Tài liệu: Quầng

Tài liệu
Quầng

Nội dung

QUẦNG

 

Ta thường hay gặp màn sương sáng mờ bao quanh Mặt Trời và Mặt Trăng. Đó  là khi bầu trời mờ đục được giăng bởi các loại mây ti nhẹ và cao. Các tinh thể băng nhỏ tí và các hạt nước tí hon của loại mây này dường như sáng lên khi phân tán các tia sáng của một nguồn sáng mạnh. (Các cửa sổ mùa đông sương giá cũng tạo ra quầng sáng quanh đèn pin giống như vậy hoặc có thể thấy quầng đèn tương tự khi nhìn xuyên qua một loại vải mỏng hơi trong suốt). Nhưng đôi khi, nếu mây đủ mỏng và đồng nhất thì không chỉ là màn sáng mờ mờ mà thành hẳn một vòng tròn sáng, thỉnh thoảng có tới vài vòng tròn, đó là quầng.

 

Quầng xuất hiện khi các tia sáng khúc xạ trong các tinh thể băng tụ trong các đám mây cao, các tinh thể này có hình lăng trụ sáu mặt. Kết quả là ta nhìn thấy một quầng nhỏ bán kính 22o. Các tia đi qua các mặt bên và đáy tinh thể lăng trụ tạo thành vòng tròn lớn. Bán kính của nó cỡ khoảng 46o. Vòng tròn lớn hiếm thấy hơn và sáng yếu hơn, nhưng nhìn ra nó quanh Mặt Trời đơn giản hơn vòng nhỏ vì vòng nhỏ bị át đi trong ánh sáng mặt trời chói sáng. Quầng nhỏ dễ nhận thấy quanh Mặt Trăng. Do sự tán sắc ánh sáng nên quầng thường hơi có sắc cầu vồng. Hiện tượng này thường báo trước có mưa.

Thỉnh thoảng các tinh thể băng tạo nên mây phân bố như thế nào đó khiến có những vùng quầng sáng hẳn lên, tạo ra các Mặt Trời giả.

Có khi thời tiết yên lặng, lúc bình minh hoặc hoàng hôn có thể thấy hai bên Mặt Trời có những cột sáng tựa như mọc từ dưới đất vươn lên trời. Đó là các tia phản xạ từ các tinh thể băng phân bố theo chiều thẳng đứng mà từ đó hình thành mây ti thấp. Có những vùng của cột sáng sáng rực đến mức cũng tạo nên Mặt Trời giả. Khi thời tiết đang giá rét đậm thì những cột sáng như vậy báo trước nhiệt độ sẽ hạ tiếp.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/422-02-633328940582587500/Cac-hien-tuong-hiem-va-la-tren-troi/Quang....


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận