Tài liệu: Ở vùng bạn hôm nay là ngày thứ mấy

Tài liệu
Ở vùng bạn hôm nay là ngày thứ mấy

Nội dung

Ở VÙNG CÁC BẠN HÔM NAY LÀ NGÀY THỨ MẤY?

 

Câu hỏi tương tự như vậy đã được Antôniô Pigapheta, tước hiệp sĩ, người tham gia và chép sử của đoàn thám hiểm do Phecnan Magienlăng dẫn đầu đặt ra cho những người dân quần đảo Cap Ve, khi con tàu duy nhất còn lành lặn của đoàn thám hiểm trở về miền đất quê hương sau cuộc thám hiểm vòng quanh thế giới. Một ý nghĩ mơ hồ đã ba ngày nay ám ảnh vị hiệp sĩ mà ông không thể nào xua đi được. Đây là những gì ông đã viết trong nhật ký hành trình: “Ngày 9 tháng 6 năm 1522. Để xác định xem chúng tôi có tính nhầm ngày hay không, chúng tôi đã giao cho những người lên bờ nhiệm vụ hỏi xem hôm nay là ngày thứ mấy trong tuần. Họ được những người. Bồ Đào Nha sống trên đảo trả lời: hôm nay là thứ năm. Điều này làm chúng tôi rất ngạc nhiên, vì theo sự ghi chép của chúng tôi thì hôm nay mới chỉ là ngày thứ tư. Chúng tôi không tin rằng mình lại nhầm lẫn. Tôi còn ngạc nhiên hơn mọi người vì đầu óc tôi luôn tỉnh táo và tôi ngày nào cũng ghi chép, mô tả mọi sự kiện của ngày đó. Rồi chúng tôi hiểu ra rằng, chúng tôi không hề nhầm lẫn, mà vì chúng tôi luôn đi về phương tây, đuổi theo Mặt Trời, rồi lại về đúng chỗ cũ, thì ắt là phải dôi ra 24 giờ, điều mà ai chịu khó suy nghĩ một chút cũng đều hiểu ra”.

Câu chuyện tương tự cũng đã từng xảy ra với những người Nga đi bôn ba đến Alaxca và Caliphonia 250 năm trước. Tại đây họ đã gặp những người thực dân định cư đến từ phía đông, từ Anh, Pháp, Bồ Đào Nha. Giữa những người du lịch thám hiểm và những người thực dân thường xảy ra tranh cãi về việc hôm đó là ngày mấy trong tháng và ngày thứ mấy trong tuần. Cánh người Nga thì bảo là chủ nhật, còn cánh người Anh thì nói mới chỉ là thứ bảy. Cánh người Nga đến châu Mỹ từ phía Tây từ Xibia, họ đi ngược chiều Mặt Trời; do đó thời gian bị tăng thêm, còn đám thực dân đi từ phía đông theo chiều Mặt Trời, nên thời gian Mặt Trời thực của họ trôi chậm hơn. Ở các khu vực của Xan Phranxixcô, đồng hồ của họ lệch nhau đúng 24 giờ. Trong cuộc cãi vã ấy những người Tây Ban Nha đã đứng về phe người Nga vì chính họ cũng vượt qua Thái Bình Dương.

Ai đúng ai sai? Không thể trả lời câu hỏi này được nếu không thỏa thuận với nhau về đường đổi ngày. Đối với người đi vòng quanh Trái Đất nhất định ở đâu đó phải có ranh giới chuyển sang ngày mới. Chỉ đến thế kỷ XIX nó mới được vạch ra.

Đường đổi ngày quốc tế từ Bắc Cực xuống Nam Cực đi qua eo biển Bêrinh và giữa các đảo ở Thái Bình Dương.

Ở eo biển Bêrinh có hai hòn đảo: đảo Rôtmanôp, điểm cực đông của nước Nga, và cách đó 12 km về phía đông là đảo Crudenstecnơ, thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ. Cắt ngang giữa chúng là biên giới quốc gia và đường đổi ngày. Trên đảo Rôtmanôp, giờ mùa đông sớm hơn 13 giờ so với giờ quốc tế còn trên đảo Crudenstecnơ chậm hơn 11 giờ so với giờ quốc tế. Như vậy trên cả hai đảo đồng hồ chỉ giờ như nhau, chúng ở cùng một múi giờ nhưng có sự chênh lệch cả một ngày đêm. Vào nửa đêm thì dĩ nhiên là ngày cũng thay đổi cả ở đảo bên này lẫn ở đảo bên kia, nhưng hòn đảo của Nga vẫn luôn sớm hơn một ngày.

Theo quy tắc quốc tế, nếu một người vượt qua ranh giới đổi ngày từ tây sang đông thì anh ta, giả dụ đến thăm nước Mỹ chẳng hạn, cho đến cuối ngày hôm đó vẫn sống theo ngày tháng cũ của mình, còn từ ngày hôm sau sẽ theo ngày tháng mới cùng với người Mỹ. Nếu vào chiều thứ sáu từ đảo Crudenstecnơ cưỡi tuần lộc sang đảo Rôtmanôp, rồi vào ngày chủ nhật ở nước Nga lại trở về Hoa Kỳ, thì bạn sẽ có tới 3 ngày nghỉ trong tuần.

Bạn thử tìm trên bản đồ hai hòn đảo kỳ diệu này mà xem. Ở đó có tới 104 ngày chủ nhật trong một năm!

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/431-02-633329612959931250/Gio-dia-phuong/O-vung-ban-hom-nay-la-ngay-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận