TRÌNH HẠO, TRÌNH DI, CHU HY VÀ LÝ HỌC ĐỜI TỐNG
(THẾ KỶ X – THẾ KỶ XIII)
Tầng lớp quý tộc phong kiến đời Tống (thế kỷ X đến thế kỷ XIII), ngoài việc kế thừa nền kinh tế và di sản văn hóa lớn lao của các triều đại trước để lại thấy cần phải có một hệ tư tưởng học thuật hoàn chỉnh, chính thống nhằm củng cố và phát huy vai trò thống trị của họ trong xã hội. Học thuyết Lý học của Trình Hạo, Trình Di và Chu Hy (chủ yếu là Trình Di và Chu Hy) đã xuất hiện nhằm đáp ứng yêu cầu đó của giai cấp thống trị đương thời.
Nhìn tổng quát, Lý học là một hệ tưởng triết học duy tâm khách quan. Các nhà Lý học nêu Lý làm khái niệm trung tâm trong hệ tư tưởng triết học của học thuyết. Họ nhận định rằng: Lý là cái tuyệt đối, vĩnh viễn không biến đổi, là cơ sở tồn tại của thế giới, của muôn vật. Cái mà các nhà Nho thời Tống gọi là Lý không những chỉ là cái Lý hình thành sự vật mà lại còn có thể tồn tại tách rời sự vật, có trước sự vật, là một cái tuyệt đối trừu tượng. Quan trọng hơn cái được gọi là Lý đó lại được họ vận dụng vào xã hội để chỉ cái Lý trong quan hệ Vua tôi, cha con, vợ chồng, có nghĩa là để chỉ những quy phạm đạo đức phong kiến. Bề ngoài, dường như họ coi những quy luật tự nhiên và quy luật xã hội là đồng đẳng, là ''tuy hai mà một tuy một mà hai”; nhưng trong thực tế, họ đã coi luân lý đạo đức của giai cấp thống trị phong kiến là căn nguyên sơ khởi của thế giới; từ đấy, nhằm biến chúng thành những chân lý có tính chất tuyệt đối có giá trị vĩnh cửu và mưu toan dựa vào đó để tạo ra căn cứ lý luận về thế giới quan nhằm biện hộ cho chế độ phong kiến. Đó chính là cốt lõi của Lý học (hoặc Đạo học), là nội dung tư tưởng chủ yếu của Tống Nho. Nó được giai cấp thống trị ra sức đề xướng, trở thành tư tưởng chính thống trong xã hội phong kiến Trung Hoa và tồn tại một thời gian khá dài (từ Tống cho tới Minh, Thanh).
TRÌNH HẠO (1032 - 1085), người đất Lạc Dương (Hà Nam - Trung Quốc) tự Bá Thuần, được tôn xưng là Minh Đạo tiên sinh, lúc còn trẻ từng theo học Chu Đôn Di nhà Nho nổi tiếng đương thời. Đời Tống Thần Tông (1068 - 1086), ông từng được giữ chức Ngự sử ở triều đình, sau do không hợp ý Tể tướng Vương An Thạch, bị đổi ra làm quan ở địa phương. Vừa làm quan ông vừa chú tâm dạy học, học trò đến thụ giáo rất đông. Những quan niệm cơ bản trong hệ thống tư tưởng triết học của ông có thể tóm gọn như sau: ''Thiên (trời) là lý, lý là tâm'', ông nêu rõ: “Thiên chính là Lý'', coi Lý là tồn tại cao nhất, là cơ sở của thế giới muôn vật. Lý mà ông nói đó xét cho cùng, vẫn chỉ là những quy phạm luân lý đạo đức của xã hội phong kiến, bởi vì ông từng giải thích: Lý chính là nhân. Nhân cùng muôn vật là một Thể. Nhân bao gồm cả lễ, nghĩa, trí, tín. Chỉ cần duy trì được Nhân ở trong lòng là có thể làm chủ muôn vật trong trời, đất, ông lại nói: ''Tâm là Thiên (trời); tận tâm thì biết rõ Tính; biết rõ Tính thì hiểu được Thiên (trời)''. Như vậy có nghĩa là, Lý nằm trong Tâm của người ta; chỉ cần phát huy bản tâm là có thể nhận thức được cái Lý đó. Học thuyết của ông dọn đường cho môn ''Tâm học'' duy tâm chủ quan sau này.
TRÌNH DI (1033 - 1107) là em Trình Hạo tự Chính Thúc, sau dời nhà ra cạnh sông Y nên được gọi là Y Xuyên tiên sinh. Ông cũng theo học Chu Đôn Di, sau được vào nhà Thái học, rồi được ra làm Học quan. Năm 26 tuổi, ông bỏ khoa cử, chuyên tâm dạy học. Vào khoảng năm đầu đời Tống Triết Tông (1086 - 1101 ), ông được triệu vào làm quan ở Sùng Chính Điện, nhưng rồi bị chèn ép phải bỏ về. Cuối đời tuy bị bọn quan liêu đương quyền ra sức bài xích nhưng trong giới học thuật ông lại rất được tôn sùng.
Về Thế giới quan, Trình Di là người theo chủ nghĩa duy tâm khách quan. Ông đưa ra một cách giải thích mới về Lý, cho rằng cái ''sở dĩ nhiên" của sự vật (cái làm cho vật ấy trở thành vật ấy) thì gọi là Lý. Ông nhấn mạnh luận điểm ''Vạn vật nhất lý'' (muôn vật cùng một lý) cho rằng Lý là tuyệt đối, là vĩnh viễn không thay đổi, và như vậy thì đồng nhất với Đạo, về mối quan hệ giữa Lý và Khí, ông cho rằng trong khoảng trời, đất này vừa có Lý lại vừa có Khí. Lý và Khí thì Lý là căn bản, là chủ yếu. Chuyển qua mặt xã hội, Lý của Trình Di trở thành cái Lý vĩnh cửu bất biến trong quan hệ Vua tôi, cha con (quân thần, phụ tử, thường Lý bất dịch). Tóm lại Lý và Khí, theo Trình Di, xét cho cùng, vẫn chỉ nhằm biện hộ cho một điều mà thôi: đó là trật tự của xã hội phong kiến.
Về mặt nhân tính, Trình Di thuộc phái chủ trương "tính thiện''. Theo ông, mệnh, lý, tính, tâm, bốn cái đó là một. Ông phân chia tính người (nhân tính) ra làm hai: thiên tính (tính trời phú cho, tính bẩm sinh) và khí chất chi tính (tính hình thành trong cuộc sống). Theo ông, thiên tính là thiện; khí chất chi tính có thể thiện mà cũng có thể ác. Đi sâu hơn, ông chứng minh "Tính chính là Lý”, từ đó rút ra kết luận: thiên tính là nhân tính được biểu hiện cụ thể ra qua những quy phạm đạo đức phong kiến. Làm người, phải ra sức bảo vệ cái thiên tính – nhân tính ấy. Ông nêu chủ trương ''chết đói là việc nhỏ, thất tiết là việc lớn'', một chủ trương có nhiều hào quang huyễn hoặc đã làm tiêu ma ý chí phản kháng đấu tranh chống giai cấp thống trị phong kiến của biết bao nhiêu thế hệ. Tam cương, ngũ thưởng vẫn được Nho gia đề cao từ lâu nhưng đến đây mới được Trình Di khoác cho cái áo lý luận, vừa có tính chất thần bí, tiên nghiệm lại vừa có cái vẻ khách quan... Từ những luận điểm về nhân tính - thiên tính trên đây, ông bàn đến trí (sáng suốt), ngu (đần độn) và tài (tài năng) của con người. Theo ông, thông minh, ngu đần, có tài hay bất tài đều do trời sinh qua sự quy định của Khí. Đây là căn cứ lý luận của sự phân chia "Thánh nhân và phàm tục''. Nhưng ông cũng cho rằng, thiện ác không liên quan trực tiếp đến tài. Vì con người vốn tính thiện. Chỉ cần gạt bỏ tư dục là có thể trở thành thiện nhân, trở thành người giữ vững được tam cương, ngũ thường. Để đạt tới mục đích này, ông đã vạch ra một số chủ trương và phương pháp tu dưỡng. Chẳng hạn như ''khử dục minh Lý'' (gạt bỏ tư dục, làm sáng tỏ Lý); về phương pháp cụ thể thì có chủ kính và trí tri. ''Chủ kính'' có nghĩa là chuyên nhất, không pha tạp niệm, dốc lòng tin tưởng vào Lý (những giáo điều, luân lý đạo đức của Nho gia). Nhưng theo Trình Di, chỉ dốc lòng tin tưởng vào Lý ở trong nội tâm không thôi thì lòng tin cũng chưa đủ sâu sắc. Còn cần phải dùng cái Lý làm tiêu chuẩn để xét muôn sự muôn vật trong thiên hạ. Chính vì thế, bên cạnh chủ kính, ông còn đề xuất phương pháp trí tri (đạt tới sự biết). Theo ông, tri có thể chia làm hai loại: “kiến văn chi tri” (cái tri dựa theo mắt thấy, tai nghe; tri thức đạt được do cảm quan và tư duy) và ''đức tính chi tri” (cái tri dựa theo đức tính; tri thức đạt được không do cảm quan), cũng chính là cái ông gọi là lương tri cố hữu của nhân tính, cũng chính là cái thiên lý tiên nghiệm mà ông vẫn đề cao. Xét cho cùng, “đức tính chi tri” mới là cái được ông nhấn mạnh, được ông tôn sùng. Tuy ông có nói đến ''trí tri tại cách vật” (đạt tới sự biết do tiếp xúc với sự vật) nhưng “cách vật” theo ông vẫn chỉ là ''cùng Lý'' (tìm hiểu thấu đạo Lý); mà Lý thì như trên đã nói, ông quan niệm nó và đạo đức luân lý có cùng gốc cùng nguồn, thậm chí là một, và chủ yếu là ở trong nội tâm, chứ không phải là ở ngoại vật. Về mối quan hệ giữa tri (biết), hành (làm) ông cho rằng tri cũng khó mà hành cũng khó; nhưng theo ông thì tri là tiền đề của hành, có được ''đức tính chi tri” thì có thể trở thành con người hoàn hảo của xã hội (phong kiến).
Về mặt chính trị, cũng như Trình Hạo, Trình Di là một nhân vật thủ cựu, phản đối cách tân. Nhưng nhìn vào lợi ích lâu dài của giai cấp phong kiến quý tộc ông cũng chủ trương cần phải chiếu cố đến sự sống còn của dân; phải mở mang dân trí (mà thực chất là giáo hóa dân chúng theo lễ giáo phong kiến); trong chính sự cần phải mềm mỏng thuyết phục, không nên cưỡng bức gắt gao, có nghĩa là về đại thể vẫn noi theo đường lối chủ trương của Khổng - Mạnh đã đề ra từ hàng ngàn năm về trước.
CHU HY (1130 - 1200), người đất Huy Châu - Vụ Nguyên (An Huy - Trung Quốc), tự Nguyên Hối, thường được gọi là Hối Am tiên sinh, cũng là một nhân vật tiêu biểu của Lý học đời Tống.
Tiếp thu và phát triển Lý học của hai anh em họ Trình, Chu Hy xây dựng được một hệ thống tư tưởng duy tâm khách quan khá hoàn chỉnh, được các triều đại ở Trung Quốc coi là Thánh học vì đã phục vụ quyền lợi của giai cấp thống trị phong kiến một cách đắc lực.
Về mặt Thế giới quan, ông công nhận trong Vũ trụ có cả Lý lẫn Khí, nhưng ông cho Lý là gốc của muôn vật, còn Khí là cái có sau, là cái tạo ra hình thể vật chất của muôn vật. Xuất phát từ đó, ông giải thích: Thái cực cũng chính là Lý, là cái Lý căn bản nhất, bao trùm nhất. Lý này đồng nhất với Thái cực, tồn tại không dựa vào không gian, thời gian và xuyên suốt trời, đất muôn vật. Thậm chí ông lại còn cho rằng, dù không có sự vật cụ thể ấy thì cái Lý của nó vẫn tồn tại. Thí dụ, dù cho không có (chưa có) thuyền bè xe cộ thì cũng vẫn có cái lý của thuyền bè xe cộ. Lý có to, có nhỏ, ứng với muôn vật, muôn sự to nhỏ, nhưng dù to hay nhỏ thì cũng vẫn chỉ là một mà thôi. Từ đó, chuyển qua mặt xã hội chính trị, ông đưa ra khái niệm ''Thiên lý'' (lý trời) có tính chất tiên nghiệm tuyệt đối bao trùm. Ông coi ''tam cương, ngũ thường'' của Nho gia là "Thiên lý'' có trước xã hội loài người. Ông nói: "Tuy chưa có Vua tôi nhưng trước đó đã có cái lý Vua tôi, tuy chưa có cha con nhưng trước đó đã có cái lý cha con'' (Chu Tử ngữ loại). Cái Lý đó tồn tại vĩnh viễn, về nguyên tắc thì vĩnh hằng bất biến, nhưng về mặt phát huy tác dụng thì có thể đổi thay cho phù hợp với tình hình cụ thể của từng thời đại.
Về mặt Nhận thức luận, ông kế thừa học thuyết của Trình Di, trên cơ sở đó có đi sâu phát huy thêm. Ông cũng chủ trương “cách vật trí tri” (tiếp xúc với sự vật để đạt tới chỗ biết) và đã nói rõ thêm ''tức vật nhi cùng kỳ Lý'' (tiếp xúc với ngoại vật để thấu hiểu cái Lý của nó). Nhưng, như vậy không có nghĩa là ông kêu gọi mọi người nên chú ý nghiên cứu sự vật khách quan cùng những quy luật của chúng mà thực chất chỉ là kêu gọi mọi người dựa vào ''Thiên lý” để quan sát xem xét mọi việc, qua đó mà tin tưởng “Thiên lý” một cách sâu sắc hơn. Cho nên, ông ra sức chê bai những người nghiên cứu tìm tòi ''cái lý của cây cỏ'' theo khuynh hướng thực nghiệm khoa học. Ông nói: ''Đó là kiểu học vấn gì vậy? Học như thế mà mong có kết quả thì khác nào nấu cát mà mong có cơm ăn!” ( Văn tập). Theo ông, mục đích của ''cách vật trí tri” hoặc ''tức vật cùng Lý'' chính là nhằm thấu hiểu Thiên Lý, làm sáng tỏ nhân luân, nêu rõ lời lẽ của Thánh hiền'' (Văn tập) để trở thành bề tôi trung thành của chế độ phong kiến.
Về vấn đề tri và hành, ông nêu ba luận điểm như sau: một là, tri đi trước hành; hai là, hành quan trọng hơn tri; ba là, tuy tri và hành có phân biệt nhưng có mối liên quan khăng khít với nhau. Tri và hành theo ông, chủ yếu cũng chỉ là tri Thiên lý, hành Thiên lý, có nghĩa là thấm nhuần những giáo điều của Nho gia và thực hành những giáo điều của Nho gia mà thôi.
Về mặt quan điểm luân lý đạo đức, ông nhấn mạnh sự phân biệt giữa Thiên lý và nhân dục, cho rằng Thiên lý (tam cương, ngũ thường) đối lập với tư dục của cá nhân và chủ trương “bảo vệ Thiên lý” (tồn Thiên lý) và ''xoá bỏ nhân dục'' (diệt nhân dục). Cũng như hai anh em họ Trình, ông coi Lễ (của Nho gia) là Thiên lý và khẳng định: ''Thiên lý được bảo tồn thì nhân dục phải tiêu vong; nhân dục thắng thì Thiên Lý sẽ tuyệt diệt” và thiên hạ sẽ đại loạn; các Vương triều đã dựa vào điều này để thực thi chính sách áp bức tư tưởng nhằm củng cố quyền lực thống trị.
Để đạt tới mục đích ''tồn Thiên lý diệt nhân dục'', Chu Hy cũng hết sức coi trọng sự tu dưỡng nội tâm. Ông coi biện pháp ''chủ kính" của Trình Di là tuyệt diệu và cho đó là con đường dẫn tới Thiên Lý. Ngoài ra, thuyết “khí chất” của ông với nội dung: ''giàu nghèo, sang hèn, giỏi, dốt, thọ, yểu, xấu, tốt đều do khí chất Trời trao mà sinh ra'' đã trở thành căn cứ lý luận để giải thích sự sai biệt bất hợp lý trong xã hội một cách có lợi cho chế độ phong kiến.
Tư tưởng học thuật của Chu Hy phục vụ trực tiếp cho chế độ phong kiến chuyên chế. Ông nói: "Trong Vũ trụ, chỉ có một Lý mà thôi... triển khai ra thì thành tam cương, ngũ thường...'' (Văn tập); lại nói: ''Cương thường tồn tại muôn vạn năm''. Ông coi Vua chúa là biểu hiện hùng mạnh của “chính khí”, còn nhân dân phần lớn đều do “bạc khí” sinh thành! Ông đề cao ''mệnh Trời'' chủ trương “diệt dục”, “tồn Thiên Lý”, đưa ra chủ trương ''phận tôi con không bao giờ được nói đến những sai sót của Vua, cha" (Ngữ loại) để củng cố và bảo vệ uy quyền tuyệt đối của các bậc quân Vương. Ông từng nói: tư tưởng học thuyết của ông là có ích cho việc ''giáo hóa dân chúng'', có lợi cho việc ''tu dưỡng bản thân và cai trị chúng dân'' của các bậc sỹ quân tử. Có thể coi tư tưởng học thuật của Chu Hy là sự tổng kết về mặt lý luận kinh nghiệm thống trị nhân dân của giai cấp thống trị phong kiến Trung Quốc. Khang Hy – Vua nhà Thanh, khen Chu Hy là: ''rất mực trung quân ái quốc'', “đã xác lập quy củ thể thống vững bền không đổi cho muôn vạn đời!'' (Chu Tử Toàn thư tự). Sách của Chu Hy biên soạn chú thích như: Đại học, Trung dung chương cứ; Luận ngữ Mạnh Tử tập chú; Thái cực đồ thuyết giải, Thông thư giải, Thi tập chú, Chu Tử ngữ loại, Văn tập v.v... trở thành sách gối đầu giường của các nhà chính trị phong kiến và những kẻ sỹ muốn thành đạt qua con đường khoa cử.
GS. ĐẶNG ĐỨC SIÊU