Tài liệu: của Vương quốc Campuchia

Tài liệu
của Vương quốc Campuchia

Nội dung

LUẬT ''KRÂM TÉASA KAMOKAR''

CỦA VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA

 

Từ khi thành lập (thế kỷ VI) phát triển qua các giai đoạn tới thế kỷ XIX, Nhà nước Campuchia cổ luôn chú trọng đến pháp luật. Các triều đại Nhà nước Campuchia cổ đã ban hành nhiều đạo luật có nội dung khá hoàn chỉnh. Năm 1621 dưới thời Vua Samdach Préas chey chesda thiréach réaméa thipdey barôm baupit, lần đầu tiên, các đạo luật ấy đã được Nhà nước cho tập hợp, xem xét và tu chỉnh. Năm 1853, Vua Préas batsamdach préas Hariréa réaméa eysaur thidey barôm baupíp (tức Vua Ang Dương) lại xem xét và lập thêm một số đạo luật nữa. Thời Vua Nôrôđôm, từ năm 1870 đến năm 1872, nhà Vua cho tập hợp tất cả các bộ luật đã có từ trước lại thành một bộ tổng luật, gọi tên chung là bộ luật Préas Thomma Satth. Trong thời gian Pháp thống trị ở Campuchia, Adhémard Leclère, khâm sứ Pháp ở Campuchia đã dịch ra tiếng pháp bộ luật này và in thành sách dưới nhan đề: Lescodes Cambodgiens, xuất bản tại Pháp năm 1898.

Bộ tổng luật bao gồm nhiều đạo luật, ở đây chỉ xin được giới thiệu một trong số các đạo luật, đó là luật: Krâm Téasa Kamokar (Luật lao động của nô lệ).

Về mặt thời gian, dù không xác định được niên đại cụ thể của luật Krâm Téasa Kamokar, nhưng có thể xác định chắc chắc nó đã được ban hành trước năm 1621.

Luật Krâm Téasa Kamokar, ngoài lời mở đầu ghi: ''Vào năm 1215 Kaka (năm tính theo Phật lịch) theo Dương lịch là năm 1853 (chú thích của người viết) ngày thứ ba của tháng Mặt trăng khuyết, Vua Ang Dương ở lâu đài Sras - Kêv (ou dong), cùng với những cố vấn... đã ra lệnh xét duyệt lại Krâm Téasa Kamokar đã có từ trước'' - có tất cả 77 điều luật, gồm những nội dung chính sau:

- Luật nói đến trong xã hội Campuchia thời đó có 3 loại nô lệ: nô lệ của nhà Vua, nô lệ của nhà chùa và nô lệ của tư nhân. Nô lệ của nhà Vua có nguồn gốc từ những người bị phạm tội mất quyền tự do; tù binh bị bắt trong chiến tranh; trẻ sinh đôi xấu xí, người lùn, người quái dị, nô lệ của những tư nhân phạm tội bị tịch thu tài sản và bị bỏ tù; con cháu của nô lệ nhà Vua từ trước.

Nô lệ của nhà chùa có nguồn gốc từ những người xúc phạm đến Thần Thánh và con cháu của những nô lệ nhà chùa có từ trước.

Nô lệ của tư nhân có nguồn gốc từ những người dân ở tình trạng khốn quẫn bị phá sản; những người vay nợ mà không trả được nợ; những người bán mình thành nô lệ; những người kết hôn với nô lệ của một tư nhân (dù là người tự do thì sau khi kết hôn cũng có thể bị biến thành nô lệ của chủ nô nếu không nộp phạt).

Nô lệ của nhà Vua và nô lệ của nhà chùa là nô lệ vĩnh viễn, không thể chuộc lại tự do, không thể đem ra mua bán. Nô lệ của tư nhân có thể bị đem bán và có thể được tự do trong những trường hợp: “Nếu cha của chủ nô dan díu với nô lệ của con mình hoặc con có dan díu với nữ nô của cha mình, và có con, đứa trẻ này sẽ được tự do như cha nó, vì cha và con có cùng dòng máu. Nếu người cha đưa một nữ nô khác vào thay thế chỗ vợ mình hoặc nộp một số tiền thì người mẹ (vốn là nữ nô lệ) sẽ được tự do'' (Điều 32). ''Nếu một người đàn ông đã có gia đình đan díu với nô lệ của vợ mình, có con, ông ta phải thay nô lệ này bằng một nô lệ khác hoặc trả tiền cho vợ để nữ nô này được tự do'' (Điều 33)...

- Quan hệ nô lệ ở Campuchia mang tính chất gia trưởng. Trong bộ luật Krâm Téasa Kamokar, không cho chúng ta biết rõ số lượng cụ thể của nô lệ ở Campuchia là bao nhiêu nhưng biết rằng số lao động nô lệ được sử dụng nhiều. Nô lệ của nhà Vua chủ yếu là hầu hạ, phục dịch trong Hoàng cung, cho Vua, Hoàng hậu, Hoàng tử, Công chúa cũng như Hoàng thân quốc thích, ngoài ra họ còn phải làm các trò mua vui trong Hoàng cung. Nô lệ của nhà chùa chủ yếu làm những công việc phục dịch trong chùa, chỉ khi nào số lượng nô lệ quá đông, đồ cúng tế cũng như thức ăn mà các tu sĩ khất thực được mang về không đủ cho họ sinh sống thì những nô lệ của nhà chùa ấy mới phải đi cày cấy để sinh sống. Nô lệ của tư nhân phần lớn làm những việc lặt vặt phục dịch gia đình, cho vợ con chủ nhân như là một người ở, một đầy tớ không lương. Có một số nô lệ của tư nhân nhận ruộng của chủ cày cấy, trồng trọt khi thu hoạch thì phải giao phần lớn sản phẩm cho chủ, chỉ chừa lại một phần nhỏ để sinh sống.

Nô lệ ở Campuchia hoàn toàn lệ thuộc vào chủ. Chủ nô có quyền trừng phạt nô lệ khi nô lệ không làm vừa lòng chủ cũng giống như quyền của người cha trong gia đình đối với vợ và con cái. Luật cho phép chủ nô không chỉ đánh đập nô lệ bằng roi mà còn có quyền ''buộc nô lệ vào gông xiềng, buộc dây xiềng vào chân ngựa, cùm chân hay buộc cổ bằng thanh ống tre. .. '' (Điều 4 và 24).

Tuy nhiên, ở Campuchia, về mặt xã hội, nô lệ không bị coi là một “công cụ biết nói”, mà được pháp luật coi là một người hợp pháp. Theo luật, chủ nô không có quyền đánh đập nô lệ bằng các hình thức như đấm đá bằng tay chân hoặc bằng gậy gộc. Nô lệ bị chủ đánh đập đến chết, chủ nô sẽ chịu tội tử hình và tài sản sẽ bị sung vào ngân khố nhà Vua. Nếu nô lệ không chết mà chỉ bị thương nặng thì phải trừ cho nô lệ 2/3 món nợ, và trừ 1/3 nếu vết thương nhỏ hơn. Người nào thuê chủ nô một nô lệ mà ra lệnh cho nô lệ ấy làm một công việc nguy hiểm, xảy ra tai nạn, nếu nô lệ chết, người ấy phải trả cho chủ nô tiền thuê nô lệ và khoản tiền trị giá sinh mệnh của nô lệ. ''Món tiền này sẽ được phân ra làm hai: một nửa cho ngân khố nhà Vua, một nửa cho chủ nô - người phải đứng ra lo việc chôn cất nô lệ'' (Điều 14).

- Trong luật Krâm Téasa Kamokar, có sự phân biệt giữa nô lệ người Campuchia với nô lệ là người thuộc các dân tộc ít người khác. Giá nô lệ là người thuộc các dân tộc ít người đắt hơn nô lệ người Campuchia. Điều đó thể hiện rất rõ qua nội dung những điều luật 40, 41, 42, 43...

Luật Krâm Téasa Kamokar phản ánh khá sâu sắc nhiều vấn đề về quan hệ nô lệ ở Vương quốc Campuchia cổ. Nó là công cụ để bảo vệ, củng cố tài sản và quyền lợi của giai cấp thống trị trong xã hội Campuchia. Một số điều trong bộ luật có quan tâm đến quyền lợi của nô lệ, bảo vệ cho nô lệ tránh được phần nào sự hà khắc của chủ nô. Nhưng, những sự quan tâm ấy rất ít ỏi và nhỏ nhặt, phần nhiều mang tính hình thức. Xét cho cùng, mục đích của việc đề ra sự quan tâm ấy là nhằm xoa dịu nỗi bất bình của nô lệ, thủ tiêu các cuộc đấu tranh của nô lệ chống lại giai cấp thống trị, đồng thời nhằm bảo vệ nguồn nhân lực phục vụ cho giai cấp thống trị. Dù sao, những luật lệ đó vẫn mang tính tiến bộ và nhân đạo hơn so với luật pháp đối với nô lệ ở một số nước khác trên thế giới, nhất là so với các nước phương Tây (Hy Lạp, La Mã), trong thời kỳ Cổ đại.

 TS. ĐỖ ĐÌNH HÃNG




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/164-02-633386830887968750/Nhung-Bo-Luat-co-noi-tieng-the-gioi/Luat-K...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận