THƯ VIỆN QUỐC HỘI Ở NHẬT BẢN
Thư viện Quốc hội Nhật Bản được thành lập năm 1948 theo điều luật của Quốc hội Nhật Bản. Thư viện Quốc hội Nhật Bản có nguồn gốc từ Thư viện Hoàng gia Nhật Bản được thành lập từ 1872. Thư viện được tổ chức theo mô hình Thư viện Quốc hội Mỹ, theo đề nghị của đoàn chuyên gia thư viện Mỹ giúp đỡ thành lập Thư viện Quốc hội.
Thư viện Quốc hội Nhật Bản gồm trụ sở chính và 37 chi nhánh. Tại trụ sở chính gồm hai tòa nhà, tòa nhà chính có 8 tầng, trong đó có hai tầng hầm sức chứa 4,5 triệu bản phục vụ cho 11 phòng đọc, được xây dựng năm 1968. Tòa nhà thứ hai được xây dựng năm 1986 gồm 12 tầng có sức chứa 7,5 triệu tập sách. Cả hai tòa nhà có tổng diện tích sử dụng 145 ngàn m2, với 1.900 chỗ ngồi dành cho người đọc. Kho sách thực tế hiện nay của Thư viện Quốc hội Nhật Bản có gần 5 triệu bản sách, gồm 350 ngàn bản đồ, khoảng 340 ngàn băng ghi âm và xấp xỉ 125 ngàn tên báo, tạp chí. Tuy vậy, mới chỉ chiếm khoảng 60% sức chứa của hai tòa nhà.
Nội dung kho sách của Thư viện Quốc hội Nhật Bản rất phong phú. Thư viện Quốc hội Nhật Bản là nơi tàng trữ tất cả ấn phẩm xuất bản tại Nhật theo chế độ lưu chiểu, và xuất bản Thư mục Quốc gia Nhật Bản hàng tuần, hàng tháng, hàng năm. Sách, tạp chí nước ngoài thuộc nhiều thứ tiếng thuộc các môn khoa học, kỹ thuật, khoa học tự nhiên, đặc biệt là năng lượng nguyên tử và điện tử. Thư viện chú trọng sưu tầm tư liệu về pháp luật, kinh tế, lịch sử của các nước Đông - Nam Á, kể cả các nước Châu Phi. Thư viện có 8.000 bản sách cổ chép tay bằng tiếng Nhật Bản từ thời Edo đến thời Minh Trị Thiên hoàng.
Kho sách, báo, tạp chí được bảo quản trong điều kiện đặc biệt, áp dụng kỹ thuật hiện đại. Công tác thư viện được cơ khí hóa và tự động ở trình độ cao. Hiện thư viện được trang bị gần 100 máy tính điện tử với bộ nhớ 24 MB (megabyte).
Số lượng nhân viên của Thư viện Quốc hội Nhật Bản là trên 850 người, kinh phí hàng năm gần 14 tỷ Yên (1991).
Nhiệm vụ chính của thư viện là phục vụ các cơ quan Chính phủ và tất cả các thành viên Quốc hội Nhật Bản. Đồng thời thư viện mở cửa cho mọi công dân Nhật Bản từ 20 tuổi trở lên được vào đọc. Việc phục vụ cơ quan Chính phủ và các thành viên Quốc hội được tổ chức thành một bộ phận riêng với khoảng 160 người, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Bộ phận có nhiệm vụ giải đáp mọi yêu cầu của các Nghị sĩ, từ câu hỏi trả lời ngay tới những vấn đề cần thời gian nghiên cứu và lời giải đáp có giá trị như một công trình nghiên cứu. Hàng năm bộ phận này đã trả lời khoảng 18 ngàn câu hỏi đủ loại (1991). Bộ phận phục vụ mọi công dân Nhật Bản, mỗi ngày phục vụ khoảng 1800 đến 2000 lượt người, luân chuyển khoảng 6000 đến 7000 sách, báo, tạp chí, trả lời gần 1000 câu hỏi tra cứu.
Tuy vậy từ 1993, người Nhật Bản lại xây dựng một thư viện cực kỳ hiện đại, nằm trong Thành phố khoa học Kansai, như một trung tâm thông tin thư mục chính trong toàn quốc, nhưng vẫn là bộ phận hợp thành của Thư viện Quốc hội Nhật Bản. Thư viện ở Kansai được xây dựng nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu thông tin phức tạp của thế kỷ XXI. Thư viện nằm trên khu đất 165 ngàn m+, diện tích sử dụng là 158 ngàn m2, kho chứa tài liệu chiếm 133 ngàn m2. Dự kiến sẽ đặt 1 vệ tinh viễn thông phục vụ truyền tư liệu và số liệu của thư viện. Khoảng đầu 1997 sẽ mở cửa sử dụng Thư viện Quốc hội Nhật Bản tại Kansai.