VOLTAIRE (1694 - 1778)
NHÀ TƯ TƯỞNG, NHÀ TRIẾT HỌC LỚN
CỦA THẾ KỶ ÁNH SÁNG
Voltaire (vôrlte) là nhà văn, nhà tư tưởng lớn nước Pháp. Sinh ngày 21 tháng 11 năm 1994 ở Paris, trong một gia đình trung lưu; cha từng làm công chứng viên tòa án, về sau làm thủ quỹ tại một ngân hàng. Năm 1701, vào học trường trung học quý tộc Louis (Lui) Đại đế. Năm 19 tuổi, ông sang Hà Lan, ít lâu sau lại trở về Paris làm nhân viên tòa án. Từ đây, ông chính thức đăng đàn bằng những vần thơ trào phúng. Năm 1716, hai lần bị trục xuất khỏi Paris vì những bài thơ châm biếm. Năm 1717, do tuyên truyền những bài thơ đả kích, ông bị giam trong ngục Basti suốt 11 tháng. Chính trong thời gian này, ông sáng tác vở bi kịch đầu tiên với tên Êđip và xuất hiện bút danh Voltaire. Năm 1726, do mâu thuẫn với hiệp sỹ dòng dõi quý tộc Rôlăng Sabô nên ông lại bị tống giam vào ngục Basti lần thứ hai vào đêm 17 tháng Tư. Hai tuần sau ông được tha nhưng bị trục xuất khỏi Paris 50 dặm. Từ đây Voltaire đi thẳng sang nước Anh và ba năm sau (1729) mới trở về. Do tiếp nhận không khí cởi mở của nước Anh, Voltaire hứng khởi lao vào sáng tác. Do nội dung của tác phẩm triết học, Voltaire phải lánh mình trong suốt thời gian dài (1734 - 1744). Trong ba năm sau (1744 - 1747), ông trở lại triều đình Verxay hy vọng thi thố tài năng, giữ chức quan Ngự sử và gia nhập Viện Hàn lâm ảo mộng tan vỡ, năm 1747, ông rời bỏ triều đình Verxay. Tháng 7 năm 1750, ông nhận lời mời của Vua Phổ và đến Pôsđam, nhưng do bất đồng tư tưởng nên lại trở về Pháp (1753). Đến năm 1755, Voltaire sang Thụy Sỹ mua một căn nhà gần Genève, đặt tên là trang viên Lạc Thú và sống ở đây trong 5 năm. Tới năm 1760, ông đến Phecnây, một ấp nhỏ nằm ở biên giới Pháp - Thụy Sỹ. Tại đây, trong gần 20 năm, Voltaire đã trao đổi chừng sáu ngàn thư từ với các nhà văn hóa có tên tuổi ở Pháp và khắp Châu Âu. Tháng 2 năm 1778, Voltaire trở về Paris trong sự đón chào nồng nhiệt của dân chúng. Mặc dù đã 84 tuổi, Voltaire vẫn thúc giục Viện Hàn lâm Pháp biên soạn từ điển ngôn ngữ, nhưng mọi việc mới ở bước khởi đầu thì ông qua đời (30 tháng 5 năm 1778).
Tác phẩm của Voltaire còn lại với số lượng lớn, đa dạng, thuộc nhiều thể loại: anh hùng ca La Hăngriat (1828), kịch Brutux (1730), Daia (1732), Cái chết của César (1735), Mêrốp (1743), Xêmiramix (1748), Ôrext (1750), Đứa trẻ mồ côi của Trung Hoa (1755), Tăngcret (1760), Đông Pheđrơ (1775); thơ châm biếm Nàng trinh nữ xứ Orlêăng (1755), Bài thơ về thảm họa ở Lisbonne (1756); các truyện và khảo luận triết học, sử học như Truyện Charles XII (1731); Những bức thư triết học (1734), Dađich hay Số mệnh (1747), Memnông (1750); Chất phác (1767)... và hàng loạt các khảo cứu về vật lý, hóa học, thiên văn học...
Với kiến thức sâu rộng, số lượng tác phẩm phong phú, Voltaire được coi là lá cờ đầu của phong trào ánh sáng Pháp thế kỷ XVIII. Nói riêng về sáng tác văn học, Voltaire có nhiều đóng góp quý báu, đặc biệt ở kịch, bao gồm cả bi kịch và hài kịch. Vở bi kịch Daia (1732) gồm 5 hồi giàu chất trí tuệ, tính triết lý, tính tư tưởng về mối mâu thuẫn giữa Đạo Thiên chúa và Đạo Hồi, giữa phương Tây và phương Đông. Về đại thể, do nặng về sự chuyển tải ý đồ nghệ thuật và nội dung tư tưởng nên phần lớn sáng tác của Voltaire thiếu tính sinh động và trữ tình, nghiêng về ý nghĩa mở đường, khai phá hơn là sự đằm chín, thành tựu.
LA PHƯƠNG THẢO