Ngân hàng và tài chính
Trong chương trình cải cách vào đầu thập kỷ 1990, việc cơ cấu lại cơ sở hạ tầng về tài chính đã được ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được một sự lưu chuyển có hiệu quả của đồng tiền trong nền kinh tế nội địa và tạo một môi trường an toàn cho đầu tư nước ngoài, vốn được kỳ vọng là sẽ đưa Ba Lan thoát khỏi sự trì trệ kinh tế trong thời kỳ hậu Cộng sản.
Hệ thống ngân hàng nhà nước
Ở Ba Lan hệ thống độc quyền về ngân hàng trước kia gồm có Ngân hàng Nhà nước Ba Lan, vốn đã thay thế cho Ngân hàng Ba Lan theo kiểu phương Tây từ trước chiến tranh; Ngân hàng Thương mại, vốn độc quyền về tài chính ngoại thương; Sở Tổng Tiết kiệm, vốn kiểm soát những giao dịch với những cuộc chuyển khoản tư nhân từ nước ngoài ; và khoảng 1.600 ngân hàng nhỏ ở địa phương và các ngân hàng hợp tác chuyên dụng đã cùng hợp nhất với nhau để hình thành Ngân hàng Kinh tế Thực phẩm. Để khuyến khích việc tiết kiệm của tư nhân, một ngân hàng tiết kiệm chuyên dụng, gọi là Sở Tổng Tiết kiệm, đã được thành lập năm 1987 bằng cách tách một số bộ phận của Ngân hàng Nhà nước Ba Lan. Năm 1988 có 9 ngân hàng thương mại của nhà nước được thành lập từ những chi nhánh địa phương của Ngân hàng Nhà nước Ba Lan, đồng thời với một Ngân hàng Phát triển Xuất khẩu.
Luật pháp được ban hành năm 1989 đã cho phép các cá nhân, kể cả người Ba Lan và người nước ngoài, thành lập các ngân hàng như là những công ty cổ phần hữu hạn. Từ 1989 đến 1991 có tất cả 70 giấy phép đã được cấp cho các ngân hàng tư nhân, trong đó có 7 ngân hàng được tài trợ từ vốn nước ngoài, 2 ngân hàng hợp tác, và 3 chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài. Tháng 10 năm 1991 , quá trình tư hữu hóa Ngân hàng Phát triển Xuất khẩu được bắt đầu và 9 ngân hàng thương mại của nhà nước đã chuyển thành các công ty cổ phần hữu hạn.
Những cơ sở tài chính mới
Có một số những cơ sở tài chính chuyên dụng được thành lập với sự giúp đỡ trực tiếp hoặc gián tiếp từ chính quyền Ba Lan, những tổ chức tài chính quốc tế và các chuyên gia nước ngoài để hỗ trợ cho việc cơ cấu lại nền kinh tế. Những cơ sở này bao gồm Cơ quan Phát triển Công nghiệp, Ngân hàng Phát triển Ba Lan, Công ty Bảo hiểm Tài chính Xuất khẩu, Cơ sở Tư vấn Doanh nghiệp, Quỹ Tuyển dụng và một số ngày càng nhiều các cơ sở tư vấn. Những cơ sở này được kỳ vọng sẽ cung ứng sự bảo đảm về tín dụng, giúp thành lập các doanh nghiệp mới, mua lại một số cổ phần của các công ty chuyển đổi thành sở hữu tư nhân, đồng thời thúc đẩy việc cho thuê, tái cơ cấu về tài chính, ... . Một số cơ sở mới này nhận được các quỹ tài trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế. Đồng thời Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu đã thành lập một Quỹ Đầu tư tiên doanh, hợp tác với Ngân hàng Phát triển Ba Lan.