KHÔNG THỂ THIẾU ĐỒNG HỒ
"Hãy về tâu với chủ ngươi rằng: Khi tia sáng Mặt Trời đầu tiên xuất hiện, lâu đài sẽ nổ tung" - đấy là lời văn thường dùng của một kẻ chinh phục nào đó thời xưa. Kẻ đó không phải muốn khoe tài hùng biện văn chương mà chẳng qua hắn chỉ muốn ấn định một thời điểm. Thời ấy, đồng hồ chính là Mặt Trời, nhưng nó chỉ chính xác ở hai thời điểm: bình minh và hoàng hôn.
Đồng hồ có ích rất lớn trong đời sống. Trước chiến dịch quân sự, vị tư lệnh bảo các sĩ quan dưới quyền chỉnh lại đồng hồ. Hành khách trên sân ga vội vã lên tàu khi chỉ còn một phút nữa thì tàu chuyển bánh "Còn 30 giây nữa thì đến thời điểm bắt đầu nhật thực... 27, 26, 25 giây…"- tiếng loa vang lên trên bãi quan sát thiên văn để những người quan sát biết... Và còn biết bao nhiêu ví dụ khác.
Đồng hồ tạo cho chúng ta khả năng nhìn và thấy trước được các thời điểm nhất định. Biết thời gian chính xác giúp con người hành động nhịp nhàng, phối hợp hành vi của mình với các hiện tượng đã biết trước của thiên nhiên. Đồng hồ còn giúp ta đo được các khoảng thời gian. Nó lại càng cần thiết đối với nhà thiên văn.
Mùa hè năm 1845, cỗ xe lò xo chở 40 hòm kêu tích tắc, có một viên quan triều đình Nga đôn đốc trật tự và tốc độ, đã đi từ đồi Puncôvô (gần Xanh Pêtecbua), nơi có đài thiên văn, về Matxcơva. Trong 40 chiếc hòm đó là 40 chiếc đồng hồ chuyên dụng, đã được chỉnh theo sao ở đài Puncôvô, và đích đến là Đài thiên văn Trường đại học tổng hợp Matxcơva. Tại sao phải cần nhiều đồng hồ đến thế? Để tăng độ chính xác. Suốt 3 ngày đi đường xóc lọc cọc, có cái chạy chậm, có cái chạy nhanh, và người ta sẽ lấy giờ trung bình của chúng để đạt độ chính xác cao nhất.
Có một công thức thiên văn rõ rằng: hiệu số kinh độ của hai thành phố bằng hiệu số giờ địa phương hai nơi ấy. Người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Đài thiên văn Matxcơva, Đ. M. Pêrêvôsicôp đã đích thân so giờ Puncôvô (được chở trong 40 cái hòm!) với các ngôi sao bầu trời Matxcơva. Kết quả so sánh cho thấy thời giờ Matxcơva nhanh hơn 28 phút 58,4 giây. Điều đó có nghĩa là kinh tuyến Matxcơva ở phía đông kinh tuyến Xanh Pêtecbua với khoảng cách cung là 28 m 58,4 s, tức là 70 14'36". Sau đó các đồng hồ Xanh Pêtécbua lại lên đường về nơi xuất phát và lại được hiệu chỉnh, kiểm tra kết quả so sánh kinh độ hai nơi một lần nữa.
Hai năm trước đó, các đồng hồ này đã chu du trên tàu biển sang Grinuych (Luân Đôn) rồi quay về nhằm xác định kinh độ Pêtecbua. Ngày nay, để xác định kinh độ của một địa điểm, có thể bắt tín hiệu vô tuyến hoặc số liệu vệ tinh về giờ Grinuych, chứ trước kia, khi chưa phát minh ra tín hiệu vô tuyến, người ta phải chở đồng hồ đi đi về về như vậy. Đồng hồ hàng hải và kính lục phân là những dụng cụ chủ yếu của thuyền trưởng viễn dương.