ĐỔNG TRỌNG THƯ VÀ THUYẾT “TRỜI VÀ NGƯỜI HỢP NHẤT”
(180 - 105 Tr.CN)
Đổng Trọng Thư người đất Quảng Xuyên (nay là huyện Ký, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), thời trẻ chuyên tâm nghiên cứu sách Xuân Thu Công dương truyện, từng giữ chức Bác sỹ (một đức quan văn) thời Hán Cảnh Đế (156 - 140 tr.CN). Hán Vũ Đế (140 - 86 Tr.CN) lên ngôi qua kỳ “Hiền lương đối sách” (người hiền tài dâng sách lược mưu kế - một kiểu lựa chọn nhân tài thời Hán), ông được Hán Vũ Đế chú ý rồi trọng dụng.
Đổng Trọng Thư khuyên Hán Vũ Đế nên thẳng tay gạt bỏ các học thuyết khác, chỉ tôn sùng một học thuyết, đó là học thuyết Nho gia. Để phục vụ cục điện ''đại nhất thống'' và chính quyền phong kiến chuyên chế, Đổng Trọng Thư nêu thuyết ''thiên nhân hợp nhất" (Trời và người hợp nhất) cho rằng mọi việc trên thế gian này đều là do ý Trời quyết định. Ngay cả hình thể con người cũng ứng với thiên số: lục phủ ngũ tạng, tứ chi (gan, ruột, tim, phổi, tay, chân v.v. . .) ứng với ngũ hành, tứ thời. Người do Trời tạo ra, tất phải do Trời điều hành chi phối. Vậy Trời điều hành chi phối con người bằng cách nào? Chính các vị quân Vương trên thế gian này đã thay Trời để thực hiện ý chí của Trời. Vì vậy, làm người thì phải phục tùng quân Vương vì ngôi Vua là do Trời trao. Vua thay Trời cai trị muôn dân. Vua đã chịu mệnh Trời thì mọi việc Vua làm đều là “Thế thiên hành Đạo” (Thay Trời để thi hành Đạo). Đạo và Trời đều là những cái vĩnh viễn không đổi thay. Từ đó, Đổng Trọng Thư khẳng định: Nền thống trị chuyên chế phong kiến với đạo lý tam cương (quan hệ giữa Vua tôi, cha con, vợ chồng; trong đó Vua, cha, chồng đóng vai trò chủ chốt) có quyền uy tuyệt đối. Còn ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) của Nho gia cũng đều là dựa theo ý Trời mà có, do đó cũng đều là những cái “vĩnh hằng bất biến” (mãi mãi không bao giờ đổi thay).
Đi sâu hơn, nhằm đề cao uy quyền tuyệt đối của nhà Vua và duy trì trật tự phong kiến, Đổng Trọng Thư lại vận dụng cả thuyết âm dương mang màu sắc huyền hoặc, nêu cao luận điểm ''Đạo Trời ủng hộ dương chứ không ủng hộ âm", ra sức tuyền truyền cho thuyết “Âm ty dương tôn” (âm là thấp kém, dương là tôn quý), rồi gán ghép vào xã hội: Vua là dương, bề tôi là âm; cha là dương, con là âm; chồng là dương, vợ là âm. Nếu đạo Trời đã xác định “Âm ty dương tôn” thì bề tôi ắt phải phục tùng Vua, con phải phục tùng cha, vợ phải phục tùng chồng và dựa vào đó để chứng minh sự hợp lý của quyền Vua, quyền cha, quyền chồng trong xã hội phong kiến. Do đó, xã hội phong kiến Trung Hoa nói riêng và các nước Đông phương nói chung hàng nghìn năm đã bị trói buộc bởi những tín điều nghiệt ngã với một công thức vĩnh hằng: ''Vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chết là bất trung, cha bắt con chết, con không chết là bất hiếu (quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu). Và, người phụ nữ ''ở nhà phải phục tùng cha, đi lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải nghe theo con trai" (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) được coi như một công thức của định mệnh.
Về mặt tư tưởng chính trị, không thề làm ngơ trước cảnh ''người giàu ruộng đồng thẳng cánh cò bay, người nghèo mảnh đất cắm dùi không có" và cuộc sống phóng đãng xa hoa của tầng lớp Vua quan quý tộc đa chủ thời Hán. Nhằm mục đích bảo vệ Vương triều duy trì quyền lợi lâu dài của giai cấp thống trị, Đổng Trọng Thư cũng đã đề xuất chủ trương hạn chế việc kiêm tính ruộng đất, giảm nhẹ thuế khóa lao dịch, bỏ bớt hình phạt... Trong lĩnh vực này, ông lại vận dụng lý thuyết “ý Trời” và “Trời - Người thông cảm” để răn đe. Ông nói: ''Nếu bề trên chỉ đam mê mối lợi trước mắt, không tính đến lợi ích lâu dài, cứ làm những điều trái Đức và thất Đạo thì Trời sẽ cảnh báo bằng tai biến, và nếu không sửa đổi thì ắt sẽ bị Trời đẩy xuống hố diệt vong”. Đó chính là nội dung thuyết “tai dị” do ông đặt ra.
Nói tóm lại, về mặt tư tưởng triết học, Đổng Trọng Thư đã kế thừa và phát huy những quan niệm chính thống thời Ân, Chu về thiên đế và thuyết "Trời- Người hợp nhất'' của học phái Tử Tư - Mạnh Tử; về mặt tư tưởng chính trị xã hội, ông cũng chủ trương chú trọng đến đức (vụ đức) nhưng không bỏ hình.
Như vậy có nghĩa là, ông đã tham bác các quan điểm chính trị của cả Nho gia lẫn Pháp gia; nhào nặn thành một cái mà nhiều người đời sau gọi là chủ trương ''trong Pháp ngoài Nho”, nhằm phục vụ một cách tích cực hơn nữa cho quyền thống trị của Vương triều chuyên chế; trên lý thuyết thì nói ''nhân nghĩa" để mua chuộc lòng người, trong thực tế thì thẳng tay thi hành những biện pháp thủ đoạn cứng rắn, thậm chí bạo ngược nữa, để cai trị chúng dân.
Đổng Trọng Thư được giai cấp thống trị các triều đại ở Trung Quốc tôn sùng rất mực, đề cao lên hàng Thánh nhân, tôn làm Đồng Tử, chính là do ông đã có công lớn trong việc đưa Nho học vào “con đường chính thống”, biến nó thành một công cụ thống trị đắc lực trong tay Vua chúa các đời.