THƯ VIỆN QUỐC GIA BẮC KINH
Theo các nhà lịch sử Trung Quốc, Thư viện Quốc gia đầu tiên được tổ chức ở Trung Quốc từ thời Xuân Thu (năm 722 - 479 Tr. CN), được gọi là Minh Phú, đứng đầu là Sứ công. Đến thời Tây Hán (năm 206 - 25 Tr. CN), người ta bắt đầu sưu tập các sách và các bản ghi chép Cổ đại từ mọi miền đất nước về Thư viện Quốc gia. Kho sách đã có lúc lên tới 30 ngàn bản. Các triều đại Tùy, Đường; Tống, Nguyên, Minh, Thanh sau này đều chú trọng xây dựng tổ chức các thư viện Quốc gia. Nhưng Thư viện Quốc gia Bắc Kinh hiện nay được xây dựng trên cơ sở thư viện của triều Mãn Thanh. Thư viện mở cửa cho công chúng vào sử dụng từ năm 1912.
Ngôi nhà của Thư viện Quốc gia Bắc Kinh được xây dựng từ năm 1931, phía Tây công viên Bắc Hải, diện tích 8000m2. sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập (1949), Nhà nước mới đã nhiều lần mở rộng thư viện, diện tích đã tăng gấp 5 lần. Tháng 9 năm 1983, Thư viện Quốc gia Bắc Kinh lại được xây một trụ sở mới hiện đại ở phía Tây Bắc Kinh, diện tích khu đất 7,42 ha, tổng diện tích các phòng 140.000m2.
Kho sách của Thư viện Quốc gia Bắc Kinh trên 13 triệu tập. Trong đó có 80 ngàn sách bằng 24 thứ tiếng của các dân tộc ít người của Trung Quốc như Mông Cổ, Tây Tạng, Mãn Châu, Choang, Thái, Triều Tiên, Kadắc... Ngoài ra Thư viện quốc gia Bắc Kinh còn tàng trữ sách, báo, tạp chí thuộc 115 ngôn ngữ khác nhau trên Thế giới, trong đó có khá nhiều ấn phẩm của Việt Nam. Nhưng ở thư viện này chủ yếu vẫn thuộc ngôn ngữ Anh, Nga, Nhật, Pháp, Đức.
Thư viện Quốc gia Bắc Kinh có bộ sưu tập lớn nhất Thế giới về sách cổ và sách quý hiếm, nhiều cẩm nang và các văn kiện của các địa phương của Trung Quốc. Từ sau năm 1954, Thư viện Quốc gia Bắc Kinh còn được lưu giữ bản thảo của các nhà văn lớn như Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn, Ba Kim. Ở đây còn tàng trữ những bộ sách cổ nổi tiếng toàn thế giới như Bách khoa Thư Vĩnh Lạc được soạn vào triều Minh (1368 - 1 844), Tứ khố toàn thư (tập hợp 4 lĩnh vực tri thức cổ Trung Quốc) bao gồm 80 ngàn quyển, do các học giả hàng đầu biên soạn dưới triều Mãn Thanh (1644 - 1911).