TUÂN TỬ (298 - 238 Tr. CN)
Tuân Tử là tên Huống, tự là Khanh, người nước Triệu. Năm sinh, năm mất của ông hiện nay chưa khảo cứu rõ được, nhưng đại để từ năm 298 đến năm 238 Tr. CN, là thời kỳ hoạt động sôi nổi nhất của ông. Tuân Tử có đi du thuyết trình bày Đạo lớn với Vua chúa các nước Tề, Sở,... nhưng họ chỉ nghe chứ không chịu làm theo. Học thuyết của ông được ghi lại trong sách Tuân Tử gồm 32 thiên.
Là một môn đồ xuất sắc của học phái Nho gia, Tuân Tử kế thừa và phát huy nhiều luận điểm quan trọng trong học thuyết của Khổng Tử, nhưng ông cũng đã phê phán nhiều luận điểm của các hệ phái Nho gia khác nhau. Đồng thời, ông cũng kế thừa những tinh hoa trong tư tưởng của Đạo gia và phái Pháp gia thời kỳ đầu, tổng hợp lại, cải biến bổ sung thêm cho thích ứng với yêu cầu của thời đại.
Trước hết, Tuân Tử có một “Thiên đạo quan” khá tiến bộ, ông đề xuất luận điểm Trời và người không liên quan với nhau: ''Đạo trời vận hành có quy luật chính thường riêng biệt. Đạo ấy không vì Vua Nghiêu mà tồn tại, cũng không vì Kiệt mà tiêu vong. Lấy sự bình trị mà tiếp ứng với Đạo ấy thì lành; lấy sự rối loạn mà tiếp ứng với Đạo ấy thì dữ” (Tuân Tử - Thiên luận). Trên cơ sở này, ông đề cao năng lực chủ quan và hành động tích cực của con người và khẳng định con người có thể lợi dụng, chế ngự cải tạo thiên nhiên để phục vụ cho bản thân mình. Ông bài xích mọi tư tưởng sùng tín thần bí, không tin là Trời có năng lực phán đoán thưởng phạt; mọi thiên tài như lụt lội, hạn hán, dịch tễ, đói kém v.v. . . đều không phải do Trời giáng họa; con người có thể chủ động khắc phục những tai họa ấy bằng sự nỗ lực chủ quan, được mùa, ấm no, yên ổn... cũng không phải do Trời ban phúc; con người có thể chủ động giành lấy những điều tốt lành ấy bằng trí lực của bản thân...
Về mặt chính trị - xã hội, ông đề xuất chủ trương “Lễ trị”. Lễ theo Tuân Tử quan niệm có khác nhiều so với Lễ của Khổng Mạnh. Cố nhiên, Tuân Tử cũng muốn dùng Lễ để củng cố chế độ đẳng cấp, tăng cường sự cách biệt giữa trên dưới, quý, tiện,… nhưng trong quan niệm về Lễ của Tuân Tử những yếu tố Pháp đã chiếm một địa vị khá quan trọng. Ông nói: ''Lễ là chức phận lớn của Pháp, là kỷ cương của mọi loài (Tuân Tử - Khuyến học). Vương công sỹ đại phu tuân thủ lễ thì giữ được ngôi vị, không tuân thủ lễ thì phải giáng xuống làm thứ dân, con cháu thứ dân tuân thủ lễ thì có thể thăng tiến lên hàng sỹ đại phu…”. Trái với thuyết ''tính thiện'' của Mạnh Tử, Tuân Tử đề xuất luận điểm ''tính ác''. Ông quan niệm rằng vai trò của đạo đức nhân nghĩa không phải là ở chỗ bồi dưỡng phát huy cái ''tính thiện'' vốn có do Trời phú bẩm mà là ở chỗ phải dựa vào Lễ để kiềm chế uốn nắn sửa đổi cái ''tính ác'' nhằm giúp con người hoàn thiện nhân cách. Trên cơ sở đề cao vai trò của Lễ, ông coi con người có dục vọng là một hiện tượng chính thường, phản đối các chủ trương “chỉ dục” (dứt bỏ dục vọng) hoặc "quả dục" (giảm bớt đến mức tối thiểu dục vọng). Ông quan niệm trong khi điều hành việc thỏa mãn dục vọng của các tầng lớp khác nhau trong xã hội, Lễ phải thực hiện chức năng ''Cắt bớt chỗ dài; bù đắp thêm cho chỗ ngắn; rút bớt chỗ dư thừa, tăng thêm cho chỗ thiếu thốn''. Như vậy là (thỏa mãn dục vọng) ở đây có bao hàm ý nghĩa phân phối lại ở mức độ nhất định của cải xã hội nhằm ngăn chặn các hiện tượng giàu nghèo chênh lệch quá phi lý bất công. Cũng từ quan điểm này, về các vấn đề "Quốc kế dân sinh'' khác, Tuân Tử coi trọng cả nghĩa lẫn lợi vừa chủ trương phải thực hành triệt để chính sách ''Canh chiến'' (đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường lực lượng vũ trang, chuẩn bị chiến tranh kiêm tính), vừa chủ trương bồi dưỡng sức dân, thi hành Vương đạo nhằm tranh thủ nhân tâm. Ông nói: "Vua như thuyền, dân như nước, nước nâng thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền. Chính vì vậy bậc Vương giả muốn được ở yên ngôi vị không gì bằng thi hành chính sự cho công bình và thương yêu dân chúng'' (Tuân Tử - Vương Chế).
Như chúng ta đã thấy, tư tưởng học thuyết của Tuân Tử là sự tổng hợp tinh hoa các học thuyết lớn của chư tử thời trước Tần trên cơ sở kế thừa và phát triển tư tưởng Khổng Mạnh, trong đó những yếu tố tư tưởng Pháp gia chiếm địa vị quan trọng. Vì thế, các học giả đời sau đã coi tư tưởng Tuân Tử là “bên ngoài thì Nho, bên trong thì Pháp" (Nho biểu Pháp lý) hoặc ''bên ngoài là Lễ, bên trong là Pháp" (Lễ biểu Pháp lý). Học trò của Tuân Tử là Hàn Phi, Lý Tư... phát triển sai lệch học thuyết của thầy, quá thiên về mặt Pháp, cho nên đã có thể giúp Tần mau chóng thôn tính sáu nước, thống nhất Trung Nguyên nhưng cũng thúc đẩy Tần mau chóng đi tới chỗ diệt vong.
Các nhà Nho chính trị gia đời sau trong việc "trị quốc an dân'' nói chung ít nhiều đều có vận dụng phát huy tư tưởng kinh tế - chính trị xã hội của Tuân Tử, nhưng khi quy công thì chỉ hai bậc Thánh nhân là Khổng Tử và Mạnh Tử được nhắc đến, còn Tuân Từ thì hầu như bị lãng quên, có khi lại còn bị chê bai phỉ báng nữa. Nguyên nhân chính có lẽ là, do học thuyết của Tuân Tử đã có nhiều chỗ phủ định mạnh mẽ những yếu tố bảo thủ, duy tâm thần bí trong tư tưởng truyền thống của Nho gia.
GS. ĐẶNG ĐỨC SIÊU