Tài liệu: Bản đồ Mặt Trăng

Tài liệu
Bản đồ Mặt Trăng

Nội dung

BẢN ĐỒ MẶT TRĂNG

 

Ngay cả bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy trên Mặt Trăng những vệt tối (vết đen) với hình thái khác nhau. Có người cho rằng chúng giống mặt người có người lại cho chúng có hình hai người, những người khác lại nói chúng giống con thỏ. Vì thế Mặt Trăng được nhân cách hoá với nhiều tên gọi: Chị Hằng, Hằng Nga, Bà Nguyệt, Nguyệt lão. Truyện dân gian Việt Nam có sự tích thằng Cuội ngồi gốc cây đa (trên Mặt Trăng). Văn học Hán – Nôm xưa kia gọi Mặt Trăng là Ngọc thỏ.

Những vết đen này ngay từ thế kỷ XVII đã được gọi là biển bởi vì thời đó con người nghĩ là trên Mặt Trăng có nước và nếu vậy thì nó có cả biển cả và đại dương như ở Trái Đất.

Nhà thiên văn Italia, Giôvanni Rixiôli đặt cho chúng những cái tên mà ngày nay người ta vẫn gọi: Đại dương Bão Táp, Biển Mưa, Biển Lạnh, Biển Trong Sáng, Biển Yên Tĩnh, Biển Phì Nhiêu, Biển Khủng Hoảng, Biển Ẩm Ướt, Biển Hơi Nước, Biển Đông, Biển Mật Hoa, Biển Mây, Vịnh Sương. . . (Trong các bản đồ Mặt Trăng các tên gọi này thường được ghi bằng tiếng La tinh: Oceanus Procellarum, Mare lmbrium, Mare Frigoris, Mare Serenitatis, Mare Tranquillitatis, Mare Fecunditatis, Mare Crisium, Mare Humorum, Mare Vaporum, Mare Orientale, Mare Nectaris, More Nubium, Sinus Rosis  ..),…Những địa danh này phản ánh một quan niệm sai lệch từ xa xưa rằng Mặt Trăng ảnh hưởng đến thời tiết của Trái Đất. Và trong tên gọi Biển Khủng Hoảng muốn ám chỉ những thay đổi đột ngột của thời tiết chứ hoàn toàn không có nghĩa khủng hoảng kinh tế.

Những vùng sáng hơn trên Mặt Trăng được coi là lục địa.

Ngay từ năm l753 nhà thiên văn người Crôat là Rôgiơ Bôscôvich đã chứng minh được rằng Mặt Trăng không có khí quyển. Khi nó che khuất một ngôi sao thì sao này biến mất ngay lập tức, mà giá như Mặt Trăng có khí quyển thì ngôi sao phải mờ dần dần. Vậy có nghĩa là trên Mặt Trăng không thể có nước ở thể lỏng, bởi vì khi không có áp suất khí quyển nước sẽ bốc hơi rất nhanh.

Galilê đã phát hiện ra trên Mặt Trăng có núi. Trong số đó có cả những dãy núi thực sự và chúng được mang tên các dãy núi ở Trái Đất: Dãy Anpơ, Apennin, Pirênê, Cacpat, Capcadơ.

Nhưng trên Mặt Trăng còn có những ngọn núi đặc biệt: những núi hình vòng tròn (do đó trong tiếng Hán, chúng được gọi là hoàn hình sơn).

Chúng được gọi là núi miệng phễu túc crate (tiếng Anh: crater, tiếng Pháp: cratère, gốc tiếng Hy Lạp nghĩa là ''cái bát) hay còn gọi là vòng lõm (cirque). Dần dần từ ''vòng lõm'' mất đi, còn lại thuật ngữ ''crate'' (núi miệng phễu). Sách báo tiếng Việt thường gọi là crate là ''miệng núi lửa'' dễ gây nhầm lẫn vì nó chẳng dính dáng gì đến núi lửa cả (Dĩ nhiên, từ crater/cratère còn một nghĩa nữa chỉ miệng núi lửa hình phễu).

Rixiôli đưa ra ý tưởng lấy tên các nhà bác học lớn cổ đại và cận đại đặt  cho các crate. Từ đó trên Mặt Trăng xuất hiện crate, Platôn , Arixtôt, Acsimet, Arixtac, Eratôxthen, Hippac, Ptôlêmê và cả Côpecnic , Keple, Tychô (Brahê), Galilê. Rixiôli cũng không quên đưa cả tên mình vào. Ngoài những tên tuổi vĩ đại ấy còn có những cái tên mà ngày nay không thể tìm thấy trong các cuốn sách về thiên văn, chẳng hạn như tên Arixtilơ, Autolic, Langren, Thêophilơ. Nhưng ở thế kỷ XVII người ta biết các nhà khoa học này và nhớ đến họ.

Sau này ngoài những tên do Rixiôli đặt còn xuất hiện những tên mới khi nghiên cứu Mặt Trăng. Trên những bản đồ về sau của phía thấy được của Mặt Trăng được lưu danh các nhà bác học như Phlamxtit, Đêlăngđro, Piazi, Lagrănggiơ, Đacuyn (ý muốn nói về Gioócgiơ Đacuyn, người khởi xướng học thuyết về nguồn gốc của Mặt Trăng), Xtoruvê, Đêlilơ.

Sau khi các trạm tự động liên hành tinh của Liên Xô loạt ''Luna'' (Mặt Trăng) chụp được ảnh mặt sau của Mặt Trăng thì trên bản đồ Mặt Trăng có thêm các crate mang tên các nhà bác học và các nhà chinh phục vũ trụ Nga và Xô viết như Lômônôxôp, Txiôncôpxki, Gagarin, Côrôliôp (Côrôlep), Menđêlêep, Cuôchatôp,  Vecnatxki, Côvalepxcaia, Lêbêđep, Chêbưsep, Paplôp, còn trong số các nhà thiên văn có Blagiocô, Brêđikhin, Bêlôpônxki, Gladênap, Numerôp, Parênagô, Phêxencôp, Txêratxki, Stecnơbec.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/475-02-633331405719375000/Mat-Trang---ve-tinh-Vu-Tru-cua-chung-ta/Ba...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận