Tài liệu: Kỷ luật là nền tảng

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Bất kỳ nền văn hoá nào cũng bắt đầu từ kỷ luật. Nói cách khác ở đây không thể có quy tắc: tôi muốn hay không muốn
Kỷ luật là nền tảng

Nội dung

Kỷ luật là nền tảng

Bất kỳ nền văn hoá nào cũng bắt đầu từ kỷ luật. Nói cách khác ở đây không thể có quy tắc: tôi muốn hay không muốn. Nguyên tắc ở đây là: tôi có thể làm như vậy và chỉ phải làm như vậy. Tôi không thể và không bị buộc phải làm khác đi.

Chúng ta hãy xem xét một ví dụ đơn giản nhất. Như mọi người đều biết, trong nền sản xuất hiện đại ít khi một người lại tự mình làm ra một thứ gì đó từ đầu đến cuối; tham gia vào việc sản xuất ra một thứ gì đó là hàng chục hàng trăm người, là các ngành sản xuất có liên quan và thậm chí ở nhiều nước khác nhau. Hình như nền sản xuất ngày càng phức tạp, càng phân thành nhiều nhánh nhỏ thì nó càng đặt ra ít đòi hỏi đối với một công nhân cụ thể chuyên thực hiện một công đoạn nào đấy. Vậy thì, liệu những ai có liên quan đến một chi tiết hết sức nhỏ bé trong một cơ cấu phức tạp? Và chi tiết hết sức nhỏ bé đó có thể gây hại cho hoạt động của toàn bộ cơ cấu phức tạp không?

Hoá ra là có thể gây hại được. Một công đoạn thực hiện thiếu lương tâm (ngay cả một công đoạn đơn giản như sơn bộ máy) có thể ảnh hưởng tai hại đến hoạt động bình thường của bất kỳ cơ cấu phức tạp nào (nếu vi phạm nguyên tắc công nghệ khi sơn quét thì hộp sơn có thể bung ra, bộ máy sẽ han rỉ và mau bị bỏng). Mặt khác trong nền sản xuất hiện đại cũng không được phép tuỳ tiện: chẳng hạn, bạn có nhiệm vụ chế tạo chi tiết có dạng ba cạnh, nhưng bạn lại làm nó có tới bốn cạnh, bởi vì theo bạn như vậy trông nó sẽ đẹp hơn. Chi tiết của bạn sẽ không thích hợp với bộ máy và sẽ phải vứt bỏ. Hình như đã rõ ràng rằng trình độ “văn hoá” của sản xuất bắt đầu từ kỷ luật sản xuất. Có thể mặc sức bao nhiêu khẩu hiệu về phục vụ nhân dân, có thể mặc sức phung phí những lời ngon ngọt và hứa hẹn, nhưng nếu bản thân nền sản xuất lại tổ chức theo nguyên tắc “anh đừng động đến tôi”, nếu mỗi người tham gia sản xuất lại hiểu kỷ luật theo cách chỉ tiện lợi cho riêng anh ta, thì không thể nói đến bất cứ trình độ “văn hoá” thực sự nào. Và nếu có thể nói đến điều gì thì chỉ có thể là thái độ cẩu thả tầm thường nhất, nói đến sự lừa bịp nhân dân và đất nước cũng như thái độ thô tục núp dưới vẻ “lịch thiệp”.

Chúng tôi cũng nhận thấy một nét gì đó tương tự cả trong đời thường. Bộ lễ phục buổi tối mặc ngoài bãi tắm trông cũng chướng mắt như bộ quần áo tắm mặc trong nhà hát. Và không chỉ đơn giản bởi vì nếu mặc bộ phục sức buổi tối thì bạn sẽ không tiện có mặt ngoài bãi biển, còn nếu mặc bộ quần áo tắm thì bạn sẽ không tiện có mặt trong nhà hát (có thể có cảm giác rằng nếu bạn ngồi trong nhà hát vào một buổi tối mùa hè nóng ngột ngạt thì chính bạn cũng muốn cởi bớt quần áo ra chỉ giữ lại... bộ đồ tắm). Yếu tố không cho phép bạn hành động như muốn là cảm giác về kỷ luật - khởi đầu của văn hoá.

Kỷ luật là chị em ruột của thái độ tự kiểm tra và tự phê phán. Không có thái độ tự kiểm tra và tự phê phán thì kỷ luật biến thành một gánh nặng khó chịu mà bên ngoài áp đặt cho chúng ta. Ngược lại nếu không có kỷ luật nội tâm thì việc tự kiểm tra và tự phê phán có thể bị lý giải tuỳ tiện đến nỗi không nên nói đến bất kỳ sự tự kiểm tra và sự tự phê phán nào. Theo chúng tôi, những ví dụ về cách lý giải rộng như vậy về việc tự kiểm tra và tự phê phán bạn có thể tự tìm thấy không khó khăn gì trong cuộc sống xung quanh bạn.

Con người kỷ luật cư xử có văn hoá như nhau cả ở nhà, ở trường, cả tại nơi làm việc và những chốn công cộng, thậm chí, khi chỉ có một mình. Đối với người đó, phép cư xử có văn hoá không phải là một cái gì đó những kẻ “thù địch” áp đặt cho mình, mà là một nhu cầu nội tâm. Trong số bạn bè và người quen của bạn, chẳng lẽ không có những người vẻ ngoài không có gì nổi bật nhưng bạn lại thích gặp gỡ và việc giao du với họ làm bạn thêm phong phú và khiến bạn nẩy ra ý muốn bắt chước họ hay sao? Nhưng có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng cũng trong phạm vi những người quen biết bạn thế nào cũng có một người nào đấy có vẻ ngoài hết sức nổi bật nhưng bạn lại tìm mọi cách tránh gặp gỡ trò chuyện bởi vì người đó làm bạn khó chịu. Sự trống rỗng và vô dụng của người đó, những cung cách cử chỉ chướng tai gai mắt của người đó và sự thiếu vắng bất kỳ một thứ kỷ luật nội tâm nào của người đó - đấy là chưa nói đến thái độ tự kiểm tra và tự phê phán - đẩy mọi người rời xa anh ta. Còn một lý do nữa làm bạn xa rời anh ta, đó là vì những hành động và việc làm của anh ta đi ngược lại quan niệm của bạn về cách cư xử có văn hoá.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4298-02-633736813747064272/Hanh-vi-cu-xu/Ky-luat-la-nen-tang.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận