FEUERBACH LUDWIG ANDREAS (1804 - 1872)
NHÀ DUY VẬT NỔI TIẾNG CỦA TRIẾT HỌC CỔ ĐIỂN ĐỨC
Luowig Feuerbach (Ludvich Phoiơbắc) sinh ngày 28 tháng 7 năm 1804 tại Landshut (xứ Bavière) trong một gia đình luật sư nổi tiếng ở Đức. Cha ông là luật sư được phong tước hiệu quý tộc. Thuở thiếu thời Feuerbach học trung học ở Anobach, sau đó học thần học ở Heidelberg. Ông học triết học ở Đại học tổng hợp Berlin, thầy dạy triết học của Feuerbach là Hégel. Ông tham gia phái Hégel trẻ nhưng sau đó tách khỏi phái này, trở thành người phê phán Hégel và xây dựng một hệ thống triết học duy vật của mình. Năm mới 25 tuổi (1829), ông đỗ Tiến sỹ triết học và được giữ lại trường Đại học Erlangen dạy triết học cho đến năm 1832. Năm đó ông viết cuốn sách Suy nghĩ về cái chết vá sự bất tử bị nhà cầm quyền tịch thu và cấm lưu hành nên thôi không dạy học nữa. Ông lui về sống ở một làng nhỏ ở xứ Bavière và bắt đầu viết sách, trong đó có cuốn khảo luận phê phán triết lý của Hégel và một số tác phẩm nghiên cứu về tôn giáo. Các tác phẩm triết học lớn của Feuerbach là Những nguyên lý của triết học tương lai (1843), Về bản chất Đạo Cơ đốc.
Chủ nghĩa duy vật nhân bản của Feuerbach
Ban đầu Feuerbach tham gia nhóm Hégel trẻ vì tôn giáo với các khái niệm tinh thần tuyệt đối đang thống trị thế giới hiện thực thời đó. Phái Hégel trẻ, ngược lại, chống lại sự thống trị đó, coi chúng là sự trói buộc con người. Feuerbach thấy cái hạn chế cơ bản nhất của triết học Hégel là ở tính duy tâm của nó trong việc giải quyết vấn đề quan hệ giữa con người và thế giới, tinh thần và vật chất, coi toàn bộ thế giới hiện thực chỉ là hiện thân của tinh thần tuyệt đối được hiểu như một lực lượng siêu nhiên. Đối lập với Hégel, Feuerbach cho rằng con người không phải nô lệ của Thượng đế hay tinh thần tuyệt đối mà là sản phẩm của tự nhiên. Theo Feuerbach, nhận thức con người là nền tảng và chìa khóa để nhận thức thế giới. Chỉ có thể giải quyết vấn đề cơ bản của triết học về quan hệ tinh thần và vật chất trên cơ sở nhấn thức con người. Với Feuerbach ''chân lý không phải lá chủ nghĩa duy vật hay chủ nghĩa duy tâm... chân lý chỉ là nhân bản học''.
Quan niệm của Feuerbach về bản chất con người và tôn giáo
Quan niệm của Feuerbach về bản chất con người thể hiện quan niệm duy vật khẳng định rằng, con người cũng như xã hội loài người là sản phẩm của tự nhiên. Thứ hai là, nó đề cao tính cá thể của mỗi người. Điều này phản ánh nguyện vọng của giai cấp tư sản Đức tiến bộ thời đó, muốn đấu tranh giải phóng nhân cách cá nhân con người khỏi mọi hệ thống giáo lý và trật tự xã hội hà khắc của nước Đức phong kiến quý tộc. Tuy nhiên, Feuerbach không nhận thấy bản chất xã hội của con người cũng như vai trò của hoạt động thực tiễn con người trong nhận thức và cải tạo thế giới; mặt khác, con người trong quan niệm của Feuerbach là con người phi lịch sử, phi giai cấp, phi dân tộc vì thế mà rất trừu tượng.
Điều này cũng thể hiện trong quan niệm của Feuerbach về tôn giáo. Ông coi tôn giáo là sản phẩm tất yếu của tâm lý cá nhân và bản chất con người. Tôn giáo thể hiện sự mềm yếu, bất lực của con người dưới hình thức thần bí. Những quan niệm về tôn giáo của Feuerbach vạch ra nguồn gốc tâm lý con người đối với tôn giáo, đồng thời cho thấy nội dung nhân bản trong các quan niệm Thần thánh. Song hạn chế của Feuerbach là chưa đề cập đến những cơ sở kinh tế xã hội của vấn đề khi lý giải nguồn gốc và bản chất của tôn giáo. Tuy nhiên, Feuerbach chỉ phê phán một tôn giáo cụ thể (Đạo Cơ đốc), còn tôn giáo nói chung, theo ông, vẫn cần thiết đối với đời sống con người.
Karl Marx và Friedrich Éngels có chịu ảnh hưởng của Feuerbach, song hai nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học đã phê phán một số quan điểm triết học của Feuerbach.
PGS. TS. NGUYỄN XUÂN HÒA