Tài liệu: Luật Xalich

Tài liệu
Luật Xalich

Nội dung

LUẬT XALICH

 

Từ cuối thế kỷ II đến đầu thế kỷ III chế độ chiếm hữu nô lệ La Mã bắt đầu lâm vào thời kỳ suy vong. Trong khi đó, các bộ lạc người Giécmanh (hay còn gọi là người Man tộc) đã liên kết với nhau thành các liên minh bộ lạc xâm nhập vào lãnh thổ Roma. Và đến thế kỷ IV, số bộ lạc di cư vào La Mã càng nhiều hơn. Ở đây, các tộc người đã lập ra một số Vương quốc, trong đó Vương quốc Fran – Vương quốc của người “dũng cảm”, người ''tự do'' là mạnh nhất. Người ''dũng cảm'' đã thiết lập một hình thái xã hội khác với xã hội họ đang sống (Công xã nguyên thuỷ) và vượt xa xã hội hiện tại của đế quốc La Mã (xã hội chiếm hữu nô lệ) - xã hội phong kiến.

Người có công xây dựng mô hình xã hội mới ấy là Tướng Clôvit.

Trong quá trình tổ chức, thiết lập ra chế độ phong kiến, người Fran đã tạo dựng ra bộ Luật Xalich - một công cụ quản lý Nhà nước, xã hội bằng pháp quyền đầu tiên của thời kỳ phong kiến Tây Âu.

Luật Xalich, chủ thể của nó là người Fran ở bờ biển được biên soạn khoảng cuối thế kỷ V, đầu thế kỷ VI. Tuy nhiên một số điều khoản trong bộ luật được bổ sung thêm vào giai  đoạn sau. Nhưng về đại thể, nó là văn kiện quan trọng phản ánh chế độ xã hội của người Fran trong thời kỳ chinh phục xứ Gôlơ. Nguyên bản của bộ luật viết bằng tiếng Latinh, có 65 chương gồm 100 điều.

Các điều khoản của bộ luật phản ánh những nội dung sau:

a. Bảo vệ quyền tư hữu tài sản (ruộng đất, trang viên, xúc vật…) của giai cấp phong kiến. Như trong chương X quy định về tội ăn trộm nô lệ như sau:

“1- Nếu người nào ăn trộm nô lệ, ngựa hoặc súc vật của chủ thì phải phạt 1.200 đina (bằng 30 solida)”.

''2- Nếu nam nữ nô lệ thông đồng với người tự do ăn trộm bất cứ vặt gì của chủ chúng, thì kẻ trộm (tức người tự do), ngoài việc phải trả lại vật ăn trộm, còn phải phạt 600 đinh (bằng 15 solida)”.

Và trong chương XIV nói về tội xâm phạm và cướp đoạt đã phản ánh rõ đặc quyền của người Fran lúc đó:

“1- Một người La Mã cướp đoạt một người Fran thì áp đụng điều khoản 1 để phạt - phạt 2.500 đina.

2- Nếu một người Fran cướp đoạt một người La Mã thì chỉ phải phạt 35 solida”.

b. Quy định quyền thừa kế tài sản trong xã hội

Ở điều 1 đến điều 5 trong chương LIX nói rõ:

"1- Nếu người nào chết đi mà không có con, nếu bố mẹ của người đó còn thì bà ta được hưởng di sản.

2- Nếu mẹ không còn, mà người đó là anh hoặc em thì những người này được tiếp thu di sản.

3- Nếu không có chị em, thì chị em của mẹ (dì) được tiếp thu di sản.

4- Nếu mẹ của người chết không có chị em, thì người thân thuộc nhất trong những người bằng vai với mẹ được tiếp thu di sản.

5- Di sản ruộng đất bất kỳ thế nào đều không được chuyển cho phụ nữ, mà phải đem toàn bộ đất đai chuyển cho nam giới, tức là anh em trai”.

c. Ngoài ra, các điều khác ở rải rác các chương chủ yếu nói về các hình phạt việc nợ, ăn trộm súc vậtCụ thể như sau:

Về ăn trộm lợn ở chương II, điều 1 có ghi:

“Nếu có người ăn trộm một con lợn nhỏ mà bị tố giác thì bị phạt 120 đina”.

Hay tội trộm cắp trong nhà xay, của chương XII có nói rõ:

“ - Nếu có người tự do nào đó ăn trộm thóc trong nhà xay của người khác mà bị tố giác thì phải nộp cho chủ nhà xay 15 solida. Đối với chủ có thóc xay thì kẻ trộm phải nộp 15 solida”.

Tiếp đó là các chương, điều mục quy định các hình phạt về ăn trộm ngựa... cũng bị phạt bằng tiền tuỳ theo mức độ nặng nhẹ.

d - Thủ tục và cách xét xử tội phạm.

Đối tượng bị xét xử không trừ bất cử một ai, kể cả thẩm phản của phiên toà nếu bị phạm lỗi. Cụ thể trong chương LVII có nêu rõ:

“1- Nếu trong hội nghị tư pháp để xét xử vụ kiện giữa hai người mà trong số thẩm phán nếu có người không chịu giảng luật pháp, thì người đi kiện phải nhắc nhở ông ta: ''ở đây, tôi xin các ông theo Luật Xalích để xét xử”. Nếu ông ta (lại) cự tuyệt giảng pháp luật thì trong số thẩm phán viên trước khi Mặt trời mọc phải bị phạt 120 đina.

“2- Nếu họ vẫn không chịu giảng pháp luật, lại không chịu nộp tiền trong thời gian quy định, thì họ phải bị phạt 600 đina”. Và cứ như vậy số tiền phạt sẽ tăng lên gấp nhiều lần, khi nào chịu nộp phạt thì thôi.

Với các điều khoản chặt chẽ, nghiêm khắc trên, Luật Xalich thực sự là công cụ chủ yếu giúp những tộc người Frari xây dựng và quản lý Nhà nước, xã hội phong kiến thời đó.

TS. TRẦN VĂN LA




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/164-02-633386830327968750/Nhung-Bo-Luat-co-noi-tieng-the-gioi/Luat-X...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận