HÉGEL GEORG WILHELM FRIEDRICH (1770 - 1831)
Friedrich Hégel có thể được xem là triết gia nổi tiếng nhất ở cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Kan Marx (1818 - 1883) thời sinh viên đã rất say mê đọc các tác phẩm của Hégel và chịu nhiều ảnh hưởng của ông.
Hégel sinh ngày 27-8-1770 tại thành phố Stuttgart nước Đức trong một gia đình công chức nhỏ. Năm 1788 tức là một năm trước ngày cuộc cách mạng Pháp 1789 bùng nổ, chàng thanh niên Hégel 18 tuổi vào học khoa Thần học của trường dòng (chủng viện) Ttibingen của Đạo Tin Lành. Cuộc sống khá khắc khổ, có khi ăn đói và chịu lạnh, nhưng việc học hành rất nghiêm túc và được sự tự do tư tưởng khá rộng rãi. Những điều này có tác dụng lớn đến cuộc đời của Hégel sau này.
Mùa Thu năm 1793, sau 5 năm học ở trường, Hégel nhận bằng tốt nghiệp về Thần học của chủng viện nhưng không làm mục sư mà đi làm gia sư cho gia đình Von Steiger là một gia đình quý tộc lớn nhất của thành phố Berne. Tại thành phố yên tĩnh này, Hégel đã đọc rất nhiều và suy ngẫm cô độc về những vấn đề triết học của thời đại ông.
Năm 1801, Hégel chuyển đến giảng dạy ở trường Đại học léna, lúc này là trung tâm văn hoá của toàn nước Đức. Tại đây, Hégel đã viết nhiều bài tiểu luận cho Tạp chí Triết học. Năm 1806 quân đội Pháp của Napoléon chiếm thành phố léna, Hégel về làm Hiệu trưởng một trường trung học ở Nuremberg. Ở đây năm 1811, ông đã lập gia đình với một cô gái trẻ thuộc giới quý tộc của thành phố. Cũng trong thời gian này, ông đã cho xuất bản hai tác phẩm triết học Khoa học của lôgic và Cơ sở triết học.
Năm 1816 chuyển về làm Giáo sư triết học trường Đại học Heidelberg. Quanh ông đã tụ tập khá đông học trò lập thành hẳn một trường phái. Nhiều học trò rất nhiệt thành của ông đã truyền bá những tác phẩm của ông đi khắp nước Đức. Chính vào lúc này, ông đã cho xuất bản tác phẩm mang lại vinh quang lớn nhất cho ông, cuốn Từ điển bách khoa các khoa học về triết học (Encyclopédie des s'ciences philosophiques). Tên tuổi của ông được truyền tụng trong các giờ triết học, được nhiều người nhiệt thành ngưỡng mộ, nhưng cũng không ít người phản đối mãnh liệt. Tuy nhiên, uy tín của ông ngày càng tăng và ông đã đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp giáo đục. Năm 1818, trường đại học Berlin mời ông làm Giáo sư triết học và ông đã giảng dạy ở Berlin; ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm như: Nguyên lý triết học của luật pháp, Bài giảng về triết học của lịch sử…
Hégel đã biết đến những giờ phút phấn khởi nhất mà một nhà triết học có thể biết đến. Từ khắp nước Đức người ta đổ xô đến nghe các bài giảng của ông, ông trở thành bạn của những nhân vật văn hóa và khoa học nổi tiếng nhất đương thời.
Năm 1831, dịch tả lan tràn ở nước Đức làm nhiều người thiệt mạng. Hégel đã mắc bệnh và qua đời vào ngày 14-11- 1831.
Lúc sinh thời, chỉ một phần tác phẩm của Hégel được xuất bản. Sau khi ông qua đời, các học trò ông đã tập hợp nhiều di cảo và nhất là các bài giảng của ông tại léna, Nuremberg và Berlin. Nhiều tác phẩm mới hoặc bổ sung ra đời: Mỹ học (1832), Triết học của tôn giáo (1832), Bài giảng về lịch sử triết học (1832), Bài giảng về triết học của lịch sử (1837), Lôgic (1840), Triết học của thiên nhiên (1842), Triết học của trí tuệ (1845) v.v... Toàn bộ các tác phẩm của Hégel đã được tập hợp thành Tuyển tập Hégel gồm 18 tập, xuất bản từ 1832 đến 1845. Ngoài ra còn tuyển tập các bức thư của ông do con trai ông là Karl Hégel, cũng là một nhà triết học sưu tầm.
Trong lịch sử, hiếm thấy công trình nghiên cứu triết học nào đã gây ra tranh luận kịch liệt và bình luận mâu thuẫn nhau như vậy. Sau khi người thầy qua đời, môn đồ chia làm hai phái: một phái là cánh hữu của trường phái Hégel, chủ trương ''thuyết vô Thần'' (athéism) cổ điển, còn một phái là cánh tả của trường phái Hégel, chủ trương ''thuyết vô Thần'' (athéism) mà các đại biểu xuất sắc nhất là Strauss, Feuerbach và nhất là Karl Marx.
GS. TSKH. ĐINH NGỌC LÂN