Tài liệu: Đạo Phật với khoa học

Tài liệu
Đạo Phật với khoa học

Nội dung

ĐẠO PHẬT VỚI KHOA HỌC

 

Có một nhà vật lý nổi tiếng thế giới người Ấn Độ là D.S.Kothari, chuyên gia về các vấn đề như nhiệt động học thống kê, lý thuyết ion hoá và các sao Lùn trắng. Ông là tác giả quyển Bùng nổ hạt nhân và các hiệu ứng được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhưng đồng thời cũng là tác giả quyển Mấy suy nghĩ về khoa học và tôn giáo rất sâu sắc. Theo ông, cần phân biệt các khái niệm duy lý (rational), phản duy lý (antirational) và siêu việt duy lý (beyond – rational). Phản duy lý cũng là phản khoa học. Nhưng siêu việt duy lý thì không phải là phản duy lý.

Duy lý ngự trị trong vương quốc khoa học. Còn siêu việt duy lý và siêu nghiệm thường là cái lõi của tôn giáo. Trong khi đó, thế giới vẫn còn mênh mông những mặt chưa nhận thức được bằng thực nghiệm . Ngay cả những tri thức khoa học đã thu hút được thì cũng luôn biến chuyển. Do đó, không cần thiết phải đối lập khoa học với tôn giáo khi cả hai đều là nhu cầu của nhân loại. Chúng ta đã biết nhiều nhà Bác học lớn là người có Đạo nhưng điều đó không hề ngăn cản các phát minh quan trọng của họ.

- Riêng tôi nhận thấy Đạo Phật không phản khoa học. Bản chất Đạo Phật là vô thần. Chính Đức Thích Ca đã tuyên bố Ngài không phải là Thần linh, Thượng đế mà chỉ là con người bình thường như bao người khác. Lời Ngài dạy có nhiều điều đúng với khoa học hiện đại. Chẳng hạn Vũ trụ quan Phật giáo phù hợp định luật Lomonossov - Lavoisier, với vật lý thiên văn (astrophysique) và vật lý hạt nhân (physique nucléaire). Mãi thế kỷ XIX Pasteur mới tìm ra vi trùng, nhưng Phật đã nhìn thấy trong bát nước 84.000 vi trùng. Phật bảo tâm bệnh sinh nhân bệnh thì bây giờ y học phương Tây mới bàn đến các bệnh căn nguyên tâm thể (maladiesp - sycho - somatiques). Phật chế ra giới luật cấm sát sinh thì đến tháng 6 năm 1992, Hội nghị cấp cao Ride Janeiro mới kêu gọi Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới không săn bắn các loài động vật có nguy cơ diệt chủng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, chống ô nhiễm và huỷ diệt môi trường. Vậy có thể coi Đức Thích Ca là một nhà khoa học tiên tri (Futurologiste) được không?

- Phật giáo nhìn nhận thế giới là do nhân duyên mà sinh ra và cho rằng không thể tìm ra một nguyên nhân đầu tiên. Do đó, Phật giáo không thừa nhận một đấng sáng tạo thế giới kiểu thư Brahma. Điểm này phân biệt Đạo Phật với các tôn giáo khác.

Thời đại Đức Thích Ca còn sống, khoa học và triết học Ấn Độ khá phát triển. Có những tri thức mà người Ấn Độ đã đạt được mãi đến nay vẫn làm chúng ta ngạc nhiên. Những tiềm năng bên trong của con người mà Yoga đã phát hiện là một ví dụ. Thời đó, phái triết học Vaisesika cũng đã đưa ra học thuyết cho rằng thế giới được cấu tạo bằng các nguyên tử. Bằng trí tuệ đặc biệt của bản thân cũng như với trình độ trí thức đương thời, Đức Thích Ca hoàn toàn có thể đưa ra những nhận định đúng đắn về thế giới, mà mãi về sau chúng ta mới nhận thức được điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi khoa học hiện đại vẫn đang tiếp tục khám phá bí ấn của nền văn minh phương Đông.

- Trong tình hình hiện nay (cả trong nước và trên thế giới), Đạo Phật có thể giúp lợi ích gì cho sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật? Và ngược lại các thành tựu khoa học, kỹ thuật có tác dụng gì đối với sự nghiệp hoằng dương Phật pháp.

- Không phải chỉ Đạo Phật mà các quan điểm về tự nhiên và Vũ trụ của nhiều triết phái và giáo phái phương Đông vẫn tiếp tục kích thích sự tìm tòi của khoa học. Nhưng nên nhớ rằng, Đạo Phật đặc biệt chú ý đến một cuộc sống an lạc cho con người. Khoa học đã có những tiến bộ lớn nhưng sự phát triển của khoa học không phải lúc nào cũng làm cho con người an lạc. Có những thứ khoa học giết người như làm bom hạt nhân là một ví dụ. Phật giáo có khả năng ảnh hưởng đến hướng phát triển đúng đắn của khoa học, đó là phục vụ hạnh phúc của nhân loại. Khoa học là kết quả của Tri (tri thức) nhưng sự phát triển của nó cần đến Tuệ (sự sáng suốt). Nếu không, cho dù tiến bộ đến đâu, nó vẫn không ra khỏi Vô Minh.

Tất nhiên, Phật giáo có thể sử dụng mọi tiến bộ khoa học - kỹ thuật để đem những tư tưởng tốt đẹp của mình đến với quần chúng rộng rãi.

Có người nói rằng: Thế kỷ XXI sẽ là Thế kỷ của tôn giáo. Riêng tôi không nghĩ rằng thế kỷ XXI là thế kỷ của tôn giáo. Theo tôi, ở thế kỷ này, tôn giáo vẫn có vị trí của nó như đã từng có trong các thế kỷ trước.

Nhưng có thể con người sẽ không hiểu chức năng của tôn giáo một cách thô thiển và nông cạn như trước đây. Mặt khác, người ta cũng không làm biến dạng nó vì những mục đích vụ lợi thiển cận.

Trước đây có rất nhiều người đã ngộ nhận câu nói của Marx: ''Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Trước đó nhà triết học Đức Kant (1724-1804) cũng đã có một câu tương tự. Nhưng bấy giờ, thuốc phiện được dùng như một thứ thuốc giảm đau chứ không bị coi là thuốc độc hại như ma tuý sau này. Khi nhân loại còn đau khổ thì hiển nhiên còn cần đến thứ thuốc giảm đau là tôn giáo, mà đã cần đến tôn giáo thì tất nhiên còn cần đến người truyền giáo.

Đối với Phật giáo của ta cũng như vậy, nhân dân ta cần có chùa và có các sư. Đó là một nhu cầu mà chúng ta có thể thấy rõ ở các địa phương. Không thể có chùa mà chỉ có một ban quản lý nào đó chứ không có các sư. Nhân dân cần tăng ni để chỉ cho họ những đạo lý đem lại cho họ sự an lạc tinh thần. Nếu có tăng ni giỏi, Phật pháp chính tín sẽ được hoằng dương và mọi mê tín sẽ được ngăn ngừa.

GS. SỬ HỌC HÀ VĂN TẤN

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/165-02-633386837421093750/Nhung-Ton-giao-lon-trong-nen-van-minh-Nhan...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận