Tài liệu: René Descartes (1596 - 1650) nhà triết học, toán học và nhà tư tưởng lớn nước Pháp

Tài liệu
René Descartes (1596 - 1650) nhà triết học, toán học và nhà tư tưởng lớn nước Pháp

Nội dung

RENÉ DESCARTES (1596 - 1650) NHÀ TRIẾT HỌC, TOÁN HỌC

VÀ NHÀ TƯ TƯỞNG LỚN NƯỚC PHÁP

 

Ngày 31-3-1596, René Descartes (Rơnê Đềcartơ) chào đời ở La Haye vùng Touraine nước Pháp. Thời thơ ấu của René trải qua ở trường cố đạo (Jesuit school). Thuở nhỏ, cậu bé René hay đau yếu nhưng bù lại cậu rất sáng dạ nên được nhận vào trường Hoàng gia La Flèche lúc cậu mới lên mười (1606). Từ thuở nhỏ, cậu hay dậy muộn và nằm nán lại trên giường suy nghĩ mông lung về một điều gì đó, sau dần thành thói quen cho đến tận cuối đời.

Descartes sinh trưởng trong một gia đình trí thức. Cha ông là Joachim Descartes làm cố vấn hội đồng thành phố Rennes. Mẹ ông là bà Jeanne Brochard.

Thời thanh niên, môn học yêu thích nhất của René là toán học; nhưng ông lại học luật, tốt nghiệp khoa Luật ở trường Đại học Poitiers năm ông 20 tuổi chỉ có điều René chưa bao giờ dùng tấm bằng Cử nhân luật để hành nghề. Ông đi du lịch ở nhiều nước để học hỏi trong ''quyển sách lớn của thế giới”, mà thực tế khách quan sinh động ở nhiều nơi ông đi qua và chứng kiến, đã làm nảy sinh những tư duy triết học ở nhà triết học lớn tương lai. Năm 1618, khi René mới 22 tuổi, ông đã đi du lịch ra nước ngoài, ông đến Hà Lan (1618), sang Đan Mạch (1619), sang Đức, Áo, Thụy Sỹ, Italia. Ông là sĩ quan độc lập đi theo mấy đoàn quân chiến binh, nhưng từ 1620 ông từ bỏ cuộc đời quân nhân để đi đây đi đó. Năm 1622, ông trở về Pháp. Mùa Đông năm 1627 - 1628, ông sống ở bán Đảo Bretagne miền Tây nước Pháp; hẳn là ông muốn có một thời gian yên tĩnh nào đó để thực hiện dự án nghiên cứu triết học của mình sau chuyến đi dài tìm hiểu những điều mới mẻ trong ''quyển sách lớn của thế giới”. Nhưng ông thấy đất nước Hà Lan là nơi có điều kiện thuận lợi hơn cho việc hoàn tất dự án nghiên cứu triết học của mình. Mùa Xuân năm 1629, Descartes quyết định đến Hà Lan định cư và ở đây, ông đã viết xong cuốn Những quy tắc hướng dẫn trí tuệ, một công trình chưa hoàn thành và chỉ được xuất bản sau khi ông qua đời.

Từ năm 1629, Descartes bắt đầu nghiên cứu các thiên thể sao băng, ông thực sự là một nhà khoa học. Ngoài triết học là lĩnh vực ông dành nhiều tâm sức nhất, ông còn ''để chút thì giờ cho siêu hình học''. Năm 1631, ông khám phá ra những nguyên lý của môn hình học giải tích. Ông dùng đại số để đơn giản hóa hình học cổ điển. Ông nghiên cứu cả lĩnh vực vật lý quang học và khám phá căn bản của ông là định luật khúc xạ ánh sáng. Ông còn nghiên cứu cả sinh lý học. Năm 1633, Descartes kết thúc một công trình lớn của mình, đó là cuốn Bàn về thế giới hay là về ánh sáng (trong đó có một phần mà ngày nay có tên gọi là Bàn về Con người).

Thuở còn đi học, Descartes đã có những dấu hiệu báo trước rằng, ông sẽ là nhà triết học thực thụ. Ông thích đọc truyện và thơ, song sách mà ông nghiền ngẫm và chú ý tìm đọc là sách dạy suy nghĩ và hướng dẫn rèn luyện lý trí để khám phá ra chân lý. Đến khi trở thành triết gia, ông vẫn là một nhà khoa học luôn chú ý đến phương pháp tư duy. Toán học giúp ông nhận thức vấn đề trên cơ sở chứng minh như khi chứng minh một kết quả toán học. Là triết gia, ông cố gắng đặt nền tảng lý thuyết của mình vào những gì hiển nhiên mà ông chứng minh đó là chân thực. Ông bắt đầu tìm kiếm để khám phá sự thật bằng cách hoài nghi tất cả những gì ông đã được học, và cuối cùng ông nhận thấy sự hoài nghi đó đã giúp ông suy nghĩ đúng. Ông thấy tư duy là tất cả giá trị của con người. “Tôi tư duy vì vậy tôi tồn tại” (''Cogito ergo sum"). Ông khẳng định sự tồn tại của Thượng đế, sự tồn tại của vật chất ở thế giới bên ngoài, theo ông đó là những sự thật không cần phải chứng minh - ông mở rộng sự thật này bằng cách bổ sung thêm những sự thật hiển nhiên khác.

Cơ sở triết học của Descartes đó là thuyết nhị nguyên về linh hồn và thể xác, thực thể “biết tư duy” “quảng tính” Con người, theo ông, đó là mối liên hệ của bộ máy thể xác đã chết với linh hồn có khả năng tư duy và có ý chí. Cuốn sách Bàn luận về phương pháp (1637) trình bày sự hình thành tư duy Descartes, khẳng định tư duy là khả năng phi thường của con người. Descartes nói, nhờ có lý trí con người sẽ trở thành chủ nhân và sẽ điều khiển được thế giới tự nhiên, con người sẽ là kiến trúc sư và sẽ tư duy lại mọi sự vật và sắp xếp lại trật tự. Tư tưởng của Descartes tin vào con người tiếp tục làm bừng sáng lại thời kỳ Phục hưng. Nó hướng dẫn con người chinh phục Vũ trụ bằng lý trí, bằng phương pháp khoa học. Thế giới vật chất tuân theo những quy luật khách quan của sự vận động (không hề có những lực lượng siêu nhiên, huyền bí), muốn khám phá những quy luật ấy, con người, bằng lý trí của mình phải phá bỏ, phủ nhận mọi quyền uy, mọi ý kiến có sẵn từ trước đây; tiếp theo, phải tư duy độc lập phải hiểu biết kỹ sự vật rồi sau đó mới công nhận nó là sự thật. Như vậy lý trí sẽ dẫn con người đến sự thật, lý trí ấy chỉ con người mới có. Tác phẩm Bàn luận về phương pháp cùng với ba khảo luận Khúc xạ ánh sáng, Các Thiên thể sao băng Hình học của ông in gộp thành một tập lớn, không đề tên tác giả, được xuất bản ngày 8 tháng 6 năm 1637 tại nhà xuất bản Jean Maire ở Leyde (Hà Lan). Cuốn sách ra đời gây nên cuộc luận chiến mà bản thân Descartes không muốn, nhưng nó cứ đeo đẳng ông đến cuối đời.

Những tác phẩm quan trọng khác là Bàn luận về phương pháp Hình học (1637), Nguyên tắc về triết lý (1644), Luận về say mê của linh hồn (Traité des passions de I'âme, 1650).

Trong tác phẩm Luận về say mê của linh hồn, Descartes khẳng định rằng, ý chí có thể đánh bại say mê xấu, nhờ sự can thiệp của lý trí bằng việc cân nhắc lợi, hại của say mê lý trí hướng dẫn các hành động trong cuộc sống: đó là tâm hồn mạnh, tâm hồn mạnh có ý chí mạnh. Tâm hồn cao thượng bao giờ cũng có ý chí tự do để chiến thắng những say mê xấu. Quan niệm của Descartes về say mê và về tâm hồn cao thượng trùng hợp kỳ diệu với quan niệm của Corneille (1606 - 1684), nhà viết kịch lớn người Pháp.

GS. TRẦN TẤT LANH[1]

PGS. TS. NGUYỄN XUÂN HÒA

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1059-02-633389387591440778/Nhung-nha-tu-tuong-va-triet-gia-noi-tieng...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận