PHÁP GIA VÀ HÀN PHI TỬ
(28 0 – 233 Tr.CN)
Ngay từ thời Xuân Thu (770 - 476 Tr. CN), một số học giả chính khách nắm được thực quyền các các nước chư hầu đã chủ trương dựa vào luật pháp để cải biến tình hình chính trị - xã hội đen tối đương thời. Chủ trương này đã được thực thi ở một số nước như: Tử Sản là Tướng quốc (như Thủ tướng) nước Trịnh đã soạn thảo và công bố Hình thư (sách luật), Phạm Tuyên Tử ở nước Tấn cho đúc Hình đỉnh (đỉnh đồng khắc văn bản luật); Lý Khắc ở nước Ngụy thâu tóm tinh hoa luật lệnh ở các nước chư hầu, viết bộ Pháp Kinh gồm 6 quyển. Người chủ trương pháp trị một cách khá triệt để và đã đạt được những kết quả to lớn là Thương Ưởng, Tướng quốc nước Tần (khoảng năm 347 Tr. CN). “Biến pháp canh tân” do Thương Ưởng đề xướng có nội dung rất phong phú; trong đó có những chủ trương khá táo bạo so với các quan niệm phổ biến đương thời như: Dùng người và thưởng phạt cần phải xét theo tài năng công lao thành tích chứ không xét theo nguồn gốc xuất thân; khuyến khích dân chúng chăm lo tăng gia sản xuất làm giàu; kiềm chế các hành động lộng quyền, thói quen lười biếng, ăn chơi xa xỉ của tầng lớp quý tộc, v.v…
Những quan niệm, chủ trương, chính sách… mang tính chất pháp trị trên đây của Tử Sản, Phạm Tuyên Tử, Lý Khắc, Ngô Khởi, Thương Ưởng, v.v… chất liệu thực tế được vận dụng để xây dựng trên cơ sở lý thuyết cho phái Pháp gia - đã được đúc kết, bổ sung phát triển thêm và được trình bày thành hệ thống trong một bộ sách được coi là tác phẩm kinh điển của Pháp gia đó là bộ sách Hàn Phi Tử do Hàn Phi biên soạn. Hàn Phi được liệt vào hàng “Bách gia chư tử” nên cũng gọi là Hàn Phi Tử. Nguyên là công tử nước Hàn, vì đề xuất những ý kiến nhằm cải cách thể chế chính trị tuyển dụng nhân tài nên Hàn Phi bị Vua quan và tầng lớp quý tộc nước Hàn ghét bỏ, đành phải lưu vong sang Tần, lúc đầu được trọng dụng, sau bị gièm pha rồi bị giết.
Về mặt chính trị, Hàn Phi đề xuất chủ trương kết hợp Pháp - Thuật - Thế. Tinh thần của Pháp thể hiện rõ trong chủ trương đề cao Pháp trị, không a dua phụ họa nể vì quyền quý; thưởng, phạt, xét theo công lao thành tích; dùng người xét theo tài năng. Thuật là những thủ đoạn chế ngự thần dân của bậc quân chủ. Để cho Pháp và Thuật trở nên hữu hiệu, bậc quân chủ cần phải nắm vững và phát huy quyền lực thống trị; đó là Thế. Chống lại tư tưởng phục cổ, đề cao quá khứ, coi thời xưa hơn thời nay hoặc là mẫu mực thời nay của Nho gia, với một quan niệm tiến bộ về sự tiến hóa của lịch sử. Hàn Phi cho rằng: Thời nào cũng có Thánh nhân do đó không nhất thiết cứ phải răm rắp noi theo ''tiên Vương'', ''tiên Thánh'', thời thế đổi thay thì sự việc cũng đổi khác; sự việc đổi khác thì không thể cứ nệ cổ, phục cổ, cứ noi theo nếp cũ của Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ mà giải quyết xử lý; do đó cần phải có “Tân Thánh” gánh vác những công việc trọng đại của đương thời. Vốn là một Nho gia, học trò Tuân Tử (một phái hệ cách tân của Nho gia), Hàn Phi đã tiếp thu thuyết ''Tính ác'' (bản tính con người là bất thiệp, trái với thuyết Tính thiện coi bản chất con người là tốt đẹp của Mạnh Tử) do Tuân Tử đề xướng, cho rằng nhu cầu thỏa mãn lợi ích cá nhân là bản tính của con người. Ông đề cao việc cần kiệm lập nghiệp làm giàu, không tán thành chủ trương “thu của người giàu, bố thí cho người nghèo'' mà chủ trương dân muốn giàu, nước muốn mạnh thì trước hết phải chăm lo sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở này sẽ xây dựng một lực lượng vũ trang hùng hậu để tiến hành chiến tranh kiêm tính, thống nhất thiên hạ. Đó là nội dung chủ trương ''canh chiến" (cày bừa, chiến đấu) của ông. Chính vì vậy, ông xếp những người không tham gia hoạt động "canh chiến" như kẻ sỹ, thuyết khách, hiệp khách, thị thẩn, người buôn bán, làm thơ... đều là những kẻ gây tác dụng xấu cho xã hội (ông gọi là “ngũ đố”, năm hạng sâu mọt) cần phải quản chế chặt chẽ. Đến ngay như Khổng Tử, Mặc Tử... là những người học rộng có tài nhưng vì không tham gia “canh chiến” nên cũng không đáng kể vào đâu. Chính vì vậy, ông đề xuất một chủ trương khá nghiệt ngã: cấm chỉ các hoạt động học thuật, đề xuất thuyết này, thuyết nọ; bậc quân chủ có tài cai trị thiên hạ chỉ cần dựa vào pháp lệnh của triều đình: các Pháp quan chính là thầy của dân chúng; được như vậy mọi việc sẽ đâu vào đấy đất nước sẽ ổn định, hùng cường.
Học thuyết của Hàn Phi Tử đã được Tần Doanh Chính (sau này là Tần Thủy Hoàng) cùng các bề tôi thân cận, cũng là môn đồ Pháp gia như cha con Lý Tư triệt để vận dụng trong việc tổ chức thể chế chính trị - xã hội sau khi Tần đã diệt gọn sáu nước, thống nhất Trung Hoa Cổ đại. Nhưng triều Tần tồn tại quá ngắn ngủi. Trong những nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ quá nhanh của Vương triều hùng mạnh này, có những biện pháp thất nhân tâm mang màu sắc Pháp gia cực đoan của Hàn Phi Tử đóng một vai trò quan trọng.
GS. ĐẶNG ĐỨC SIÊU