Tài liệu: Luật Manu

Tài liệu
Luật Manu

Nội dung

LUẬT MANU

 

Từ giữa thiên niên kỷ II Tr.CN, tiếp theo giai đoạn Công xã nguyên thủy, ở Ấn Độ đã xuất hiện hình thái xã hội mới - xã hội có giai cấp và Nhà nước. Cùng với sự biến đổi đó, một chế độ đẳng cấp đặc biệt được hình thành - chế độ đẳng cấp Vácna.

Để đảm bảo cho sự tồn tại của Nhà nước và quyền lợi của đẳng cấp trên, ngoài việc hoàn thiện và củng cố bộ máy hành chính, xây dựng quân đội, thiết lập toà án xét xử thì các Raja (Vua của Ấn Độ) còn chú trọng tạo dựng ra các luật lệ để quản lý xã hội trong đó phải kể đến Luật Manu.

Luật Manu là một trong những bộ luật cổ nhất của phương Đông.

Theo huyền thoại của cư dân Ấn Độ, bộ luật trên do Manu - thuỷ tổ của loài người dựng nên. Nhưng, thực tế đó là một tập hợp những điều quy định, điều răn vừa mang tính pháp quyền, vừa chứa đựng màu sắc tôn giáo. Nội dung trên được truyền khẩu, ghi thành văn bản, bổ sung và sửa chữa qua nhiều thế hệ. Cho đến đầu Công nguyên, bộ luật được hoàn chỉnh với 12 chương và 2685 điều. Nội dung cụ thể của các chương như sau:

Chương I: gồm 119 điều, với nội dung chủ yếu đề cao vị Thần Brahma - thuỷ tổ của cả Thế giới và các vị Thần khác có liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt và lao động của cư dân Ấn Cổ. Cụ thể, trong điều 8, 9, 12 có ghi:

“8 - Vì có ý định dùng thân thể mình tạo ra những thực thể khác nhau, ngài thoạt tiên sáng tạo ra các nguồn nước và thả hạt giống của mình vào”.

“9 - Nó thành quả trứng vàng, chói lọi ngang Mặt trời, chính ngài ra đời trong quả trứng ấy – Thành Brahma - Thuỷ tổ của cả Thế giới”.

“12 - Và từ hai nửa ấy (nửa quả trứng - TG), ngài tạo nên trời và đất, giữa trời và đất là khí quyển”.

Hoặc trong điều 21 và 52 ghi:

“21 - Thoạt tiên, ngài định ra tên, loại hoạt động và địa vị đặc biệt cho tất cả, cho từng cái riêng biệt”.

“52 - Khi ngài, đấng Thần Thánh thức thì Thế giới này vận động, khi ngài ngủ yên thì tất cả đều ngủ”.

Chương II: gồm 249 điều, nói về vị trí của Kinh Vêđa trong xã hội và phân biệt vị trí, quyền lợi, nghi lễ của các đẳng cấp đối với Kinh Vêđa.

Ví dụ, trong điều 135 ghi rõ:

“Brahma mười tuổi và Vua một trăm tuổi nếu được coi là bố con, nhưng trong hai người ấy, bố là Brahma”…

Điều 176: ''Khi có lễ, (người học trò - TG) phải tẩy rửa thân thể, kiêng rượu, thịt, nước thơm, hoa trang sức, đồ gia vị, kiêng đàn bà, kiêng tất cả những cái đã hoá chua, cũng như tránh hãm hại các sinh vật”.

Chương III: gồm 286 điều, quy định về các ngày, tháng, năm lễ cúng Thần.

Chương IV: gồm 260 điều, nói về lối sống của các đẳng cấp trong xã hội.

Chương V: gồm 169 điều, nói về hành vi của con người đối với các thức ăn, tiết hạnh của người phụ nữ.

Điều 162: “Con cái đẻ với người khác, dù là trong hôn nhân khác thì không được thừa nhận trong Thế giới này”.

Điều 163: ''Người đàn bà bỏ rơi người chồng thấp kém của mình, ăn ở với người cao quý hơn, cũng đáng bị chê trách trong thế giới và bị gọi là người tái giá”.

Chương VI: gồm 97 điều, nói về các nghi thức thiêng liêng trong khi đọc Kinh, cúng lễ và cái chết của những con người có tâm tu hành. Như điều 95, 96 cuối chương:

Điều 95: ''Sau khi bỏ tất cả mọi công việc, xóa nhoà mọi tội lỗi sinh ra từ các hành động, tự kiềm chế, nghiên cứu Vêđa, kẻ đó có thể sống sung sướng dưới sự bảo hộ của con trai”.

Điều 96: ''Như vậy, bằng cách bỏ mọi công việc, chỉ trung thành với công việc của mình, thoát khỏi mọi ham muốn, chuộc lỗi bằng sự thoát tục, lúc đó đạt tới mục đích cao nhất.

Chương VII: gồm 226 điều, nêu các đức tính của Vua và lời răn dạy mọi người sống theo gương đó.

Chương VIII: gồm 420 điều nói về cách xét xử những người bị tội và các lỗi vi phạm của đẳng cấp dưới đối với đẳng cấp trên về kinh tế, an ninh xã hội...

Điều 1 có ghi:

''Vua muốn xét xử hãy sửa soạn ra toà cùng với các Brahma và các viên tham dự có kinh nghiệm”.

Điều 26:

“Căn cứ vào vẻ mặt, cử động, dáng đi, điệu bộ, lời nói, sự thay đổi của mắt, sự thay đổi vẻ mặt mà nắm được ý nghĩ thầm kín”.

Chương IX: gồm 336 điều nói về quan hệ hôn nhân, quan hệ gia đình và sự ràng buộc hay phân biệt giữa chồng và vợ, bố - mẹ và con cái.

Điều 10:

“Không ai có thể giữ gìn vợ bằng sức mạnh, nhưng họ có thể làm cho người vợ chung thủy với mình bằng cách nên giao cho vợ gom góp và chi dùng tài sản, sự sạch sẽ, nấu ăn, chăm nom các vật dụng trong nhà”.

Điều 12:

“Đàn bà dù bị giam cầm, dù được những người đáng tin cậy bảo vệ, cũng vẫn không khác gì những người không được bảo vệ. Những người tự bảo vệ mới là những người được bảo vệ tốt”.

“Say rượu, giao thiệp với những người xấu, bỏ chồng, lang bạt, ngủ lúc không đáng ngủ, sống ở nhà khác - đó là sáu hành động làm nhục người đàn bà”.

Chương X: gồm 131 điều, lại tiếp tục quy định và phân biệt các đối tượng được nghiên cứu Kinh Vêđa. Ví dụ như đẳng cấp Brahma, Ksatơria, Vaisia được học Kinh Vêđa, còn Sêđra thì không được hưởng hạnh phúc của Đấng tối cao.

Chương XI: gồm 266 điều răn dạy những người mắc lỗi, vi phạm điều cấm kỵ trong xã hội, tôn giáo. Muốn chuộc lại tội, con người phải:

''Tập trung tinh thần ăn chay trong ba ngày, một ngày ba lần vào nước, đồng thời ba lần nhắc lại bài tụng thì người đó sạch mọi tội lỗi'' (điều 41).

Chương XII: gồm 126 điều. Đây là những điều cuối cùng của bộ luật, khuyên con người chăm chỉ nghiên cứu Kinh Vêđa và thông qua đó để nâng cao đức hạnh, kiến thức của mình.

Như điều 31 nêu:

“Nghiên cứu Kinh Vêđa, sự khổ hạnh, kiến thức, sự sạch sẽ, sự kiềm chế các khí quan cảm giác, sự suy nghĩ về tâm hồn là những dấu hiệu của phẩm chất thiện tâm”.

Qua các chương, điều cụ thể đã tập trung vào những vấn đề chính sau đây:

1. Bảo vệ quyền sở hữu tài sản xã hội của Nhà nước quân chủ chuyên chế Ấn Độ Cổ đại và các đẳng cấp trên, như: quyền sở hữu ruộng đất, ao hồ, nguồn nước, đồ vật.

2. Đề cao tính giai cấp, uy quyền của thần học trong xã hội.

3. Quy định về các luật làm hợp đồng mua bán, vay mượn, cầm cố.

4. Qui định về hôn nhân, gia đình. . .

Tóm lại: Luật Manu là một giá trị văn hoá, tinh thần của các dân tộc Cổ đại phương Đông nói chung và Ấn Độ nói riêng. Những nội dung được chứa đựng trong toàn bộ 12 chương thật sự là một kho tàng văn học, sử học, cho các thế hệ sau hiểu biết về những hoạt  động kinh tế, xã hội và văn hoá của con người xa xưa.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/164-02-633386830048437500/Nhung-Bo-Luat-co-noi-tieng-the-gioi/Luat-M...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận