Tài liệu: Jean Jacques Rousseau (1712 - 1778) nhà văn, nhà triết học lớn của Pháp ở thế kỷ ánh sáng

Tài liệu
Jean Jacques Rousseau (1712 - 1778) nhà văn, nhà triết học lớn của Pháp ở thế kỷ ánh sáng

Nội dung

JEAN JACQUES ROUSEAU (1712 - 1778)

NHÀ VĂN, NHÀ TRIẾT HỌC LỚN CỦA PHÁP

Ở THẾ KỶ ÁNH SÁNG

 

Jean Jacques Rousseau (Giăng Giắc Russô) sinh ngày 28 tháng 6 năm 1712 tại Genève (Thụy Sỹ). Gia đình ông trước sống ở Mônglêri, gần Paris; vì theo Đạo Tin Lành nên trong thời kỳ xung đột tôn giáo, phải trốn sang Thụy Sỹ. Bố là thợ đồng hồ. Năm 10 tuổi, Rousseau được theo học mục sư Lambecxiê ở Bôxây. Năm 14 tuổi học nghề thợ chạm, Rousseau luôn bị chủ ngược đãi. Năm 16 tuổi, bỏ Thụy Sỹ, trở về Pháp tìm cuộc sống tự do. Ở Pháp, ông phải từ bỏ giáo phái Tin Lành, đổi theo Đạo Cơ đốc; trong 4 năm trời lang thang kiếm sống, làm đủ các nghề: dạy nhạc, đầy tớ, gia sư... Năm 20 tuổi, gặp một phụ nữ quý tộc hơn ông 12 tuổi là Đờ Varen, cùng chung sống trong 9 năm tại Sacmet. Được Đờ Varen giúp đỡ, ông có hiểu biết xã hội và tri thức văn hóa cần thiết để bước vào giới thượng lưu. Bắt đầu sáng tác văn học. Năm 29 tuổi ông lấy tên giả Đờ Varen, lên Paris để tìm sự nghiệp. Năm 30 tuổi đệ trình lên Viện Hàn lâm khoa học Dự án cải cách phương pháp ghi nhạc, nhưng không thành. Năm sau, do được giúp đỡ, ông xin làm thư ký Sứ quán Pháp tại Venise (Vơnidơ), Italia. Nhưng chỉ sau hai năm, ông lại từ bỏ công việc đó vì bất mãn với thực tế cuộc sống của các quan chức xấu xa và lại trở về Paris... Năm 34 tuổi, gặp và yêu cô hầu phòng Têrêdơ Lơvaxơ. từ đó hai người cùng chung sống cho đến hết đời.

Năm 38 tuổi, ông nổi tiếng với tác phẩm Sự tiến bộ của khoa học và nghệ thuật có làm cho phong tục thuần khiết hay không? Trong kỳ thi của Viện Hàn lâm Đigiông ông lên án nền văn minh phá hoại đạo đức của con người. Sau đó năm 1752, ông viết vở nhạc kịch Thầy bói nông thôn làm xôn xao dư luận. Năm 1755, tại Viện Hàn lâm Đigiông, ông công bố bản luận văn nổi tiếng Luận về nguồn gốc và những cơ sở của sự bất bình đẳng của con người, chỉ ra nguyên nhân của nó là do chế độ tư hữu tài sản. Năm 1758, ông công bố Thư gửi Đalamber, phê phán những tác hại của sân khấu đương thời. Năm 1761, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết triết học Juylyi gây chấn động xã hội; trong đó vạch rõ những mâu thuẫn giữa con người tự nhiên và con người xã hội, giữa đạo đức tự nhiên và đạo đức phong kiến. Hơn nữa, đây là cuốn tiểu thuyết mở đầu cho trường phái tiểu thuyết tình cảm ở Châu Âu. Năm 1762, ông tiếp tục cho xuất bản hai tác phẩm nổi tiếng Khế ước xã hội Emin hay là bàn về giáo dục.

Quan điểm triết học của Rousseau là đề cao con người tự nhiên, chống lại con người xã hội; đấu tranh cho một nền giáo dục dân chủ, tự do, lên án xã hội đương thời chà đạp, nô dịch và làm tha hóa con người. Chính vì những tư tưởng tôn giáo và quan điểm xã hội khác biệt trong các tác phẩm, ông bị nhà thờ và chính quyền truy bức, phải trốn sang Thụy Sỹ. Năm 1770, khi đã 58 tuổi, ông mới trở về được Paris, sống nốt quãng đời buồn tẻ bằng nghề chép nhạc thuê. Những lý tưởng về cải tạo xã hội cuối cùng của ông được gửi gắm vào hai tác phẩm Tâm sự (1771) và Nhũng giấc mộng của người độc du (1778).

NGUYỄN PHẠM HÙNG




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1059-02-633389391471440778/Nhung-nha-tu-tuong-va-triet-gia-noi-tieng...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận