THƯ VIỆN QUỐC GIA NGA
Thư viện Quốc gia Nga được thành lập năm 1862. Đến năm 1925 được gọi là Thư viện Quốc gia Liên Xô mang tên V.I.Lenine. Năm 1992 được gọi là Thư viện Quốc gia Nga.
Thư viện Quốc gia Nga là một trong những thư viện lớn nhất Thế giới. Kho sách có gần 30 triệu bản thuộc 247 ngôn ngữ khác trên thế giới. Trong đó có 91 ngôn ngữ của dân tộc thuộc Liên Xô. Kho sách có nhiều bản chép tay từ thế kỷ XV bằng chữ Slavơ, chữ Kirin. Nhưng đáng chú ý nhất là 250 ngàn bản sách thuộc giai đoạn bắt đầu xuất hiện nghề in, 800 ngàn tác phẩm hội họa in được lưu giữ tại bộ phận sách quý hiếm. Ở bộ phận sách quý hiếm được coi là một bảo tàng sách, nhiều cuốn có giá trị phải được bảo vệ có khóa riêng. Ở đây còn có những cuốn sách tý hon phải đọc bằng kính lúp. Nhưng cũng có cuốn sách một người không mang nổi, nhiều cuốn được bọc da có chữ mạ vàng. Bộ phận sách quý hiếm được hình thành một năm sau Cách mạng tháng 10. Thư viện Quốc gia Nga cũng gắn liền với tên tuổi nhà thư mục học nổi tiếng Udo Ivask và hiện nay nó đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại.
Thư viện Quốc gia Nga là nơi tàng trữ tất cả các ấn phẩm được xuất bản tại Nga theo chế độ lưu chiểu từ 2 tới 3 bản. Trong thời kỳ Liên Xô, nó nhận lưu chiểu toàn bộ các ấn phẩm xuất bản tại Liên Xô.
Thư viện Quốc gia Nga có quan hệ trao đổi sách, báo với nhiều thư viện trên thế giới; trong đó có Việt Nam. Vào thời kỳ phát triển nhất trong những năm thuộc Liên Xô, thư viện đã trao đổi sách, báo với gần 4000 thư viện và các cơ quan khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội thuộc 100 nước trên thế giới. Kho sách, báo nước ngoài của Thư viện Quốc gia Nga hết sức phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt có đầy đủ các loại sách tra cứu, thư mục, các sách, báo nghiên cứu về Liên Xô và các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử Nga; các ấn phẩm Nhà nước của các nước, các kỷ yếu Hội nghị Quốc tế, ấn phẩm của các Viện nghiên cứu hàng đầu trong từng lĩnh vực và của các hội khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội… Quốc tế và Quốc gia.
Trong thời kỳ Liên Xô, thư viện đã thu thập đầy đủ sách của K. Marx, F.Engels và Lénine được xuất bản bằng chữ Nga và các ngôn ngữ khác trên thế giới.
Hoạt động của Thư viện Quốc gia Nga rất đa dạng và phong phú, nhiều thư viện Quốc gia khác không làm được. Ngoài công tác chủ đạo là phục vụ người đọc, Thư viện Quốc gia Nga còn tiến hành nghiên cứu nghiệp vụ thư viện, thư mục. Thư viện còn được trao nhiệm vụ làm trung tâm thư mục hướng dẫn, phương pháp luận và tư vấn cho tất cả các thư viện trong nước. Ở Mỹ nhiệm vụ đó do Hội thư viện Mỹ thực hiện.