Tài liệu: Biểu tượng quốc gia

Tài liệu
Biểu tượng quốc gia

Nội dung

Biểu tượng quốc gia

Hầu như mỗi dân tộc, quốc gia trên thế giới từ xa xưa đã lựa chọn cho mình những biểu tượng nhất định. Những biểu tượng đó có thể thay đổi theo năm tháng của lịch sử để ngày càng phù hợp hơn với bản chất của thể vật mà chúng là biểu tượng, song dù thế nào đi nữa những biểu tượng đó là một bộ phận không thể thiếu của một dân tộc, quốc gia khi họ đã ý thức được đầy đủ về mình. Những biểu tượng đó có thể là Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy, Quốc ngữ, Quốc thiều, v.v...

 

QUỐC HIỆU

Quốc hiệu là tên gọi của đất nước. Trải qua những năm tháng của lịch sử đất nước chúng ta đã từng có nhiều tên gọi khác nhau. Vào thời đại các vua Hùng nước ta gọi là Văn Lang, Âu Lạc. Vào  khoảng giữa thế kỷ III trước CN, An Dương Vương đã diệt Hùng Vương, đổi quốc hiệu là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê.

Trong thời kỳ Bắc Thuộc (179 TCN-905) nước ta có nhiều tên gọi khác nhau. Các triều đại phong kiến Trung Hoa gọi nước ta là Giao Chỉ và Cửu Chân (Hai quận thuộc nước Nam Việt của Triệu Đà), Giao Chỉ (một châu của nhà Hán).

Vào khoảng năm 622 (Vũ Đức thứ 5) lại gọi là Giao Châu. Đầu đời Chí Đức (Đường Túc Tông, 756-757) Giao Chỉ đổi thành Trấn Nam đô hộ phủ, sau lại đổi thành An Nam đô hộ phủ.

Cũng trong thời kỳ này Lý Bí khởi nghĩa thắng lợi (544-602) đã đặt tên nước là Vạn Xuân.

Vào thế kỷ X Ngô Quyền giành lại độc lập cho dân tộc với chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938. Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, xưng hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Năm 1054 nhà Lý đổi tên nước là Đại Việt.

Năm 1400 Hồ Quý Ly lên ngôi và đặt quốc hiệu là Đại Ngu.

            Nhà Minh đô hộ nước ta (1406-1 427) lại đặt nước là quận Giao Chỉ.

Năm 1428 Lê Lợi lên ngôi, trả tên cho nước tên gọi Đại Việt.

Năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt tên nước là Nam Việt, song nhà Thanh (Trung Quốc) bắt đổi lại thành Việt Nam. Vào thời Minh Mạng (1820-1840) đổi thành Đại Nam. Dưới triều Nguyễn, khi thực dân Pháp xâm lược và đô hộ nước ta (1858-1945) theo thói quen của bọn xâm lược nước ta trước đó chúng gọi nước ta là An Nam.

Ngày 19-8-1945 Cách mạng kháng Tám thành công, ngày 2-9-1945 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.

Ngày 30-4-1975 sau hơn 30 năm gian khổ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, đất nước đã hoàn toàn độc lập, giang sơn lại quy về một mối. Ngày 02-7-1976 Quốc hội thống nhất đã ra Nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, thủ đô, Quốc ca, theo đó ''Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa lấy tên là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam'' và đặt thủ đô tại Hà Nội. Điều này cũng được khẳng định trong Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992.

QUỐC HUY

Quốc huy là huy hiệu của một nước hoặc hình tượng trưng cho một nước.

Theo quy định tại Điều 142 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992: ''Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngồi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ:Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam''. Về việc sử dụng Quốc huy hiện nay căn bản vẫn theo các quy định tại Điều lệ số 973/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21-7-1956 về việc dùng Quốc huy nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, với những nội dung chính như sau:

1) Quốc huy có thể làm to nhỏ, tuỳ theo sự cần thiết. Các màu vàng ở mẫu Quốc huy có thể thay bằng màu vàng kim nhũ, hoặc có thể dùng không tô mầu.

2) Quốc huy được treo ở cửa chính cơ quan, về phía trên, chỗ trông rõ nhất tại các cơ quan sau đây:

a) Nhà họp của Chính phủ.

b) Nhà họp của Quốc hội khi họp.

c) Trụ sở uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện, xã, thành phố và thị xã.

d) Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán và lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài.

3) Quốc huy có thể treo ở lễ đài các ngày lễ lớn: 1-5 và 2-9 do chính phủ trung ương hoặc các cấp chính quyền địa phương tổ chức.

4) Rước Quốc huy: trong các cuộc mít tinh, biểu tình, tổ chức ngày 1-5 và 2-9.

5) Quốc huy được in hoặc đóng dấu nổi trên các thư giấy tờ sau:

a) Bằng huân chương, bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ.

b) Các văn bản ngoại giao như quốc thư, uỷ nhiệm thư, thư giới thiệu của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

c) Hộ chiếu.

d) Công hàm, thiếp mời, phong bì của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

đ) Các thư từ,  thiếp mời, phong bì của Chủ tịch Quốc hội trong việc giao thiệp với các cơ quan nước ngoài.

e) Công văn, thiếp mời, phong bì của các đại sứ quán và lãnh sự quán ở nước ngoài.

QUỐC KỲ

Quốc kỳ là cờ tượng trưng cho một quốc gia. Đó cũng chính là Cờ Tổ quốc. Đồng thời đó cũng là biểu trưng một cách rõ ràng quyền lực của nhân dân ta, chủ quyền của mình đối với lãnh thổ, cương vực đã được phân định.

Ngay từ những ngày đầu của nền Cộng hòa chúng ta đã có những văn bản quy định về Quốc kỳ. Đó là Sắc lệnh số 5 ngày 5-9-1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa ấn định Quốc kỳ Việt Nam. Sau đó là các văn bản như Điều lệ số 974/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21-7-1956 về việc dùng Quốc kỳ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992; Thông báo của chính phủ số 31-TB ngày 15-02-1993 về việc treo Quốc kỳ, chào cờ và hát Quốc ca, v.v... Theo quy định của các văn bản đó việc sử dụng Quốc kỳ cần đảm bảo những yêu cầu sau:

1) Quốc kỳ hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ thắm, giữa có ngôi sao vàng năm cánh màu vàng tươi với các cánh sao làm theo đường thẳng. Trung tâm của sao đặt đúng trung tâm của cờ, từ trung tâm sao đến đầu một cánh sao bằng 1/5 chiều dài; một cánh sao quay thẳng lên trên.

2) Quốc kỳ được treo trong các phòng họp của các cấp chính quyền và các đoàn thể khi họp những buổi long trọng; chỉ treo ngoài nhà những ngày tết và những ngày lễ như: Tết nguyên đán (dương lịch và âm lịch), ngày bầu cử,  ngày Quốc tế Lao động 1-5, kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5, ngày Cách mạng tháng Tám 19- 8 và ngày Quốc khánh 2-9; được treo hoặc mang đi ở những nơi có tổ chức mít tinh, biểu tình, động viên quần chúng đông đảo làm các công việc  tập thể như phát động phong trào thi đua sản xuất, đắp đê, chống hạn, v.v...

3) Các cơ quan nhà nước, các trường học (kể cả học viện), các đơn vị vũ trang, các cửa khẩu biên giới, các cảng quốc tế phải có cột cờ và treo Quốc kỳ trước công sở, hoặc nơi trang trọng trước cửa cơ quan. Trụ sở Phủ Chủ tịch, trụ sở Quốc hội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, đại sứ quán Việt Nam tại các nước, cột cờ Hà Nội, trụ sở uỷ ban nhân dân các cấp (trừ uỷ ban nhân dân phường ở thành phố, thị xã), các cửa khẩu và cảng quốc tế treo Quốc kỳ 24/24 giờ hàng ngày. Trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị vũ trang, nhà trường treo Quốc kỳ từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày.

4) Các đơn vị vũ trang, các trường phổ thông, trường dạy nghề và trung học chuyên nghiệp, các học viện, các trường đại học tổ chức chào cờ và hát Quốc ca một cách trang nghiêm vào sáng thứ hai hàng tuần, nước buổi học đầu tiên (không dùng băng ghi âm và hệ thống phóng thanh thay cho việc hát Quốc ca).

5) Quốc kỳ của ta treo với Quốc kỳ các nước khác trong những trường hợp sau đây:

a) Khi kỷ niệm Quốc khánh một nước bạn hay một nước ngoài thì treo Quốc kỳ của ta và Quốc kỳ của nước đó tại phòng lễ.

b) Khi đón tiếp đoàn đại biểu chính phủ một nước khác, thì treo quốc kỳ của ta  và Quốc kỳ nước đó ở nơi đón (nhà ga, bến tàu) và nơi đoàn ở. Đón các đoàn thể nhân dân nước ngoài thì không treo Quốc kỳ.

6) Khi treo Quốc kỳ không để ngược ngôi sao. Treo Quốc kỳ ta với Quốc kỳ nước khác: người đứng đằng trước nhìn vào thì cờ của ta ở bên tay phải, cờ nước ngoài ở bên tay trái; các cờ phải làm đúng kiểu mẫu bằng nhau (theo kích thước cờ nước chủ nhà) và treo đều nhau. Khi treo ảnh Chủ tịch nước cùng với Quốc kỳ thì để ảnh thấp hơn Quốc kỳ, hoặc để ảnh trên nền Quốc kỳ dưới ngôi sao.

7) Khi có quốc tang thì đính vào phía trên Quốc kỳ một đại vải đen, dài bằng chiều dài Quốc kỳ, rộng bằng 1/10 chiều rộng Quốc kỳ. Quốc kỳ để phủ linh cữu những người chết được Chính phủ quyết định làm lễ quốc tang.

Khi có tang lễ cờ được để rủ. Thời hạn treo cờ rủ có thể kéo dài từ ngày mất đến ngày lễ tang, hoặc được giới hạn đến ngày an táng tuỳ theo quyết định chính thức, và quyết định về việc để quốc tang phải được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Khi một chính phủ hay một thành phố quyết định treo cờ rủ, thì các lá cờ khác treo bên cạnh cũng để rủ. Việc treo cờ rủ được tiến hành như sau: trước tiên là kéo cờ lên hết như bình thường, rồi sau đó kéo xuống sao cho phần dưới của cờ ngang với nửa cột.

Khi đặt cờ bên linh cữu, cờ được đặt ở chỗ gần nhất linh cữu, và ở phía đầu. Nếu đặt lên trên, cờ phủ hoàn toàn linh cữu, chỗ danh dự (nghĩa là phần trái phía trên) được đặt lên quá trên vai trái người đã khuất.

Trước khi hạ huyệt, cần bỏ cờ ra, gập lại và trao cho người thân nhất của người đã quá cố.

8) Hình nền đỏ sao vàng được in trên các bằng huân chương, bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền.

9) Quốc kỳ được cắm vào xe tô của các đại sứ và lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài. Khi đón, đưa các đại biểu chỉnh phủ nước ngoài thì cắm Quốc kỳ của ta và Quốc kỳ nước ngoài vào xe tô đúng cho các đại biểu ấy, đứng đằng trước nhìn vào thì Quốc kỳ của ta ở bên tay phải, Quốc kỳ nước ngoài ở bên tay trái. Ngoài những trường hợp nói trên, các xe cơ quan và xe tư nhân không được cắm Quốc kỳ. Khi đón đưa các đoàn thể nhân dân nước ngoài, thì không cắm Quốc kỳ vào xe tô.

10) Việc sử dụng Quốc kỳ trong các trường hợp khác cũng cần phải được thực hiện theo các quy định của Nhà nước.

QUỐC CA

Quốc ca là bài hát chính thức được thừa nhận là bài hát chính thức của một quốc gia.

Theo quy định tại Điều 143 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992: ''Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”. Về việc sử dụng Quốc ca hiện nay vẫn theo các quy định tại Điều lệ số 975/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21 - 7-1956 và thông báo của Chính phủ số 31-TB ngày 15-02-1993 về việc treo Quốc kỳ, chào cờ và hát Quốc ca, với  những nội dung chính như sau:

1) Quốc ca có thể hát bằng lời hoặc cử bằng nhạc khi:

a) Làm lễ chào cờ.

b) Khai mạc và bế mạc những buổi họp long trọng do chính quyền hoặc đoàn thể tổ chức.

c) Hàng ngày khi bắt đầu buổi phát thanh thứ nhất và khi kết thúc buổi phát thanh cuối cùng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Lưu ý: Nếu hát thì khi khai mạc hát đoạn 1, khi bế mạc hát đoạn 2. Khi kỷ niệm ngày 1 -5, khai mạc cử Quốc ca, bế mạc cử Quốc tế ca.

2) Khi cử Quốc ca, mọi người phải bỏ mũ, đứng nghiêm (ở trong phòng họp, có treo Quốc kỳ sau chủ tịch đoàn, thì khi chào cờ, chủ tịch đoàn đứng nhìn về phía trước mình, không phải quay mặt vào Quốc kỳ. Còn những người khác thì đứng nhìn về phía Quốc kỳ).

3) Cử Quốc ca của ta và Quốc ca nước ngoài: cử Quốc ca nước ngoài trước, Quốc ca ta sau.

4) Không dùng băng ghi âm và hệ thống phóng thanh thay cho việc hát Quốc ca khi chào cờ được tổ chức vào sáng thứ hai hàng tuần, trước buổi học đầu tiên tại các đơn vị  vũ trang, các trường phổ thông, trường dạy nghề và trung học chuyên nghiệp, các học viện, các trường đại học. Lễ chào cờ tại các buổi lễ lớn của Nhà nước hoặc các buổi đón tiếp mang nghi thức Nhà nước, những buổi lễ kỷ niệm của ngành, địa phương có thể sử dụng băng ghi âm hoặc quân nhạc thay cho hát Quốc ca.

Theo Bản phụ lục số II kèm theo Sắc lệnh số 249-SL ngày 30-11 -1955 Quốc ca Việt Nam có nội dung lời như sau:

QUỐC CA

(Nhạc và lời: Văn Cao)

Đoạn 1:

Đoàn quân Việt Nam đi

Chung lòng cứu quốc

Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa

Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước

Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca.

Đường vinh quang xây xác quân thù

Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu

Vì nhân dân chiến đấu không ngừng

Tiến mau ra sa trường

Tiến lên! Cùng tiến lên!

Nước non Việt Nam ta vững bền.

Đoạn 2:

Đoàn quân Việt Nam đi

Sao vàng phấp phới

Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than

Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới

Đứng đều lên gông xích ta đập tan

Từ bao lâu ta nuốt căm hờn

Quyết hy sinh, đời ta tươi thắm hơn

Vì nhân dân chiến đấu không ngừng

Tiến mau ra sa trường

Tiến lên! Cùng tiến lên!

Nước non Việt Nam ta vững bền.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/269-26-633348906851281547/Bieu-tuong-Quoc-gia-Viet-Nam/Bieu-tuong-qu...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận