NƯỚC ẤN ĐỘ THUỘC ANH
Người Anh đã có mặt ở Ấn Độ vào đầu thế kỷ thứ 17. Cuối tháng 12 năm 1600, Elizabeth, lúc đó là nữ hoàng của Vương quốc Anh, đã chấp thuận yêu cầu của một nhóm thương gia để ra một hiến chương về một công ty mậu dịch có mục tiêu vào buôn bán ở Đông Ấn Độ. Trong thời gian từ 1601 đến 1613 những thương gia của Công ty Đông Ấn Độ đã có 12 chuyến đi đến Ấn Độ và năm 1609 William Hawkins đã đến cung đình Jahangir để xin phép cho sự hiện diện của người Anh ở Ấn Độ. Hawkins đã bị từ chối, nhưng Thomas Roe, người đã diện kiến hoàng đế Mughal năm 1617 đã thành công hơn. Hai năm sau, Roe đã được phép xây dựng một nhà máy của Anh ở Surat. Đến năm 1639, pháo đài St. George được xây dựng tại Madras.
Năm 1757, với chiến thắng của người Anh ở Plassey, Công ty Đông Ấn Độ chuyển từ một hiệp hội mậu dịch thành những nhà cai trị, đã áp đặt quyền thống lĩnh chính trị lên một vùng đất rộng lớn. Chưa đầy 10 năm sau, Công ty đã có được phần đất Diwani của Bengal, hay nói cách khác là quyền thay mặt hoàng đế Mughal để thu thập những lợi nhuận ở Bengal, Bihar và Onssa. Sự củng cố quyền cai trị của người Anh sau những chiến thắng quân sự đầu tiên đã rơi vào tay Warren Hastings, người đã gieo rắc những điều hư cấu và hoàng đế Mughal vẫn là người thống lĩnh đất nước. Hastings cũng làm cho người Anh quen với lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán của Ấn Độ, nhưng khi trở về Anh Quốc, ông ta vẫn bị buộc tội về những tội ác và tư cách xấu của mình.
Nhiều người kế vị ông, mặc dù cháy bỏng với những tham vọng mở rộng lãnh thổ Anh Quốc đến Ấn Độ, cũng phải đương đầu với vấn đề cai trị của họ. Sự thống trị của người Anh được biện hộ bằng những luận điệu rằng ngươi Ấn Độ cần phải được khai hóa, và rằng sự cai trị của người Anh sẽ thay thế cho chế độ chuyên quyền Đông phương và tình trạng vô chính phủ bằng một hệ thống công bằng, cai trị bằng pháp lý và khái niệm ngay thẳng. Một số những hoạt động tôn giáo và xã hội mà người Anh ghét bỏ đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Trong khoảng thời gian của thập niên 1840 và 1850, dưới quyền cai trị của các toàn quyền Dalhousle và Canning, nhiều phần lãnh thổ đã được sát nhập vào đất Ấn Độ thuộc Anh, với nhiều lý do như những nhà cai trị cũ thối nát, không đủ khả năng, không quan tâm đến quyền lợi của thần dân, hoặc nhà cai trị đó không có con trai để nối dõi. Đó là số phận của Sambalpur (1849), Baghat (1850), Jhansi (1853), Nagpur (1854) và bi thảm nhất là Awadh (1856). Nhà cai trị của Awadh, Wajid Ali Shah, đã bị người Anh nhiếc móc là tên bạo chúa phương Đông tồi tệ nhất, chỉ quan tâm đến vũ nữ và những trò chơi phù phiếm như thả diều, chọi gà, và hoàn toàn biếng nhác trong việc chính sự.
Chẳng bao lâu sau khi Awadh bị thôn tính, cuộc nổi dậy Sepoy, hay nói đúng hơn là cuộc Nổi loạn Ấn Độ của năm 1857 - 1858, đã nổ ra. Đây là sự đe dọa lớn nhất đối với người Anh kể từ lúc họ chiếm được đế quốc Ấn Độ vào năm 1757. Chỉ trong mấy tuần lễ của tháng 5, những phần lãnh thổ rộng lớn của đồng bằng Gangetic đã rơi vào tay quân nổi dậy. Delhi bị quân Anh lấy lại vào cuối năm 1857. Hoàng đế Bahadur Shah, vua cuối của triều Mughal, bị đem ra xử và bị kết án về tội xúi giục nổi loạn. Và đến giữa năm 1858 cuộc nổi loạn đã bị đè bẹp. Công ty Đông Ấn Độ bị giải thể. Ấn Độ trở thành thuộc địa của Anh, được đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của quốc hội, và chịu trách nhiệm trực tiếp về những vấn đề của Ấn Độ là một thành viên của nội các, ngoại trưởng tại Ấn Độ. Trong khi đó người trực tiếp điều hành các hoạt động tại Ấn Độ vẫn là viên toàn quyền, được coi như người đại diện cho nữ hoàng Anh, đóng vai trò phó vương tại Ấn Độ.
Lời tuyên bố của nữ hoàng Victoria rằng bà và các quan chức của Anh sẽ làm việc vì quyền lợi của các thần dân Ấn Độ đã được phát biểu trong giai đoạn cuối của chế độ cai trị của người Anh tại đây. Trong dân chúng Ấn Độ lúc đó đã nổ ra những cuộc tranh luận về việc giáo dục phụ nữ, việc tái kết hôn của những phụ nữ góa chồng, tuổi được quyền kết hôn, và địa vị của phụ nữ trong xã hội. Trong khi đó, với sự tăng cường giảng dạy tiếng Anh và sự mở rộng của chính quyền, ngày càng có nhiều người Ấn đi làm công chức trong chính quyền. Cùng lúc đó ngày càng có nhiều tờ báo ra đời, cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng bản xứ. Năm 1885, Hội nghị Quốc gia Ấn Độ, đầu tiên chỉ là một hiệp hội của các luật sư và một số nhà chuyên môn, đã hình thành với mục tiêu là những người Ấn có học phải có được chút tiếng nói của họ trong chính quyền của đất nước họ.
Tuy nhiên, những tình cảm quốc gia không thể bị hạn chế bởi một tổ chức hào hiệp như Hội nghị này, và ở Maharashtra cũng như ở Bengal những lực lượng cách mạng có vũ trang đã nỗ lực thực hiện một chiến dịch khủng bố và ám sát nhắm vào các quan chức và các cơ sở của người Anh. Năm 1905, với cái cớ là việc cai quản Bengal không thể thực hiện được do diện tích quá lớn của quận này, ngươi Anh đã chia cắt Bengal, và từ đó làm dấy lên sự chống đối lớn đầu tiên đối với các chính sách cai trị của người Anh sau hậu quả của cuộc nổi đậy năm 1857 - 1858.
Trong phong trào Swaheshi người Ấn đã áp dụng các chiến lược chống đối bất bạo động, tẩy chay, biểu tình và bất hợp tác, và cuối cùng người Anh đã phải đồng ý hủy bỏ việc chia cắt quận Bengal. Sự chia cắt này bản thân nó trước đó đã có một phần do quan điểm rằng cần phải tách rời phần phía Đông với hầu hết cư dân theo Hồi giáo ra khỏi phần phía Tây, vốn chủ yếu là người theo đạo Hindu. Thủ đô của quốc gia đã được dời từ Calcutta về Delhi, nơi đó những tòa nhà hành chính mới đã được thiết kế để phản ánh sự tráng lệ của đế quốc, từ đó hình thành New Delhi.
Trong Thế chiến thứ I, khi người Anh tuyên bố rằng Ấn Độ cũng tham chiến với Đức, những đội quân lớn của Ấn Độ đã đi chiến đấu ở nước ngoài. Lời tuyên bố của ngoại trưởng Montagu năm 1917, khẳng định mục đích của chính quyền Ấn Độ là gia tăng việc tham gia vào hoạt động quản trị của đất nước, đã được coi như niềm cổ vũ cho những khát vọng của Ấn Độ muốn tiến đến chế độ tự quản cuối cùng. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc người Anh đã áp dụng những luật lệ hà khắc để kìm chế các hoạt động của những người được coi như có khuynh hướng chính trị cực đoan. Thêm vào đó, cuộc xáo trộn năm 1919 trong đó có sự tàn sát của tướng Dyer đối với gần 400 người Ấn Độ không có vũ trang ở Amlitsar đã làm dấy lên phong trào khắp cả nước chống lại sự cai trị của người Anh.
Sự kiện năm 1919 làm xuất hiện Mahatma Gandhi, người được coi như ông vua không ngai của phong trào quốc gia Ấn Độ. Gandhi đã lãnh đạo phong trào bất hợp tác với người Anh vào thời gian 1920 - 1922, cũng như chiến dịch bất phục tùng vào năm 1930 - 1931. Đến năm 1942 ông đã cho ban hành lời kêu gọi người Anh rời khỏi Ấn Độ. Những cuộc thương lượng để giành một mức độ độc lập nào đó cho Ấn Độ do Gandhi cầm đầu đã diễn ra lần đầu vào năm 1930 tại Hội nghị Bàn tròn tại Luân Đôn. Một thời gian ngắn sau đó quốc hội Ấn Độ đã quyết định kêu gọi quyền độc lập hoàn toàn đối với chính quyền Anh Quốc.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa những người Hồi giáo và những người theo đạo Hindu đã xấu đi. Và sau Thế chiến thứ II, khi những người lãnh đạo của quốc hội, trong đó có Gandhi, Jawaharlal Nehru và Sardar Patel bị tống giam, Liên minh Hồi giáo, vốn tuyên bố là có sự ủng hộ của người Anh, đã ban hành một thông điệp về việc ly khai. Sau khi chiến tranh kết thúc, cùng với sự thắng thế của đảng Lao động, thủ tướng Anh là Clement Atlee đã tuyên bằng người Anh sẽ trao quyền độc lập cho Ấn Độ. Những cuộc thương lượng đã bắt đầu với tất cả các đảng phái chính trị lớn và các cộng đồng, trong đó có cả quốc hội, những người theo đạo Sikh và Liên minh Hồi giáo.
Khi tiến hành cái gọi Ngày của Biện pháp Mạnh vào năm 1946, vốn đã dẫn tới những cuộc tàn sát rộng lớn ở Calcutta, Liên minh Hồi giáo đã đưa ra ý kiến rằng một nước Ấn Độ không chia cắt là không thể có được. Và việc giành được độc lập từ tay người Anh vào ngày 15 tháng 8 năm 1947 đã đi kèm với không những chỉ là việc thành lập một nước Pakistan bao gồm những vùng có người Hồi giáo ở phía Đông và phía Tây Ấn Độ, mà còn với cả những cảnh khủng khiếp chưa từng có trong việc chia cắt đất nước. Có ít nhất 500.000 người đã bị giết, và nhiều phụ nữ bị bắt cóc hoặc bị hãm hiếp; và có 1 triệu người Hindu, Hồi giáo và đạo Sikh đã vượt qua biên giới, mà cho tới ngày nay vẫn là một cuộc di trú lớn nhất trong lịch sử.
Sự cai trị của người Anh đã có rất nhiều ảnh hưởng đến nước Ấn Độ đương đại. Những thành phần tinh hoa của đất nước đã viết và nói phần lớn bằng tiếng Anh. Hiến pháp của Ấn Độ, cho dù là một văn kiện cao quý, thực tế hình thành từ Đạo luật Chính quyền Ấn Độ năm 1935, được soạn thảo nhằm giảm bớt những đau khổ của dân chúng nghèo đói chiếm đa số tại đây. Và người ta cũng chẳng quan tâm cân nhắc đến sự phù hợp của hệ thống nghị viện, với con số đại biểu ở hạ viện tương đương với hạ viện Anh Quốc, trong khi nước Ấn Độ lớn hơn nhiều so với nước Anh.
Những cơ sở chính trị và quản trị của nước Ấn Độ độc lập thì hoạt động giống như đất nước còn đang nằm dưới ách thực dân, và dân chúng không có tiếng nói gì đối với chính quyền, trừ phi họ phải làm ầm ĩ lên vì một chuyện gì đó. Cơ cấu pháp luật thì do người anh truyền lại, và người ta đã coi như những luật pháp đó không hề tồn tại để phục vụ cho thường dân. Cả bộ máy luật pháp và trật tự to lớn cũng vậy. Trong những bộ phim nói tiếng Hindu phổ biến ở đây, cảnh những cảnh sát viên đi trễ là chuyện rất bình thường.
Ấn Độ thừa hưởng của người Anh hệ thống các trường đại học hiện nay, và thói quen đi nghỉ hè của tầng lớp trung lưu và quý tộc ở những nơi an dưỡng trên vùng đồi núi, một thói quen đã có từ đầu thế kỷ thứ 19. Các câu lạc bộ và những buổi biểu diễn thể dục thể thao, vẫn còn tại Ấn Độ cho đến ngày nay, vốn là một phần quan trọng trong cuộc sống của ngươi Anh. Mặc dù các ngôn ngữ của Ấn Độ đã phát triển nhiều trước khi người Anh đến đây, việc chuẩn hóa các ngôn ngữ này cũng như việc soạn thảo những bộ ngữ pháp và từ điển đầu tiên đã được tiến hành dưới thời thuộc Anh. Máy in, vốn được du nhập vào Ấn Độ từ thế kỷ thứ 16, đã báo trước cho sự sinh sôi nẩy nở về cơ khí tại đây. Trong thể thao, người ta vẫn còn say mê môn cricket (một môn chơi rất thịnh hành thời thực dân), và thức uống ưa thích của người dân trung lưu Ấn Độ là rượu Scotland pha sô đa. Người ta có thể điểm ra hàng ngàn thứ biểu lộ sự có mặt của người Anh ở Ấn Độ.