Tài liệu: Các thể loại tranh ở Việt Nam

Tài liệu
Các thể loại tranh ở Việt Nam

Nội dung

CÁC THỂ LOẠI TRANH Ở VIỆT NAM

 

v     SƠN MÀI

Là cách gọi phối hợp giữa chất liệu (Sơn) và động tác kỹ thuật (Mài). Dựa vào các hiện vật khảo cổ thì các vật dụng có sử dụng chất liệu sơn đã có ở nước ta vào khoảng 2500 năm trước. Sơn được trích từ cây sơn, cây sơn mọc nhiều ở vùng trung  du Bắc bộ, nhiều nhất là ở Phú Thọ. Người xưa dùng sơn chế từ nhựa cây sơn (gọi là sơn ta) để phủ lên các vật dụng hoặc đồ thờ cúng bằng gỗ, gốm... nhằm làm tăng độ bền và sau đó phát triển dần sang tính trang trí, vẽ thêm những đường nét, hoa văn, hình tượng thấy được trong tự nhiên. Nghề sơn truyền thống chỉ giới hạn bởi các màu nền đen, đỏ sen, nâu cánh gián và các hoạ tiết vàng, bạc. Các nghệ nhân làm nghề sơn gọi là nghề ''sơn son thiếp vàng''. Khoảng năm 1930 các hoạ sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương như Trần Quang Trân, Phạm Hậu, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí … đã phối hợp với nghệ nhân Đinh Văn Thành tiến hành thử nghiệm, đưa kỹ thuật sơn son thiếp vàng vào làm tranh nghệ thuật. Thuật  ngữ ''Sơn mài'' và ''tranh Sơn mài'' có từ đó.

v     TRANH SƠN MÀI

Tranh vẽ trên nền vóc gọi là tranh Sơn mài. Vóc là ván gỗ hoặc ván ép được sơn nhiều lần và bọc nhiều lớp vải, mỗi lần sơn bọc một lớp vải, ủ khô và mài phẳng. Quy trình thực hiện một tấm vóc gồm nhiều công đoạn tỉ mỉ, phức tạp mất khoảng 20 đến 30 ngày với số lần sơn và bó vải từ 8 đến 10 lần. Vóc thường do thợ sơn lành nghề thực hiện. Hoạ sĩ dùng sơn ta để trộn các loại bột màu, phối hợp với các loại vàng, bạc, vỏ trứng . . . để thực hiện tác phẩm. Ngoài trình độ nghệ thuật, hoạ sĩ Sơn mài phải có một tranh độ kỹ thuật rất cao. Qua nhiều lần vẽ, hong khô, mài phẳng. Sau khi định hình tác phẩm, bức tranh được phủ lên một lớp sơn sau cùng, hong khô (ủ kín) và mài để màu sắc hiện ra, mài phải rất cẩn thận vì nếu để lộ phần vóc tranh ra thì xem như hỏng. Mài xong dùng tay xoa bột than để mặt tranh bóng dần. Thời gian thực hiện một tác phẩm có kích thước nhỏ, đơn giản cũng phải mất từ 15 đến 20 ngày. Những tác phẩm lớn có khi phải mất vài tháng, vài năm.

v     TRANH SƠN DẦU

Còn gọi là tranh màu dầu hoặc tranh dầu. Là loại tranh vẽ lấy chất liệu vẽ để làm tên gọi. Sơn dầu có nguồn gốc từ phương Tây, được du nhập vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Hoạ sĩ Lê Văn Miến là người Việt Nam đầu tiên học kỹ thuật vẽ màu dầu tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris, ra trường và về nước năm 1895. Năm 1925, trường Mỹ thuật Đông Dương khai giảng môn hội hoạ Sơn dầu là một trong các môn học chính.

Vẽ tranh Sơn dầu có thể sử dụng nhiều loại mặt nền như vải, gỗ, giấy, kính, kim loại  nhưng phổ biến và được các họa sĩ chuộng nhất là mặt nền vải bố làm từ sợi lanh, sợi bông do phương Tây sản xuất.

 Từ khi được phổ biến ở Việt Nam, Sơn dầu nhanh chóng được đa số  hoạ sĩ yêu thích, đặc tính ưu việt của nó giúp hoạ sĩ thực hiện được những ý tưởng sáng tạo phức tạp nhất.

v     TRANH LỤA

Là loại tranh lấy mặt nền để vẽ làm tên gọi. Lụa vẽ thích hợp nhất là loại lụa tơ tằm, mịn hoặc hơi thô, dệt thủ công hoặc dệt máy. Màu dùng để vẽ thường là màu nước và mực nho, tuỳ theo phong cách riêng của từng hoạ sĩ có khi sử dụng thêm phẩm màu, màu bột, phấn màu. . . Nguyên tắc chung khi vẽ lụa là không đắp màu dày, phải để thớ lụa phô vẻ óng ánh vốn có của nó. Tranh lụa có cái đẹp dịu dàng thâm trầm đem đến cho người xem một cảm giác dễ chịu, sâu lắng và thanh thoát. Trang chân dung Nguyễn Trãi và chân dung Phùng Khắc Khoan là hai bức tranh lụa xưa thất ở nước ta, có từ đời Lê (chưa rõ tác giả). Tranh nghệ thuật vẽ trên lụa được hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh thử nghiệm thành công khi ông học ở trường Mỹ thuật Đông Dương khoảng thập niên 30 thế kỷ 20 và ông được xem là người khai phá loại hình tranh lụa hiện đại Việt Nam. Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh mang phong vị đặc biệt Việt Nam, đồng thời phù hợp với quan niệm hội hoạ hiện đại phương Tây. Các hoạ sĩ kế tiếp như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu đã góp thêm phần làm phong phú hoàn hảo kỹ thuật vẽ tranh lụa, và làm cho nghệ thuật tranh lụa Việt Nam có một vị thế đặc biệt độc đáo, không thể lẫn với tranh lụa Trung Quốc hay Nhật Bản.

v     TRANH KHẮC GỖ  (còn gọi là tranh mộc bản)

Dùng kỹ thuật khắc ván để tạo những đường nét, hình ảnh mà hoạ sĩ mong muốn sau đó lấy bản gỗ khắc được in lên nền giấy, bức tranh giấy có được gọi tà tranh khắc gỗ. Tranh khắc gỗ có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất phát từ kỹ thuật in chữ rời để tạo thành sách ở nước ta các nghệ nhân in tranh dân gian đã dùng phương pháp khắc gỗ ván để in thành tranh  với số lượng lớn. Các hoạ sĩ đã học tập cách làm trong dân gian để thực hiện các tác phẩm nghệ thuật, chất gỗ và thớ gỗ tạo nhiều thuận lợi cho hoạ sĩ tìm hiểu và sáng tạo. Tranh in gỗ nét không bị cứng, không sắc cạnh, màu sắc xốp và tạo nhiều hiệu quả bất ngờ, làm sinh động ngôn ngữ hội hoạ. Các tác phẩm tranh khắc nổi tiếng như ''Gội đầu'' của Trần Văn Cẩn, ''Đi mưa'', ''Chị bán rươi'' của Nguyễn Gia Trí, ''Hai cô gái Mường'' của Nguyễn Văn Tỵ), “Thuyền trên sông Hồng'' của Đỗ Đức Thuật, ''Ngày chủ nhật'' của Nguyễn Tiến Chung, ''Hái cà phê'' của Lương Xuân Nhi . . . là những tác phẩm nghệ thuật cỏ giá trị không kém các tác phẩm thuộc thể loại Sơn dầu, Sơn màu hay tranh lụa. Bộ tranh khắc gỗ về phong tục Việt Nam đồ sộ nhất ở nước ta thuộc về bộ tranh trong tác phẩm ''Kỹ thuật của người An Nam'' gồm 4577 bản vẽ khắc gỗ của Henri Oger thực hiện khoảng năm 1908 đến 1909 tại Hà Nội.

v     TRANH GIẤY DÓ

Loại tranh được vẽ lên nền là Giấy Dó. Giấy Dó là một loại giấy truyền thống do người Việt làm ra, có độ bền, dẻo dai, hút nước nhanh, màu ngà vàng, được làm bằng phương pháp thủ công với nguyên liệu chủ yếu là vỏ cây Dó. Ngày xưa giấy dó dùng để in sách viết chữ nho hoặc in tranh dân gian, khoảng tháng năm 30 thế kỷ 20 các hoạ sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương sử dụng để vẽ ký hoạ, phác thảo, sau phát triển dần thành một thể loại tranh độc lập. Chất liệu để vẽ lên rền giấy dó là mực nho, màu nước, phẩm màu, bột màu. Giấy Dó là một sản phẩm thủ công đặc trưng của Việt Nam, nên tranh Giấy Dó được các hoạ sĩ ưa thích khi xây dựng những tác phẩm thuộc đề tài truyền thống dân tộc. Vài mươi năm nay tranh Giấy Dó Việt Nam được giới sưu tập trong và ngoài nước chú ý. Các hoạ sĩ khai thác thành công thể loại tranh Giấy Dó có thể kể: Nguyễn Doãn Tuân với các bức ''Mài Sắn'' 1957, ''Tre và chuối'' 1961; Nguyễn Hoành với bức ''Bến lu Lái Thiêu''; Đỗ Đức với ''Thị trấn ven rừng'' 1995; Trần Nguyên Đán với bức ''Hội An'' 1996.

v     TRANH MÀU NƯỚC

Tranh dùng chất liệu là màu nước để thực hiện. Màu nước có nguồn gốc từ phương Tây, được chế tạo từ những màu bột khô loại mịn nhất, nghiền đều với các chất kết dính và hoàn chỉnh dưới dạng keo sền sệt đựng trong ống thiết mềm hoặc nén dưới dạng bánh khô thành thỏi vuông hoặc tròn. Màu nước có đặc tính trong trẻo, nhẹ nhàng, pha bằng nước lã, vẽ từ nhạt đến đậm dần, pha màu bằng cách chồng màu lên nhau. Khi vẽ tranh màu nước không vẽ dày quá hoặc dì đi đi lại nhiều lần để tránh vẩn đục mặt tranh. Giấy vẽ mầu nước có loại đặc chủng dành riêng, dày, xốp, mặt thường ráp nhiều hoặc ít. Màu nước còn được dùng để vẽ trên lụa (gọi là tranh lụa), dùng để vẽ ký hoạ, vẽ các mẫu trang trí. Ở châu Á, màu nước còn được dùng để vẽ trên Giấy Dó (gọi là tranh Giấy Dó) như ở Việt Nam, và vẽ trên giấy xuyến chỉ (gọi là tranh Thuỷ mặc có điểm mầu) như ở Trung Quốc. Màu nước là chất liệu quen thuộc đối với học sinh, vì thường được dùng để học tập môn hội hoạ trong nhà trường.

v     TRANH MỰC NHO

Mực Nho còn gọi là mực Tàu (do người Trung Quốc làm ra) có màu đen nhánh, tranh mực Nho thường chỉ dùng để ký hoạ hoặc vẽ các mẫu trang trí. Mực Nho thường được nén thành thỏi (vuông, tròn, trụ, chữ nhật) khi vẽ phải mài vôi nước trong một vật đựng bằng đá (nghiên). Mực Nho ngày nay còn được sản xuất ở dạng nước, đựng trong lọ, khi dùng chỉ chế ra chén. Mực Nho ngày xưa dùng để viết chữ nho, từ đó mà có tên gọi là mực nho. Mực nho vẽ được lên vải, lụa, giấy dó giấy xuyến chỉ và giấy của phương Tây, khi vẽ mực nho có thể dùng bút lông Tàu hoặc dùng bút lông của phương Tây. Các hoạ sĩ thường sử dụng mực nho để ký hoạ, vẽ chân dung, ít khi xây dựng một tác phẩm lớn. Bức tranh mực nho vẽ trên vải ''Chợ gạo bên sông Hồng'' của lão hoạ sĩ Nam Sơn vẽ năm 1930 là một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu ở Việt Nam, trong cuộc triển lãm nghệ thuật ở Paris, bức tranh ấy đã được nhà nước Pháp mua và bày ở nhà Bảo tàng Quốc gia Pháp.

v     TRANH MÀU BỘT

Màu bột là màu khô ở dạng bột, khi vẽ pha với keo hoặc hồ. Màu bột thường dùng là bột hoá chất, lấy từ các khoáng chất như trắng kẽm, lam Cô ban (cobalt) đỏ Camium (Cadmium), vàng Crôm (Chrome) ...  Màu được nghiền (ít hoặc nhiều tuỳ theo màu) bằng bút lông hoặc pha màu trên bảng pha màu trước khi vẽ. Màu bột khi vẽ có hiệu quả riêng, đậm hơn màu nước, tươi trong hơn màu dầu lại có vẻ mềm mại mát mắt. Màu bột không được vẽ dày quá dễ bị bong tróc hoặc rạn nứt. Màu bột có thể vẽ lên giấy, bìa cứng, vải, gỗ. . . Nếu vẽ lên giấy mỏng thì phải bồi giấy lên mặt ván phẳng.

v     TRANH MÀU GOÁT

Goát là loại màu bột khô đã được nghiền kỹ trộn với nước và keo theo một tỷ lệ vừa phải thành một chất màu sền sệt. Màu Goát thường được đựng sẵn trong hộp nhựa hoặc lọ thuỷ tinh. Khi vẽ chỉ pha với nước hoặc chút keo. Khả năng diễn tả của màu Goát gần giống màu bột khô, có thể vẽ đẩy sâu di kỹ, chồng màu, rửa đi vẽ lại . . . Màu Goát rất tiện lợi khi dùng để vẽ trang trí.

v     TRANH PHẤN TIÊN - (pastel)

Còn gọi là phấn màu, phấn tiên được pha chế sẵn và nén thành thỏi dài như viên phấn viết bảng. Màu sắc của phấn tiên không giống màu bột và màu nước, nó có màu sáng, dịu và  xốp hơn. Phấn tiên để vẽ tranh có hai loại, phấn khô và phấn dầu, phấn màu khô vẽ lên giấy hơi dày và xốp để màu dễ bám chắc, khi vẽ xong phải phun lên một lớp keo mỏng để tránh rụng phấn và nhòe màu. Phấn màu dầu tiện sử dụng hơn, có thể vẽ lên nhiều loại giấy thông thường, màu bám chắc và có độ bóng. Phấn màu dầu là loại chất liệu thông dụng của học sinh nhỏ, các bé trường mầm non, mẫu giáo.

v     KÝ HOẠ

Vẽ tranh một hình mẫu trước mắt bằng những đường nét đơn giản, diễn tả được đặc điểm, hình dạng cử chỉ hoạt động của người, vật, hoặc cảnh vật diễn ra trong thực tế. Đối với các hoạ sĩ, ký hoạ là cách lấy tài liệu hay nhất, vừa lưu giữ được những hình ảnh sẽ đi qua vừa luyện được kỹ năng linh hoạt trong bút pháp. Bức ký hoạ tốt, và sinh động cũng được coi là một tác phẩm hoàn chỉnh.

v     TRANH THUỶ MẶC

Tranh có nguồn gốc từ Trung Quốc, ban đầu chỉ dùng mực pha với nước để vẽ lên lụa hoặc giấy, mực và nước theo tỷ lệ khác nhau cho các sắc độ khác nhau nên tranh thuỷ mặc cũng sinh động như tranh màu. Về sau, tranh thuỷ mặc được điểm thêm các màu nhẹ, cũng gọi theo tên ban đầu là tranh thuỷ mặc. Người Trung Quốc sở trường lối vẽ thuỷ mặc do có truyền thống lâu đời. Hoạ sĩ Tề Bạch Thạnh chỉ dùng sắc độ đậm nhạt của mực vẽ những bức tranh Tôm, Cua sống động nhảy nhót như thật. Tranh Thuỷ mặc và thư pháp là nghệ thuật độc đáo và tiêu biểu trong nền văn hoá Trung Hoa.

v     THƯ PHÁP

Thuật viết chữ đẹp. Dùng bút lông viết chữ lên nền giấy xuyến chỉ hoặc lụa diễn tả chữ viết thêm góc độ nghệ thuật. Các thể chữ thường dùng để thực hiện một bức thư pháp là Triện, Lệ, Khải (Chân), Hành, Thảo. Tạo nét chữ đẹp, sinh động, sắp xếp các chữ, các dòng chữ theo bố cục truyền thống hoặc sáng tạo, có sức hấp dẫn người xem thì được xem là một tác phẩm thư pháp. Thư pháp khắc với một văn bản chép chữ hoặc viết chữ thông thường (như một văn bản hành chính, một trang sách... ).

v     TRANH TRANG TRÍ

Một thể loại tranh ít tạo khối, không diễn tả ánh sáng, ít diễn tả chất, ít chú ý đến bút  pháp, nét và hình tượng thường được cách điệu khá trau chuốt. Trong tranh trang trí màu được sử dụng theo dạng phẳng, chủ yếu là biến đổi hình thể cho phong phú, kết hợp với đường nét chọn lọc. Màu sắc trong tranh trang trí thường tươi, sáng, có thể dùng màu nguyên chất, chủ yếu khai thác sự tương phản phong phú của màu sắc và hình thể để gợi lên vẻ đẹp của ánh sáng và không gian trong tranh. Tranh trang trí như đã trình bày là tranh nghệ thuật mang phong cách trang trí hoặc trong tranh có nhiều yếu tố trang trí. Còn một cách hiểu khác là tranh trang trí và một loại tranh dùng để trang trí cho một địa điểm hay một thời điểm nào đó, để làm đẹp cho một không gian nhất định, như là với mục đích sử dụng cho phù hợp với không gian kiến trúc.

v     TRANH DÂN GIAN

Tranh có nguồn gốc từ dân gian, do các nghệ nhân và những người thợ ở các làng nghề làm tranh làm ra, có lịch sử lâu đời và phân bố rải rác khắp cả nước. Nổi tiếng hơn cả là tranh làng Đông Hồ, thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh; tranh Hàng Trống, Kim Hoàng ở Hà Nội và tranh làng Sình ở xã Phú Mậu huyện Phú Vang (Hương Phú )tỉnh Thừa Thiên Huế. Tranh dân gian phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người bình dân, nhu cầu làm đẹp nhà cửa trong dịp lễ tết, có vẻ đẹp bình dị chất phác, thường được sản xuất hàng loạt theo lối in khắc gỗ. Đề tài trong tranh dân gian thường là chúc tụng, thờ cúng, cảnh vật, lịch sử, sinh hoạt xã hội, châm biếm đả kích hay tuyên truyền cổ động. Tranh dân gian có đặc tính chung là màu sắc tươi vui, đường nét đơn giản, có cái đẹp hồn nhiên. Nhiều bức như: Tranh gà, tranh lợn, thầy đồ cóc, Chuột vinh quy. . . đã trở nên thân quen thú vị, trẻ con, người lớn, bình dân, trí thức khi xem đều thầy thích thú bởi sự giản dị, hóm hỉnh của nó.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/310-26-633353218749766250/My-thuat---Kien-truc-Viet-nam/Cac-the-loai...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận