BỘ LUẬT NAPOLÉON
(BỘ LUẬT DÂN SỰ PHÁP 1804)
Ngày 27 tháng 7 năm 1794 (9 tháng Thermidor) ở Pháp diễn ra cuộc đảo chính phản cách mạng, thiết lập nền chuyên chính của tầng lớp đại tư sản vì kết thúc cuộc đại cách mạng tư sản Pháp thế kỷ XVIII; bắt đầu thời kỳ lộng hành của các thế lực phản động và khủng bố, Chế độ Đốc chính dưới bàn tay của Barras đã đưa nước Pháp đến tình trạng khánh kiệt, lạm phát và sự bần cùng của nhân dân. Mặc dù vẫn duy trì chế độ cộng hoà, song bộ mặt chính trị và xã hội của nước Pháp dưới thời Đốc chính đã hoàn toàn thay đổi. Chính sách đối nội và đối ngoại của chế độ Đốc chính không những đã gây ra sự căm phẫn trong nhân dân, mà còn gây phẫn nộ trong phần lớn giai cấp tư sản. Những tư tưởng của cuộc đại cách mạng tư sản đã ăn sâu vào đời sống chính trị xã hội của nước Pháp.
Trong khi đó nước Pháp cách mạng vẫn phải tiến hành cuộc chiến tranh không nghỉ với các thế lực phong kiến phản động Châu Âu. Và trong cuộc chiến tranh đó đã xuất hiện viên tướng trẻ, tài năng kiệt xuất Napoléon Bonaparte được phủ đầy hào quang chiến thắng. Mùa Thu năm 1799, Bonaparte xuất hiện ở Paris và chỉ lúc đó, ông mới biết một cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Pháp và tình trạng rối ren, bê bối của chế độ Đốc chính gây ra.
Giai cấp tư sản Pháp nhìn thấy ở Napoléon khả năng của một nhà chuyên chế có thể thiết lập một chế độ độc quyền nhằm đưa nước Pháp ra khỏi cuộc khủng hoảng và là người có thể biến hy vọng của họ thành hiện thực. Được sự ủng hộ của giới tài phiệt Pháp, Napoléon quyết định tiến hành cuộc đảo chính vào đêm 9 rạng 10 tháng 11 (18 Brumaire); dùng tiền của các nhà băng Paris mua chuộc Barras, gạt bỏ Hội đồng Đốc chính ra khỏi con đường ngăn cản dẫn đến quyền lực của mình.
Năm 1799, hiến pháp mới được thông qua và chế độ thủ lĩnh ra đời, đó là một chế độ “quân chủ trong trang phục cộng hoà”. Cơ sở của nền lập hiến được thiết lập từ năm 1789 đã bị phả bỏ hoàn toàn, sự tồn tại của Hội đồng Nhà nước, Toà án, Viện lập pháp, Viện nguyên lão chỉ là sự ngụy trang quyền lực vô hạn của Napoléon.
Năm 1804, Napoléon tự phong là Hoàng đế Pháp, thâu tóm vào tay mình toàn bộ quyền lập pháp và hành pháp. Để giải quyết các vấn đề đối nội, Napoléon đã dựa vào quân đội, đặc biệt là đội cận vệ riêng. Bộ máy cảnh sát, đặc biệt là mật thám đóng vai trò hết sức quan trọng và có những quyền không hạn chế trong toàn bộ bộ máy Nhà nước. Đế chế của Napoléon I được gọi là Đế chế I, mặc dầu chỉ tồn tại đến năm 1814 song theo lời K.Marx thì Napoléon đã xây dựng được một mô hình Nhà nước tư sản hoàn chỉnh, tựa như một cơ chế ăn bám khổng lồ bao quanh thân thể của xã hội Pháp.
Dưới thời Napoléon I đã hoàn thành việc củng cố chế độ Nhà nước tư sản, hình thành những nền tảng cơ bản của Luật tư sản. Năm 1804 Bộ luật dân sự được ban hành. Nó nổi tiếng với tên gọi Bộ luật Napoléon. Bộ luật đã khẳng định quyền tư hữu củng cố quyền thống trị kinh tế và chính trị của giai cấp tư sản.
Lấy Bộ luật dân sự Roma làm mẫu mực kết hợp với những tư tưởng của cuộc đại cách mạng tư sản Pháp, hệ thống cơ cấu của Bộ luật dân sự Napoléon được chia làm 3 phần: nhân thân, tài sản và nghĩa vụ.
Tiếp nhận các tư tưởng “Tự do, bình đẳng, bác ái” của cuộc đại cách mạng tư sản, các quyền tự do công dân đã được Bộ luật quy định một cách cụ thể. Tuy nhiên cũng có những điều luật được áp dụng vào đời sống không hoàn toàn mang tính chất tư sản… Thí dụ, trong lĩnh vực quan hệ gia đình và hôn nhân vẫn còn tồn đọng những tàn dư của luật phong kiến, nó được thể hiện rõ nét trong việc khẳng định quyền lực của người cha, người chồng trong quan hệ gia đình.
Về quyền tư hữu cũng như các hình thức chiếm dụng sở hữu đã được bộ luật qui định cụ thể. Mọi cơ cấu của hệ thống luật phong kiến đã bị phá bỏ mở đường cho sự tự do sở hữu tư sản. Đất đai trở thành đối tượng mua bán tự do.
Ở phần trách nhiệm, bộ luật thể hiện những nguyên tắc hoàn toàn mang tính chất tư sản, tạo điều kiện thúc đẩy tính chủ động và việc kinh doanh tư hữu tư bản chủ nghĩa. Đáng lưu ý là phần về hợp đồng thuê nhân lực đã được quy định rất chi tiết. Mặc dầu được tự do trong các quan hệ, đặc biệt là tự do hợp đồng làm thuê, Bộ luật Napoléon cũng đặt người làm thuê vào tình trạng hoàn toàn lệ thuộc vào chủ kinh doanh.
F.Engels coi Bộ luật Napoléon là ''Bộ luật tư sản hiện đại nhất, mà cơ sở của nó là những thành quả xã hội của cuộc đại cách mạng tư sản Pháp”. Với việc thông qua Bộ luật dân sự 1804, về cơ bản đã hoàn thành quá trình hình thành luật dân sự tư sản.
Tiếp theo Bộ luật dân sự năm 1804, việc ban bố Luật tố tụng hình sự (1808) và Luật hình sự (1810) đã khẳng định những nguyên tắc của quá trình cạnh tranh tư bản chủ nghĩa, thay thế thủ tục tố tụng giáo hội thời phong kiến; đưa ra hệ thống các tiêu chí phạm pháp và khung hình phạt. Trong khi khẳng định các quyền tự do tư sản, Bộ luật đồng thời cũng thể hiện toàn bộ các điều luật phản dân chủ chỉ được nảy sinh trong cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản với nhân dân lao động.
Năm 1814, với sự bổ trợ của quân đồng minh, triều đại Bourbon được phục hồi, Napoléon bị đi đầy lần thứ 2. Hiến chương 1814, đã phục hồi chế độ quân chủ lập hiến. Tuy nhiên Hiến Pháp 1814 vẫn giữ lại nhiều điều khoản mà Napoléon đã thực hiện.
Theo thời gian đó Bộ luật Napoléon vẫn là bộ luật mẫu mực nhất trong số các bộ luật của xã hội tư sản, nó đã củng cố các nguyên tắc cơ bản của quyền công dân tư sản thời tiền tư bản độc quyền chủ nghĩa. Chính vì thế mà Bộ luật Napoléon đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành luật dân sự ở nhiều nước trên thế giới.