Biểu hiện bề ngoài của cư xử có văn hóa
và cư xử thiếu văn hóa
Chắc hẳn bạn đồng ý rằng dù bạn có rộng lượng đến đâu với nhược điểm của những người xung quanh (tiện đây xin nói thêm rằng rộng lượng cũng là một chỉ số cho thấy trình độ văn hoá của con người, bạn vẫn bực bội với tiếng cười quá to chỉ nhằm một mục đích là khiến mọi người phải chú ý đến mình, với chiếc máy ghi âm mở hết công suất, với thói khiếm nhã gây phiền nhiễu cho người khác với thái độ thô bạo v.v...). Những biểu hiện của cách cư xử thiếu văn hóa gây nên ấn tượng khó chịu và phải bị phản bác nếu không thái độ đó sẽ rất nhanh chóng trở thành ngang ngược, không coi ai ra gì. Dĩ nhiên, ở đây không nói tới người ít tuổi không nhường chỗ trên xe điện cho người nhiều tuổi và bị cả toa đồng thanh lên tiếng “giáo dục”(thường kiểu “giáo dục” như vậy kết thúc bằng cảnh cả hai bên mắng chửi lẫn nhau và không làm vinh dự cho bên nào). Nếu không nhường chỗ thì người khác sẽ nhường - chẳng có gì ghê gớm cả. Nhưng nếu khuyết điểm của người ít tuổi đó thực sự làm bạn phẫn nộ thì bạn hãy nghiêng đầu về phía chị ta (hay anh ta) và lịch thiệp nói nhỏ để người xung quanh khỏi nghe thấy, đề nghị chị hay anh ta nhường chỗ cho người lớn tuổi ốm yếu kia. Chúng tôi tin chắc dù người tuổi trẻ kia có đi làm ca đêm trở về nhà hoặc bản thân cũng đang đau ốm nữa, cũng sẽ không bắt bạn phản đề nghị lời thứ hai.
Tiện đây xin nói thêm về bệnh tật. Con người hiện đại không phô bày bệnh tật của mình, và một số người, kể cả tuổi trẻ, tuy bị mắc những chứng bệnh nặng về tim mạch song không tỏ gì khác biệt về bề ngoài so với những người khỏe mạnh. Bài “giáo huấn” mà bạn lớn tiếng đọc cho chị hay anh ta nghe, có thể xúc phạm họ một cách sâu sắc và bất công. Chừng nào cách cư xử của một người nào đó không gây phiền toái rõ rệt cho người xung quanh mà không đe dọa đạo đức xã hội thì cần phải thận trọng hoặc như chúng tôi đã nói ở trên, cần khẽ nhắc nhở một cách lịch sự. Trong đa số trường hợp, hình thức can thiệp như vậy đã hoàn toàn đủ. Không nên quên rằng cách cư xử của con người ta không những chịu tác động của những lời “giáo huấn” chân thành mà còn chịu tác động của hoàn cảnh xung quanh và cách cư xử của những người khác. Chính vì thế, không những cần theo dõi cách cư xử của những người xung quanh và tìm ra thiếu sót của họ, mà cần lưu ý trước hết đến bản thân mình.
Cư xử có văn hoá cũng như cư xử thiếu văn hoá thể hiện trước hết trong những việc nhỏ nhặt. Bạn có thể tự đánh giá mình rất cao, nhưng nếu trong nhà hát, khi vở kịch đang diễn, mà bạn vo viên giấy bọc kẹo kêu sột soạt, nếu bạn đi xem phim lần thứ hai mà bạn vanh vách kể trước nội dung cho người bên cạnh mới đi xem lần đầu, nếu trong lúc đến thăm người khác, hoặc tiếp khách ở nhà mà bạn không lắng nghe câu chuyện của khách bởi vì bạn không hứng thú với câu chuyện đó và lại còn ngáp một cách lộ liễu tức là bản thân bạn có những khiếm khuyết phải sửa chữa.
Những người gây ấn tượng khó chịu còn là những người trong lúc nói chuyện xen vào đúng chỗ hoặc không đúng chỗ những từ nước ngoài hoặc luôn luôn đệm vào những cách nói thô tục. Lời nói của người có văn hoá phải rõ ràng, giàu hình ảnh, phải dùng thứ tiếng có thể hiểu được đối với đa số người xung quanh, và không bao giờ được phép nhăn nhó mặt mày hoặc dùng cử chỉ bắt chước một cách giễu cợt những người ta không ưa. Con người có văn hoá không bao giờ cho phép mình bàn công khai khuyết điểm của người khác khi không có mặt người đó. Những ai không biết người đó có thể cảm thấy câu chuyện của bạn xa lạ với họ, còn những ai quen biết người đó có thể có ý kiến riêng chưa chắc đã trùng với ý kiến của bạn.
Người có văn hoá phải biết làm chủ cảm xúc của mình. Giận dữ, vui mừng, buồn rầu, lo lắng, thờ ơ, phấn chấn - những trạng thái cảm xúc này và nhiều trạng thái khác phải thường xuyên được kiểm soát, dù bạn có cảm thấy khó kiểm soát đến đâu chăng nữa. Các dân tộc khác nhau đã đề ra những quy tắc đơn giản riêng của họ về cách cư xử trong trạng thái xúc động. Nếu bạn thấy cách đếm đến mười để kiềm chế cơn giận là tiện lợi với bạn thì bạn hãy đếm đến mười đi. Nếu bạn có khả năng làm không khí bớt căng thẳng bằng câu nói đùa đúng chỗ thì bạn cứ việc sử dụng phương pháp ấy. Nhưng không bao giờ bạn được phép buông thả cho cảm xúc - về sau bạn sẽ tự trách mình về giây phút yếu đuối đó.
Và cuối cùng, không bao giờ được phép lăng mạ ai. Dùng cách lăng mạ, bạn sẽ sỉ nhục trước hết là chính bản thân bạn chứ không phải người mà bạn lăng mạ.
Đồng thời, người có văn hoá không bao giờ lý luận dông dài (tuy về thực chất là đúng) ở những nơi mà người xung quanh chờ đợi anh ta có những hành động cụ thể. Nếu bạn thấy ngay trước mắt bạn có người sắp chết đuối hoặc bị ngất thì bạn chớ chờ đợi người khác giúp người đó mà hãy thực hiện ngay những biện pháp cần thiết dù bạn có bị thiệt hại ít nhiều chăng nữa (chẳng hạn, bạn sẽ bị ướt hoặc bạn sẽ lỡ hẹn hoặc không đi thăm được bạn bè v.v...). Khi đã giúp đỡ xong, bạn chớ chờ đợi những lời tán dương hay khen ngợi - những hành động cao quý phải xuất phát từ thôi thúc nội tâm chứ không được nhằm vào người xung quanh. Còn nếu bạn thấy người khác giúp đỡ nạn nhân có hiệu quả hơn thì hãy đứng lánh sang bên và chớ ngăn trở công việc bằng các lời khuyên hoặc chỉ bảo họ phải làm như thế nào.