ĐỘ SÁNG
Điều đầu tiên người ta nhận thấy khi quan sát trời đêm là độ chói (độ sáng) khác nhau của các sao. Độ sáng biểu kiến của các sao được đánh giá bằng các cấp sao (xem mục "Các cấp sao"). Hệ thống các cấp sao hình thành từ lâu đời đã gán cấp 1 cho những sao sáng nhất, còn cấp 6 cho những sao yếu nhất ở giới hạn nhìn thấy được bằng mắt thường. Về sau, để đánh giá được định lượng khách quan, người ta đã cải tiến thang độ này. Người ta quy ước rằng độ chênh năm cấp sao tương ứng với sự khác biệt về độ chói biểu kiến đúng 100 lần. Do đó, hiệu số với giá trị 1 cấp sao có nghĩa là ngôi sao này sáng hơn ngôi sao kia 2/512 lần. Đối với các phép đo chính xác hơn thì thang độ chỉ bao gồm số nguyên tỏ ra quá sơ lược, vì thế người ta đã phải cho thêm các giá trị thập phân. Các cấp sao được ký hiệu bằng chỉ số m (từ tiếng La tinh magnitudo là "độ lớn"; tiếng Anh và Pháp: magnitude = cấp sao) đặt ở phía trên giá trị bằng số. Ví dụ, cấp sáng của sao Bắc Cực là 2,3 m.
Muốn đánh giá độ sáng của các tinh tú sáng nhất thì 6 bậc chưa đủ. Vì vậy đã xuất hiện các cấp sao không và âm. Chẳng hạn Trăng tròn có độ sáng khoảng - 11m sáng hơn ngôi sao sáng nhất là Sirius gấp 1 vạn lần). Sao Kim sáng tới - 4m. Với phát minh ra kính thiên văn thì các nhà thiên văn đã quen thuộc với các sao yếu hơn 6m. Qua ống nhòm cũng có thể thấy rõ các ngôi sao 10m, còn các kính thiên văn lớn nhất có thể thu được các đối tượng 27 - 29m. Độ sáng biểu kiến là một đặc trưng quan trọng, dễ đo nhưng còn xa mới bao quát hết đặc điểm ngôi sao. Để xác định được công suất phát xạ của ngôi sao, tức là độ trưng của nó, thì phải biết khoảng cách đến ngôi sao đó.