Tài liệu: Bảo tàng mỹ thuật

Tài liệu
Bảo tàng mỹ thuật

Nội dung

BẢO TÀNG MỸ THUẬT

 

- Bảo tàng Mỹ thuật: Nơi trưng bày, lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật, những vật phẩm có giá trị về văn hoá nghệ thuật của nhiều dân tộc thuộc nhiều quốc gia.

- Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức khai trương ngày 26 tháng 4 năm 1996 tại số nhà 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, trực thuộc viện Mỹ thuật- Mỹ nghệ của Bộ Văn Hoá. Tháng 10 năm 1972 Bảo tàng Mỹ thuật được chính thức công nhận là cơ quan trực thuộc bộ văn hoá. Hiện nay, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có thêm cơ sở hai tại Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa - Hà Nội. Bảo tàng Mỹ Thuật lưu giữ khoảng 14.000 hiện vật gồm tác phẩm và tranh, tượng, cổ vật và các loại hình Mỹ thuật khác. Trong đó có nhiều bộ sưu tập quý như: Mỹ thuật đương đại Việt Nam; tranh và tượng cổ Việt Nam; tranh lụa Nguyễn Phan Chánh, Mỹ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; tranh tượng về đề tài dân tộc; tranh về đề tài Bác Hồ; tranh về đề tài Cách mạng Việt Nam; tranh dân gian tranh thờ cổ Việt Nam, tranh cổ động chính trị và các sưu tập về Mỹ thuật thế giới (phiên bản) do UNESCO và các nước trao tặng.

 - Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh được thành lập ngày 5 tháng 9 năm 1987, ngày 5 tháng 2 năm 1997 được xếp Bảo tàng hạng l quốc gia. Toạ lạc tại toà thà số 97A phố Đức Chính, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ và trưng bày các tác phẩm Mỹ thuật tiêu biểu và sản  phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống xưa và nay thuộc khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nội dung trưng bày được chia làm hai phần Mỹ thuật cổ và Mỹ thuật đương đại. Phần Mỹ thuật cổ gồm các bộ sưu tập: Sưu tập các tác phẩm, vật phẩm nghệ thuật  thuộc các nền văn hoá cổ ở đồng bằng Nam bộ (từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13); điêu khắc đá của người Chăm, tượng nhà mồ của người Tây Nguyên; gốm cổ, gốm mỹ nghệ, tượng thờ cúng bằng nhiều chất liệu của người Việt, tượng thờ cúng bằng gỗ, đồng và vật dụng gốm của người Khơ me Nam bộ. . . phần Mỹ thuật đương đại gồm các bộ sưu tập. Tranh tượng của các hoạ sĩ châu Á, châu Âu từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20; tranh tượng của các hoạ sĩ Việt Nam từ đầu thế kỷ 20; Nguyễn Gia Trí với bức sơn mài ''Quốc bảo'' Vườn xuân Trung Nam Bắc, tranh tượng ký hoạ thời chống Mỹ. . .

- Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế

Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế (Bảo tàng Mỹ thuật cung, đình Huế) trước đây là bảo tàng Khải Định thành lập từ năm 1923, năm 1947 đổi tên là Tàng Cổ Viện, năm 1958 đổi tên là Viện bảo tàng Huế, năm 1979 đổi tên là Bảo tàng cổ vật Huế, từ tháng 9 năm 1995 chính thức mang tên Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế. Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế toạ tạc tại số 3 đường Lê Trực thành phố Huế, là nơi trưng bày và tàng trữ gần 9000 cổ vật quý giá gồm các tác phẩm nghệ thuật các vật dụng trong sinh hoạt, tín ngường, lễ nghi của triều đình nhà Nguyễn, các cổ vật Chăm pa, các tặng phẩm, thương phẩm từ quan hệ ngoại giao và thương mại Việt nam và các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Anh, Thái Lan… Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế là nơi bảo lưu đầy đủ nhất những hiện vật ghi dấu về cuộc sống cung đình triều Nguyễn.

Các hoạ sĩ tiên phong

Lê Văn Miến (1874 - 1943)  còn gọi là Lê Huy Miến người làng Kim Khê, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An. Dòng dõi quan lại nhà Nguyễn. Năm 1888 du học Pháp, tốt nghiệp trường thuộc địa nhưng không về nước làm quan mà xin ở lại theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris, năm 1895 Lê Văn Miến trở về nước, làm việc cho nhà in Seheider - Hà Nội, năm 1889 ông gặp Đào Tấn và làm thư ký cho Đào Tấn - lúc này Đào Tấn làm Tổng đốc An Tĩnh. Năm 1899 Lê Huy Miến làm đốc giáo (Hiệu trưởng) trường Pháp Việt - Vinh. Năm 1902 làm Hành tẩu Bộ công, giúp việc cho Đào Tấn (thượng thư Bộ công). Năm 1907 đến 1913 dạy vẽ và pháp văn tại trường Quốc học Huế, trải qua trợ giáo, đốc giáo trường Hậu Bổ (1915 - 1921) đến Tế Tửu Quốc Tử Giám (hiệu trưởng) (1921 - 1928). Năm 1929 vì mắt mờ xin nghỉ hưu, được thăng Lễ bộ thượng thư và tặng Bắc đẩu bội tinh. Học trò cụ Miến nhiều người nổi danh như Nguyễn Tất Thành, Lê Thước, Lê Đình Thám, Trần Trọng Kim, Võ Liêm Sơn, Ngô Đình Diệm ... tác phẩm tiêu biểu ''Bình văn'' hay còn gọi là ''Buổi học chữ nho xưa'' là một tác phẩm sơn dầu đầu tiên trong lịch sử hội hoạ cận đại Việt Nam, là ''một cái mốc” mà lịch sử mỹ thuật nước nhà chỉ có thể coi là thuận lợi và đẹp đẽ''. Ông còn để lại một số tác phẩm chân dung sơn dầu khác như: Chân dung cụ Nguyễn Khoa Luận, chân dung cụ Tú Mền, chân dung tổ phụ ông Hồ Liệu. Hoạ sĩ Lê Văn Miến được xem là người Việt Nam đầu tiên đã tiếp thu kỹ thuật sơn dầu và nghệ thuật tạo hình phương Tây và làm cho hội hoạ hiện đại Việt Nam có thêm 1/4 thế kỷ tuổi đời.

Victor Tardieu (1870 - 1937) Hoạ sĩ người Pháp, sinh ở thành phố Lyon trong một gia đình làm nghề buôn tơ lụa. Người có công lớn trong việc thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội) năm 1925, mở màn cho nền hội hoạ hiện đại Việt Nam. Tardieu tốt nghiệp trường Mỹ thuật Lyon, Mỹ thuật Paris. Năm 1902, tác phẩm sơn dầu khổ lớn ''Lao động'' được giải thưởng quốc gia Pháp, năm 1920 được giải thưởng Đông Dương được cấp tiền du lịch viễn đông trong sáu tháng. Đến Hà Nội năm 1921 ông vận động chính quyền thuộc địa cho ông mở trường, gửi hoạ sĩ Nam Sơn sang Pháp tu nghiệp, mời hoạ sĩ Pháp sang giảng dạy. Trường Mỹ thuật Đông Dương đem đến cho Mỹ thuật Việt Nam sự quy củ căn bản, giáo trình theo chính khóa của các trường lớp phương Tây đương thời. Ông Tardieu từng nói: người An Nam hoàn toàn đầy đủ năng khiếu trở thành những nghệ sĩ thực thụ''. Đường lối đào tạo của ông Tardieu là giúp các môn đệ xây dựng một nền Mỹ thuật có bài bản, kỹ thuật vững chắc dựa trên cái cốt lõi là truyền thống Á Đông, để học viên tự tạo ra một phong cách riêng đặc thù của xứ sở họ. Ông mất năm 1937 tại Hà Nội.

Nam Sơn (1890 - 1973). Tên thật là Nguyễn Vạn Thọ, quê ở huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Người đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương (cùng với Victor Tardieu ). Thời trẻ tự học vẽ theo lối Á Đông năm 1923 sang Paris tu nghiệp, các môn học về Mỹ thuật, Điêu khắc trang trí. Năm 1925 ông về Hà Nội tổ chức tuyển sinh cho trường Mỹ thuật Đông Dương, tham gia giảng dạy với tư cách là trợ giảng, sau đó là giáo sư chuyên ngành 1927 – 1945. Tác phẩm của ông là sự dung hoà giữa khuynh hướng cổ điển châu Âu và hội hoạ Trung Quốc, Nhật Bản, ông sáng tác trên 400 tác phẩm với các thể loại sơn dầu, lụa, màu nước, mực nho, chì son. Tác phẩm tiêu biểu: ''Chân dung mẹ tôi'' sơn dầu 1930 (tác phẩm Việt Nam đầu tiên được giải thưởng Quốc tế, huy chương bạc triển lãm quốc tế Mỹ thuật Paris); ''Chợ gạo bên sông Hồng” mực nho trên lụa 1930 (triển lãm hội hoạ Paris, tác phẩm Việt Nam đầu tiên được nhà nước Pháp mua và trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia); ''chân dung nhà nho'' sơn dầu 1923; ''Cò trắng và cá vàng'' khắc gỗ màu 1929. Ông còn viết ''Hội hoạ Trung Hoa'' in năm 1930 bằng tiếng Pháp ''Le peinture Chinoise''; Đề cương Mỹ thuật Việt Nam (bản thảo 1923).

 Nguyễn Phan Chánh (1892 - 1984). Người thôn Tiền Bạt xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tỉnh. Bút hiệu Hồng Nam, Năm 1922 tốt nghiệp trường Sư phạm. Đông Ba - Huế, dạy học ở Huế. Năm 1925, là sinh viên khoá đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương 1925-1930. Cùng học với Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung và Georges Khánh. Tác phẩm ''Chơi ô ăn quan'' nổi tiếng được vẽ năm 1931, những người mẫu là các em bé gái ở làng Kim Liên - Hà Nội. Ông là người khai sinh ra thể tranh lụa hiện đại độc đáo Việt Nam, là hoạ sĩ Việt Nam đầu tiên có tên trong từ điển Mỹ thuật Quốc tế, bức tranh vẽ sau cùng là bức ''Kiều tắm'' 1973. Ông mất ngày 22-11-1984, tại Hà Nội.

Tô Ngọc Vân (1906 - 1954) Người phố Hàng Quạt - Hà Nội. Học hết năm thứ ba trường Bưởi thì nghỉ và dự thi Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đỗ chính thức và học khoá 2 (1926-1931), khoa Sơn dầu. Ra trường vẽ và viết cho các báo Nhân loại, Phong Hoá. Ngày nay, Thanh nghị. Năm 1945 tham gia phong trào văn hoá cứu quốc. Hy sinh trong chiến dịch Điện Biên. Ông là một người học trò xuất sắc khi học ở trường Mỹ thuật, là người thầy uy tín nhất khi làm hiệu trưởng trường Mỹ thuật Trung ương (1950), có công đào tạo nhiều tài năng  hội hoạ cho đất nước. Tranh sơn dầu của Tô Ngọc Vân vừa dân tộc vừa hiện đại, ông được công nhận là hoạ sĩ nổi tiếng, tiêu biểu của nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Tác phẩm tiêu biểu: ''Thiếu nữ bên hoa huệ'' sơn dầu (1943), ''Hai  thiếu nữ và em bé'' (1944), ''Thiếu nữ với hoa sen'' (1944), ''Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ phủ'' sơn dầu (1946).

Nguyễn Đỗ Cung (1912 -1977) người huyện Từ Liêm - Hà Nội. Học khoá 5 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương 1929 - 1934. Ra trường dạy vẽ tại các trường tư thục, năm 1940 đi Nhật Bản nghiên cứu Sơn mài, năm 1945 hoạt động trong nhóm Văn hóa cứu quốc Là Viện trưởng Viện Mỹ thuật - Mỹ nghệ, Tổng biên tập Tập san Mỹ thuật (1962 -1973). Tác phẩm tiêu biểu: Chân dung Bác Hồ (mực Nho -1946), ''Du kích La Hay'' (Màu bột 1947), ''Học hỏi lẫn nhau'' (sơn dầu 1960).

 Các công trình nghiên cứu, phê bình Mỹ thuật.

''Những sự cải cách của trường Mỹ thuật Đông Dương'' 1939, ''Nghệ sĩ và kháng chiến'' 1948, ''Tranh luận về hội hoạ'' 1949, ''Giới thiệu một ít vốn cổ Mỹ thuật Việt Nam'' 1956, ''Vấn đề áp dụng vốn cũ dân tộc trong mỹ thuật'' 1960; khái quát về nghệ thuật cổ của nhân dân Việt Nam'' 1961, ''Những di sản kiến trúc cổ Việt Nam'' 1962, ''Mỹ thuật thời Tây sơn 1969, ''Điêu khắc dân gian Việt Nam'' 1975.

Trần văn Cẩn (1910-1994) người Kiến An - Hải Phòng, năm 1925 học trường Bách Nghệ - Hà Nội, năm 1930 làm việc ở Viện Hải Dương học Nha Trang, năm 1931 vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tốt nghiệp năm 1937. Tham dự nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Năm 1945 tham gia cách mạng là giảng viên trường Mỹ thuật Việt Nam (1946). Tổng thư ký hội Mỹ thuật Việt Nam 1958- 1983; chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam 1983-1989, viện sĩ viện Hàn lâm Mỹ thuật Cộng hoà Dân chủ Đức từ năm 1983. Tác phẩm tiêu biểu: ''Trong vườn'' sơn mài 1938, ''Em Thuý'' sơn dầu 1943, ''Gội đầu'' khắc gỗ 1943, ''Nắng trong vườn'' sơn dầu 1944, ''Mùa thu” sơn mài 1960, ''Tát nước đồng chiêm'' sơn mài 1958.

Bùi Xuân Phái (1921 - 1988) người làng kim Hoàng - Hà Đông, sinh viên khoá cuối cùng trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941 - 1945). Làm giảng viên trường Mỹ thuật Việt Nam (1956 - 1957). Bùi Xuân Phái bắt đầu vẽ đề tài phố và tham dự triển lãm Tokyo khi còn là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Cuộc đời nghệ thuật của ông nổi tiếng với tên gọi ''phố Phái - Phái phố''. Tác phẩm tiêu biểu của ông là loạt trang tranh vẽ phố cổ Hà Nội, tranh minh hoạ sách ''Hề chèo".

Nguyễn Sáng (1923 -1988) người làng Điền Hoà, Mỹ Tho, Tiền Giang. Năm 1936 - 1938 học trường Mỹ thuật Gia Định, năm 1941 - 1945 học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, chịu ảnh hưởng hội hoạ Phục hưng, Ý, Pháp. Tham gia cách mạng năm 1945 tại Hà Nội, tháng 10 năm 1945 vẽ mẫu giấy bạc cho bộ tài chính của chính phủ Lâm thời. Sống và làm việc ở miền Bắc suốt quãng đời hoạt động nghệ thuật, ông coi nghệ thuật cổ Việt- Nam là bậc thầy trực tiếp của mình và kết hợp nó với tinh hoa của trường phái hội hoạ hiện đại châu Âu, tạo ra một phong cách riêng tạo ảnh hưởng lâu dài đến các thế hệ sau. Được coi là hoạ sĩ thành công nhất về đề tài cách mạng. Tác phẩm tiêu biểu: ''Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ'' sơn mài 1963, ''Thiếu nữ ngày xuân'' sơn dầu 1945, ''Trong vườn chuối'' sơn mài, ''Giặc đói làng tôi'' sơn mài 1954. ''Nghỉ trưa'' sơn mài 1959, ''Vũ trụ" sơn mài 1985.

Diệp Minh Châu (1919 - 2002) người xã Nhơn Thạch, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre, học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 1940 - 1945. Du học tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Tiệp Khắc nghành Điêu Khắc (1951 - 1955). Năm 1955 đặc trách nghiên cứu về Bác tại phủ Chủ tịch. Năm 1975 về miền Nam. Thành viên thành lập Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều lần triển lãm trong và ngoài nước. Tác phẩm tiêu biểu: ''Trăng thu'' sơn dầu  1942, ''Phong cảnh Đồng Tháp Mười'' sơn dầu 1946, bác Hồ với thiếu nhi Bắc Trung Nam'' lụa 1947, ''Chủ Tịch Hồ Chí Minh và các cháu thiếu nhi'' tượng đài 1990, “Bác Hồ'' tượng đài 1996.

            Nguyễn Tư Nghiêm (sinh năm 19?2) tại Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Học khoá cuối trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941 - 1945). Năm 1944 đạt giải nhất triển lãm Duy Nhất (Saion Unique) Hà Nội với loạt tác phẩm sơn dầu và khắc gỗ (cổng làng Mía, Cảnh đồng quê, Người gác Văn miếu). Đạt nhiều giải thưởng trong nước và, quốc tế. Tác phẩm tiêu biểu ''Con nghé'' sơn mài 1957, ''Điệu múa cổ 1'' sơn mài 1985, ''Điệu múa cổ 2'' sơn mài 1987, ''Thánh gióng'' sơn mài 1990 và loạt tranh ''Con giống''. Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm hiện làm việc tại Hà Nội.

Lê Văn Đệ (1906 - 1966) người huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre. Tốt nghiệp khoá đầu trường Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1930), học trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris (1930 - 1933). Năm 1932 tại cuộc triển lãm Mỹ thuật Paris, các tác phẩm sơn dầu bà thầy bói ''Bến ga Montparmasse", ''Thiếu phụ chải đầu'' của Lê Văn Đệ được lưu ý với tài năng đặc biệt. Tại cuộc triển lãm nghệ sĩ Quốc gia Pháp năm 1934, ông được giải thưởng và được  cấp học bổng du học La Mã và Hy Lạp. Năm 1936 được cử làm hoạ sĩ điều hành tại toà thánh Vatican. Ông là người sáng lập là làm giám đốc trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gon từ năm 1954 đến 1966. Ông nghiên cứu loại tranh thủ ấn hoạ của Nhật Bản và các hoạ phái nguyên thuỷ châu Âu, nhưng ông đã tạo riêng phong cách mang tính dân tộc thâm trầm với không khí trang nghiêm phảng phất màu sắc tôn giáo. Nền Mỹ thuật miền Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều ở ông. Tác phẩm tiêu biểu: ''Trong gia đình'' sơn dầu 1943 (Viện bảo tàng Lucxembourg mua lúc triển lãm 1934), ''Tình mẫu tử''' lụa 1934 (Viện Bảo tàng Aix Le Chapelle – Đức mua lúc triển lãm 1934), ''Thánh mẫu nhân từ'', ''Thánh mẫu Madelelne'' (Bảo tàng nghệ thuật Công giáo Vatican), ''Nắng hè'' lụa 1954. Trong lịch sử Mỹ thuật, Lê Văn Đệ được nhắc đến như một hoạ sĩ bậc thầy và tiêu biểu cho khuynh hướng hội hoạ cổ điển và tân cổ điển Việt Nam.

            Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) người Hà Tây học khoá 5 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1929- 1934), nghỉ hai năm và tốt nghiệp khoá 7 (1936). Mặc dù vẽ sơn dầu vào loại xuất sắc, nhưng ông đã giành hết tâm huyết cho tranh sơn mài. Ông là người có công lớn trong việc đưa kỹ thuật sơn mài vào sáng tác tranh nghệ thuật. Nguyễn Gia Trí là người dẫn đầu thời kỳ cực thịnh của sơn mài những năm 1938 - 1944. Tác phẩm tiêu biểu: ''Bên hồ Hoàn Kiếm'' 1940, ''Vườn Xuân'' 1940, ''Thiếu nữ bên cây phù dung''  1944, ''Lùm tre'' 1938, ''Vườn Xuân Trung Nam Bắc'' (vẽ vào những năm cuối đời).

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/310-26-633353219235547500/My-thuat---Kien-truc-Viet-nam/Bao-tang-my-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận