MONTESQUIEU (1689 - 1755)
NHÀ TƯ TƯỞNG PHÁP KHAI SÁNG THẾ KỶ ÁNH SÁNG
Charles Louis Montesquieu (Sarlơ Lui Môngteskiơ) là nhà triết học, kinh tế học, xã hội học, sử học và nhà văn Pháp, một trong những nhà tư tưởng khai sáng của nước Pháp.
Dòng họ Montesquieu khá nổi tiếng về sự lâu đời và giàu có ở Bordeaux (Boócđô), cha của Charles nhiều năm giữ chức vụ quan trọng trong ngành tư pháp. Sinh trưởng trong gia đình quý tộc, Montesquieu được hấp thụ một nền giáo dục ưu tú thời bấy giờ.
Tốt nghiệp Đại học Luật, ông làm việc trong ngành tư pháp và chưa đầy 30 tuổi đã giữ chức Chủ tịch tòa án Bordeaux. Chức này, ông đảm nhiệm trong 10 năm. Vì lẽ đó, ông hiểu khá rõ hệ thống cai trị và thực chất chế độ chuyên chế của nước Pháp phong kiến. Sau khi đi du lịch Châu Âu ba năm trở về, Montesquieu dành thời gian chủ yếu cho nghiên cứu khoa học (văn học, triết học, kinh tế học, sử học, chính trị học, xã hội học. . .). Ông đã trình bày học thuyết của mình trên một số lĩnh vực. Điều này thể hiện trong các tác phẩm chủ yếu là: Những bức thư Ba Tư (1721), Nhận xét về những nguyên nhân hưng thịnh và suy tàn của La Mã (1734), Tinh thần luật pháp (1748). Ngoài ra, ông còn viết một số tác phẩm văn học như Đền Nhiđơ, Cuộc hành trình đến Paphôx,…
Mặc dù có lúc thể hiện thái độ thoả hiệp với chính quyền phong kiến, chẳng hạn, khi được phong danh hiệu Nam tước de Secondat (đờ Sơgôngđa), với tư cách Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp (từ 1728) phát biểu trước Viện, ông đã ca ngợi Vua Louis XIV; song quan điểm cơ bản của ông, là phê phán chế độ phong kiến và Nhà nước quân chủ chuyên chế. Montesquieu chia thể chế Nhà nước ra ba loại là độc tài, quân chủ lập hiến và cộng hòa.
Phê phán thể chế độc tài và ca ngợi thể chế cộng hòa là tốt đẹp, nhưng không thực hiện được trong thực tế, ông chủ trương rằng thể chế chính trị hợp lý nhất của Pháp và nhiều nước là quân chủ lập hiến, giống như nước Anh. Trong học thuyết của mình, Montesquieu nêu ra nguyên tắc phân quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong đó Nghị viện giữ quyền lập pháp, nhà Vua giữ quyền hành pháp và các quan toà nắm quyền tư pháp. Các ngành này độc lập với nhau nhưng kiểm soát lẫn nhau. Giai cấp tư sản nắm giữ cơ chế này trong xã hội. Nguyên tắc phân quyền này của ông đã được thực hiện sau Cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 - 1794 và là định hướng cho nhiều Nhà nước tư sản trên thế giới sau này.
Học thuyết của Montesquieu không chủ trương lật đổ chế độ phong kiến bằng cách mạng mà chỉ là những cải cách cho phù hợp với đòi hỏi và quyền lợi của giai cấp tư sản. Như vậy, ông không phải là người theo thuyết dân chủ mà theo thuyết tự do. Nhưng, trong bối cảnh chế độ chuyên chế tàn bạo lúc đó tư tưởng của Montesquieu thể hiện tính chất tiến bộ và có giá trị tinh thần to lớn đối với các tầng lớp nhân dân. Là nhà thần luận về thế giới quan, ông phê phán Thần học và nhà thờ Cơ đốc giáo dù vẫn dành cho tôn giáo vai trò nhất định trong việc duy trì đạo đức xã hội. Montesquieu đặt thành nguyên tắc sự tồn tại của những quy luật chung, quyết định mọi hiện tượng của đời sống tự nhiên và xã hội. Cho dù cách diễn đạt các qui luật đó còn giản đơn, song ý đồ nghiên cứu phát hiện và trình bày các quy luật ấy là rất tiến bộ. Nó đối lập với thuyết chính thống trong Thần học giải thích mọi hiện tượng tự nhiên, xã hội bằng ý chí của Thượng đế Montesquieu quan niệm rằng, những luật pháp và hình thức thống trị rất đa dạng tùy thuộc vào điều kiện tồn tại của các dân tộc và các Quốc gia. Ông cũng là một trong những người sáng lập ra trào lưu địa lý trong xã hội học và khẳng định vai trò của môi trường địa lý với nhân tố quyết định cơ cấu xã hội và các tập quán thống trị trong xã hội. Mặt khác, môi trường theo quan điểm của Montesquieu trùng hợp với khái niệm chế độ chính trị và lập pháp.
Học thuyết chính trị của Montesquieu có ý nghĩa tiến bộ hơn cả và rõ ràng hơn cả so với các học thuyết khác trên các lĩnh vực kinh tế, triết học, xã hội học... của chính ông. Học thuyết ấy, có nhiều quan điểm, tư tưởng đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới quần chúng nhân dân Pháp. Montesquieu trở thành một trong những nhà tư tưởng khai sáng trong thế kỷ ánh sáng ở Pháp, chuẩn bị vũ khí tinh thần cho cuộc cách mạng tư sản vĩ đại sau này.
Cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 - 1794 đã phản ánh khá rõ những trào lưu tư tưởng của các nhà khai sáng Pháp thế kỷ XVII - XVIII, trong đó có trào lưu tư tưởng của Montesquieu. Một trong những lãnh tụ nổi tiếng nhất của phái Jacobin (Giacôbanh) trong Quốc hội Pháp (phái này đã thiết lập nền chuyên chính dân chủ Jacobin từ 1793 - 1794) là Marat (Mara) đã coi Montesquieu là người thầy đầu tiên của mình.
Montesquieu luôn có vị trí xứng đáng trong lịch sử và văn hóa Pháp, trong lịch sử và văn hóa nhân loại.
PTS. ĐINH TRUNG KIÊN