Tài liệu: Thư viện quốc hội Mỹ

Tài liệu
Thư viện quốc hội Mỹ

Nội dung

THƯ VIỆN QUỐC QUỐC HỘI MỸ

 

Thư viện Quốc hội Mỹ (The Library of Congress - LC) là thư viện Quốc gia của Mỹ. Nó cũng là thư viện lớn nhất thế giới về số lượng bản sách, báo về tầm cỡ quy mô ứng dụng kỹ thuật hiện đại tự động hóa hoạt động thư viện và diện tích xây dựng sử dụng cho hoạt động thư viện.

Thư viện Quốc hội Mỹ được thành lập năm 1800 với kinh phí ban đầu được Quốc hội Mỹ cấp là 5.000 đô la (Mỹ) để mua sách, báo và trang bị tối thiểu đặt trong một phòng của trụ sở Quốc hội. Năm 1814, thư viện bị quân Anh phá hủy. Năm 1815, thư viện được xây dựng lại trên cơ sở mua lại thư viện cá nhân của cố Tổng thống, đồng thời là nhà nghiên cứu khoa học, luật sư, kiến trúc sư Thomas Jefferson[1], với 6000 bản sách. Thư viện Quốc hội được phát triển rất nhanh, mặc dù bị hỏa hoạn một vài lần nghiêm trọng nhất là năm 1951, kho sách bị thiệt hại nặng nề. Năm 1897, thư viện được chuyển tới một tòa nhà cổ nằm ở phía Đông trụ sở Quốc hội, do vốn sách, báo tăng mạnh. Năm 1938 thư viện lại được xây thêm một tòa nhà mở rộng. Năm 1980, một tòa nhà thư viện lớn nhất thế giới, trang thiết bị hiện đạt được xây dựng và đưa vào sử dụng ngay cạnh hai tòa nhà thư viện cũ. Quần thể kiến trúc của Thư viện Quốc hội Mỹ gồm 3 tòa nhà có mặt sàn sử dụng rộng tới 29 ha.

Kho sách báo của Thư viện Quốc hội Mỹ có tới gần 90 triệu đơn vị bảo quản; trong đó hơn 13 triệu sách thuộc 125 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Nó bao gồm nhiều môn loại khoa học khác nhau. Chính sách bổ sung sách, báo cho thư viện được ghi rõ thành luật: mua tài liệu nghiên cứu quan trọng được xuất bản bất cứ nơi nào trên thế giới. Ở Mỹ những tài liệu về y học được bảo quản tại Thư viện Quốc gia về y học, tài liệu về nông nghiệp được bảo quản tại Thư viện nông nghiệp Quốc gia. Từ năm 1967, Thư viện Quốc hội Mỹ thành lập Đội đặc nhiệm của 3 Thư viện Quốc gia để phối hợp công tác tự động hóa và nhiều hoạt động khác nhằm phục vụ người đọc được tốt hơn. Ngoài sách, báo Thư viện Quốc hội Mỹ còn tàng trữ 36 triệu trang bản thảo chép tay về mọi mặt đời sống và vặn hóa Mỹ. Đó là tư liệu lịch sử quý giá, độc nhất. Nó gần như toàn bộ giấy tờ của nhiều đời Tổng thống Mỹ, kể từ Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington.

Thư viện Quốc hội Mỹ còn có bộ sưu tập lớn nhất thế giới về những sách in trước năm 1501 ở phương Tây. Nó gồm 5600 ấn phẩm thuộc loại cổ nhất thế giới. Những tài liệu về Trung Quốc, Nhật Bản, Nga được tàng trữ tại Thư viện Quốc hội Mỹ được coi là những kho sách, báo lớn nhất thế giới nằm ngoài nước Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Năm 1900, tổng số sách, báo của Thư viện Quốc hội Mỹ mới có trên 1 triệu đơn vị bảo quản, đến năm 1954 con số này lên tới trên 33 triệu và nằm 1975 đã lên tới 74 triệu.

Ban đầu, Thư viện Quốc hội được thành lập nhằm phục vụ nghiên cứu và tra cứu cho các Nghị sĩ Quốc hội. Sau đó, thư viện phục vụ các cơ quan Chính phủ, tòa án, các nhà khoa học và công chúng rộng rãi. Trong mấy chục năm gần đây, thư viện còn mở rộng phục vụ người mù, người tàn tật và cả tù nhân trong trại giam. Tuy vậy, thư viện ngày càng hoàn thiện các hình thức phục vụ các Nghị sĩ. Bất cứ yêu cầu nào của các Nghị sĩ cũng được một bộ phận gồm gần 600 nhân viên có trình độ khoa học cao tận tình tra cứu trả lời ngay, hoặc nghiên cứu tài liệu trả lời dưới dạng một báo cáo tường tận, đôi khi như một công trình nghiên cứu khoa học độc lập được tiến hành một vài năm. Hàng ngày, bộ phận này trả lời trên một ngàn yêu cầu của các Nghị sĩ. Khi Quốc hội họp, con số này tăng gấp đôi. Sự phục vụ độc đáo và hiệu quả của Thư viện Quốc hội Mỹ cho các Nghị sĩ được giới chuyên môn và xã hội đánh giá cao. Bộ phận phục vụ này được xem là bộ óc thứ hai của nước Mỹ. Hàng năm, Thư viện Quốc hội Mỹ đã phục vụ gần 3 triệu lượt người, trong đó có hàng vạn người từ 25 nước trên thế giới đến nghiên cứu, tham quan thư viện.

Từ năm 1968, Thư viện Quốc hội Mỹ thực hiện thành công dự án mục lục đọc trên máy (Machine Readable Catalog MARC), sử dụng máy tính điện tử vào hoạt động thư viện và phục vụ người đọc. Do vốn sách báo tăng nhanh, quy mô hoạt động mở rộng, trình độ tự động hóa cao, nên ngân sách tăng nhanh. Năm 1954 ngân sách của Thư viện Quốc hội Mỹ mới gần 10 triệu đô la Mỹ, đầu năm 1975, con số này lên tới gần 100 triệu đô la, khoảng đầu những năm 1990 đã lên xấp xỉ 300 triệu đôla. Số nhân viên cũng tăng không ngừng, năm 1954 mới có trên 1.500 người, đến năm 1975 đã lên tới trên 4 ngàn người. Đầu những năm 1990 con số này xấp xỉ 5 ngàn người thuộc đủ mọi ngành khoa học, và rất nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới.

Giám đốc Thư viện Quốc hội Mỹ do Tổng thống bổ nhiệm với sự chấp thuận của Thượng Viện.

Trong Thư viện Quốc hội Mỹ cũng tàng trữ nhiều sách báo Việt Nam, chủ yếu sách báo được xuất bản ở Việt Nam trong vòng hơn nửa thế kỷ qua. Đặc biệt Thư viện Quốc hội Mỹ có bộ sưu tập 400 phim và tư liệu truyền hình về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, ở đây không kể tin truyền hình và phim sân khấu.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/163-02-633386826145937500/Nhung-Thu-vien-noi-tieng-the-gioi/Thu-vien...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận