ĐẠO JAINAI - TÔN GIÁO KHỔ HẠNH
VÀ HIẾU SINH CỦA NGƯỜI ẤN ĐỘ
Cùng thời với Thích Ca Mầu Ni, trong số nhiều nhà truyền bá những giáo phái không chính thống của thế kỷ VI.Tr.CN, nổi bật lên một nhân vật được mệnh danh là Mahaviha (Người anh hùng vĩ đại), người sáng lập ra một trong những tôn giáo đặc biệt của Ấn Độ: Đạo Jaina. Lịch sử của Đạo Jaina, thường gọi là tôn giáo của Những người chiến thắng (Jina), khác rất nhiều so với lịch sử của Đạo Phật. Tôn giáo của các Jina này chỉ bắt rễ và có ảnh hưởng sâu sắc trong một số vùng của Ấn Độ, chứ chưa bao giờ lan toả ra ngoài phạm vi đất Ấn Độ. Khác với Đạo Phật và Đạo Hinđu, Đạo Jaina không có sự thay đổi lớn và không có xu hướng phát triển. Tuy không có một lịch sử phát triển ly kỳ, sôi động và không có sự lan toả rộng như Đạo Phật và Đạo Hinđu, nhưng Đạo Jaina vẫn luôn bám rễ chặt trên đất nước của mình suốt hơn 25 thế kỷ qua. Hiện nay, ở Ấn Độ có khoảng 2 triệu tín đồ Đạo Jaina, chủ yếu là những người buôn bán.
Giống như Thích Ca, người sáng lập ra Đạo Jaina là Mahaviha là một nhân vật có thật vì Ngài luôn được nhắc tới trong các tác phẩm cổ xưa của Phật giáo như một trong những đối thủ chính của Đức Phật Thích Ca. Mahaviha, tên thật là Vardhamana, sinh vào khoảng năm 540 Tr. CN, trong gia đình thủ lĩnh xứ Vaisali. Như vậy, cũng giống như Đức Phật Thích Ca, Ngài xuất thân từ tầng lớp võ sĩ có uy quyền chính trị lớn của thời đó. Ngài được học mọi ngành khoa học về chính trị, lấy vợ và có một con gái. Thế nhưng, năm 30 tuổi, sau khi cha mẹ mất, Vardhamana bỏ nhà đi tu hành. Thoạt đầu, Ngài nhập vào nhóm những nhà tu hành khổ hạnh của phái Nirgranthi (thoát tục) do giáo chủ Parsha lập ra lúc bấy giờ đã tồn tại được 100 năm rồi. Về sau, các môn đồ của giáo phái do Vardhamana hay Mahaviha lập nên cũng tự xưng là những Nirgranthi (những người thoát tục) và tôn Parsha là vị tổ thứ 23, và Mahaviha là vị tổ thứ 24 và cũng là vị cứu tinh cuối cùng của Đạo Jaina.
Suốt 12 năm trời, Mahayiha sống và tu hành như một nhà tu khổ hạnh khắc kỷ. Thời gian đầu, Ngài chỉ khoác trên mình một chiếc áo khoác duy nhất và không hề thay đổi. Sau 13 tháng, Ngài bỏ luôn cả chiếc áo khoác đó và ở trần truồng cho tới ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Đến năm tu hành khổ hạnh thứ 13, Mahaviha hoàn toàn chứng ngộ được Đạo và trở thành Người chiến thắng (Jina). Từ đó trở đi, uy tín của Ngài trở nên lừng lẫy và số môn đồ theo Ngài ngày càng đông. Sau hơn 30 năm trời hành Đạo, năm 468 Tr.CN, Mahaviha mất tại thành phố Pava, cách thủ đô của Vương quốc Magadha không xa, thọ 72 tuổi. Lúc này, số tín đồ theo Đạo Jaina lên tới khoảng 50.000 người trong đó ba phần tư là phụ nữ.
Trong suốt gần hai thế kỷ tiếp theo, Đạo Jaina chỉ bó hẹp trong một cộng đồng tăng ni không lớn. Thế nhưng, đến thời kỳ đế chế Mauria, ảnh hưởng của Đạo Jaina ra tăng rất nhanh, thậm chí Tranđaragupta vị Vua sáng lập ra đế chế Mauria, sau khi truyền ngôi cho con trai, đã đi tu theo Đạo Jaina. Trận đói khủng khiếp vào cuối thời trị vì của Tranđragupta đã buộc các tín đồ của Đạo Jaina chuyển nơi ở từ đồng bằng Sông Hằng xuống vùng Cao nguyên Đêcan. Cuộc di chuyển này đã làm cho Đạo Jaina bị phân chia thành hai giáo phái: Đigambara (những người lõa thể) và Shvetambara (những người mặc đồ trắng). Sự phân chia giáo phái này diễn ra khá lâu và chỉ kết thúc vào thế kỷ I S.CN. Về sau, phần lớn những tín đồ của giáo phái lõa thể đã mặc quần áo khi ở nơi công cộng, nhưng cho đến nay hai giáo phái vẫn tiếp tục tồn tại. Tuy chia thành hai giáo phái, nhưng giáo lý của cả hai phái không có gì khác nhau.
Cũng như Đạo Phật, về nguyên lý Jaina giáo là vô thần. Các tín đồ của Đạo Jaina cho rằng, thế giới tồn tại theo một quy luật chung và vận hành nhờ mối quan hệ tương hỗ giữa các linh hồn sống (Jiva) và năm dạng thực thể phi cuộc sống (atjiva) là: khí (akasha); phương thức và điều kiện của động (đharma); phương thức và điều kiện của tĩnh (ađharma); thời gian (kala) và vật chất (puđgala). Không chỉ con người, động vật, cây cỏ mà cả đất, đá, các hiện tượng thiên nhiên. . . đều có linh hồn. Theo quan niệm của Jaina giáo, linh hồn về thực chất là trong sáng, thanh tịnh và chỉ đạo tất cả. Về nguyên tắc, tất cả vô vàn linh hồn trong Vũ trụ đều như nhau; chúng chỉ khác nhau ở mức độ gắn bó giữa chúng với những vật chất có cấu trúc từ thành tố cực nhỏ. Các thành tố cực nhỏ mà mắt thường không thấy được chính là nghiệp (karma). Mọi hành động của chúng sinh đều tạo ra nghiệp cả và làm cho chúng sinh luôn phải tiếp tục chịu khổ trong vòng quay bất tận của luân hồi (sansara). Vì vậy, muốn giải thoát, chúng sinh phải tu khổ hạnh để làm cho linh hồn không bị vướng víu vào nghiệp nữa. Từ quan niệm về giải thoát như vậy, Đạo Jaina đã đề ra những nguyên tắc tu luyện khổ hạnh vô cùng khắc nghiệt. Các nhà tu Jaina không chỉ trút bỏ tất cả quần áo mà còn nhổ trụi cả tóc. Chỉ sau khi trút bỏ khỏi vướng víu của trần thế trên người, các nhà tu Jaina mới hành xác bằng cách ngồi hoặc đứng Thiền dưới trời nắng chang chang như mùa Hè. Mẫu hình cuộc sống của các nhà tu hành của Đạo Jaina được khuôn vào năm điều răn cấm: không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không gian dâm và không giữ của riêng. Vì thế các loại thịt bị cấm hoàn toàn trong những bữa ăn. Thậm chí, đi đâu họ cũng phải dùng chổi quét đường trước để khỏi dẫm chết các loài sâu bọ nhỏ bé... Tất cả những hành động chống sát sinh đó được đúc kết thành học thuyết Ahimsa nổi tiếng của Đạo Jaina.
Mặc dầu hiện nay ở Ấn Độ, một số tín đồ theo Đạo Jaina không nhiều, nhưng ảnh hưởng của tôn giáo này đối với đời sống của Ấn Độ rất sâu sắc. Một trong những ví dụ điển hình về vai trò của Đạo Jaina đối với Ấn Độ thời đại ngày nay là cuộc đời của Thánh Gandhi. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lãnh tụ Gandhi đã đề cao tư tưởng Ahimsa và bản thân Ngài đã sống một cuộc sống thanh bạch và đạm bạc.
PTS. NGÔ VĂN DOANH