Tài liệu: Bộ luật cổ của Lào Khăm Phi Pha Thăm Ma Xạt

Tài liệu
Bộ luật cổ của Lào Khăm Phi Pha Thăm Ma Xạt

Nội dung

BỘ LUẬT CỔ CỦA LÀO KHĂM PHI PHA THĂM MA XẠT

 

Vào những năm 30 của thế kỷ XVII, dưới triều Vua Xulin pha vông xa đương quyền, Quốc gia Lạn Xạng đã phát triển cực thịnh. Có thể nói, đây là thời kỳ hoàng kim của một triều đại phong kiến Lào thời đó. Trong thời kỳ này, đất nước Lào được thanh bình, đời sống kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ, nhiều công trình kiến trúc, chùa chiền được xây dựng góp phần làm rạng rỡ cho kho tàng văn hoá của nhân dân các bộ tộc Lào. Trong lịch sử Phật giáo ở Lào, lần đầu tiên hệ thống sư sãi được hình thành theo một tổ chức xã hội chặt chẽ và được thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Cũng vào thời kỳ này, nhà Vua - một đấng minh quân tối cao của Quốc gia Lào, đã cho ra đời một bộ luật.

Đây là bộ luật đầu tiên trong lịch sử phát triển của nước Lào.

Bộ luật này nguyên bản viết bằng tiếng Thăm, một loại chữ Cổ được dùng để chép Kinh Phật, và lần đầu tiên được ông Mahảxilavaravông là thư ký vụ văn học, Viên Chăn dịch sang tiếng Lào vào năm 1954. Đây là một bản trong ba bản của bộ luật Cổ Lào thời đó. Hai bản khác có tên là: Xoi Xa Khăm Xăng khả hả pa can. Nhưng hai bộ luật kia viết không theo một trình tự sắp xếp nào cả, các chương, các điều không theo quy định và không theo thứ tự. Nội dung chủ yếu của nó chỉ tập trung nói về luật lệ và phong tục tập quán so sánh với kỷ luật nhà sư. Vì vậy chỉ còn lại bản luật Cổ Khăm Phi Pha Thăm Ma Xạt thì có đủ chương và các điều quy định cụ thể. Do vậy đây là bộ luật cổ của Lào tiêu biểu nhất.

Song, khi phát triển bộ luật này, người ta thấy thiếu 61 điều của phần 1 bộ luật, nhưng người chép bản luật dựa vào bộ luật cổ của Xiêm để viết phần I (gồm tập 1 và 2). Chính vì thế mà nội dung bộ luật bị phần nào lộn xộn.

Theo ông Mahảxilavaravông, người đã dịch bộ luật này sang tiếng Lào thì niên đại của bộ luật chưa được xác định một cách chính xác. Nhưng ông ta đã tìm được một số lý do để cho rằng bộ luật cổ Lào được ra đời vào triều Vua Xulinhavôngxa.

Theo bản luật trang đầu có ghi: ''Xắc ca rát 22 con, Át nha ông châu luông đã truyền sai viên quan đại thần soạn dâng"[1]. Ông luật giải rằng: Xác ca rát 22 con tức là năm Phật lịch 2203 tương ứng với Công lịch là năm 1660. Còn Át nha ông châu luông đó là biệt hiệu nhà Vua mà nhân dân gọi Vua Xu li nha vông xa với tấm lòng kính trọng và ngưỡng mộ. Ngoài Vua Xu li nha vông xa ra thì không một vị Vua nào khác có cái tên gọi như vậy. Trong sử cũng chép, nhà Vua Xu li nha vông xa Thăm mịch cả rạt lên ngôi năm Chun lả xác cả ra 995 (1633 Công lịch) và băng hà năm Chun la xắc cả 1057 (có bản chép 1052), (1695 Công lịch)[2].

Cơ sở của nội dung bộ luật cổ Lào chủ yếu dựa vào Luật Ngũ giới của Đạo Phật. Toàn bộ 5 phần nội dung thì cũng là 5 phần thể hiện những điều kiêng kỵ của Luật Ngũ giới.

Trước khi bước vào 5 phần nội dung cơ bản của bộ luật, 9 trang đầu có giới thiệu về những điều quy định đối với Vua, quan v.v. . . Chẳng hạn: 10 điều đạo đức cho mỗi nhà Vua, 7 điều đạo đức của các quan triều thần, 10 hành vi cần phải tránh, 8 hành vi gây thù ghét các quan chức trong bộ máy chính quyền phong kiến Lào thời Cổ, cuối cùng là chức tước quan lại và một số các khung hình phạt quy định áp dụng cho từng điều luật.

Toàn bộ nội dung bộ luật Cổ Lào, trừ một vài trang đầu dành cho giới thiệu các quy định nêu trên, còn lại bộ luật tập trung vào 5 điều chủ yếu sau đây:

Phần I: Hành động sát sinh, tiếng Lào là Pi na ti bạt

Phần này thiếu 61 điều khoản và được bắt đầu từ điều 62 đến điều 100. Toàn bộ phần đó nói về các quy định cấm kỵ việc sát sinh và được áp dụng cho bất kỳ một thành viên nào trong xã hội, từ Vua quan đến nô lệ. Nếu một người nào đó vi phạm điều luật trên thì tuỳ theo tội nặng nhẹ mà xử lý. Chẳng hạn: ''kẻ nào bỏ nhà, bỏ làng ra đi lúc đêm hôm được coi là kẻ gian” (điều 63). ''Nô lệ có lỗi mà chủ nô đánh chết thì xử phạt chủ nô một Khăn Kha Kho”[3] (điều 69). Khi phạm tội giết người mà có lý do chính đáng thì vô tội. ''Nô lệ có lỗi, nó cầm gươm, dao bị chủ nó giết chết thì thôi... '' (điều 70). Nghĩa là thân phận nô lệ không được cầm vũ khí chống lại chủ nô, nếu như chống lại, bị chủ nô giết chết, thì chủ nô được vô tội. Tuy xã hội Lào lúc đó có phân biệt đẳng cấp nhưng nhìn chung thân phận của nô lệ vẫn phần nào được pháp luật đảm bảo. Song cho dù như vậy thì luật pháp phần lớn vẫn nghiêng về giai cấp thống trị, đó cũng là điểm hạn chế của giáo lý Đạo Phật được áp dụng vào bộ luật cổ ở Lào.

Phần II: Tội trộm cắp hay là hành động chiếm lấy của người mà không được sự đồng ý, tiếng Lào là A thìn na than.

Toàn bộ phần này gồm 70 điều quy định áp dụng cho mọi đối tượng, mọi hành vi trái phép chiếm của người khác làm của mình cũng bị xử phạt tùy theo tội nặng hay nhẹ. Đây là mặt tích cực của bộ luật nhằm giữ vững kỷ cương và trật tự xã hội của xã hội phong kiến ở Lào lúc đó. Hình thức xử phạt ở các điều khoản của chương này chủ yếu bằng tiền. Các khung hình phạt trên phụ thuộc vào tính chất của vụ việc, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ. Ví dụ: ''Kẻ nào lấy cắp mật ong thì xử phạt 5 bạt''[4] (điều 11) ''kẻ nào làm bạc giả, tiêu dùng bạc giả, trao đổi mua bán thì bắt nó tra khảo cho ra người thày đã dạy cho nó làm bạc giả. .. bản thân nó bị truy tố trước pháp luật quốc Vương (điều 32). Trong chương này cũng đã áp dụng đối với hành động nô lệ bỏ trốn... nếu ai bắt được hoặc phát hiện nô lệ trốn mà đi báo quan hoặc báo cho chủ nô đều được trọng thưởng: ''Người nào bắt được nô lệ bỏ trốn, chủ nhà đến báo tin, hoặc áp giải nó đến trao trả cho chủ nô thì được thưởng tuỳ công ít hoặc nhiều... '' (điều 37).

Phần III: Hành vi thông dâm với vợ con của người khác, tiếng Lào là Mítxachan, gồm 77 điều.

Trong Ngũ giới của Đạo Phật ở Lào, thông dâm với vợ con người khác là một hành vi phạm tội rất nặng phạm vào điều cấm kỵ của bộ luật. Đạo luật này thể hiện sự bảo vệ nhân phẩm, giá trị đạo đức của con người. Bất kỳ thành phần nào, đẳng cấp nào vi phạm cũng đều bị pháp luật trừng trị. Ví dụ: trường hợp là Hoàng tộc và tướng quân có hành vi thông dâm với vợ con của người khác thì xử phạt như sau: “Một khăn kha kho 1600 nếu đã thông dâm, một khăn kha may 800 nếu chỉ cầm tay lay ngón, một khăn peng 400 nếu chỉ dùng lời lẽ dụ dỗ... '' (điều 1). ''Nô lệ mà thông dâm với vợ chủ nhà thì nên giết bỏ, nếu không muốn giết bỏ thì đem bán nó đi...” (điều 9). Ngoài ra, bộ luật còn đề cập đến nhiều điều quy định cho quan toà khi xét xử như nêu ở phần 8 loại vợ (điều 48), 12 loại vợ (điều 49), các loại đàn bà dù là có chồng hay chưa có chồng thì luật cũng khuyên những bậc trượng phu nên tránh để kẻo rước họa vào thân.

Phần IV: Tội lừa dối, tiếng Lào là Mum xa vạt, gồm 30 điều. Tội lừa dối là điều cấm kỵ thứ 4 trong luật Ngũ giới của Đạo Phật nhằm quy định ngăn cấm mọi tín đồ Phật giáo không được nói ra những điều sai sự thật. Mọi hành vi không trung thực, lừa dối, nói láo, vu oan cho người khác đều coi là có tội và cũng bị xử lý trước pháp luật. Chẳng hạn, một số điều luật ghi rõ: ''Chỉ có bọn lưu manh, côn đồ thì mới mới có các hành động Munxavạt (nói dối) (điều 3)''. Một người nào đó đến nơi ở của người, lừa bịp làm thiệt hại đến lợi ích của người khác... là phạm tội hạng nặng và bị xử phạt một khăm may[5] (điều 5). Trong phần xử án có quy định về các khung hình phạt đối với tội phạm, quy định về quyền hạn và chức trách của quan án; quan án nào được nhà Vua bổ nhiệm v.v... Luật quy định đối với quan án phải hết sức công minh, chính trực; ngược lại quan án không công minh, xử không nghiêm theo luật mà có tính thiên vị thì quan án đó cũng bị xử phạt tuỳ theo mức độ nặng nhẹ mà nhà Vua minh xét: ''Làm quan án, làm cha mẹ xét xử mọi việc xảy ra ở trong bản làng cần phải trung thực, tránh mọi thiên vị, phải đứng ở vị trí chính giữa... Kẻ nào không đứng vững trên vị trí của người quan án thì... bắt quan án bất công này trói cổ lại mả xét xử... (điều 24).

Phần V: Sự say (say rượu), tiếng Lào là xỉn ra. Phần này gồm 7 điều.

Đây cũng là phần cuối cùng của bộ luật, quy định cho tất cả tín đồ Phật giáo cấm kỵ không được ăn, uống say. Mọi hành vi say rượu cho dù bất kỳ người đó thuộc thành phần nào trong xã hội cũng đều bị xử phạt theo pháp luật quy định. Luật quy định cấm uống rượu say, vì khi say rượu con người sẽ mất hết lý trí bản thân và sẽ sinh ra mọi tội lỗi khác. Muốn không mắc phải tội lỗi thì không được ăn, uống say. Nếu người nào cố tình cho bạn bè, anh em, họ hàng thân thích uống rượu say mà xảy ra án mạng như chết người thì cũng tuỳ theo tội trạng, mức độ mà xử phạt cho thật công bằng theo đúng luật.

Tóm lại: Bộ luật cổ của Lào nội dung chủ yếu của nó là dựa vào luật Ngũ giới của Đạo Phật. Vì Đạo Phật là Quốc giáo của Lào trong thời kỳ bộ luật ra đời. Đây là một bộ luật có giá trị lớn nhằm củng cố xây dựng một xã hội trong sáng, lành mạnh, chống lại mọi hủ tục xấu xa, đồi bại trong xã hội phong kiến của Lào thời đó. Bộ luật mang tính giáo dục, tư tưởng lành mạnh, lối sống đạo đức cao. Mặc dù ở điểm này hay điểm khác còn hạn chế, song nhìn chung đây là một tác phẩm có giá trị, là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh của một chế độ xã hội, duy trì giữ gìn trật tự xã hội, giữ vững kỷ cương phép nước trong lịch sử cổ Trung đại của nhân dân các bộ tộc Lào anh em.

LÊ ĐÌNH CHỈNH




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/164-02-633386831416093750/Nhung-Bo-Luat-co-noi-tieng-the-gioi/Bo-lua...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận