp có thịt ngon, trong chuồng có ngựa béo, trong khi đó để cho dân đói khổ hiện rõ trên nét mặt, ngoài đồng có người chết vì không có miếng ăn; thế là chỉ chăm lo vỗ béo súc vật, mặc cho dân chết đói, như vậy có khác gì cho súc vật ăn thịt dân lành. Thấy cầm thú ăn thịt lẫn nhau, người ta còn căm ghét nay làm cha mẹ dân, lo việc chính sự mà lại để có chuyện cho súc vật ăn thịt người xảy ra thì còn làm cha mẹ dân ở chỗ nào? Ngày xưa, Khổng Tử có nói: ''Kẻ làm hình nhân để tuẫn táng chắc sẽ tuyệt tự. Ngài quở trách như vậy vì kẻ kia làm tượng gỗ quá giống người thật để đem đi chôn. (Đem chôn tượng gỗ giống người còn không thể chấp nhận được), lẽ nào lại có thế để cho dân đang sống sờ sờ thế kia phải đói khổ mà chết?" (Mạnh Tử - Lương Huệ Vương - thượng). Ông khẳng định “Dân đáng quý trọng nhất, sau đó mới đến xã tắc, còn Vua thì bình thường vậy thôi”[1] (Mạnh Tử - Tân Tâm - hạ). Ông nêu cao quan điểm ''cùng chung hưởng yên vui lạc thú với dân'' (dữ dân đồng lạc). Sách Mạnh Tử có đoạn viết "Tuyên Vương nước Tề tiếp kiến Mạnh Tử ở Tuyết cung[2], Nhà Vua hỏi: “Đấng hiền quân cũng có niềm lạc thú này chăng?". Mạnh Tử đáp: ''Có chứ!... Dân không được hưởng lạc thú này, tất sẽ oán trách bề trên, như vậy là sai. Nhưng, là bề trên của chúng dân mà không cùng chung hưởng lạc thú với chúng dân thì cũng là sai. Vui với niềm vui của dân thì dân cũng vui với niềm vui của mình; cùng lo với nỗi lo của dân thì dân cũng chung lo nỗi lo của mình. Làm Vua, có thể lấy niềm vui của thiên hạ làm niềm vui của mình, có thể lấy nỗi lo của thiên hạ làm nỗi lo của mình, như vậy mà vương nghiệp không thành thì quả thực là một việc chưa từng có vậy!" (Mạnh Tử - Lương Huệ Vương - hạ).

Ở một đoạn khác, ông đã trình bày quan điểm này một cách cặn kẽ hơn. Trang Bạo yết kiến Mạnh Tử, nói: ''Bạo này vào ra mắt nhà Vua, nhà Vua có nói với Bạo về chuyện thích âm nhạc, Bạo chưa biết đối đáp ra sao. Nhà Vua thích âm nhạc, Ngài thấy chuyện đó thế nào? Mạnh Tử nói: Nhà Vua rất thích âm nhạc, như vậy là nước Tề có cơ khá lên đấy!

Một hôm khác, Mạnh Tử vào yết kiến Tề Tuyên Vương, hỏi: nhà Vua có nói với Trang Bạo chuyện thích âm nhạc, có đúng thế không? Tề Tuyên Vương mặt biến sắc, nói: Quả nhân không thể thích loại âm nhạc của tiên Vương mà chỉ thích âm nhạc thế tục thôi!

Mạnh Tử đáp: nhà Vua rất thích âm nhạc, nước Tề có cơ khá lên rồi đó! Nhạc thời nay cũng như nhạc thời xưa thôi.

Tề Tuyên Vương nói.

Thầy có thể nói rõ cho ta nghe không?

Mạnh Tử hỏi:

Tề Tuyên Vương đáp:

- Không bằng cùng với người khác nữa!

Mạnh Tử lại hỏi:

- Một đằng với số ít thưởng thức âm nhạc, một đằng với số đông thưởng thức âm nhạc, nhà Vua thấy đằng nào vui hơn?

Tề Tuyên Vương đáp:

- Không bằng cùng với số đông!

Mạnh Tử nói:

- Vậy thần xin vi nhà Vua mà trình bày chuyện âm nhạc! Nay nhà Vua cho cử nhạc; dân chúng nghe tiếng chuông, tiếng trống, tiếng đàn, tiếng sáo ai nấy đều đau đầu nhức óc, mặt mũi nhăn nhó nhìn nhau nói: Vua ta thích tấu nhạc. Ôi! Sao lại làm cho chúng ta cực khổ đến thế này. Cha con chẳng được thấy mặt nhau, anh em vợ chồng thì ly tán mỗi người một phương! Nay nhà Vua đi săn, dân chúng nghe tiếng ngựa xe rậm rịch, nhìn cờ quạt đẹp đẽ, ai nấy đều đau đầu nhức óc mặt mũi nhăn nhó, nhìn nhau nói: Vua thích săn bắn quá. Ôi! Sao lại làm cho chúng ta khốn khổ đến thế này. Cha con chẳng được thấy mặt nhau, anh em vợ chồng ly tán mỗi người một phương! Sở dĩ như vậy, chẳng vì lý do nào khác, chỉ vì chẳng cùng dân chúng chung hưởng lạc thú mà thôi!

Nay nhà Vua cho cử nhạc ở đây, trăm họ nghe tiếng chuông, tiếng trống của nhà Vua, nghe tiếng đàn, tiếng sáo của nhà Vua, ai nấy đều tươi vui hớn hở, nhìn nhau mà nói. Vua ta chắc khoẻ mạnh, không ốm đau; nếu không, sao lại có thể cho tấu nhạc vui vẻ thế kia! Nay nhà Vua tổ chức săn bắn ở nơi đây, trăm họ nghe tiếng ngựa xe của nhà Vua, ngắm nhìn cờ quạt đẹp đẽ của nhà Vua, ai nấy đều tươi vui hớn hở nhìn nhau nói rằng: Chắc Vua ta khỏe mạnh, không ốm đau; nếu không, sao lại có thể đi săn bắn được! Sở dĩ như vậy, nếu không vì lý do nào khác, chỉ vì biết cùng với dân chung hưởng lạc thú mà thôi.

Nay nhà Vua cùng trăm họ chung hưởng lạc thú thì vương nghiệp nhất định sẽ thành (Mạnh Tử - Lương Huệ Vương - hạ).

Quan điểm “cùng chúng dân chung hưởng lạc thú” (dữ dân đồng lạc) của Mạnh Tử không chỉ nhằm vào các lạc thú vui chơi, mà còn nhấn mạnh vào khía cạnh tạo điều kiện cho dân làm ăn sinh sống, không nên độc chiếm quyền lợi, ý này được trình bày qua đoạn đối thoại sau đây: Tề Tuyên Vương hỏi: “Vườn nuôi chim, nuôi thú của Văn Vương nhà Chu rộng tới bảy chục dặm, có đúng thế không?''

Mạnh Tử đáp:

- Trong sử sách có ghi như thế!

Tề Tuyên Vương nói:

- Vườn rộng đến như vậy thật sao?

Mạnh Tử nói:

Thế mà dân chúng còn cho là quá nhỏ!

Tề Tuyên Vương nói:

Vườn chơi của quả nhân chỉ rộng có bốn chục dặm, thế mà dân chúng đã cho là quá lớn, vì sao vậy?

Mạnh Tử đáp:

Vườn của Chu Văn Vương rộng bảy chục dặm; những người kiếm củi, cắt cỏ có thể vào đó kiếm củi cắt cỏ; người đánh bẫy gà rừng, săn thỏ cũng có thể vào đó kiếm con gà, con thỏ. Chu Văn Vương cùng trăm họ chung hưởng dụng cái vườn đó, vì vậy mà trăm họ cho nó còn quá nhỏ, như vậy chẳng hợp lý sao?

Thần vừa đến biên giới nước Tề đã phải hỏi ngay những cấm lệnh quan trọng, sau đó mới dám quá cảnh. Thần nghe nói trong vùng giữa cửa ải và ngoại ô Kinh thành có một khu vườn chơi của nhà Vua rộng bốn chục dặm, kẻ nào lỡ giết con hươu, con nai trong đó sẽ bị coi như phạm tội giết người. Như vậy, cái vườn bốn chục dặm ấy là cái bẫy lớn ở giữa nước để hãm hại dân chúng. Do đó, dân chúng thấy nó quá rộng, cũng chẳng đúng sao!'' (Mạnh Tử - Lương Huệ Vương - hạ).

Trong quan hệ Vua tôi (quân thần), Mạnh Tử cũng nhấn mạnh mối quan hệ hai chiều và phần nào đó đã đi xa hơn tư tưởng "Trung thành với Vua, tôn thờ quân Vương'' (trung quân tôn Vương) của Khổng Tử. Ông từng nói với Tuyên Vương nước Tề rằng: ''Nhà Vua coi bề tôi như tay chân, thì bề tôi coi nhà Vua như thân thích ruột thịt, nhà Vua coi bề tôi như chó, thi bề tôi coi nhà Vua như người dưng nước lã; nhà Vua coi bề tôi như cỏ rác thì bề tôi coi nhà Vua như quân trộm cướp, kẻ cừu thù''... (Mạnh Tử - Ly Lâu - hạ). Tề Tuyên Vương hỏi: "Vua Thành Thang nhà Thương đày Vua Kiệt, Vũ Vương nhà Chu giết Vua Trụ, có chuyện ấy không?”. Mạnh Tử đáp: ''Chuyện ấy có ghi chép trong sử sách”. Tề Tuyên Vương nói: ''Bề tôi giết Ngài[3] có thể như vậy được chăng?”. Mạnh Tử nói: ''Làm hại điều nhân thì gọi là quân giặc, làm hại điều nghĩa thì gọi là kẻ tàn bạo. Những quân giặc cướp, những kẻ tàn bạo, chỉ đáng gọi là tên này tên kia. Vì vậy, tôi chỉ nghe nói: giết tên Trụ, chứ chưa hề nghe nói giết Vua Trụ!'' (Mạnh Tử -  Lương Huệ Vương - hạ).

Xem thế thì trong tư tưởng Mạnh Tử có ít nhiều yếu tố dân bản. Nhưng, nên thấy rằng, những yếu tố dân bản đó hình thành trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị phong kiến. Mạnh Tử cũng là người rất nhiệt thành trong việc duy trì chế độ đẳng cấp. Ông khẳng định: ''Người lao tâm cai trị người, người lao lực bị người cai trị. Ông nhấn mạnh: ''Không có quân tử, lấy ai cai trị bọn quê mùa? Không có bọn quê mùa, lấy ai phụng dưỡng các bậc quân tử?”. Ngoài ra, ông cũng đề cao thuyết ''chính trị thần quyền" khẳng định "Thánh nhân" (cụ thể là các Vua sáng tôi hiền) vâng theo ý chí của Thượng đế sáng tạo ra lịch sử, thúc đẩy lịch sử phát triển.

Về mặt tư tưởng triết học, luân lý đạo đức, những luận thuyết của Mạnh Tử xoay quanh các vấn đề tâm, tính, thiên, mệnh tính thiện.

Mạnh Tử quan niệm rằng người ta sinh ra ở đời vốn đã mang sẵn bản tính lương thiện (tính thiện). Do đó, ông khuyên mọi người nên coi trọng việc tu dưỡng nội tâm, bảo tồn cái tính thiện đó để có thể phát triển ''lương tri lương năng'', hoàn thiện phẩm cách tốt đẹp (theo quan điểm Nho gia). Tính thiện ấy theo Mạnh Tử ''người quân tử thì giữ được, kẻ thứ dân thì bỏ mất'' ''không giữ được tính thiện thì chẳng khác gì loài cầm thú”. Như vậy quan niệm về tính thiện của Mạnh Tử cũng mang dấu ấn giai cấp và thời đại.

Mạnh Tử cũng đã giải thích cho rõ thêm chữ nghĩa, xác định: ''Nghĩa là thích nghi'' và chủ yếu là thích nghi với nhân lễ. Ông coi nhân tâm của con người, nghĩa là đường đi của người đời. Sống phải có tâm, đi lại phải có đường, do đó dường như nhân nghĩa của Nho gia gắn bó với con người ở mọi nơi mọi lúc, như bóng với hình. Thực ra thì nhân nghĩa cũng không phải là cái gì chung chung như vậy; nó cũng mang tính giai cấp và tính thời đại rõ rệt.

Mạnh Tử lại quan niệm rằng: nguyên lý của muôn vật đều nằm trong ý thức chủ quan của con người ''mọi vật đều có đầy đủ trong ta'' (Vạn vật giai bị ư ngã), không phải tìm kiếm ở đâu xa xôi, chỉ cần phát huy bản năng đạo đức trong nội tâm (tận tâm) là có thể thấu hiểu được bản tính của mọi sự vật ngoài ta (tri tính); từ đó có thể thấu hiểu được Trời, được Mệnh (tri Thiên tri Mệnh). Luận thuyết duy tâm này đã được phát triển thành cái gọi là Lý học, Tâm học đời Tống.

Từ Khổng Tử đến Mạnh Tử đã là gần hai thế kỷ. Tình hình mọi mặt của Trung Hoa đương thời (lúc đó là các nước thời Chiến Quốc 475 - 221 Tr. CN) đã có nhiều biến chuyển sâu sắc.

Học thuyết về nhân nghĩa, chủ trương thực hành Nhân chính, Vương đạo của Mạnh Tử tuy đã được trình bày một cách đầy đủ, tập trung với tất cả tấm lòng nhiệt thành tha thiết và tài trí thông minh sắc sảo; do đó, giàu sức thuyết phục hơn, nhưng rút cục vẫn không một Vua chư hầu nào chịu nghe theo. Phải chờ đến gần ba trăm năm sau, khi Nho học được độc tôn thì học thuyết của ông mới được coi là ''khuôn vàng thước ngọc'' trong việc trị quốc, an dân của các triều đại phong kiến phương Đông.

GS. ĐẶNG ĐỨC SIÊU




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1059-02-633389383635972028/Nhung-nha-tu-tuong-va-triet-gia-noi-tieng...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận