Tài liệu: Mỹ thuật kiến trúc Việt Nam

Tài liệu
Mỹ thuật kiến trúc Việt Nam

Nội dung

Mỹ thuật  kiến trúc Việt Nam

 

Mỹ thuật Việt Nam phát nguồn từ thời tiền sử, sự nhận thức của con người đối với thế giới xung quanh tạo tiền đề cho sự hình thành và phát triển ý thức nghệ thuật. Những nét khắc vạch, những hình tượng đơn giản được thực hiện nhằm thông tin hoặc lưu giữ sự kiện thủa ban sơ dần dần được thực hiện với một ý thức thẩm mỹ. Qua các hiện vật khảo cổ thuộc nền văn hoá Phùng Nguyên, Đông Sơn cách nay khoảng 3000 năm đến 4000 năm người ta thấy được những nét khắc vẽ từ đơn giản đến tinh xảo dần. Mặt trống đồng là đại diện tiêu biểu nhất của nghệ thuật điêu khắc, ý thức xây dựng bố cục trang trí của người Việt thời cổ đại. Kiên trúc cổ đại còn lại vết tích mà nay biết được là thành Cổ Loa với chiều dài hơn 16 kém (ba vòng thành).

Nền Mỹ thuật cổ truyền của nước ta, từ di chỉ Lạnh Trường (Thanh Hoá) đến thời đại Đại La (Hà Nội), thời nhà Lý, Trần và các thành quách cung điện nay còn khá nguyên vẹn của Hậu Lê, thời Nguyễn cho thấy sự hài hoà giữa kiến trúc, điêu khắc và hội hoạ.

v     MỸ THUẬT THỜI LÝ

Vào thời Lý, nghệ thuật Phật giáo rất phồn thịnh, chùa Dám (Hà Bắc), Tháp Bảo  Thiên (Hà Nội), tháp Sùng Thiện (Hà Nam), tháp Chương Sơn (Hà Nam), chùa Một Cột (Hà Nội). . . là những công trình quy mô và đạt trình độ nghệ thuật cao. Kinh thành Thăng Long và các công trình phụ xung quanh có quy mô vượt cả thời sau, là một công trình thành luỹ lớn nhất trong các triều đại lịch sử. Mỹ thuật điêu khắc trên đá và trên gốm vào đời Lý đạt trình độ kỹ thuật điêu luyện, phong cách nghệ thuật đặc sắc. Đề tài chạm trổ thường mô tả thiên nhiên với những hoạ tiết mây, sóng nước, hoa sen, hoa cúc kiểu thức hoá trong những vòng cành xoắn ốc kép lớn, lá hình phẩy, hình thú vật như rồng, voi, trâu; sư tử cá sấu hoặc mô tả hình người với hình nhạc công, vũ nữ ca múa, bố cục gọn đẹp và cân xứng nhưng không trùng lặp đơn giản. Nét chạm trổ tinh tế đến từng chi tiết mà vẫn thanh thoát linh động.

v     MỸ THUẬT THỜI TRẦN

Mỹ thuật thời Trần là bước phát trển mới, tiếp tục quá trình Mỹ thuật thời Lý. Có phần ảnh hưởng văn hoá nghệ thuật phương Bắc. Nho giáo du nhập, quan điểm thẩm mỹ có phần hiện thực hơn và phóng khoáng hơn. Tháp Phổ Minh (Nam Định) và Bình Sơn (Vĩnh Phú) là những công trình kiến trúc có giá trị. Những bức chạm gỗ chùa Thái Lạc (Hải Hưng) với đường nét trau chuốt sinh động, gần với nghệ thuật Trung Hoa hơn mỹ thuật Chăm pa như dưới triều Lý. Những con rồng chạm ở cánh cửa gỗ chùa Phổ Minh là những tác phẩm điêu khắc tinh tế và độc đáo, thân mình chắc, các kiểu thức trang trí xung quanh gần gũi với thế giới hiện thực. Hổ đá ở lăng Trần Thủ Độ (Thái Bình) có mảng khối rắn chắc, trong tư thế thoải mái mà không mất tinh thần mạnh mẽ.

Đồ gốm đời Trần phát triển thịnh đạt cả về Mỹ thuật và kỹ thuật, tạo một điểm nhấn đặc biệt trong lịch sử gốm Việt Nam. tiêu biểu là các loại gốm hoa nâu, gốm men ngọc, gốm họa lam…

Hội họa đời Trần với dạng thức một bức vẽ độc lập trên vải (hoặc giấy) bắt đầu được chú ý thời kỳ này sử sách nói đến các bức tranh chân dung (các công thần). Sự có mặt của hội  hoạ trong nghệ thuật tạo hình đã góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền mỹ thuật dân tộc. Các phù điêu chạm khắc đời Trần có tuyến điệu mềm mại, uyển chuyển nhiều chi tiết, hoạ tiết gần gũi với hội hoạ.

v     MỸ THUẬT ĐỜI LÊ

Thời đại nhà Lê là thời kỳ dài nhất trong lịch sử các triều đại, có nhiều chuyền biến  lớn trong xã hội Việt Nam. Nghệ thuật thời Lê sơ và Lê mạt về tính chất và trình độ khác nhau rất xa. Thời Lê sơ các công trình kiến trúc không phải là chùa tháp như thời Lý, Trần, mà phần nhiều là kiến lập văn miếu (do ảnh hưởng sâu đậm của văn hoá Khổng giáo) và Lăng Tẩm. Điện Kính Thiên ở Hà Nội và Lam Kinh ở Thanh Hoá có sự biến đổi rõ rệt các dạng thức hoa văn trang trí. Rồng khoẻ hơn, có thêm sừng, lông gáy tua tủa và chân có năm móng do ảnh hưởng của rồng đời Minh (Trung Hoa), thời Lê Mạt (thế kỷ 16-17) việc xây dựng đền chùa phát triển trở lại, nghệ thuật tôn giáo cũng theo đó mà đạt một trình độ rất cao. Những Tam Quan đình Hạ Hội (Bắc Ninh), chùa An Định, Đình làng Đình Bảng, văn miếu Hà Nội… là những di tích đẹp Chùa Keo (Thái Bình), đình Chu Quyến (Sơn Tây) là những công trình hoàn hảo về nhiều mặt, tính dân tộc được thể hiện rõ rệt.

Các loại hình mỹ thuật trong dân gian thời Lê mạt có nhiều bước đột phá, gốm Bát Tràng, nghệ thuật chạm khắc gỗ, nghề đúc đồng đạt trình độ rất cao.

Tranh vẽ thời Lê là dấu ấn mà nay chúng ta còn thấy được như chân dung Nguyễn Trãi, chân dung Phùng Khắc Khoan … một số tranh đề tài sinh hoạt xã hội, tranh thập điện chùa Thầy.

v     MỸ THUẬT THỜI NGUYỄN

Từ ngày các chúa Nguyễn vào trấn phương Nam, nền mỹ thuật đã tỏ ra có một trình độ nhất định, các công trình kiến trúc như chùa Linh Mụ (1601) chùa Quốc Ân (1691) là những di tích tiêu biểu. Nhưng phải đợi đến khi Gia Long lên ngôi (1802) thì nền mỹ thuật thời Nguyễn mới thật sự tạo được dấu ấn riêng biệt, độc đáo, tuy có ảnh hưởng nhiều bởi văn hoá Trung Hoa song những công trình kiến trúc vẫn tạo được bản sắc riêng. Cung điện và Lăng tẩm triều Nguyễn đồ sộ, quy củ phối hợp với cảnh quan thiên nhiên chặt chẽ và hài hoà. Kính thành Huế từ tổng thể đến các công trình từng phần đều thể hiện một trình độ thẩm mỹ rất cao, phối hợp hài hoà các yếu tố kiến trúc điêu khắc, hội hoạ và giải pháp không gian. Kiến trúc dân gian đời Nguyễn đạt đỉnh cao với các công trình nhà Rường, Đình làng, phối hợp nhuần nhuyễn với nghệ thuật chạm trổ, được coi là những tác phẩm nghệ thuật về kiến trúc. Hội hoạ thời Nguyễn có một bước tiến rõ rệt do phần nào tiếp thu nghệ thuật Tây phương, ngoài các nghệ nhân điêu luyện trong việc vẽ trang trí đã bắt đầu xuất hiện các hoạ sĩ có trình độ, có khả năng hội nhập với nền hội hoạ hiện đại của thế giới, như Lê Huy Miến, Lương Quang Duyệt, Tôn Thất Sa, Tôn Thất Đào, Trần Phềnh . . .

v     MỸ THUẬT HIỆN ĐẠI

Mỹ thuật Việt Nam hiện đại được tính từ khi trường Mỹ thuật Đông dương thành lập năm 1925. Và có vai trò quyết định đối với sự hình thành nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Trước đó vào tháng năm đầu thế kỷ 20, các hoạ sĩ Lê Huy Miến, Trần Phềnh đã manh nha gieo rắc những hạt giống ''nghệ thuật hội hoạ mới'', những tác phẩm ít ỏi của họ đang được coi là những bước đi đầu tiên của Mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Trường Mỹ Thuật Đông Dương, với sự sáng  lập của ông Victor Tardieu (người Pháp) và hoạ sĩ Nam Sơn (người Việt Nam). Năm đầu tiên mở dạy hai ban điêu khắc và hội hoạ, năm 1926 mở thêm ban kiến trúc, năm 1930 mở thêm ban sơn mài. Ban Hội hoạ, điêu khắc và  Sơn mài do các thầy V.Tardieu, J. lnguimberty, Nam Sơn, Geoges Khánh (Nguyễn Gia Khánh) hướng dẫn. Ban kiến trúc do ông M . Roger và ông Cruze. Môn Thẩm mỹ và lịch sử Mỹ thuật do các giáo sư trưởng Viễn đông Bác Cổ. Môn Cơ thể học thì các sinh viên qua học ở viện Pasteur. Đường lối giảng huấn là phối hợp nghệ thuật Tây phương (nặng về hoạ phái  tân cổ điển Gauguin) với nghệ thuật Á Đông (Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ) để tạo thành một nền nghệ thuật mới lạ cho Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Ông V. Tardieu thường khuyên học trò mình phải biết khai thác vốn Mỹ thuật cổ truyền của dân tộc, xây dựng một đường lối nghệ thuật có riêng bản sắc. Các sinh viên trong các khoá trở thành những hoạ sĩ có tài và có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều thế hệ như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh,  Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Trần Văn Cẩn, Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái. . . các hoạ sĩ chuyên về sơn mài và đưa sơn mài Việt Nam đến đỉnh cao như: Trần Quang Trân, Phạm Hậu, Nguyễn Gia Trí. . . các nhà điêu khắc nổi bật Nguyễn Gia Khánh, Vũ Cao Đàm, Trần Văn Lắm, Nguyễn Thị Kim. Không khí của một nền mỹ thuật mới tác động đến nhiều mặt của xã hội, nâng cao dân trí và trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Các văn đoàn (như Tự Lực Văn Đoàn ngày nay) gây phong trào giáo dục mỹ cảm, ca ngợi nghệ thuật nước nhà, ca ngợi các hoạ sĩ, mời các hoạ sĩ như Tô Ngọc Vân, Trần Bình Lộc cộng tác. Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Văn Tỵ.Viết xong tham gia nhóm Tiền phong, Nguyễn Đức Nùng, Trần Phềnh giúp hoá trang, trang trí cho các đoàn kịch, ca kịch. Văn Đẩu, Mạnh Quỳnh khuếch trương tiểu công nghệ. Cát Tường mở nhà may, sáng chế các kiểu áo mới cho phụ nữ... Hoàng Lập Ngôn giao du từ Hà Nội tới Huế ghé các thị trấn vẽ tranh, bày tranh và diễn thuyết võ nghệ thuật và hội họa. . .

Các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế đều có tranh của các hoạ sĩ Việt Nam, những tác phẩm sơn mài, lụa, sơn dầu bắt đầu gây được sự chú ý. Năm 1950 mở trường Mỹ thuật kháng chiến tại Việt Bắc do Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, năm 1954 lập hệ cao đẳng tại trường Mỹ thuật Sài Gòn (hệ trung học ra đời từ năm 1913) do hoạ sĩ Lê Văn Đệ làm hiệu trưởng. Năm 1957 lập trường Cao Đẳng Mỹ thuật Huế, Hiệu trưởng là hoạ sĩ Tôn Thất Đào. Sự phát triển liên tục hơn 30 năm với các lớp hoạ sĩ có bài bản, luôn tìm tòi khai thác, đã khẳng định được một phong cách Mỹ thuật Việt Nam có bản sắc riêng, tuy non trẻ nhưng đã gây được tiếng vang trên thế giới. Thành tựu của 50 năm kế tiếp - xét về bình diện chung - chưa tạo được bước đột phá mới mẻ, vẫn đang trên đường thử nghiệm, các hoạ sĩ có thành tựu vẫn muốn tìm tòi khám phá để tự khẳng định mình.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/310-26-633353217742891250/My-thuat---Kien-truc-Viet-nam/My-thuat-kie...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận