Tài liệu: Thư viện Alexandria

Tài liệu
Thư viện Alexandria

Nội dung

THƯ VIỆN ALEXANDRIA

 

Tương truyền Alexandros Đại đế được đón chào tại Ai Cập như một đấng quân vương giải phóng. Ông tỏ ra rất tôn trọng các phong tục tập quán và tín ngưỡng của dân chúng, tự coi mình là người bảo vệ tôn giáo và do đó đã giành được sự ủng hộ của giới tu sĩ. Nhà Vua công khai hỏi ý lời sấm của các Thần linh, đặc biệt rất long trọng đến hỏi ý những lời sấm của Thần Amon. Hơn nữa, ông đã nhanh chóng nhận thức được rằng Ai Cập có thể sẽ đóng một vai trò trọng yếu trong việc mở rộng bản đồ thương mại thế giới và ông sốt sắng đóng góp phần mình vào công cuộc ấy.

Một trong những quyết định vang dội nhất của Alexandros Đại đế theo chiều hướng đó là việc thành lập thành phố Alexandria. Theo truyền thuyết, nhà Vua đã đích thân chọn địa điểm: một hải cảng nhỏ bé trên Địa Trung Hải mà khung cảnh đã làm ông say mê vì Đảo Pharos cạnh đấy có hai bến cảng tự nhiên, dùng làm căn cứ cho hải quân Hy Lạp thật là tuyệt vời. Truyền thuyết cũng kể rằng đích thân Alexandros Đại đế đã vạch ra ranh giới của thành phố mới; mà công cuộc xây dựng được bắt đầu vào năm 332 Tr. CN, theo bản quy hoạch của kiến trúc sư Dinocratcs người Đảo Rhodes.

Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi và bến cảng được thiết kế khôn khéo, Alexandria đã trở thành một trong những nơi giao lưu lớn nhất của các tuyến đường thương mại và hàng hải thời Cổ đại. Và thành phố này đã liên tục giữ một vai trò chủ chốt trong lịch sử Ai Cập cho đến tận ngày nó bị người Ả Rập chinh phục vào năm 641 S.CN.

Khi mới được xây dựng, ngoài người bản xứ, thành phố mới chỉ gồm có lực lượng cảnh vệ người Macedonia, một cộng đồng người Hy Lạp nhập cư và một thiểu số người Do Thái. Nhưng nó đã phát triển nhanh chóng và dưới thời Vua Ptolémée I Ster, thành phố đã tiếp nhận nhiều nhà thông thái và nghệ sĩ được nhà Vua che chở và trợ cấp. Vua Ptolémée I trung thành với tinh thần của chính sách mà Alexandros đã đề ra. Tôn trọng các thể chế dân sự và chính trị, các tín ngưỡng và tôn giáo địa phương; nhà Vua đã tạo lập tại Ai Cập một bầu không khí khoan dung và yên ổn, đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển văn hóa. Nhờ ông, Alexandria bắt đầu gần trở thành cái mà Alexandros mơ ước: một kinh đô kiểu mẫu, một trung tâm nổi tiếng với ảnh hưởng trí tuệ và nghệ thuật tỏa rộng bốn phương.

Chính Ptolémée I[1] là người ra lệnh xây dựng ngọn Hải đăng nổi tiếng được coi là một trong bảy kỳ quan thế giới thời Cổ đại. Và cũng chính dưới Vương triều ông, đã thảo ra dự án xây dựng Thư viện Alexandria, thư viện công cộng nổi tiếng nhất thời Cổ đại.

Con trai ông là Ptolémée II Philadelphe đã hoàn thành dự án đó, đồng thời làm cho Alexandria trở thành trung tâm thương mại đứng đầu thế giới. Người Hy Lạp, người La Mã, người Éthiopia và người Do Thái đến Alexandria tiến hành công việc kinh doanh giữa cả một lớp người gồm có thư lại, lục sự, thủ thư, phiên dịch, sứ thần, các quan trong triều và quan cai trị. Là người yêu mến và đỡ đầu nghệ thuật và văn chương, Ptolémée II tập hợp quanh mình những nhà Bác học và thi hào ưu tú trong đó có Callimaque (mất năm 240 Tr.CN) mà tên tuổi gắn liền với sự phát triển của thư viện vĩ đại này.

Thư viện đầu tiên mà ta được biết có lẽ là thư viện xây dựng tại Memphis, khách đến thăm nơi ấy được chào đón bằng câu ''phương thuốc cho linh hồn''. Thế nhưng, khi Ptolémée I quyết định thành lập Thư viện Alexandrla, ông lại lấy Thư viện Aristotes ở Athènes làm mẫu. Có thể ông đã mua cả sưu tập sách của Thư viện Aristotes, một trong những sưu tập sách phong phú nhất thời đó.

Ban đầu, người ta tìm kiếm phiên bản của tất cả các tác phẩm viết bằng tiếng Hy Lạp để trang bị cho Thư viện Alexandria. Mục tiêu đó đã nhanh chóng được thực hiện và người ta tìm kiếm tiếp phiên bản của mọi trước tác giá trị viết bằng các thứ tiếng khác. Sau cùng, người ta từ bỏ khái niệm giá trị và đạt tới tính phổ quát thực sự bằng cách tìm kiếm phiên bản của mọi trước tác đã ra đời.

Tìm kiếm các phiên bản đó trở thành một trong những nhiệm vụ chính của các nhân viên thư viện. Họ đặt tiền cược để mượn tất cả các tác phẩm hiện có ở Athènes trong khoảng một thời gian đủ dài để chép lại làm một hoặc đôi khi nhiều bản. Ngoài ra, phát hiện có bản chép tay nào trên các tầu biển thả neo ngoài cảng là họ ''tạm thời tịch thu'' các bản đó để sao chép lại.

Nhờ nỗ lực khổng lồ đó trong việc thu thập và bảo tồn các trước tác từ khắp nơi trên thế giới, Thư viện Alexandria đã trở thành thư viện thực sự phổ quát đầu tiên trong lịch sử và thu hút các nhà tư tưởng và Bác học nổi tiếng nhất thời đó. Không biết được chính xác bộ sưu tập của thư viện gồm có bao nhiêu cuộn giấy cói, chỉ ước tính có khoảng từ 400.000 đến 700.000 cuộn, vì trong một cuộn có khi chép được nhiều cuốn sách, song có khi một cuốn sách dài lại trải ra làm nhiều cuộn.

Thư viện không chỉ giới hạn ở việc tập hợp các trước tác thuộc ngôn ngữ nguyên thủy của chúng mà côn bắt tay vào một chương trình dịch thuật rất to lớn. Chẳng hạn, 72 học giả Do Thái đã được giao nhiệm vụ dịch Cựu ước sang tiếng Hy Lạp, và nhiều người khác làm công việc phiên dịch các tác phẩm của Babylone và của Đạo Phật.

Thư viện Alexandria còn là thư viện đầu tiên trong lịch sử đề ra những quy tắc phân loại và đăng ký các bộ sưu tập của nó. Tập danh mục đồ sộ của thư viện do Callimaque lập ra. Ông sử dụng một phương pháp cho phép độc giả tìm được các tác phẩm cùng với một bản tóm tắt nội dung, hay thậm chỉ kèm thêm cả tấm phiếu đó, trong tiếng Hy Lạp gọi là Pinakés; tiếc thay nay không còn lưu lại, nhưng người xưa đã đề cập khá nhiều đến những tấm phiếu ấy, khiến ta có thể hình dung được khối lượng công việc khổng lồ ấy.

Thư viện Alexandria là một phần của một quần thể kiến trúc rộng lớn hơn gồm có (''bảo tàng'' hay ''Thi đền''), một cơ sở nghiên cứu thường xuyên mở cửa cho các hoạt động nghệ thuật và khoa học, một đài quan sát thiên văn, một thảo cầm viên và các phòng hội họp.

Vì vậy, một số học giả và nghệ sĩ sáng tạo tài năng nhất đã đến thăm hoặc làm việc tại Alexandria, khai thác trong các kho tàng vô giá của thư viện nổi tiếng ở đây để hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu và các phát kiến của họ, qua đó tạo ra xung quanh mình một phong trào tri thức văn hóa bao gồm mọi lĩnh vực của tri thức và sáng tạo.

Trong số những người đã làm việc tại Thư viện Alexandria có Hérophile (340 - kh. 300 Tr. CN), người đã lập ra môn giải phẫu sinh lý; Euclide (330 - 280 Tr. CN), người đã phát minh ra hình học; Eratosthène (284 - 192), người đã tính được chu vi Trái đất; Aristarque (215 - 143) và Denys de Thracé (170 - 90), hai người đã định ra ngữ pháp Hy Lạp; Heron (thế kỷ I S. CN), người đã viết nhiều cuốn khái luận về cơ học và sáng chế ra một công cụ đo lường là dioptre; Claude Ptolémée (90 - 168 S. CN), người sáng lập môn bản đồ học và phát triển môn thiên văn. Qua đó nói lên thư viện đã đóng một vai trò trọng yếu trong lịch sử phát triển của văn học Hy Lạp - La Mã.

Ngày nay, không còn lại vết tích gì về công trình ngợi ca thiên tài của loài người đó nữa. Theo các nhà sử học, phần lớn các bộ sưu tập của thư viện đã bị thiêu hủy trong trận hỏa hoạn tàn phá hải cảng này khi Jules Caésar đánh chiếm Alexandria. Marx Antoine đã bù đắp một phần những thiệt hại ấy khi ông tặng Nữ hoàng Cleopâtre bộ sưu tập phong phú của Thư viện Pergame ở Tiểu Á. Thư viện này do Eumène II, Vua Pergame chăm chút xây dựng, nghe nói có khoảng 200.000 cuốn sách lần đầu tiên viết trên giấy da cừu.

Nhưng tiếp đến, lại xảy ra những tai họa khác, như để làm nổi bật sự mỏng manh vô cùng về các tác phẩm của trí óc. Thư viện và bảo tàng Alexandria có lẽ đã bị tàn phá trong cuộc nội chiến nổ ra ở Ai Cập hồi thế kỷ III S. CN.

Tuy nhiên, niềm mơ ước của Alexandria không phải đã vĩnh viễn bị chôn vùi. Chính phủ Ai Cập và trường Đại học Alexandria, cộng tác với UNESCO và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã bắt đầu một dự án nhằm làm sống lại thư viện nổi tiếng này. Dự án đó sẽ đem lại cho thư viện mới  những trang bị và phương tiện hiện đại cho phép nó khi bước vào thiên niên kỷ thứ III, có thể lại đóng một vai trò như xưa kia của nó ở đầu thiên niên kỷ thứ nhất. Nhưng lần này, thư viện sẽ được nối liền với tất cả các trung tâm lưu trữ và tư liệu trên thế giới hằng một mạng lưới tin học. Nhờ vậy, việc phục hồi được linh hồn của thư viện nguyên thủy như Thư viện Alexandria mới cuối cùng sẽ không gì tàn phá nổi.

Nhà văn LOTFALLAHSOLIMAN

Lotfallahsolimsan là nhà văn và nhà báo Ai Cập,

hiện đang biên soạn một cuốn Lịch sử Palestine.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/163-02-633386825808437500/Nhung-Thu-vien-noi-tieng-the-gioi/Thu-vien...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận